Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Có nhất thiết phải chờ công ty xếp hạng tín nhiệm?
Các công ty xếp hạng tín nhiệm giúp thị trường trở nên minh bạch hơn nhưng không vì vậy mà lạm dụng, trông chờ hết vào các công ty xếp hạng tín nhiệm để giải quyết hết vấn đề.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận sự phát triển bùng nổ trong năm 2018 và nửa đầu năm nay. Hơn 89.000 ty đông trái phiếu được phát hành, tăng 34% so với cung ky năm 2018, qua đó nâng quy mô kênh trái phiếu doanh nghiệp lên tương đương hơn 10% GDP. Thị trường đang lớn nhanh nhưng “hạ tầng” cho phát hành trái phiếu chưa kịp nới rộng theo. Khung pháp lý đang ngày càng hoàn thiện với sự ra đời Nghị định 163/2018 và Luật chứng khoán sửa đổi phân định giữa phát hành trái phiếu riêng lẻ và phát hành trái phiếu ra công chúng. Dù vậy, thị trường vẫn thiếu vắng các công ty xếp hạng tín nhiệm, một mắt xích quan trọng trong việc phân loại rủi ro cho nhà đầu tư trái phiếu trên thị trường.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam – VBMA, đã có những chia sẻ với Trí thức trẻ liên quan đến câu chuyện phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Gần đây, đã có nhiều doanh nghiệp chào bán thành công trái phiếu với lãi suất cao. Ở góc nhìn của Hiệp hội Trái phiếu, theo ông các loại trái phiếu có lợi tức cao như trên có quá rủi ro?
Theo tôi hình dung thì nghề kinh doanh trên thị trường tài chính thực chất là kinhdoanh mua đi bán lại rủi ro, được cấu trúc qua các sản phẩm tài chính. Rủi ro này bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro vận hành, rủi ro pháp lý …và có thể xuất phát từ chủ thể giao dịch, cấu trúc sản phẩm, phương thức giao dịch, thanh toán hay tính thanh khoản của sản phẩm… Vì vậy, mỗi sản phẩm tài chính được đưa ra thị trường sẽ có mức độ rủi ro khác nhau và sẽ có phân khúc nhà đầu tư khác nhau với khẩu vị rủi ro phù hợp. Tùy vào giai đoạn, trình độ phát triển của thị trường và nền kinh tế, sự quan tâm đối với mỗi sản phẩm tài chính sẽ nhiều ít khác nhau. Do đó, việc đưa ra lời khuyên chung cho các nhà đầu tư là không phù hợp.
Theo quan điểm của tôi, một thị trường tài chính tốt là nơi có khung pháp lý để hướng đến sự chuẩn mực và minh bạch đi liền với cơ sở hạ tầng giao dịch hiệu quả, còn lại để thị trường tự giao dịch với nhau. Các bên mua và bên bán tùy theo trình độ hiểu biết và khẩu vị rủi ro sẽ tự cấu trúc các sản phẩm phù hợp trong khuôn khổ pháp lý đấy.
Ở các thị trường quốc tế, ngoài các công ty được xếp hạng tín nhiệm trên BBB (mức có thể đầu tư), các công ty có tín nhiệm thấp hơn cũng có thể phát hành trái phiếu (junk bond) dù mức rủi ro cao, thậm chí rất cao. Những trái phiếu có mức độ tín nhiệm thấp này cũng có một phân khúc các nhà đầu tư có hiểubiết và chủ động chấp nhận mức độ rủi ro đó, đánh đổi lại có thể nhận được lợi tức cao.
Điều quan trọng là tổ chức phát hành phải minh bạch, tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý nói chung và nghĩa vụ công bố thông tin nói riêng đầy đủ. Một công ty được xếp hạng tín nhiệm ở mức rất cao khi lập ra phương án kinh doanh để huy động vốn cũng không thể đảm bảo 100% dự án đó sẽ thành công. Tín nhiệm được xếp hạng dựa trên các dữ liệu ở thời điểm hiện tại. Còn tương lai thì không ai có thể đảm bảo.
Nguồn: báo cáo MBS
Video đang HOT
Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 (nguồn: MBS)
Việt Nam hiện nay chưa có một công ty xếp hạng tín nhiệm nào hoạt động, theo ông, thị trường trái phiếu có nhất thiết phụ thuộc vào công ty định mức tín nhiệm không?
