Phát hiện kinh dị: Hài cốt ‘quái thú có túi’ nặng gần 3 tấn
40.000 năm trước, loài quái thú dị thường, khổng lồ này từng lang thang khắp miền đất bị cô lập của châu Đại Dương ngày nay.
Theo Sci-News, các nhà cổ sinh học Úc đã “bắt được vàng” khi khai quật được một số bộ hài cốt gần như hoàn chỉnh của quái thú Diprotodon đã tuyệt chủng.
Hài cốt quái thú đã tuyệt chủng ở Úc – Ảnh: BẢO TÀNG TÂY ÚC
Tuy là thú có túi, nhưng Diprotodon có cơ thể hoàn toàn khác biệt so với các loài thú có túi ngày nay: Chiều cao tới vai khoảng 1,8 m, mình dài 4 m, nặng khoảng 2,8 tấn.
Kích cỡ này khiến nó to như một con voi châu Á.
Theo TS Alec Coles, Giám đốc điều hành Bảo tàng Tây Úc, tác giả chính của nghiên cứu, Diprotodon là một quái thú đã tuyệt chủng, có liên quan tới gấu túi. “Chúng là loài thú có túi lớn nhất từng tồn tại” – TS Cole cho biết.
Tuy khổng lồ nhưng chúng là động vật ăn cỏ hiền lành.
Chân dung quái thú cổ đại khi còn sống và lang thang trên các đồng cỏ nước Úc cổ đại – Ảnh đồ họa: Nellie Pease
Hợp tác với nhà điều hành khu mỏ gần đó là Công ty CITIC Pacific Mining, các nhà cổ sinh vật học đã khai quật các bộ xương Diprotodon được bảo tồn cực tốt từ di chỉ Du Boulay Creek, thuộc vùng đồng bằng ngập lũ sông Fortescue.
Các cá thể này nằm rất gần nhau tại địa điểm khai quật, bao gồm cả con trưởng thành lẫn con non.
Điều này cho thấy chúng có thể liên quan tới nhau, là thành viên của một đàn đang trên tuyến đường di cư lớn thời cổ đại.
Các bộ xương hiện có thể nhìn thấy một phần hộp sọ, hàm và răng lộ ra bên ngoài, trong khi phần cơ thể còn lại vẫn mắc kẹt trong đá cứng.
Cuộc khai quật được tiến hành gấp rút vì một khi hóa thạch đã lộ ra, chúng rất dễ bị hủy hoại bởi lũ lụt theo mùa.
Các nhà khoa học tin tưởng rằng sẽ còn nhiều khám phá thú vị sau khi các bộ hài cốt quái thú Diprotodon quý giá được đưa về, cũng như sau khi chúng trải qua một công đoạn cẩn thận và tốn nhiều thời gian để được tách khỏi đá.
Nghĩa trang kỳ bí nhất Phần Lan: Người trong 44 ngôi mộ biến mất
Cấu trúc các ngôi mộ, dấu tích của việc chôn cất... vẫn nguyên vẹn sau 6.500 năm, chỉ có hài cốt người trong mộ là biến mất không dấu vết.
Theo Science Alert, một phân tích mới đã vén màn bí ẩn về nghĩa trang cổ nằm ở khu vực rìa Vòng Bắc Cực thuộc Tainiaro - Phần Lan, nơi các ngôi mộ đã gây sốc nặng từ cuộc khai quật đầu tiên năm 1980.
Hàng ngàn hiện vật đã được tìm thấy, mô tả, nhưng không có dấu tích của bất kỳ con người nào!
Tất cả những gì còn lại trong các hố chôn cất chỉ là đất cát nhuốm ít tro, có vệt đỏ bằng đất son, cùng một số đồ tùy táng.
Các ngôi mộ không có hài cốt người ở Phần Lan - Ảnh: ANTIQUITY
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khảo cổ Aki Hakonen từ Đại học Oulu (Phần Lan) cho rằng chính 200 chiếc hố trong nghĩa trang nắm giữ bí mật về các bộ hài cốt biến mất.
"Mặc dù không có vật liệu xương nào còn sót lại ở Tainiaro, chúng tôi cho rằng đó vẫn nên được coi là một nghĩa trang" - các tác giả viết trong bài công bố trên tạp chí khoa học Antiquity.
Theo đó, họ cho rằng chính đất chua của khu vực đã khiến hài cốt người phân hủy nhanh hơn bình thường, hoàn toàn biến mất sau vài ngàn năm chôn cất.
Trong khi đó các hiện vật bằng đá, mảnh gốm hay xương động vật đã bị đốt thành tro vẫn để lại dấu tích.
Tuy các hài cốt biến mất, nhưng nghĩa trang cổ và các ngôi mộ trống của nó vẫn là phát hiện khảo cổ vô cùng quý giá.
Hầu hết các hố đều chứa dấu vết của tro và than củi. Thêm vào đó là sự xuất hiện của đất son. Đó chính là bằng chứng về các lễ nghi cổ đại.
Ngoài ra, một nghĩa trang rộng lớn là bằng chứng về các cộng đồng thời đồ đá từng rất đông đúc nơi đây.
Hình dạng và kích thước các hố chôn cất - vốn khoảng 1,5x2m, sâu nửa mét, được bo tròn các góc - cũng giống hàng trăm ngôi mộ đồ đá khác được tìm thấy tại 14 nghĩa trang khắp Bắc Âu.
Có 44 trong số 200 hố ở nghĩa trang được xác định là mộ phần thực sự.
TS Hakonen cho biết chỉ mới 1/5 nghĩa trang được khai quật. Họ sẽ tiếp tục công việc bằng radar xuyên đất lẫn khai quật trực tiếp với hy vọng tìm thấy các mẫu tóc, DNA còn sót lại.
Ngoài ra, việc vì sao người thời đồ đá lại tập trung ở khu vực hẻo lánh, lạnh giá và gần như khó sống này phổ biến đến thế, đó vẫn là câu hỏi thú vị chờ được giải đáp.
Peru khai quật nhiều xác ướp trẻ em niên đại ít nhất 1.000 năm Các xác ướp này được khai quật cùng hài cốt của một người trưởng thành tại một địa điểm từng là nơi cử hành nghi lễ linh thiêng, hiện nay nằm ở một trong những khu phố cổ nhất của thủ đô Lima. Xác ướp mới được khai quật. (Nguồn: Reuters) Các nhà khảo cổ học ở Peru đã khai quật 4 xác...