Phát hiện thêm sai phạm “tày trời” tại các DN “lương khủng”
Trong buổi gặp gỡ báo chí chiều 5/9, Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà công bố thêm 1 sai phạm lớn của các doanh nghiệp công ích bị điều tra thời gian qua. Sai phạm này được ông Hà gọi là: “Khai lao động khống để hưởng chênh lệch”.
Các doanh nghiệp khai khống hàng trăm lao động để hưởng chênh lệch, trong khi đó, thiệt thòi dồn về phía người lao động trực tiếp
Trong bản kết luận thanh tra tiền lương công bố vào cuối tháng 8, UBND TP chỉ ra 2 cái sai lớn của 4 doanh nghiệp công ích (Chiếu sáng công cộng, Thoát nước đô thị, Công trình giao thông, Công viên cây xanh) là tước đoạt quyền lợi người lao động bằng cách ký hợp đồng sai với người lao động, chi “lương khủng” cho lãnh đạo sai quy định. Chiều 5/9, Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà công bố thêm 1 sai phạm lớn nữa tại các doanh nghiệp trên là khai lao động khống để hưởng chênh lệch, số lao động sử dụng thấp hơn thực tế.
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh & Xã hội TPHCM thì trong báo cáo về phương án xây dựng tiền lương của các doanh nghiệp công ích khối sở ngành thì phát hiện nhiều số liệu không chính xác.
Như tại công ty Chiếu sáng công cộng, đơn vị này tính toán doanh thu, lợi nhuận năm 2012 giảm nhưng lại xác định số lao động tăng từ 575 lên 689 người. Qua kiểm tra thực tế trong quá trình thanh tra của UBND TP thì năm 2012 doanh thu đơn vị này tăng rất cao và lao động thực tế chỉ có 538 người, thấp hơn con số doanh nghiệp báo cáo đến 151 người.
Tại công ty Công viên cây xanh, số lao động năm 2012 đơn vị này báo cáo là 1.634 người. Trong khi đó, thực tế trong quá trình thanh tra xác định số lao động sử dụng trong năm 2012 tại đây chỉ là 1.451 người, thấp hơn con số doanh nghiệp báo cáo đến 183 người.
Video đang HOT
Còn tại công ty Thoát nước đô thị, quỹ tiền lương năm 2012 nếu tính theo cơ số 2.000.000 đồng/tháng thì cao hơn 172,5% so với quỹ tiền lương khi tính theo cơ số 1.512.500 đồng/tháng. Trong khi đó, tỷ lệ tăng tiền lương của mức 2.000.000 đồng/tháng so với 1.512.500 đồng/tháng chỉ là 32,23%.
Theo Sở LĐ-TB&XH, chính vì số liệu báo cáo không chính xác của 3 đơn vị nêu trên dẫn đến việc tính toán theo phương án 1.512.500 đồng/tháng thể hiện tiền lương bình quân người lao động giảm từ 7% – 27% so với mức lương năm 2011. Từ tính toán này, các doanh nghiệp trên “than” việc UBND TP yêu cầu áp mức lương tối thiểu 1.512.500 đồng/tháng làm thu nhập công nhân giảm. Nhưng thực tế là chỉ có thu nhập công nhân giảm vì sự đối xử bất công, còn lương thưởng của các “sếp” vẫn cao khủng khiếp.
Còn về khoảng chênh lệch số lao động mà các doanh nghiệp khai khống, theo ông Lê Mạnh Hà thì chỉ cần lương mỗi lao động 4 – 5 triệu đồng/tháng thì mỗi tháng ngân sách TP cũng mất hàng tỷ đồng. Số tiền chênh lệch do khai khống lao động trên tất nhiên sẽ không mất đi, nhưng nó về đâu, vào tay ai thì còn cần điều tra thêm.
Tùng Nguyên – Đình Thảo
Theo Dantri
Lao động công ty công ích có lương 'khủng' sẽ không bị truy thu
Lương bình quân lao động của các công ty công ích tại TP HCM hàng chục triệu đồng mỗi tháng là vô lý, song Phó chủ tịch thành phố Lê Mạnh Hà cho biết sẽ không truy thu khoản chênh lệch.
"Làm sai quy định của UBND TP là lỗi của lãnh đạo các công ty. Nếu truy thu thì chỉ truy thu các lãnh đạo, chứ quan điểm chỉ đạo của Ủy ban là không lấy một đồng nào của người lao động, kể cả việc các công ty đã chi cho công nhân vượt quy định", Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà khẳng định với báo chí chiều 5/9.
Ông cho biết, trong văn bản kết luận của UBND TP chỉ yêu cầu Công ty Công viên Cây xanh thu hồi số tiền đã chi sai cho cấp quản lý vì áp dụng mức lương sai quy định của UBND TP và khôi phục quyền lợi cho người lao động bị tước đoạt chứ chưa từng đề cập một từ nào sẽ thu hồi tiền của công nhân.
"Người lao động không có lỗi gì trong chuyện trả lương sai quy định của UBND TP cả nên công nhân các công ty này có thể yên tâm", ông Hà cho biết.
