Phát hiện loài côn trùng giúp con người gom rác nhựa
Một loại ấu trùng thuộc Bộ Cánh lông đã thích nghi với sự ô nhiễm môi trường, tuy nhiên điều này có thể đánh đổi bằng mạng sống của chúng.
Các loài côn trùng thường xây kén cùng những tinh thể cát li ti. Gần đây, nhóm nghiên cứu sinh học tại Đức phát hiện một vài trường hợp đắp kén bằng hạt vi nhựa, miếng nhựa nhỏ hoặc các sợi nhựa có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Loại côn trùng này có họ Lepidostoma basale thuộc Bộ Cánh lông, được tìm thấy rộng rãi khắp châu Âu như Anh, Đức và Tây Ban Nha. Ấu trùng của loài này thường sống trong kén hình ống hoặc hình nón do chúng tự xây.
Để tìm hiểu về hiện tượng, nhóm nghiên cứu của Viện Thủy văn Đức đã mang một số ấu trùng về phòng thí nghiệm và quan sát.
Cụ thể, các nhà khoa học đã thu thập toàn bộ môi trường sống xung quanh như nước suối, lá cây và cả mảnh gỗ mà ấu trùng đang bám vào. Sau đó, họ đặt chúng trên một hỗn hợp gồm cát và 2 loại vi nhựa siêu nhỏ, trong đó có cả hạt nhựa PVC mịn.
Tiếp theo, các nhà khoa học đã nhẹ nhàng đẩy ấu trùng ra ngoài chiếc kén cũ, để chúng sớm tạo một kén mới trong điều kiện sống của thí nghiệm.
Hình ảnh kén ấu trùng làm hoàn toàn từ cát (hàng trên) và kén ấu trùng được xây từ cát và các hạt vi nhựa (hàng dưới). Ảnh: Atlasobscura.
Sau 48h hoàn thành kén mới, kết quả cho thấy 79% các ấu trùng đã sử dụng các loại hạt vi nhựa trước, sau đó mới chuyển qua sử dụng cát.
“Nguyên nhân có thể vì hạt vi nhựa nhẹ hơn cát, giúp các ấu trùng dễ dàng dùng nguyên liệu này để bao bọc cơ thể mỏng manh của chúng”, Sonja Ehlers, thành viên của nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận định bộ vỏ kén bằng hạt vi nhựa có cấu trúc kém ổn định hơn bộ kén làm từ cát. Ngoài ra, bộ vỏ bọc bằng nhựa có màu sắc sặc sỡ, không có tính ngụy trang, làm tăng khả năng ấu trùng bị ăn thịt bởi chuồn chuồn và các loài cá khác.
Bộ vỏ kén bằng vi hạt nhựa có màu sắc nổi bật, không có tính ngụy trang, làm tăng khả năng ấu trùng bị ăn thịt. Ảnh: Atlasobscura.
Các loài côn trùng họ L.basale giúp ích trong việc dọn dẹp hệ sinh thái thủy sinh như ăn các vụn gỗ, tảo biển. Loài này còn là thức ăn cho dơi, ếch… “Ảnh hưởng của Bộ Cánh lông có thể tác động lên cả hệ sinh thái”, Matt Simon viết trên tạp chí Wired.
Nghiên cứu viên Ehlers tỏ ra quan tâm về sự ảnh hưởng của các hạt vi nhựa lên các loài côn trùng sống trên cạn, chẳng hạn như mối. Ehlers cũng muốn tìm hiểu liệu nhựa có thể giải phóng độc tố hoặc gây ảnh hưởng đến các ấu trùng sống xung quanh hay không.
Trong khi các nhà khoa học tiếp tục tìm câu trả lời cho mối tương quan giữa hạt vi nhựa và sự phát triển của các loài côn trùng, cách tốt nhất để bảo vệ các các loài sinh vật là hạn chế rác thải ra ngoài môi trường.
Con vờ vờ - đặc sản của sông Hồng ít người biết
Vờ vờ là loài thuộc bộ phù du. Đây được coi là đặc sản ít người biết của sông Hồng.
Vờ vờ là loài thuộc phù du là nhóm côn trùng tương đối nguyên thủy, thể hiện một số đặc điểm cổ xưa có lẽ đã hiện diện ở những côn trùng bay đầu tiên.
Ấu trùng vờ vờ sống trong nước, có thể sống từ 1 đến 3 năm. Sau khi lột xác lên bờ chúng chỉ có thể sống trong vài giờ ngắn ngủi nên được coi là quán quân chết yểu.
Tuy nhiên, ít người biết, vờ vờ cũng là một đặc sản hiếm có của sông Hồng.
Ở Hà Nội, có 2 địa điểm săn bắt vờ vờ lớn nhất là ở Ninh Sở (Thường Tín) và khu vực sông Hồng đoạn qua cầu Vĩnh Tuy.
Trước kia, người đi săn vờ vờ chỉ dùng vợt tay, còn nay thì sử dụng thuyền máy để tăng năng suất.
Vờ vờ cánh mỏng, bay yếu, chỉ bay là là trên mặt nước. Ấu trùng vờ vờ được cho là sống ở nước ngọt và chỉ sống được ở vùng nước sạch, không bị ô nhiễm.
Đi săn vờ vờ, người ngư dân phải dậy chuẩn bị từ 3-4h sáng.
Vờ vờ ra nhiều nhất vào khoảng 5h30 sáng. Cách đây vài năm, lượng vờ vờ bị giảm đi đáng kể, đến năm nay thì có gia tăng đôi chút.
Mùa đi săn vờ vờ kéo dài khoảng từ tháng 1 đến tháng 6 âm lịch. Nhưng nhiều nhất và chất lượng ngon nhất là khoảng tháng 2 tháng 3 âm lịch.
Để săn vờ vờ, thuyền máy chỉ cần trang bị một lưới vợt ở trước mũi thuyền và chạy qua lại để bắt.
Thời gian cao điểm, mỗi đêm ngư dân có thể bắt được 10-15kg vờ vờ.
Cận cảnh một con vờ vờ.
Đây là loài vật vốn rất nổi tiếng với người dân vùng sông nước sống xung quanh sông Hồng nhưng lại rất ít người biết đến.
Vờ vờ có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon đặc sản như chiên giòn, chiên mắm, nhưng ngon nhất là om chua với mẻ và cá ngạnh.
Do số lượng đánh bắt ít, giá của vờ vờ khá cao và thường ít khi có ngoài chợ.
Trung bình vờ vờ có giá khoảng 400-500.000 đồng/kg, ở lúc cao điểm có thể lên tới 1 triệu đồng/ kg.
Con vờ vờ - đặc sản sông Hồng
1001 thắc mắc: Loài côn trùng nào có tuổi thọ ngắn ngủi nhất thế giới? Trong khi một số loài côn trùng sống trong hàng trăm năm thì lại có một số loài khác chỉ sống được vài giờ. Phù du là loài vật có tuổi thọ ngắn nhất trên trái đất này Phù du là loại côn trùng tương đối cổ xưa, đã xuất hiện từ hơn 300 triệu năm trước. Thân nó bé nhỏ yếu ớt,...