Phát hiện điểm check-in đẹp không ngờ trên cao nguyên Luốc Đắc, Cao Bằng
Cách thành phố Cao Bằng 70km, hành trình chinh phục cao nguyên Luốc Đắc đưa du khách rời xa những phiền muộn nơi thị thành, khám phá nơi còn nguyên vẻ hoang sơ với những đồng cỏ bao la và núi rừng hùng vĩ.
Cao nguyên Luốc Đắc thuộc địa phận hai huyện Quảng Hoà và Hạ Lang (tỉnh Cao Bằng), cách thành phố Cao Bằng 70km về phía Đông. Luốc Đắc cũng là tên ngọn đồi cao nhất trong quần thể cao nguyên cỏ nằm trên địa phận 3 xã Bế Văn Đàn (huyện Quảng Hoà), Cô Ngân và Vinh Quý (huyện Hạ Lang).
Cao nguyên Luốc Đắc chưa phát triển du lịch đại trà nên còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ. Đây là một cung trekking (đi bộ đường dài) mới, phù hợp với những du khách sức khỏe tốt, đam mê khám phá sự hùng vĩ của tự nhiên. Để chinh phục Luốc Đắc, du khách mất khoảng 2h di chuyển từ thành phố Cao Bằng đến chợ Bản Co (thôn Bắc Vọng, xã Bế Văn Đàn, Quảng Hoà). Tại đây du khách hỏi đường đi “pò Luốc Đắc” sẽ nhận được sự hướng dẫn tận tình bởi người dân bản địa.
Góc check-in tuyệt đẹp tại cao nguyên Luốc Đắc (Ảnh: Hồng Son)
Đỉnh Luốc Đắc – “nóc nhà” cao nguyên (Ảnh: Hồng Son)
Để chinh phục đỉnh Luốc Đắc, du khách phải chuẩn bị sức khỏe tốt, trang phục phù hợp như giày chuyên dụng, quần áo gọn nhẹ, một số phụ kiện chống nắng, chống côn trùng… cùng nước uống, thực phẩm nếu cần. Hành trình sẽ phải vượt qua khoảng 1 km đường mòn men theo khe suối, lên rừng, băng đồi và đi qua một vài thung lũng. Trên quãng đường này có nhiều điểm dừng chân, check-in tuyệt đẹp, du khách vừa nghỉ ngơi ngắm nhìn cảnh núi rừng, đồi cỏ bao la, hùng vĩ.
Video đang HOT
Với độ cao trung bình trên 600m so với mực nước biển, khu vực đồng cỏ trên cao nguyên này thích hợp cho việc chăn thả bò, ngựa. Trước đây, bà con có làm nương rẫy ở chân đồi nhưng giờ chỉ còn hoạt động chăn thả gia súc. Dọc đường đi có nhiều loài hoa dại như hoa sim, hoa mua, mâm xôi… đua nhau khoe sắc. Những rừng cây mang đến bầu không khí trong lành, tinh khiết cùng tiếng chim hót líu lo như chào đón du khách thập phương.
Ngắm những đàn ngựa đang thong dong trên đồi (Ảnh: Hồng Son)
Từ lưng đồi Luốc Đắc, du khách cần thêm khoảng 30 phút để leo tới đỉnh. Khu vực này độ dốc khá lớn nên việc chinh phục đỉnh Luốc Đắc mất khá nhiều thời gian, công sức và cả sự mạo hiểm. Tuy nhiên leo tới đỉnh là một trải nghiệm không thể nào quên với bất cứ du khách nào, với một bức tranh tuyệt đẹp hài hòa giữa mây trời và cảnh sắc thiên nhiên đang chờ những ai dũng cảm chinh phục.
Đến Luốc Đắc trong một ngày tháng 5, Hồng Son và nhóm bạn mất khoảng 1 giờ để chinh phục đỉnh núi. Thời tiết khô ráo, thuận lợi để trekking nhưng trời nắng khiến mọi người nhanh mệt hơn. “Vượt qua cánh rừng già, nhìn thấy đồi cỏ xanh mướt trước mặt thì mọi mệt mỏi tan biến. Đã đến Luốc Đắc thì ai cũng muốn chinh phục đỉnh núi, để ngắm trời mây hùng vĩ và toàn cảnh thung lũng, bản làng phía dưới… Có thể nói đây là cao nguyên cỏ đẹp nhất, rộng nhất ở Cao Bằng” – nữ du khách này cho biết.
Từ đỉnh Luốc Đắc, du khách có tầm nhìn toàn cảnh xuống những đồng ruộng và bản làng dân tộc phía dưới. Xa xa dưới thung lũng Bắc Vọng, Cô Ngân và Vinh Quý, những nếp nhà người Tày, người Nùng hiện ra giữa thiên nhiên hùng vĩ. Lặng nghe hơi thở của núi đồi, bạn sẽ có được cảm giác yên bình, thư thái và quên hết những phiền muộn hàng ngày.
