Phát hiện “sát thủ không tay” – loài quái thú mới ở Nam Mỹ
Quái thú Koleken inakayali có dáng dấp gần giống người họ hàng T-rex nhưng da trơn hơn và chi trước gần như biến mất.
Các mảnh hóa thạch lạ được khai quật tại khu vực Patagonia ở Argentina vừa giúp giới cổ sinh vật học xác định không chỉ một loài mà cả một chi khủng long mới. Đó là loài Koleken inakayali, thuộc chi Furileusauria.
Loài này sống vào thời điểm 69 triệu năm trước, tức gần cuối kỷ Phấn Trắng, chỉ 3 triệu năm trước khi thảm họa tiểu hành tinh Chicxulub xóa sổ toàn bộ khủng long, dực long, thương long, ngư long…
Vẻ ngoài của quái thú mới Koleken inakayali được tái hiện – Ảnh: Gabriel Díaz Yantén
Theo phân tích của nhóm nghiên cứu từ Bảo tàng Khoa học tự nhiên Bernardino Rivadavia Argentina và Hội đồng Nghiên cứu khoa học – kỹ thuật Quốc gia Argentina, loài mới này thuộc về một nhóm khủng long lớn hơn, gọi là Abelisauridae.
Abelisauridae là họ hàng xa của khủng long bạo chúa T-rex, vốn đã được phân nhánh từ giữa kỷ Jura.
Vì vậy, dáng dấp quái thú mới có nhiều nét tương đồng với T-rex và mang đặc trưng của khủng long chân thú nói chung, bao gồm cặp chân sau chắc khỏe và “đôi tay” bị teo nhỏ.
Koleken inakayali có lẽ là một trong những con có “tay” bị teo nặng nề nhất trong dòng họ này, với hình ảnh mô tả cho thấy chúng chỉ còn như hai rẻo thịt thừa.
Tuy vậy, phần hóa thạch được tìm thấy của Koleken inakayali, gồm một số xương sọ, các chi sau gần như hoàn chỉnh và các bộ phận xương khác, đủ cho thấy nó là một quái thú ăn thịt nguy hiểm, theo bài công bố trên tạp chí khoa học Cladistics.
Hóa thạch được tìm thấy trong Hệ tầng La Colonia tại khu vực Cerro Bayo Norte, phía Đông Sierra de La Colonia, thuộc tỉnh Chubut, Patagonia – Argentina.
Toàn bộ khu vực Patagonia này vốn tập trung rất nhiều loài quái thú cổ xưa, bao gồm những khủng long ăn cỏ, các loài bò sát, động vật có vú, lưỡng cư khác.
Trước đó, một loài họ hàng gần khác của Koleken inakayali là Carnotaurus sastrei cũng đã được tìm thấy tại La Colonia.
Phát hiện này giúp củng cố thêm các bằng chứng cho thấy Abelisauridae là nhóm khủng long chân thú phong phú nhất trong giai đoạn cuối kỷ Phấn Trắng, xuất hiện ở tất cả các vùng thuộc siêu lục địa phía Nam Gondwana, ngoại trừ Nam Cực và châu Đại Dương.
"Thần Hủy diệt" áp sát Trái Đất năm 2029, chạm trán tàu vũ trụ
"Thần Hủy diệt" là biệt danh giới khoa học đặt tên cho Apophis, một trong những vật thể có nguy cơ cao va chạm với Trái Đất.
Tiểu hành tinh Apophis được đặt theo tên Apep - một con rắn quỷ khổng lồ độc ác, kẻ cai trị bóng đêm và sự hỗn loạn trong thần thoại Ai Cập - được các cơ quan vũ trụ hàng đầu coi là tiểu hành tinh nguy hiểm nhất đối với Trái Đất.
Một tính toán trước đó từng cảnh báo Apophis có thể va chạm địa cầu vào thứ sáu ngày 13-4-2029.
Apophis trên vùng không gian gần Trái Đất - Ảnh đồ họa: NASA
Song, rất may là các tính toán tinh vi hơn sau này cho thấy đó sẽ chỉ là một cú áp sát đe dọa trong phạm vi 48.300 km. Trong ít nhất 100 năm tới, nhân loại có thể tạm thở phào.
