Phạt “đinh tặc” nửa tỉ: Khó khả thi!
Giới chuyên môn cho rằng hành vi vi phạm của “đinh tặc” là rất nguy hiểm, cần nghiêm trị nhưng việc định mức xử phạt lên đến 500 triệu đồng là không thực tế.
Dự kiến tại kỳ họp diễn ra vào tháng 10, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến dự thảo Bộ Luật Hình sự (BLHS – sửa đổi). Trong 20 hành vi mới bổ sung vào dự thảo lần này, đáng chú ý nhất là hành vi cố ý rải vật sắc nhọn (“đinh tặc”) trên đường bộ với mức phạt tiền 500 triệu đồng.
Phải nghiêm trị
Cách đây không lâu, 2 thanh niên đi xe máy hướng từ Đồng Nai về TP HCM, khi đến đoạn thuộc xã Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương thì bất ngờ thủng bánh sau khiến xe ngã, cả hai té xuống đường. Cùng lúc, xe tải trờ tới cán ngang làm 1 người chết tại chỗ và 1 người bị thương nặng.
Thời gian qua, đã có rất nhiều tai nạn đau lòng xảy ra do hành vi rải đinh trên đường vì mục đích kiếm thu nhập bất chính của một số đối tượng. Việc nghiêm trị loại tội phạm này là cần thiết, được các tầng lớp nhân dân đồng tình.
Đó cũng là lý do mà tại điều 270 dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung thêm hành vi phạm tội này với mức phạt tiền tối đa 500 triệu đồng. Theo ban soạn thảo, hành vi cố ý đặt, rải vật sắc, nhọn trên đường bộ cũng là hành vi cản trở giao thông nhưng mức độ nguy hiểm cao hơn những hành vi khác. Nó còn thể hiện ý thức chủ quan của người phạm tội vì mục đích kinh tế mà bất chấp sự an toàn của người khác, có hành vi hết sức nguy hiểm gây cản trở giao thông, tạo ra nguy cơ gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe và tài sản của những người tham gia giao thông. Do đó, cần quy định thành tội danh riêng để xử lý nghiêm khắc hơn.
Cũng theo ban soạn thảo, hiện nay, việc xử lý “đinh tặc” áp dụng theo điều 203 của BLHS năm 1999. Vướng mắc ở bộ luật này đó là phải chờ hậu quả xảy ra mới xử lý nên không bảo đảm răn đe, ngăn chặn loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng này.
Một nạn nhân của “đinh tặc” bức xúc về việc xe bị cán đinh khi đang lưu thông Ảnh: NHƯ PHÚ .
Video đang HOT
Cân nhắc phạt tiền
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh, hiện nay, hành vi rải đinh trên đường bộ chỉ có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 5, điều 11 nghị định 171/2013/NĐ-CP (từ 5-7 triệu đồng). Còn nếu gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản của người khác thì bị xử lý hình sự tội cản trở giao thông theo điều 203 BLHS năm 1999 (tối đa 10 năm tù).
Vấn đề là mục đích của người rải đinh không phải muốn cản trở giao thông mà là muốn kiếm tiền, lợi ích vật chất từ hành vi này nên việc định tội danh theo điều 203 cũng chưa thật chính xác. Vì lý do này, trong một số vụ việc cụ thể, cơ quan chức năng xử lý theo hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thì chính xác hơn. Dù vậy, theo điều 143 BLHS năm 1999, các yếu tố cấu thành tội này là phải gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng; gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này. Chiếu theo quy định này, việc xử lý “đinh tặc” cũng rất khó khăn bởi giá trị một chiếc vỏ, ruột xe chỉ vài chục ngàn đồng.
Giới chuyên môn cho rằng việc xây dựng điều khoản riêng để xử lý hành vi “đinh tặc” theo điều 270 dự thảo BLHS (sửa đổi) là hợp lý, gỡ vướng cho các quy định cũ. Dù vậy, cần phải xem xét lại mức hình phạt tiền. “Phần lớn những người vi phạm nhận thức về pháp luật chưa cao, điều kiện kinh tế khó khăn. Việc làm của họ chủ yếu là để kiếm thêm thu nhập cho bản thân dựa trên những thiệt hại tài sản của người khác. Mức phạt tiền quá cao có thể khó thi hành trong thực tiễn với loại tội này” – luật sư Chánh nói
Quy định mức phạt theo dự thảo mới Theo điều 270 dự thảo BLHS (sửa đổi), người nào cố ý đặt, rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: Phạm tội từ 2 lần trở lên; trên các tuyến đường cao tốc; trên các đoạn đường đèo, dốc hoặc các đoạn đường nguy hiểm khác; làm chết người hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm: Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM: Không khả thi, khó thi hành Việc hình sự hóa tội “Cố ý đặt, rải vật sắc, nhọn trên đường bộ” như điều 270 dự thảo BLHS (sửa đổi) là cần thiết để cơ quan chức năng áp dụng pháp luật chính xác, dễ dàng hơn. Về cơ bản, các hình phạt theo dự thảo tương đối phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi nhưng riêng về mức phạt tiền thì cần xem xét lại. Bởi lẽ, những người phạm tội này mặc dù họ cố ý về hành vi nhưng vô ý về hậu quả. Bản thân “đinh tặc” là người có