Vào mùa thu, những thảm cỏ tại Luốc Đắc bắt đầu ngả sang màu vàng. (Ảnh: Đàm Khoa)
Cao nguyên Luốc Đắc đẹp nhất vào mùa xuân, mùa hè khi những thảm cỏ non xanh trải dài bất tận, bao phủ toàn bộ những quả đồi. Vào mùa thu, những thảm cỏ bắt đầu ngả sang màu vàng cũng tạo nên khung cảnh vô cùng độc đáo. Với không gian khoáng đạt, cao nguyên Luốc Đắc thích hợp với hoạt động du lịch dã ngoại, trekking hoặc cắm trại. Tuy nhiên, một chuyến trekking chỉ phù hợp với du khách đã có kinh nghiệm trong loại hình này, cần đi theo nhóm và chuẩn bị kỹ lưỡng. Đặc biệt, du khách đến đây cần giữ gìn vệ sinh, không xả rác để bảo vệ cảnh quan./.
Tư vấn du lịch: Cách lựa chọn xà cạp khi đi du lịch
Xà cạp (gaiter) là một trong những thiết bị bảo hộ không thể thiếu dành cho người tham gia du lịch dã ngoại kết hợp với thể thao như đi bộ đường dài (hiking), đi bộ leo núi (trekking), chạy bộ...
Xà cạp là miếng vải được làm bằng nhiều chất liệu, với nhiều kiểu dáng phù hợp với từng môn thể thao nhằm ngăn ngừa nguy cơ thấm nước hoặc đất, đá chui vào giầy. Dưới đây là cách giúp bạn lựa chọn xà cạp phù hợp với chuyến đi.
Chọn theo mục đích sử dụng
- Đi bộ đường dài: Loại xà cạp có chất liệu nhẹ, thoáng khí sẽ giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ đá, sạn và các loài côn trùng có thể chui vào giầy. Một số loại có khả năng chống thấm nước sẽ bảo vệ bạn khỏi mưa, tuyết. Bạn nên chọn loại xà cạp ngang mắt cá chân hoặc có chiều cao 20 - 30cm.
- Leo núi: Nên chọn loại xà cạp có khả năng bảo vệ chuyên biệt với vật liệu thoáng khí, chống thấm nước và có khả năng cách nhiệt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Bạn nên dùng loại xà cạp cổ thấp để tạo sự thoải mái và không làm ảnh hưởng đến quá trình vận động.
- Chạy đường mòn: Xà cạp để chạy đường mòn thường được làm bằng chất liệu nhẹ, mềm và ôm sát; giúp ngăn cát, sỏi, đá dăm... chui vào giầy. Với môn thể thao này, bạn nên chọn loại xà cạp ôm cổ chân hoặc trên mắt cá chân.
- Các môn thể thao trên tuyết: Bạn nên chọn loại xà cạp có khả năng chống nước, thoáng khí để không bị ẩm bởi mồ hôi. Chiều cao thông thường cho loại xà cạp này khoảng 38 - 45cm, giúp bạn đi trong điều kiện tuyết dày. Loại xà cạp này cũng có thể sử dụng để băng qua rừng rậm hoặc khi thời tiết xấu (mưa to, bão...).
Chọn kích thước phù hợp
Việc chọn đúng kích thước xà cạp rất quan trọng bởi khi xà cạp không vừa, bạn có thể bị nước, đất, đá lọt vào giầy dép. Chọn cỡ xà cạp phù hợp với kích cỡ chân hoặc giầy, bốt sao cho xà cạp ôm vừa vặn nhưng vẫn thoải mái khi di chuyển cả quãng đường dài.
Lưu ý thiết kế
Nên chọn loại xà cạp có băng dính gai để dễ dàng điều chỉnh tùy theo trang phục và loại giầy bạn định mang. Hãy lưu ý thiết kế để gắn sản phẩm với giầy. Các hãng thể thao chuyên nghiệp thường có các miếng băng dính gai hoặc dây đai nối với gót giầy, rất tiện cho việc gắn vào hoặc tháo xà cạp ra.
Mẹ bầu đi phượt suốt 9 tháng thai kỳ Mỹ Linh, 25 tuổi, cùng chồng thực hiện các chuyến đi bằng xe máy, trekking đến Sa Pa, Ba Vì, Mộc Châu... suốt thai kỳ để rèn luyện sức khỏe và giảm căng thẳng. Một ngày tháng 5/2021, khi bụng bầu đã vượt mặt và cơ thể có phần nặng nề, Mỹ Linh vẫn cùng chồng lên xe máy, thực hiện chuyến đi...