Phát hiện bệnh án tâm thần bị giả mạo có quyền đề nghị tái thẩm
Bạn đọc hỏi: Năm 2014, người thân của tôi bị một đối tượng sát hại dã man nhưng tòa án sau đó chỉ xử mức án rất nhẹ với lý do đối tượng bị bệnh tâm thần. Trong khi ấy, thực tế đối tượng này hoàn toàn bình thường… Gần đây, qua báo chí tôi thấy có nghi vấn về một đường dây làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần. Xin hỏi luật sư, nếu nghi vấn đó là thật thì các đối tượng làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần sẽ bị xử lý như thế nào? Liệu gia đình tôi có “lật lại” được vụ án kia không? Nguyễn Phương Hoa (Hà Nội)
Nếu chứng minh được bệnh án tâm thần là giả mạo, thì được quyền đề nghị tái thẩm (Ảnh minh họa)
Luật sư trả lời:
Tại Điều 13 – Bộ luật Hình sự năm 1999, nay là Điều 21 – Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về “Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự” là: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã bãi bỏ một số nội dung không cần thiết tại quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Theo đó, dựa theo bảng Phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD 10), phiên bản 2015, để phân tích các bệnh tâm thần nêu trong Thông tư 34/2013/TT-BYT, ngày 28-10-2013 của Bộ Y tế ban hành Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày thành các nhóm rối loạn, rối loạn (RL) và các thể rối loạn tâm thần và hành vi.
Tại thông tư này cũng quy định về một số thể tâm thần mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi và một số thể chỉ hạn chế hay không làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của một người. Trong trường hợp chỉ hạn chế hay không mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì khi người đó phạm tội, các cơ quan tố tụng sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội để áp dụng hình phạt tương ứng, chứ không hẳn chỉ căn cứ vào việc người đó có bị bệnh tâm thần mà áp dụng hình phạt nhẹ.
Luật sư Đặng Văn Sơn (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự; Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)
Video đang HOT
Còn việc báo chí có nêu nghi vấn về một đường dây làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần thì trên thực tế không phải chỉ là nghi vấn mà đã có thực và cơ quan chức năng đã xử lý một số trường hợp làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần. Tuy nhiên hiện nay, dư luận vẫn còn đặt nhiều nghi vấn và các cơ quan có chức năng cũng đã tăng cường điều tra, triệt phá nhiều đường dây về làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần…
Đối với trường hợp của gia đình bạn thì vụ án đã được xét xử. Nếu sau khi xét xử sơ thẩm mà bạn cho rằng người đó không phải bị tâm thần thì gia đình bạn cần kháng cáo để vụ án được xét xử phúc thẩm hoặc trong thời gian một năm kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, gia đình bạn có quyền đề nghị Chánh án TAND Cấp cao hoặc Viện trưởng VKSND Cấp cao đề nghị giám đốc thẩm vụ án.
Trường hợp nếu đến nay gia đình bạn không thực hiện các nội dung trên mà có căn cứ cụ thể, xác đáng là người đó không bị tâm thần do họ “chạy”, làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần thì gia đình bạn vẫn có quyền kiến nghị Chánh án TAND Cấp cao hoặc Viện trưởng VKSDN Cấp cao đề nghị tái thẩm vụ án theo quy định của pháp luật.
Đạo đức ở đâu khi bác sĩ cấp khống bệnh án tâm thần!
Bất kể nghề nghiệp nào cũng cần có đạo đức, đặc biệt nghề y liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người.
ảnh minh họa
Từ việc một đối tượng cộm cán ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã xuất trình bệnh án "tâm thần phân liệt thể hoang tưởng" sau khi bị bắt do gây án, công an thành phố Hà Nội đã phát hiện ra đường dây bác sĩ "chạy" bệnh án tâm thần cho tội phạm.
Qua điều tra xác định, đối tượng này đã chi 85 triệu đồng để có được bệnh án tâm thần, nhằm trốn tránh việc xử lý của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Từ đây, cơ quan công an đã phát hiện 78 hồ sơ bệnh án tâm thần giả được cấp khống, trong đó có 41 bệnh án của các đối tượng hình sự cộm cán.
Hai cán bộ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cũng đã bị bắt từ giữa tháng 6 vừa qua để điều tra. Vậy có hay không lỗ hổng lớn trong giám định tâm thần? Đạo đức nghề nghiệp ở đâu khi bác sĩ làm giả hồ sơ bệnh án như vậy?
Quy trình chẩn đoán, giám định bệnh nhân tâm thần được quy định rất chặt chẽ tại Thông tư 18/2015 của Bộ Y tế.
Theo đó, mỗi trường hợp giám định pháp y tâm thần thông thường có 3 giám định viên, chưa kể 2 điều dưỡng.
Trường hợp phức tạp có thể có 5 giám định viên, cá biệt có trường hợp có thể lên tới 9 giám định.
Các trang thiết bị sử dụng để giám định ngoài các dụng cụ, phương tiện y tế còn phải có máy chụp ảnh, máy ghi âm, camera theo dõi... Tuy nhiên, trên thực tế, quy trình làm hồ sơ bệnh án tại bệnh viện tâm thần lại bộc lộ những lỗ hổng lớn trong việc kiểm soát từng hồ sơ.
Ông La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, theo quy định, hồ sơ bệnh án phải có chữ kí của lãnh đạo bệnh viện, nhưng lãnh đạo không thể biết được bác sĩ có làm khống hồ sơ không.