Cá nhân tôi coi các công ty xếp hạng tín nhiệm như một phần cơ sở hạ tầng của thị trường tài chính. Cơ sở hạ tầng đa dạng, thuận tiện thì sẽ tạo điều kiện và thúc đẩy sự vận hành của thị trường tốt lên, hiệu quả hơn. Nhìn từ kinh nghiệm các nước trong khu vực, các công ty xếp hạng tín nhiệm giúp thị trường trở nên minh bạch hơn nhưng cần lưu ý không được lạm dụng, trông chờ hết vào các công ty xếp hạng tín nhiệm để giải quyết hết vấn đề. Bởi họ có thể đưa ra một phương pháp luận và xếp hạng năng lực trả nợ theo phương pháp của riêng họ nhưng phương pháp đấy cần kiểm nghiệm từ thực tế hoạt động thị trường.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì điều này đã từng xảy ra với các sản phẩm tài chính phái sinh trong cuộc khủng hoảng thị trường tài chính toàn cầu 2008-2010, nhiều chuyên gia trên thị trường khi đó đã cho rằng các hãng xếp hạng tín nhiệm ở thời điểm đó khi thực hiện xếp hạng tín nhiệm các sản phẩm này đã không hiểu hết cấu trúc rủi ro của sản phẩm hoặc có thể hiểu nhưng quy trình theo dõi, đánh giá, xử lý cập nhật điều chỉnh xếp hạng lại chậm trễ so với biến động thị trường.
Khi khủng hoảng nợ nổ ra tại Hy Lạp, các công ty xếp hng tín nhiệm còn chưa kịp thay đổi mức đánh giá tín nhiệm thì thị trường đã bán tháo trái phiếu Chính phủ quốc gia này đẩy lãi suất vọt lên, trong khi các công cụ nợ của một số quốc gia Châu Á, Asean cùng thời điểm (mặc dù xếp hạng tín nhiệm thấp hơn) lại thu hút nhà đầu tư mua vào với mức lãi suất thấp hơn. Hay một dẫn chứng điển hình, lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam kỳ hạn 5 năm có thời điểm ở nửa đầu năm 2018 đã xuống thấp gần ngang với lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cùng kỳ hạn dù xếp hạng hai quốc gia chênh lệch nhau rất xa.
Nhìn vào bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2011, các hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín hàng đầu thế giới rõ ràng cũng không phải đơn vị nhận diện được hết được các loại rủi ro. Cuộc khủng hoảng đó đã khiến niềm tin vào các tổ chức định giá trung gian bị lung lay. Hiện nhiều tổ chức hay các nhà đầu tư sử dụng hệ thống tự đánh giá rủi ro nội bộ, tự dùng năng lực của mình để đánh giá và chỉ dùng kết quả xếp hạng tín nhiệm để tham khảo.
Nói vậy để thấy việc xếp hạng tín nhiệm là một cơ sở hạ tầng tạo ra tính minh bạch và là cơ sở mà nhiều nhà đầu tư có thể nhìn vào để thống nhất với nhau. Có xếp hạng sẽ tốt hơn nhưng điều này không có nghĩa cứ có xếp hạng cao là yên tâm, an toàn tuyệt đối.
Tại Việt Nam, hiện đã có một công ty xếp hạng tín nhiệm được cấp phép nhưng chưa cung cấp dịch vụ. Bộ Tài chính cũng đang khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này để ít nhất có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm. Ở các quốc gia khác, với các thương vụ quan trọng, nhà đầu tư chỉ xem xét khi doanh nghiệp phát hành và dự án đầu tư hay công cụ nợ phát hành phải có tối thiểu 2 xếp hạng tín nhiệm của 2 công ty xếp hạng tín nhiệm khác nhau vì phương pháp của mỗi công ty mang tính chủ quan của công ty đó. Bản thân phương pháp xếp hạng cũng phải được điều chỉnh theo thời gian, thực tiễn hoạt động xã hội để đo lường được chính xác mức độ rủi ro, không phải cứ đưa ra một phương pháp rồi chạy mãi.
Một công ty xếp hạng tín nhiệm thực ra phải rất giỏi, bám sát sự thay đổi của nền kinh tế. Họ công bố minh bạch phương pháp đánh giá cũng như thường xuyên điều chỉnh phương pháp luận. Điều mà công ty xếp hạng tín nhiệm kinh doanh là trí tuệ, chất xám, kinh nghiệm, kỹ năng và hiểu biết của họ. Họ phải cạnh tranh, hoàn thiện liên tục và chứng minh theo thời gian. Nếu sau vài năm hoạt động thực tế, tỷ lệ xếp hạng không đúng cao, công ty đó có thể sẽ không giữ được uy tín, thậm chí các tổ chức phát hành, nhà đầu tư không bao giờ sử dụng dịch vụ từ công ty đấy vì sự xác tín của họ có thể làm xấu đi bản chào tài sản của tổ chức phát hành.
Vậy theo ông cần làm gì để thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu hiện nay?
