Phát hiện dầu khoáng có khả năng gây ung thư trong sữa trẻ em ở Pháp, Đức, Hà Lan
Phòng thí nghiệm của Foodwatch (một hiệp hội người tiêu dùng) vừa phát hiện ra dư lượng dầu khoáng có khả năng gây ung thư trong một số loại sữa công thức ở Pháp, Đức và Hà Lan.
Foodwatch nghi ngờ sữa bị nhiễm dầu khoáng từ hộp đựng sữa bằng kim loại trong quy trình đóng gói sản phẩm, và khuyên cha mẹ không nên cho con uống sữa đựng trong hộp kim loại.
Tổ chức phi chính phủ Foodwatch cho biết có 16 nhãn hiệu sữa đã được thử nghiệm, trong đó có 8 nhãn hiệu sữa còn dư lượng dầu khoáng có mùi thơm (MOAH), một dẫn xuất hydrocarbon thường sử dụng trong mực in và làm keo dính đóng gói thực phẩm.
Liên minh châu Âu (EU) coi một số phân tử MOAH có khả năng gây ra ung thư. Năm nay EU hối thúc các quốc gia thành viên đẩy mạnh kiểm soát thực phẩm đối với chất này, đặc biệt đối với các loại thực phẩm giàu chất béo, nhưng lại chưa đưa ra ngưỡng tiêu chuẩn.
Vào năm 2017, cơ quan sức khỏe ANSES của Pháp đã khuyến cáo các nhà sản xuất thực phẩm cần hành động để giảm nguy cơ MOAH nhiễm vào thực phẩm qua trong quá trình sản xuất.
Xét nghiệm đã tìm thấy dầu khoáng ở sữa công thức thành phẩm cho trẻ em từ các công ty bao gồm Nestlé, Danone, Novalac, Hero Baby và Nutrilon.
Trong một thông cáo, tập đoàn sữa của Pháp Danone cho biết phân tích của riêng hãng này cho thấy “không hề phát hiện ra dấu vết nào của dầu khoáng” trong các nhãn hàng mà Foodwatch đã xét nghiệm. Hãng này cũng cho biết rằng không hề sử dụng hợp chất dầu khoáng nào trong công thức sữa.
Hãng thực phẩm khổng lồ của Thụy Sỹ Nestlé vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào trước tuyên bố của Foodwatch.
Phát hiện dư lượng dầu khoáng có khả năng gây ung thư trong nhiều thương hiệu sữa nổi tiếng
“Foodwatch kêu gọi các công ty này ngay lập tức thu hồi các sản phẩm sữa bột bị nhiễm dầu khoáng khỏi thị trường và đưa ra cảnh báo tới các bậc phu huynh và người chăm trẻ. Các bậc phụ huynh có thể hồi đáp bằng cách ký vào bức email hành động ở Pháp hoặc Đức”, một thông cáo phát đi của Foodwatch nêu rõ.
Ông Matthias Wolfschmidt, giám đốc vận động quốc tế của Foodwatch tuyên bố: “Các thành phần dầu khoáng có mùi thơm không nên có mặt trong thực phẩm, nhất là trong sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh. Đối với thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh, cha mẹ và người chăm trẻ cần phải đảm bảo rằng những sản phẩm này vô hại đối với sức khỏe của bé.”
Foodwatch đã xét nghiệm tổng cộng 16 chế phẩm sữa để tìm ra tồn dư chất dầu khoáng. Hiệp hội người tiêu dùng này đã ủy quyền cho 3 phòng thí nghiệm thực phẩm nổi tiếng tiến hành các phương pháp phân tích độc lập khác nhau. Trong một nửa số sản phẩm đã được thử nghiệm, tồn dư chất dầu khoáng có mùi thơm (MOAH) đã được tìm thấy. Các sản phẩm này bao gồm:
Tại Hà Lan:
Neolac Biooogisch 1 Volledige zuigenlingenvoeding 0-6 m; MOAH: 1.6 mg/kgSố lô: 11620; Hạn sử dụng: 15.01.2021;
Hero Baby nutrasense hypo-allergeen 0-6 maanden; MOAH: 0.8 mg/kgSố lô: 80926-023; Hạn sử dụng: 26.09.2020;
Nutrilon Dieetvoeding bij koemelkallergie 1 0-6 maanden; MOAH: 1.2 mg/kgSố lô: 90722241; Hạn sử dụng: 22.08.2020;
Tại Pháp:
Nestlé Nidal Lait en poudre 1er âge; MOAH: 1.2 mg/kgSố lô: 90720346AC; Hạn sử dụng: 01.03.2021;
Danone Gallia Galliagest Croissance 3 Sans lactose; MOAH: 0.7 mg/kgSố lô: 905764 (019079); Hạn sử dụng: 19.12.2019;
Tại Đức:
Nestlé BEBA OPTIPRO PRE 800 g von Geburt an; MOAH: 3.0 mg/kgSố lô: 91120346AA; Hạn sử dụng: 10/2020;
Nestlé BEBA OPTIPRO 1 800 g von Geburt an; MOAH: 1.9 mg/kgSố lô: A5952275; Hạn sử dụng: 11.03.2020;
Novalac Suglingsmilchnahrung PRE 400g; MOAH: 0.5 mg/kgSố lô: 9098080621; Hạn sử dụng: 10/2020;
Sữa có thể bị nhiễm dầu khoáng từ hộp đựng bằng kim loại
Có khả năng sữa có thể bị nhiễm dầu khoáng từ nhiều nguồn khác nhau trong dây chuyền sản xuất sữa trẻ em. Kết quả cho thấy các chất tìm thấy bao gồm các thành phần dầu khoáng chưa được thanh lọc. Có thể là do bị thôi ra từ các hộp sữa kim loại, bởi trong quy trình đóng hộp của dây chuyền sản xuất, dầu khoáng thường được sử dụng để lăn kim loại và cắt kim loại thành hộp. Foodwatch khuyến cáo cha mẹ không nên cho trẻ sơ sinh uống sữa đựng trong hộp kim loại cho tới khi các nhà sản xuất có thể chứng minh sản phẩm không bị nhiễm dầu khoáng.