Trước thông tin nhân viên công ty Cây xanh lo lắng vì sợ bị thu hồi tiền lương, Phó chủ tịch UBND TP HCM khẳng định quan điểm của thành phố là "không thu hồi một đồng xu nào của người lao động". Ảnh: Hữu Công.
Theo ông Hà, do năm 2012 tình hình kinh tế khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo lương tối thiểu năm 2012 không được cao hơn năm trước để tiết kiệm cho ngân sách nhưng vẫn đảm bảo đời sống cho người lao động không thấp hơn 2011. Tuy nhiên, khi UBND TP tính toán như thế thì các doanh nghiệp phản ứng vì cho rằng mức lương mới phải được công bố sớm hơn.
"Thực tế mà nói thì phải đưa ra sớm hơn, nhưng việc đưa ra mức lương trễ theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì cũng không gây ảnh hưởng gì. Vì theo quy định của UBND TP cũng như quy định chung thì mức lương của ban điều hành công ty năm 2012 chỉ được bằng 70% lương của năm 2011 mà thôi. Thế nhưng các doanh nghiệp này vẫn lấy mức cao nhất để chi cho năm 2012", ông Hà lập luận và cho biết các văn bản của Ủy ban không hề mâu thuẫn nhau vì văn bản sau bao giờ cũng có hiệu lực hơn.
Theo ông Hà, thêm một điều phải điều chỉnh nữa đó là bộ định mức. Ví dụ như việc đào trồng một cái cột điện, cách đây 5 năm cần 10 người làm, nhưng hiện nay với công nghệ hiện đại chỉ cần một người với một một chiếc xe thôi "nhưng người ta vẫn lấy cái định mức cũ là 10 người để trình với nhà nước rồi lấy số tiền chênh lệch đó đem chia nhau".
Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà chủ trì cuộc họp với báo chí về vụ "lương khủng" chiều 5/9. Ảnh: Hữu Công.
"Nếu chia công bằng vẫn đã sai rồi, vậy mà mấy ông còn chia không công bằng, nghĩa là người lao động trực tiếp thì lương lại rất thấp, lao động thường xuyên lại cao hơn và lãnh đạo lại cao hơn rất nhiều. Vi phạm như vậy là quá rõ ràng", ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, trong văn bản kết luận ông chỉ yêu cầu Công ty Công viên cây xanh phải liệt kê rõ trong năm 2012 đã ký bao nhiêu hợp đồng ký ở mức 2 triệu đồng một tháng để làm đơn giá. Căn cứ những hợp đồng này, áp dụng mức lương 1.520.500 đồng, sẽ dư ra số tiền chênh lệch và đề nghị doanh nghiệp báo cáo biện pháp xử lý để UBND TP xem xét giải quyết.
"Tôi chưa hề yêu cầu thu hồi số tiền này, không có một dòng nào nói thu hồi cả nhưng mà họ cố tình nói với báo chí và người lao động là phải thu hồi gây hoang mang. Đây là trách nhiệm rất lớn, ngoài những sai phạm mà báo chí đã thông tin như thời gian vừa qua", ông Hà nói và cho biết sẽ xử lý vấn đề này.
Về mức lương tối thiểu đối với lĩnh vực công ích, ngày 10/11/2011, UBND TP HCM ban hành văn bản số 5626/UBND-ĐTMT về việc điều chỉnh hệ số chi phí nhân công, máy thi công theo mức lương tối thiểu mới từ ngày 1/1/2011 đến 31/12/2012, đối với lĩnh vực đơn vị công ích trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND TP HCM cho phép ngành công viên cây xanh áp dụng mức lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng để làm cơ sở chi trả lương cho người lao động, từ ngày 1/10/2011 đến 31/12/2012. Sau đó, ngày 9/7/2012, UBND TP HCM lại có văn bản chỉ đạo "Trong thời gian chờ các sở rà soát về định mức lao động để báo cáo đề xuất trình thường trực UBND TPHCM, các Công ty căn cứ vào tình hình lương năm 2011, kế hoạch hoạt động năm 2012 để tạm ứng tối đa không quá 80% mức đơn giá tiền lương năm 2011 đã được duyệt...". Một năm sau (ngày 23/7/2013), UBND TP HCM có văn bản số 3767/UBND-CNN quy định mức lương tối thiểu cho phép các doanh nghiệp công ích năm 2012 áp dụng không quá 1.512.500 đồng một tháng, để làm cơ sở chi trả lương cho người lao động và quyết toán tiền lương theo quy định.
Hữu Công
Theo VNE
Không thu hồi tiền lương quá cao của người lao động Theo Phó chủ tịch TP HCM Lê Mạnh Hà, lương bình quân của lao động tại Công ty Chiếu sáng công cộng hơn 55 triệu đồng một tháng là "điều rất vô lý, không thể chấp nhận được", nhưng thành phố sẽ không thu hồi. "Việc làm sai quy định của UBND TP là lỗi của lãnh đạo các công ty này. Nếu...