Phát hiện loài cá cóc quý hiếm màu đen nhánh pha màu cam
Mới đây, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Nghệ An đã phát hiện ra một loài cá cóc quý hiếm. Theo cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên thì loài cá này cần được bảo tồn.
Con cá cóc có đuôi màu ca, các phần cơ thể đen nhánh
Điều đáng chú ý là 4 chân của con cá cóc đều màu vàng, trong lòng bàn chân màu đen. Riêng, hai chân trước chỉ có 4 ngón và 2 chân sau 5 ngón.
Sáng 2/8, ông Nguyễn Danh Hùng – Giám đốc, kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho PV Dân trí biết, cán bộ Khu bảo tồn vừa mới phát hiện loài cá cóc này vào khoảng 20h, ngày 24/7/2014 tại khu vực tiểu khu 101 (xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, Nghệ An) thuộc địa phận quản lý của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Theo ông Hùng, thì trước đó cũng đã phát hiện ra loài cá cóc này tại một số vị trí khác như tiểu khu 97.
Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết, loài cá cóc này có hình dạng giống thằn lằn, là loài lưỡng cư cả trên cạn và dưới nước, dài khoảng 8-11cm, đầu rộng, tuyến mang tai gồ cao, phình rộng, giữa sống lưng có gồ nổi kéo dài tiếp nối với đuôi hai bên sườn có nhiều khối u tròn lồi khá lớn chạy từ chi trước đến gốc đuôi.
Con cá cóc có thân hình dài từ 8-11cm, màu đen, đuôi màu vàng cam.
Là loại có đuôi nhỏ, dài màu vàng cam phát hiện được các khu vực áo tù.
Gần như toàn bộ thân có những nốt sần nhỏ, mặt dưới bụng có những nếp nhăn nằm ngang. Chi trước có 4 ngón, chi sau có 5 ngón. Mặt dưới các ngón và riềm phía dưới của đuôi có màu cam. Màu nâu sẫm chiếm toàn bộ cơ thể của cá cóc. Theo mô tả của người dân địa phương riêng với loài này còn có một số con có viền vàng ở cằm dưới. Đuôi dẹp theo chiều thẳng đứng, mút đuôi nhọn
Đặc điểm, loài này sống ở những nơi ao tù, nước đọng, và vũng nước tĩnh. Ở đây người dân bản địa đã đặt tên cho một số ao mang tên là ao cá cóc. Độ cao so với mặt nước biển khu vực phát hiện ra loài cá cóc này có độ cao trên 500m.
Video đang HOT
Được biết, Khu BTTN Pù Hoạt nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 180km. Tổng diện tích tự nhiên 90.741 ha, nằm trên địa bàn 9 xã bao gồm: Đồng Văn, Cắm Muộn, Châu Thôn, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Thông Thụ, Nậm Nhóng, Tiền Phong và Tri Lễ thuộc huyện Quế Phong.
Theo cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thì loại cá cóc này cần được bảo tồn và rất quý.
Khu BTTN Pù Hoạt có các đỉnh núi cao Pù Hoạt (cao 2.457m), Pa Khăm cao 2.007m, Chóp Cháp cao 1.725m, Pù Vĩ cao 1.645m, Cao Ma cao 1.487m, Pù Đình cao 1.248m, Pắn Mô cao 1.213m… và nhiều đỉnh núi khác có độ cao trên 1.000m.
Theo lãnh đạo của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, đến nay đã ghi nhận được 118 loài thú, 30 họ và 12 bộ thuộc lớp Mammalia; lớp chim Aves: 372 loài, 54 họ, 17 bộ; lớp Bò sát Reptilia: 62 loài, 16 họ, 2 bộ; Lớp Ếch nhái Amphibia: 37 loài, 7 họ, 2 bộ; Thú 6 loài, Chim 66 loài, Bò sát 20 loài, Ếch nhái 11 loài.
Hơn 1 năm nay kể từ khi thành lập, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã bắt được 3 con cá cóc và đã gửi đi nghiên cứu. Theo cán bộ khu bảo tồn thì loại cá cóc này rất hiền, khá đẹp mắt cần được bảo tồn để lấy nguồn gen.
Trong số 589 loài động vật có xương sống đã ghi nhận được tại KBTTN Pù Hoạt thì có 74 loài loài nguy cấp quý hiếm có giá trị bảo tồn cao, có 58 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 25 loài cấp đe dọa EN, 36 loài cấp đe dọa VU, 5 loài cấp đe dọa LR; 8 loài cấp CR; 323 loài có tên trong Danh lục Đỏ IUCN trong đó có: Cấp đe dọa EN có 11 loài; Cấp VU có 21 loài…
Hiện khu hệ động vật ở Pù Hoạt ở mức độ đa dạng cao về tài nguyên thú, mức khá về Chim, trung bình đa dạng về thành phần loài bò sát và ếch nhái. Tuy nhiên ở mức đa dạng cao về số bộ, họ. Đặc biệt là sự có mặt của một số loài đặc hữu, quý hiếm của Việt Nam: voọc xám, vượn má trắng, hổ Đông dương, gà lôi vằn, thỏ vằn, mang lớn, mang Pù Hoạt, bò tót, hồng hoàng,.. và một số loài chim, bò sát, ếch nhái khác có phạm vi phân bố hẹp, hiện được thế giới đặc biệt quan tâm.
