Phát hiện chưa từng có bên trong lõi băng Nam Cực
Các nhà nghiên cứu tới từ Đại học Tasmania (Australia) tìm thấy 14 loại nhựa khác nhau trong lõi băng ở Nam Cực.
Nhựa từng xuất hiện ở vùng nước bề mặt, trầm tích và tuyết ở Nam Cực, nhưng sự hiện diện của nhựa trong lõi băng cho thấy các loài nhuyễn thể trong khu vực (vốn ăn tảo từ băng biển) có thể đã phơi nhiễm nhiều hơn với nhựa.
Theo The Guardian, khoảng 96 mảnh nhựa với kích thước dưới 5 mm được tìm thấy trong lõi băng được khoan vào năm 2009.
Nghiên cứu cho thấy 96 mảnh nhựa này thuộc 14 loại khác nhau và trung bình 12 mảnh được tìm thấy trong mỗi lít nước.
Các sợi vi nhựa được tìm thấy trong lõi băng ở Nam Cực. (Ảnh: Anna Kelly)
“Sự xa xôi của Nam Đại Dương chưa đủ để bảo vệ nó khỏi ô nhiễm nhựa hiện lan rộng khắp các đại dương trên thế giới”, Anna Kelly tới từ Viện Nghiên cứu Biển và Nam Cực thuộc Đại học Tasmania cho hay. Kelly là tác giả chính của nghiên cứu.
Cô cho biết mật độ nhựa được tìm thấy trong lõi băng ở Nam Cực thấp hơn một chút so với số nhựa được tìm thấy trong băng biển ở Bắc Cực.
Video đang HOT
“Việc các phân tử vi nhựa trong lõi băng được tìm thấy ở Nam Cực lớn hơn ở Bắc Cực có thể chỉ ra rằng các nguồn ô nhiễm cục bộ vì nhựa có ít thời gian phân hủy thành các sợi nhỏ hơn so với khi di chuyển khoảng cách xa trên dòng hải lưu”, Kelly cho hay.
Các nguồn ô nhiễm này bao gồm quần áo, thiết bị của khách du lịch và các nhà nghiên cứu, các sợi varnish và nhựa thường được sử dụng trong ngành đánh bắt.
PGS Delphine Lannuzel, đồng tác giả của nghiên cứu cho rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu để tìm hiểu tác động của nhựa đối với các loài sống dựa vào băng biển. Bà cho biết hiện vẫn chưa rõ độc tính của nhựa tác động ra sao tới các quá trình diễn ra trong ruột của các loài nhuyễn thể và các loài khác, bao gồm cả cá voi ăn nhuyễn thể.
Phát hiện dấu tích rừng nhiệt đới 90 triệu năm tuổi dưới băng Nam Cực
Nam Cực giờ đây là miền đất băng tuyết khắc nghiệt, nhưng nơi này từng có một thời dĩ vãng rất 'huy hoàng', với khí hậu như châu Âu và thảm thực vật đan xen.
Lục địa này từ cách đây rất lâu từng có các khu rừng mưa ôn đới, ẩm ướt, tràn đầy sức sống, các nhà khoa học cho biết ngày 1/4, dựa trên mẫu đất mà họ đào được từ dưới đáy biển ngoài khơi bờ biển Nam Cực, theo Reuters.
Các nhà khoa học làm việc trên tàu phá băng RV Polarstern ở biển Amundsen, gần sông băng Pine Island, thu được mẫu đất trầm tích từ khoảng 90 triệu năm trước (vào kỷ Phấn trắng, khi khủng long còn là động vật thống trị trên cạn).
Dựa vào hàm lượng trong đất, các nhà nghiên cứu ước tính rằng vị trí này, cách Nam Cực khoảng 900 km, có nhiệt độ trung bình năm 12-13 độ C, nhiệt độ trung bình những tháng hè ấm nhất vào khoảng 20-25 độ C.
Đó là nhiệt độ rất ấm đối với Nam Cực, nơi mà nhiệt độ trung bình năm hiện nay là khoảng -40 độ C.
Trạm Marambio ở Nam Cực. Ảnh minh họa: Getty Images.
Mẫu đất màu xám pha nâu sẫm bao gồm phù sa hạt mịn và mạng lưới dày đặc rễ hóa thạch, phấn hoa và bào tử của 65 loại cây, trong đó cấu trúc của từng tế bào vẫn nhìn thấy rõ.
"Nếu bạn đi đến một khu rừng gần nhà và khoan xuống đó, (mẫu đất) có thể khá tương tự", chuyên gia địa chất biển Johann Klages, từ trung tâm nghiên cứu biển và địa cực thuộc Viện Alfred Wegener ở Đức, nói với Reuters.
Tuy vậy, có thể vị chuyên gia này chỉ đang nói về một khu rừng bất kỳ ở Đức hay một quốc gia ôn đới khác, thay vì rừng nói chung hay ở các vùng nhiệt đới như Việt Nam.
Ông Klages là trưởng nhóm của nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Nature. Ông cho biết các thực vật phát hiện thấy bao gồm cây lá kim, dương xỉ và thực vật có hoa.
Bìa tạp chí Nature minh họa cảnh khu rừng tràn ngập sự sống ở nơi mà ngày nay là khắc nghiệt nhất. Ảnh: Twitter.
Nhóm nghiên cứu không tìm thấy dấu tích động vật nào, nhưng ông Klages cho biết có thể có khủng long, bò sát bay và nhiều loài côn trùng sống cùng thời. Hóa thạch khủng long từ Nam Cực đã được ghi nhận từ nhiều năm nay.
Mẫu đất được đào lên từ độ sâu 27 m dưới đáy biển, và độ sâu của đáy biển khoảng 1.000 m. Mẫu đất được thu thập nhờ một giàn khoan đáy biển.
Nghiên cứu này cho thấy rằng khí hậu Trái Đất đã có những thay đổi đáng kinh ngạc trong quá khứ. Biến đổi khí hậu vẫn là chủ đề nóng thời nay.
Mẫu đất lõi có tuổi thọ vào khoảng từ 93 triệu năm trước đến 83 triệu năm trước, ông Klages nói. Đó cũng là giai đoạn mà hành tinh ấm nhất trong 140 triệu năm qua, có mực nước biển cao hơn khoảng 170 m so với ngày nay.
Tàu phá băng RV Polarstern trong bức hình chụp ở Tromso, Na Uy ngày 20/9. Ảnh: Reuters.
Theo các nhà nghiên cứu, việc nơi đây từng tồn tại rừng mưa là đáng chú ý hơn cả, vì trong một năm có bốn tháng không có ánh sáng Mặt Trời để nuôi dưỡng thực vật.
Ông Klages nói thêm rằng giai đoạn trên, Nam Cực không có dải băng (tức khối băng bao phủ địa hình, rộng hơn 50.000 km2), dù có thể có tuyết rơi theo mùa.
Trọng Thuấn
Hai núi băng Nam Cực vừa vỡ, liệu thảm họa gì sẽ xảy ra? Núi băng đảo Pine của Nam Cực là một trong những núi băng được theo dõi sát sao nhất trên Trái Đất, và các nhà khoa học đang cảnh báo dấu hiệu biến đổi khí hậu từ những thay đổi của núi băng này. Nhiều năm qua, các nhà khoa học đã theo dõi những khúc sông băng ở đây vỡ dần, đây...