Phát hiện nhiều dấu tích người tiền sử hàng ngàn năm trước ở Đắk Nông
Quá trình khai quật khảo cổ, Đoàn khảo sát địa chất phát hiện nhiều hiện vật thời tiền sử được đánh giá xuất hiện từ hàng ngàn năm trước tại tỉnh Đắk Nông.
Chiều 15/3, ông Vũ Tiến Đức – Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên cho biết, đang tiến hành khai quật khảo cổ tại địa điểm thôn 7 (xã Đắk Drô, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông).
Theo thông tin ban đầu, từ tháng 5/2022, Đoàn khảo sát địa chất của Tiến sĩ La Thế Phúc (Hội khảo cổ học Việt Nam) đã phát hiện xung quanh sườn đồi ở hệ thống thung lũng cổ huyện Krông Nô có những hiện vật bằng đá thạch anh mang nhiều nét tương đồng của thời kỹ nghệ An Khê. Những hiện vật này được phân bố trên diện rộng.
Đoàn khảo sát địa chất tiến hành khai quật khảo cổ tại địa điểm thôn 7 (xã Đắk Drô).
Do đó, Hội khảo cổ học Việt Nam đã gửi báo cáo cho UBND tỉnh Đắk Nông đề xuất những biện pháp nghiên cứu, khai quật những di tích này.
Ông Vũ Tiến Đức cho hay, sau nhiều ngày tiến hành khai quật 2 hố với diện tích 26m2 tại khu vực thôn 7, xã Đắk Drô, đoàn đã phát hiện nhiều hiện vật thời tiền sử được đánh giá xuất hiện từ hàng ngàn năm trước. Qua đó, đoàn nhận định đây là một di tích tiêu biểu cho một giai đoạn, phát triển thời tiền sử của vùng Tây Nguyên. Những hiện vật khai thác được sẽ được Cục Di sản văn hóa kiểm nghiệm và công bố kết quả.
Nơi phát hiện nhiều hiện vật thời tiền sử.
Trước đó, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch có quyết định cho phép Bảo tàng tỉnh Đắk Nông phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên khai quật khảo cổ tại thôn 7 (xã Đắk Drô, huyện Krông Nô).
Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch yêu cầu, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Bảo tàng tỉnh Đắk Nông, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc.
Phát hiện dấu tích của loài khủng long cổ dài đặc biệt ở Trung Quốc
Loài khủng long mới được đặt cho cái tên khoa học Jiangxititan ganzhouensis. Nó sống trong kỷ Phấn Trắng muộn, tại khu vực hiện nay là Trung Quốc.
Hình ảnh minh họa về loài khủng long cổ dài vừa được phát hiện ở Trung Quốc. (Nguồn: Sci.News)
Các nhà cổ sinh vật ở Trung Quốc vừa phát hiện các mảnh hóa thạch của một loài khủng long cổ dài mới đã từng sống trên Trái đất cách nay từ 72 đến 66 triệu năm trước.
Loài khủng long mới được đặt cho cái tên khoa học Jiangxititan ganzhouensis. Nó sống trong kỷ Phấn Trắng muộn, tại khu vực hiện nay là Trung Quốc.
Một phần bộ xương của loài khủng long này đã được tìm thấy ở tầng địa chất Nanxiong gần thị trấn Tankou, thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Mẫu khai quật bao gồm 7 đốt sống ở cổ và phần lưng trước, một số xương sườn cổ và xương sườn ở lưng.
Jiangxititan ganzhouensis được cho là cùng nhóm với loài khủng long chân thằn lằn Titanosauria (Thằn lằn hộ pháp).
Tác giả chính của nghiên cứu mới, ông Jin-You Mo thuộc bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quảng Tây, cùng các đồng nghiệp của mình đã đăng công trình của họ trên tuần báo khoa học Historical Biology: "Jianxititan ganzhouensis khá đặc biệt so với những loài Titanosauria khác sống ở Châu Á ở chỗ nó là loài duy nhất có phần xương ức khá sâu và các gai thần kinh ở sau cổ và phần lưng trước."
Jiangxititan ganzhouensis là loài khủng long chân thằn lằn Titanosauria thứ hai được tìm thấy trong tầng địa chất Nanxiong.
Các nhà cổ sinh vật học nói rằng: "Trong những năm gần đây, tầng địa chất Nanxiong đã phát lộ hóa thạch của rất nhiều loại động vật có xương sống, bao gồm cả khủng long chân thú, khủng long chân chim, cá sấu, rùa, thằn lằn hay động vật có vú, cũng như một số lượng lớn trứng khủng long. Nhưng trước đó khu vực này mới chỉ xuất hiện đúng một loài khủng long chân thằn lằn là Gannansaurus sinensis"
Sau khi phân tích nhóm các nhà nghiên cứu đã để Jiangxititan ganzhouensis vào nhóm khủng long chân thằn lằn cổ dài-Lognkosauria.
"Jiangxititan ganzhouensis thể hiện các đặc điểm cho thấy vị trí phân kỳ của nó muộn hơn so với loài Gannansaurus sinensis. Cụ thể hơn, Jiangxititan ganzhouensis đã được khai quật và xác nhận là Lognkosauria. Nhưng Gannansaurus sinensis lại là một loài Titanosauria không nằm trong nhánh phân kỳ muộn, bao gồm loài Diamantinasauria và Lithostrotia".
Nhóm cho biết thêm: "Do Jiangxititan ganzhouensis không có các đặc điểm giống với Gannansaurus sinensis nên chúng tôi càng tự tin rằng nó là một loài khác biệt chứ không phải Gannansaurus sinensis. Việc phát hiện ra Jiangxititan ganzhouensis đã chứng minh sự hiện diện của cả loài khủng long chân thằn lằn Titanosauria phân kỳ sớm và phân kỳ muộn trong quần thể khủng long khu vực Quảng Châu tại kỷ Phấn trắng muộn"./.
Hé lộ bí mật khiến xác ướp thiếu nữ Inca bất hoại suốt nghìn năm Một xác ướp thiếu nữ Inca, được tìm thấy trên dãy Andes được bảo quản một cách hoàn hảo. Với môi trường khô cằn và lạnh giá độc đáo của dãy Andes, kết hợp với nghi lễ chôn cất cao cấp thời cổ đại khoảng 1.000 năm trước đã tạo ra điều kiện tốt nhất để bảo quản xác ướp tự nhiên. Từ...