Nguyễn Phê
Theo Dantri
Cầu treo "lỏng lẻo" vì thiếu kinh phí!
Các cầu treo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được phân cấp quản lý cho huyện và xã. Thế nhưng một thực tế là các cầu treo đang bị đối tượng xấu "xà xẻo" các bộ phận dẫn đến hư hỏng, trong khi đó kinh phí quản lý, bảo vệ cầu lại không có.
Kiểm tra đâu hỏng đó
Cuối năm 2013, Sở GTVT tỉnh Nghệ An đã kiểm tra đánh giá hiện trạng toàn bộ cầu treo đang khai thác sử dụng trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 36 cầu treo đang được khai thác sử dụng nhưng có tới 30 cầu cần phải được sửa chữa với kinh phí dự kiến lên tới gần 24 tỷ đồng.
Trong đó huyện miền núi Quế Phong có 12 cầu thì có tới 9 cầu bị hư hỏng và cần tới hơn 6,6 tỷ đồng để sữa chữa. Huyện Quỳ Châu có 5/5 cầu bị hư hỏng; Kỳ Sơn 3/3 cầu, các huyện Con Cuông, Tương Dương có 4/5 cầu hư hỏng cần phải sữa chữa.
Cầu treo Sốp Mạt (xã Lượng Minh, Tương Dương, Nghệ An) bị đứt mố neo, dầm cầu bị biến dạng và 40% ván ngang lát cầu bị hỏng.
Theo kết quả kiểm tra, cầu treo Na Lành qua suối bản Cướm (xã Diễn Lãm, huyện Quỳ Châu) bị mất một số đinh, ốc neo, gióng neo, bản mặt cầu bị hư hỏng. Cầu treo Na Xá (xã Châu Hoàn, Quỳ Châu) lan can thép bị đứt gãy nhiều đoạn, han gỉ; bề mặt cầu bị mục nát, gãy vỡ tới 60%, một chi tiết nối giữa dây treo và cáp chủ bị đứt... gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi đi qua.
Cầu treo Mường Nọc (xã Mường Nọc, Quế Phong) bị mất trộm 7 khoang lan can thép; trụ tháp, các dầm ngang, dầm dọc, khuyên, cóc cáp... bị han gỉ nặng. Cầu treo bản Ná Chạng (xã Tri Lễ, Quế Phong) có tới 70% lan can thép bị hạn gỉ, đứt gãy. Cầu treo khu tái định cư Piếng Phà Mựt (xã Đồng Văn, Quế Phong) bị hư hỏng nặng, lan can cột gỗ, dây thép D8 bị mục nát, hư hỏng, bản mặt cầu gỗ bị mục nát, hư hỏng hoàn toàn; ụ cáp néo chống rung lắc phía thượng lưu bị kéo đổ sập và đứt dây cáp phía thượng lưu gây lệch cầu; đầm dọc phía thượng lưu bị cong vênh.
Các cầu treo còn lại trên địa bàn huyện Quế Phong như cầu Phả Pạt (xã Cắm Muộn), cầu treo Đỉn Đảnh (xã Châu Thôn), cầu treo Long Quang (xã Tiền Phong)... bị han gỉ, bản mặt cầu bị hư hỏng, mục nát, lan can cầu bị gãy hoặc bị trộm mất.
Tại cầu treo Lam Khê (Con Cuông), ván mặt cầu bị hư hỏng nhiều, gỗ mặt cầu hầu như bị hư hỏng, lan can bị mất nhiều khoang, giằng gió bị đứt không neo giữ được dầm cầu, cổng cầu bị xoắn và nghiêng. Nguyên nhân dẫn đến việc cây cầu trị giá hàng tỷ đồng này bị hư hỏng nặng cũng được chỉ rõ là do địa phương không quan tâm đến công tác quản lý và duy tu bảo dưỡng cầu!
Cầu treo bản Lau (xã Thạch Giám, Tương Dương) được đề xuất sửa chữa với kinh phí 150 triệu đồng.
Cầu treo Bản Lau (xã Thạch Giám, Tương Dương) bị mất 70 nẹp băng, một số đoạn thép lan can bị mất. Cầu treo bản Xốp Mạt (xã Lượng Minh, Tương Dương) bị hỏng mặt cầu, dầm dọc, dầm ngang, độ võng không đảm bảo, mố cầu bị trượt trồi cả mảng lớn, mố neo cầu bị đứt, dầm cầu bị biến dạng, 40% ván ngang bị hỏng. Cầu treo Xốp Nhị (xã Hữu Lập, Kỳ Sơn) mặt dầm cầu bị biến dạng, lan can cầu bị hỏng 8 khoang, mố neo, chốt neo bị vùi lấp, cáp bị chùng, mặt cầu bị vòng.