Theo hiểu biết của tôi thì thị trường tài chính, như mọi lĩnh vực khác, không tự nhiên phát triển mà cần có sự đầu tư về cơ chế, chính sách, con người. Ví dụ như một cơ chế để thu hút nhà đầu tư là giảm thuế cho một sản phẩm ở một thời điểm, qua đó kích thích sự tham gia của nhà đầu tư vào thị trường đó. Người làm chính sách với tùy mục tiêu, chiến lược phát triển sẽ phải lựa chọn và chấp nhận rủi ro khi xây dựng khung chính sách. Không có một khung chính sách nào là hoàn hảo, quan trọng là phù hợp với mục tiêu đặt ra.
Có những rủi ro xuất phát từ việc tổ chức phát hành, tư vấn phát hành đưa thông tin sai lệch, không đầy đủ hay chỉ nói về các mặt tích cực. Khi đó, khung pháp lý phải ngăn chặn, phát hiện, xử lý và có hình thức xử phạt. Còn lại, không có sản phẩm nào không có rủi ro kể cả trái phiếu Chính phủ, không có gì là tuyệt đối an toàn.
Điều cần làm ở đây là đào tạo, nâng cao hiểu biết của tất cả các bên tham gia, chuẩn hóa hệ thống, cho thị trường định giá trên cơ chế hoàn toàn thị trường, dựa trên nền tảng thông tin minh bạch, rõ ràng với quy chuẩn về đạo đức hành nghề, hệ thống kiểm tra giám sát hiệu quả và chế tài xử lý vi phạm đủ mạnh để ngăn hành vi lợi dụng, lừa đảo giữa các bên trên thị trường. Nhà đầu tư cần tự nhận biết khẩu vị rủi ro của mình và tìm trên thị trường các sản phẩm, kênh đầu tư phù hợp khẩu vị rủi ro cũng như hiểu rõ về sản phẩm, cách quản trị rủi ro…
Xin cảm ơn ông.
Tâm An – Án An
Theo Trí thức trẻ
Phát hành trái phiếu: Phải "nói dối" cho... đúng luật
Nghị định 163/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp yêu cầu gia tăng minh bạch thông tin phát hành trái phiếu, nhưng doanh nghiệp đang phải... "nói dối" do quy định tại đây chưa phù hợp với đặc tính của loại hình phát hành riêng lẻ.
Vì sao khó nói thật?
Tuy mới đi vào áp dụng từ đầu năm 2019, nhưng không thể phủ nhận là nhờ tác động của nhiều quy định mang tính cởi mở, thông thoáng tại Nghị định 163/2018, chưa bao giờ thị trường trái phiếu doanh nghiệp lại sôi động như hiện tại. Theo cập nhật của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 6 tháng đầu năm nay, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 89.483 tỷ đồng, bằng 134% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến 24/6/2019, dư nợ thị trường TPDN đạt 10,22% GDP năm 2018, tăng 19,2% so với cuối năm 2018 (8,6% GDP).
Dù vậy, bên cạnh những mặt tích cực, một số quy định tại Nghị định 163/2018 cũng đã bộc lộ điểm không phù hợp với thực tế đặc thù của loại hình phát hành trái phiếu riêng lẻ. Cụ thể, liên quan đến nghĩa vụ công bố thông tin, theo quy định tại Khoản 1, Điều 22 - Nghị định 63/2018, tối thiểu 10 ngày làm việc trước ngày dự kiến phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phát hành thực hiện công bố thông tin trước đợt phát hành cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán (HNX - PV).
Nội dung công bố thông tin trước đợt phát hành theo mẫu tại Phụ lục 1 của Nghị định 63/2018. Theo đó, các thông tin cụ thể gồm: Tổng số lượng trái phiếu phát hành, tổng giá trị phát hành, lãi suất danh nghĩa dự kiến (trường hợp lãi suất thả nổi thì nêu cách thức xác định lãi suất)...
Thực tế cho thấy, với loại hình phát hành ra đại chúng, việc yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu trong vòng 10 ngày trước thời điểm dự kiến phát hành là quá ngắn, không đủ để thu hút nhiều nhà đầu tư biết đến đợt phát hành, chứ chưa nói đến việc đăng ký tham gia đợt phát hành của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là nếu không "dắt lưng" trước một lượng nhà đầu tư nhất định, thì doanh nghiệp gần như nắm chắc thất bại khi tiến hành phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
"Ngược lại, với phát hành riêng lẻ, 10 ngày lại là khoảng thời gian khá dài, vì kể từ khi công bố thông tin về đợt phát hành cho đến khi chốt giao dịch có không ít biến động về lãi suất, tài sản đảm bảo..., nên phương án giao dịch cuối cùng có sự chênh lệch đáng kể so với bản công bố thông tin cho nhà đầu tư, cũng như gửi đến HNX để công bố ra thị trường...", giám đốc bộ phận ngân hàng đầu tư một công ty chứng khoán chia sẻ.