"Thực ra người đứng đầu bệnh viện có trách nhiệm ban hành văn bản, tăng cường kiểm tra giám sát định kỳ. Việc giám đốc kí vào bệnh án không phải để chịu trách nhiệm về bệnh nhân mà là để xác nhận bệnh án của bệnh viện, xác nhận bác sĩ này của bệnh viện, chứ không phải chịu nội dung bệnh án đó, vì lãnh đạo bệnh viện có trực tiếp điều trị bệnh nhân đâu mà chịu trách nhiệm về bệnh nhân. Nếu ông giám đốc vừa ký bệnh án, vừa khám và chịu trách nhiệm thì chỉ ký được hồ sơ bệnh án của 6 bệnh nhân thôi, tương đương với bệnh viện tôi phải có 200 ông giám đốc mới làm được".
Ông La Đức Cương cũng cho biết, thời còn làm giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, ông từng đưa ra quy định phải in ảnh của bệnh nhân vào hồ sơ nhập viện để tránh tình trạng làm giả, làm khống bệnh án nhưng có lúc cũng gặp khó khăn do bệnh nhân tâm thần không hợp tác, không cho chụp ảnh; chưa kể quy định này vẫn có kẽ hở khi y, bác sĩ chuẩn bị sẵn ảnh của đối tượng để in vào hồ sơ...
Ông Cương cho rằng, một khi các y, bác sĩ đã câu kết với nhau để làm khống hồ sơ bệnh án như vụ việc được phát hiện mới đây thì lãnh đạo bệnh viện khó có thể biết được: "Cơ bản phải nhận thức của mỗi người còn chúng tôi quán triệt nhiều lần rồi. Phải có đạo đứng nghề nghiệp, tức là phải nâng cao y đức, chứ nếu không thì cũng chẳng khác nào tham nhũng, có quy định nhưng vẫn có thể tìm mọi cách để tham nhũng...".
Không có bệnh nhân nhập viện nhưng vẫn có bệnh án. Làm khống hồ sơ bệnh án tâm thần giúp tội phạm là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, có thể tiếp tay cho những kẻ giết người hàng loạt thoát sự khỏi truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, kết luận giám định pháp y tâm thần là chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án.
Theo luật sư Hoàng Minh Hiển, Văn phòng luật sư HHM Việt Nam tại Hà Nội thì qua vụ việc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho thấy, lỗ hổng lớn nhất là quản lý con người: "Tôi cho rằng có lỗ hổng về quản lý nhân sự. Yếu tố con người là quan trọng nhất trong lĩnh vực chuyên môn. Mặt khác, cần phải thực hiện quy trình làm hồ sơ bệnh án chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt phải tiến hành kiểm tra chéo giữa các bác sĩ, các khoa phòng".
Luật sư Hoàng Minh Hiển cũng cho biết, trong đường dây "chạy" bệnh án tâm thần, hành vi của cán bộ bệnh viện có thể bị khép vào tội nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, giả mạo trong công tác hoặc tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức.
Mức hình phạt cao nhất có thể bị phạt tù tới 20 năm, thậm chí là tù chung thân hoặc tử hình. Nhưng điều quan trọng hơn là cơ quan tiến hành tố tụng cần phải có những biện pháp trước hành vi mua bán bệnh án tâm thần.
Luật sư Hoàng Minh Hiển nêu ý kiến: "Qua sự việc này, tôi rất mong và đề nghị mà đặc biệt các cơ quan tiến hành tố tụng khi có trường hợp người phạm tội có giấy chứng nhận/xác nhận hoặc bệnh án tâm thần cần trưng cầu giám định lại bởi một cơ quan chuyên môn nhưng không phải là cơ quan đã cấp giấy chứng nhận/xác nhận hay bệnh án tâm thần".
Trở lại với những biện pháp mà Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đã áp dụng để tránh tình trạng cấp khống hồ sơ bệnh án tâm thần, đến bây giờ đã nghỉ hưu nhưng nguyên Giám đốc La Đức Cương vẫn trăn trở về việc cần phải in dấu vân tay của bệnh nhân vào hồ sơ bệnh án, thay vì in ảnh bệnh nhân vào hồ sơ.
Tuy nhiên, biện pháp này cũng chỉ có thể phòng được người ngay, chứ không thể phòng được kẻ gian. Nếu chính những bác sĩ giám định pháp y tâm thần cố tình làm sai thì chỉ có thể phát hiện được khi tiến hành giám định lại. Chính vì vậy trong nghề y mới có 12 điều y đức, trong đó đòi hỏi người thầy thuốc phải thật thà, phải có lương tâm trách nhiệm cao...
Bất kể nghề nghiệp nào cũng cần có đạo đức, đặc biệt nghề y liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người khác thì bác sĩ không được phép "bán mình cho quỷ" được./.
Theo Văn Hải/VOV1
Đề nghị cơ quan tố tụng giám định lại bệnh án tâm thần của bị can Luật sư Hoàng Minh Hiển đề nghị cơ quan tố tụng giám định lại bệnh án tâm thần của bị can trong đường dây "chạy" bệnh án. Công an thành phố Hà Nội vừa phát hiện đường dây bác sĩ "chạy" bệnh án tâm thần cho người phạm tội. Qua điều tra xác định, có đối tượng hình sự, cộm cán đã chi...