"Đá bóng" trách nhiệm
Điều đáng lưu tâm là hầu hết các cầu đang trong tình trạng hư hỏng và hư hỏng nặng gây huy hiểm cho người và phương tiện đi qua cầu nhưng đều không được bảo dưỡng thường xuyên. Công tác sửa chữa định kỳ cũng không được thực hiện. Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa được nhắc tới đó là tình trạng kẻ xấu tháo trộm các thiết bị bằng sắt, thép trên cầu để... bán sắt vụn.
Nói về trách nhiệm bảo vệ, quản lý cầu treo, ông Hoàng Văn Huệ - Phó Giám đốc Sở GTVT Nghệ An - cho biết: "Hiện tỉnh chỉ quản lý một cầu treo. Số cầu treo còn lại phân cấp cho các huyện và xã quản lý. Cầu treo thuộc phạm vi quản lý của cấp nào thì cấp đó có trách nhiệm quản lý, bảo vệ".
5 khoang can can cầu treo Đò Rô (xã Nghĩa Bình, Tân Kỳ, Nghệ An) đã bị kẻ gian bẻ lấy đi.
Ông Vi Văn Tỵ - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Giám (Tương Dương, Nghệ An) - cho biết, xã cũng đã nhiều lần cắt cử công an viên, cán bộ thôn bản phục bắt các đối tượng trộm lan can cầu bản Lau nhưng chưa bắt được. Ông Phó Chủ tịch xã cho rằng, việc này hiện nằm ngoài tầm kiểm soát của xã.
Trong khi đó, ông Hoàng Đình Hợi - Phó Trưởng phòng Công thương, UBND huyện Tương Dương - lại cho rằng việc cầu treo bản Lau xuống cấp là do trách nhiệm quản lý của cấp xã chưa cao, để cho xe quá tải trọng đi qua cầu. Đây cũng là quan điểm của ông Lưu Văn Cứu - Phó Trưởng phòng Công thương huyện Con Cuông khi đề cập đến trách nhiệm quản lý, bảo vệ cầu treo Lam Khê (xã Chi Khê, Con Cuông, Nghệ An).
Nên thu phí để bảo vệ cầu treo?
Theo ông Hoàng Văn Huệ - Phó Giám đốc Sở GTVT Nghệ An, hiện tại hầu hết địa phương không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ và quản lý cầu. Năm 2007, Sở GTVT đã có kiến nghị cho phép thu phí tại các cầu treo trên địa bàn tỉnh và đã được UBND tỉnh đồng ý. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có duy nhất cầu Dùng (bắc qua sông Lam, thuộc địa phận huyện Thanh Chương) duy trì việc thu phí.
Ván gỗ mặt cầu bị mục nát, bu lông lan can cầu Đò Rô bị mất.
"Hầu hết cầu treo được xây dựng trên khu vực miền núi, đời sống kinh tế của người dân còn rất khó khăn. Bởi vậy nếu thu phí sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, số tiền thu được không sử dụng để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cầu mà để trả cho chi phí bảo vệ. Hiện tại các cầu treo đều không có bảo vệ, do vậy kẻ xấu đã cưa trộm sắt thép để bán sắt vụn, gây hư hỏng và mất an toàn cho các cây cầu treo", một cán bộ Sở GTVT cho biết.
Vị cán bộ này cũng cho biết, vì không có lực lượng bảo vệ túc trực hai đầu cầu nên tình trạng xe có tải trọng vượt quy định đi lại ngang nhiên trên cầu cũng là một trong những nguyên nhân gây hư hỏng và xuống cấp cầu dù thời gian sử dụng chưa lâu.
Để đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua cầu treo, vừa qua Nghệ An đã trích ngân sách sửa chữa các cầu treo trên địa bàn tỉnh. Trong tháng 3 này, UBND tỉnh sẽ thành lập đoàn kiểm tra rà soát lại hệ thống cầu treo. Theo kế hoạch từ năm 2011 - 2015, Nghệ An sẽ xây mới 18 cây cầu treo. Hiện tại có 5 cầu đang thi công dở dang, 4 cầu đã được phê duyệt dự án, 9 cầu chưa có dự án.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Giật mình với "chợ mãng xà" ở Tam Nông Gây ấn tượng mạnh cho những người mới đến Tam Nông (Đồng Tháp) trước hết phải kể đến rắn. Hàng trăm con rắn các loại nằm chen nhau nhung nhúc, quấn cuộn vào nhau, lóc nhóc vươn mình, ngóc đầu như muốn tìm đường thoát khỏi lồng. Nhiều nhất là rắn bông súng, kế đế là hổ hành, ri voi, ri cá, rắn...