Bất cập trên cũng được Nhóm Công tác thị trường vốn nêu ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019 vừa diễn ra. Nhóm này cho rằng, Nghị định 63/2018 yêu cầu tổ chức phát hành công bố thông tin chi tiết các điều kiện và điều khoản trái phiếu ít nhất 10 ngày làm việc trước khi phát hành là không hợp lý, khó khả thi trong thực tế.
Nguyên nhân là bởi tổ chức phát hành và nhà đầu tư thường hoàn tất việc chốt điều kiện và điều khoản trái phiếu trong một thời gian ngắn trước khi phát hành. Đặc biệt, với những trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo, do các tài liệu pháp lý phức tạp, các bên thường chỉ kết thúc đàm phán chi tiết hợp đồng đảm bảo 1-2 ngày trước khi phát hành.
Nếu buộc tổ chức phát hành phải tuân thủ thời gian công bố thông tin theo quy định sẽ vừa gây khó khăn trong thực hiện các công đoạn của đợt phát hành trái phiếu, vừa khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng "bất tuân thủ", mà theo ví von của giới quan sát là tình trạng "hai sổ".
Có nghĩa là, để không bị "tuýt còi" do vi phạm Nghị định 63/2018, doanh nghiệp phát hành vẫn tuân thủ quy định về thời gian công khai thông tin trước 10 ngày dự kiến phát hành trái phiếu, nhưng do thực tế phương án giao dịch cuối cùng thường chỉ chốt trước khi phát hành 1-3 ngày, nên nhiều thông tin về đợt phát hành có sự khác biệt so với nội dung của bản công bố thông tin đã công khai tới nhà đầu tư, cũng như gửi cho HNX, ảnh hưởng tới tính minh bạch trong hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nói riêng, thị trường trái phiếu nói chung.
Buộc công bố danh tính người sở hữu trái phiếu, nên không?
Cần sửa đổi Nghị định 63/2018 theo hướng trái phiếu phát hành riêng lẻ phải bị hạn chế giao dịch trong suốt thời hạn của trái phiếu, đồng thời chỉ được phép chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với nhau để tránh rủi ro...
Để không gây khó cho doanh nghiệp, ý kiến từ các doanh nghiệp phát hành, đơn vị tư vấn, cũng như Nhóm Công tác thị trường vốn đề xuất Chính phủ sớm xem xét sửa đổi Nghị định 63/2018 theo hướng vẫn giữ thời hạn phải công bố thông tin trước 10 ngày phát hành, nhưng cho phép tổ chức phát hành chỉ phải công bố các điều khoản và điều kiện cơ bản của trái phiếu như kỳ hạn, mệnh giá, lãi suất, thanh toán gốc, lãi... trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp. Các điều kiện và điều khoản khác của trái phiếu sẽ tuân theo thỏa thuận riêng được ký kết giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư, mà không cần phải công bố đến Sở Giao dịch chứng khoán trước khi phát hành trái phiếu.
Cũng theo ý kiến từ thành viên thị trường,Nghị định 63/2018 buộc công bố thông tin về đối tượng sở hữu trái phiếu trong các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, theo nhìn nhận của nhà đầu tư là không đúng bản chất của phát hành trái phiếu riêng lẻ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tính bảo mật thông tin của nhà đầu tư cũng như danh mục đầu tư của họ. Do đó, Chính phủ cần xem xét bãi bỏ quy định này tại Nghị định 63/2018.
Theo quy định tại Nghị định 63/2018, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành... Việc áp dụng quy định này, theo Nhóm công tác thị trường vốn, dễ dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng để bán lại trái phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân, mà không phải đáp ứng các điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng với những quy định khắt khe hơn nhiều so với điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Mặt khác, sau thời hạn 1 năm kể từ khi phát hành, sức khỏe tài chính của tổ chức phát hành có thể có biến động và các nhà đầu tư cá nhân không đủ thời gian và hiểu biết để lường trước hết các rủi ro có thể xảy ra. Do đó, cần sửa đổi Nghị định 63/2018 theo hướng trái phiếu phát hành riêng lẻ phải bị hạn chế giao dịch trong suốt thời hạn của trái phiếu, đồng thời loại trái phiếu này chỉ được phép chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với nhau, để tránh rủi ro cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.
Nguyễn Hữu
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Trái phiếu doanh nghiệp: Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư Các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, nhà đầu tư cần chuẩn bị nguồn lực thật tốt để đón đầu cơ hội từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đầy tiềm năng. Tính đến hết tháng 9/2018, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Việt Nam là 79.515 tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2015 là 43.500 tỷ...