Foodwath đã mua để xét nghiệm các lô hàng trên vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2019. Sau xét nghiệm ban đầu do phòng thí nghiệm tiến hành, Foodwatch không chỉ lặp lại phân tích tại phòng thí nghiệm, mà kiểm tra chéo tại 2 phòng thí nghiệm khác cũng cho kết quả tương tự.
Dầu khoáng có mùi thơm là chất có khả năng gây đột biến gene và gây ung thư
Dầu khoáng là các chất gây ô nhiễm nhất trong cơ thể người. “Dầu khoáng có mùi thơm” được Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) coi là các chất có khả năng gây đột biến gene và gây ung thư. Đó là lý do tại sao dư lượng dầu khoáng không được phép hiện diện trong sản phẩm dù chỉ với một lượng rất nhỏ. Đóng gói thường là nguyên nhân gây nhiễm tạp chất dầu khoáng. Chẳng hạn như đóng gói từ giấy phế liệu có thể chứa dầu khoáng từ mực in có thể ngấm vào sản phẩm. Vào đầu năm 2015, Footwatch đã xét nghiệm 120 sản phẩm như mỳ pasta, gạo và bỏng ngô trong phòng thí nghiệm quốc tế, 43% các sản phẩm này nhiễm tạp chất dầu khoáng có mùi thơm.
Chưa có tiêu chuẩn quy định cho sản phẩm
Mặc dù hiểm họa do nhiễm tạp chất dầu khoáng trong thực phẩm đã biết đến từ nhiều năm nay, vẫn chưa có quy chuẩn về hàm lượng cho phép. Foodwatch đề nghị nên có ngưỡng an toàn đối với dầu khoáng trong thực phẩm, đặc biệt đối với loại dầu khoáng có mùi thơm (MOAH).
Sau một số xét nghiệm đầu tiên của Foodwatch cách đây 4 năm, một số nhà bán lẻ đã tình nguyện cam kết đảm bảo sẽ không có MOAH phát hiện trong sản phẩm của họ.
Theo Hương Trà (Sức khoẻ & Đời sống)
Nghi ngờ dư lượng dầu khoáng trong các sản phẩm sữa trẻ em
Một thử nghiệm mới đây của Foodwatch đã tìm thấy một số sản phẩm sữa của trẻ em đã bị nhiễm dầu khoáng có hại cho sức khỏe. Những sản phẩm này được bày bán tại Pháp, Hà Lan và Đức.
Ảnh minh họa
Theo đó một số sản phẩm sữa của những hãng sữa nổi tiếng như Nestlé, Danone, Novalac, Neolac, Hero Baby và Nutrilon đã được tìm thấy có chứa thành phần của một loại dầu khoáng có khả năng gây ung thư. Trong số 16 nhãn hiệu đã được thử nghiệm, 8 nhãn hiệu có dư lượng dầu khoáng thơm (MOAH), một dẫn xuất hydrocarbon được sử dụng trong mực và chất kết dính cho các gói thực phẩm.
Theo tổ chức bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Foodwatch, các thành phần dầu khoáng có thể là từ các hộp kim loại đựng sữa. Thử nghiệm này đã được Foodwatch tiến hành từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2019 và sau nhiều lần thí nghiệm phân tích thì đều ra cùng một kết quả như vậy.
Hiện Foodwatch khuyến cáo các bậc phụ huynh nên ngừng cho trẻ sử dụng các sản phẩm này để bảo vệ sức khỏe các con và kêu gọi thu hồi các lô sản phẩm bị nghi nhiễm chất này.
Hiện chỉ có tập đoàn sữa Pháp Danone lên tiếng cho biết qua tiến hành phân tích , các sản phẩm của hãng không có lượng dầu khoáng thơm như công bố của Foodwatch, và khẳng định không sử dụng các hợp chất dầu khoáng trong công thức nấu ăn của mình./.
Theo Vnews
Sởi có thể phá hủy bộ nhớ hệ thống miễn dịch Các nhà khoa học cho biết mối đe dọa do bệnh sởi gây ra là lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng trước đây Nghiên cứu mới đây tiết lộ sởi gây ra thiệt hại lâu dài cho hệ thống miễn dịch, khiến trẻ em dễ bị nhiễm bệnh nhiễm trùng khác sau khi bệnh ban đầu đã qua....