Mặc dù vậy, đây vẫn là vật thể rất cần được theo dõi và nghiên cứu kỹ.
Theo Space.com, trong dự án "NEAlight", một nhóm nghiên cứu từ Đại học Julius Maximilians Würzburg (JMU - Đức) đã tiết lộ ý tưởng về việc cử tàu vũ trụ giáp mặt Apophis vào năm 2029 để tìm hiểu rõ hơn về nó cũng như về những vật thể đe dọa Trái Đất nói chung.
Ý tưởng đầu tiên của nhóm là một vệ tinh nhỏ sẽ tham gia cùng Apophis trong khoảng thời gian hai tháng khi nó tiếp cận gần Trái Đất.
Nhiệm vụ đặc biệt này sẽ đầy thách thức vì thời gian của nó, khoảng cách cần thiết để di chuyển và thực tế là tàu sẽ phải hoạt động tự chủ trong thời gian dài. Nó cũng sẽ phải phóng ít nhất một năm trước khi Apophis đến vùng lân cận Trái Đất.
Ý tưởng thứ hai của nhóm liên quan đến việc tích hợp với một tàu vũ trụ lớn hơn đang được ESA lên kế hoạch có tên là RAMSES, là tàu vũ trụ nghiên cứu vành đai bức xạ Van Allen bao quanh hành tinh.
Nhiệm vụ này có thể mang theo vệ tinh nhỏ hơn, thiết bị đo lường và kính thiên văn, trong đó có một vệ tinh do nhóm JMU thiết kế nhằm thu thập dữ liệu về Apophis.
Ý tưởng thứ 3 liên quan đến một vệ tinh nhỏ sẽ chỉ bay qua Apophis trong thời gian ngắn khi tiểu hành tinh này ở gần Trái Đất nhất, chụp ảnh tiểu hành tinh trong quá trình này.
Tuy dễ làm nhất và chỉ cần phóng 2 ngày trước cú tiếp cận, ý tưởng thứ 3 sẽ đem lại ít dữ liệu khoa học nhất bởi thời gian tiếp cận ngắn.
Ngoài Apophis, các ý tưởng trên có thể được thiết kế để nhắm vào các vật thể đe dọa Trái Đất khác.
Nhân loại đã biết đến khoảng 1,3 tiểu hành tinh trong Thái Dương hệ, trong đó khoảng 2.500 tiểu hành tinh được coi là có khả năng gây nguy hiểm (PHA).
Chúng là các vật thể có bề ngang rộng nhất đạt 140 m trở lên, lướt qua Trái Đất trong khoảng cách dưới 20 lần khoảng cách Mặt Trăng - Trái Đất.
Trong đó, "Thần Hủy diệt" Apophis có bề rộng lớn nhất khoảng 335 m, đứng đầu danh sách PHA có rủi ro tác động của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và Bảng Rủi ro Sentry của NASA.
NASA đã cử tàu vũ trụ đến Apophis
Trên thực tế, đã có một tàu vũ trụ của con người đang trên đường tìm đến "Thần Hủy diệt". Đó là OSIRIS-APEX của NASA.
OSIRIS-APEX có tên trước đó là OSIRIS-REx, đã trả mẫu một hành tinh khác về Trái Đất hồi cuối tháng 9-2023 bằng cách thả dù, sau đó tiếp tục hành trình bay tới Apophis.
OSIRIS-APEX sẽ có nhiệm vụ tiếp cận trong thời điểm tiểu hành tinh này đến gần Trái Đất, khám phá cấu trúc, thành phần và bề mặt của Apophis cũng như những thay đổi sau cú áp sát.
Phát hiện quái thú "Kẻ hủy diệt" dài 30 m ở Argentina Quái thú vừa được xác định là một trong những sinh vật khổng lồ nhất từng bước đi trên địa cầu với trọng lượng khi còn sống lên tới 67 tấn. Nhóm nghiên cứu quốc tế đã đặt cho loài quái thú mới là Bustingorrytitan shiva, dựa theo tên thần Shiva của Hindu giáo, được tôn thờ như vị thần hủy diệt, sáng...