thu nhập thấp, thiếu hiểu biết dẫn đến làm liều để kiếm lời từ việc sửa chữa phương tiện. Ngoài bị phạt tiền, “đinh tặc” còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị hại. Mức phạt tiền theo dự thảo dù bảo đảm tính răn đe nhưng rõ ràng là không khả thi, khó thi hành án trên thực tế. Thạc sĩ Ngô Thế Tiến, nguyên thẩm phán TAND TP HCM: Có nên cá thể hóa án hình sự? Theo pháp luật hiện hành, “đinh tặc” chỉ bị xử lý hình sự khi có hậu quả xảy ra. Quy định như vậy không đủ để ngăn cản, răn đe. Do đó, việc dự thảo BLHS (sửa đối) định danh tội phạm đối với hành vi rải đinh trên đường là phù hợp với thực tiễn. Mức xử phạt hành chính hay hình sự phạt bằng tiền là căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm. Cho nên việc “đinh tặc” còn phải chịu trách nhiệm bằng hình phạt tiền tương ứng với hành vi của mình gây ra theo quy định của pháp luật là cần thiết. Vấn đề đặt ra là thực hiện như thế nào, khả năng nộp phạt của “đinh tặc” ra sao… thuộc về thi hành án dân sự. Không thể vì thế mà đặt vấn đề cá thể hóa thi hành án của “đinh tặc” khi quy định mức phạt bằng tiền trong BLHS được. Thạc sĩ Vũ Thị Thúy, Giảng viên Khoa Luật Hình sự Trường ĐH Luật TP HCM: Nên điều chỉnh mức phạt tiền Tôi tán thành quy định trong dự thảo về loại hình phạt và mức hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù và hình phạt bổ sung đối với hành vi phạm tội này. Đồng thời tôi cũng tán thành quy định về loại hình phạt tiền như trên. Tuy nhiên, mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 500 triệu đồng là chưa hợp lý. Khi nhà làm luật quy định hình phạt tiền đối với một hành vi phạm tội, nguyên tắc cơ bản phải tính đến là tính khả thi và phải căn cứ vào tình trạng tài sản của người phạm tội. Đối với “đinh tặc”, ai cũng biết đa phần họ là những người hành nghề sửa xe, thuộc đối tượng nghèo hoặc khó khăn về kinh tế, thu nhập, công việc không ổn định. Hành vi phạm tội của họ nhằm mục đích thu lợi bất chính từ việc sửa xe, thay lốp từ 50.000 đến 100.000 đồng. Vì vậy, mức phạt tiền như trên vượt quá khả năng, tài sản của họ. Nếu một quy định về hình phạt trong BLHS không có tính khả thi thì nó chỉ tồn tại trên giấy, không đạt được mục đích trừng trị, răn đe, giáo dục, cải tạo và phòng ngừa. Theo tôi, nên điều chỉnh mức phạt theo khoản 1 điều 270 dự thảo BLHS (sửa đổi) như sau: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Đối với trường hợp: phạm tội từ 2 lần trở lên; phạm tội trên các tuyến đường cao tốc, đường đèo, dốc hoặc các đoạn đường nguy hiểm; làm chết người hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm. Phạm tội thuộc trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, hoặc tái phạm nguy hiểm thì phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Bảo Nghi ghi
Theo Người lao động
Kiến nghị bỏ án tử hình đối với người già từ 70 tuổi trở lên
Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) cần bỏ án tử hình đối với người già từ 70 tuổi trở lên vì hiện nay đã có quy định không tử hình đối với phụ nữ có thai, trẻ em, nhưng lại chưa có quy định đối với những phạm nhân già yếu (trên 70 tuổi).
Đó là kiến nghị nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các chuyên gia pháp lý tại Hội nghị khu vực phía Nam đóng góp ý vào dự thảo báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 23/9.
Không bỏ án tử hình với kẻ gieo cái chết trắng
Các ý kiến tại Hội thảo đồng ý với chủ trương bỏ tử hình đối với 7 tội danh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình việc bỏ án tử hình đối với hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy.
Ông Trịnh Văn Huy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Phước cho rằng, không nên bỏ án tử hình đối với tội vận chuyển, tàng trữ ma túy và nên giữ nguyên như Bộ luật Hình sự năm 1999. "Tại Bình Phước thời gian qua chúng tôi ghi nhận quá trình từ trinh sát, theo dõi đến quyết định truy quét bắt được một vụ vận chuyển ma túy là rất khó khăn. Chẳng hạn như các lực lượng thuộc Bộ đội biên phòng phải trinh sát hàng năm trời ở biên giới, rất tốn kém về nhân lực, có thể đổ cả xương máu mới truy quét được các loại tội phạm này", ông Huy nói.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị trong dự thảo không bỏ án tử hình đối với tội vận chuyển, tiêu thụ chất ma túy. "Nếu vận chuyển hàng trăm viên thuốc lắc, cũng như số lượng ma túy lớn thì rất nguy hiểm cho cộng đồng. Do đó, không thể bỏ tử hình đối với loại tội phạm này", đại diện VKS Đồng Tháp nói.
Nhiều ý kiến cho rằng không nên bỏ án tử hình đối với tội phạm về ma túy
Cũng theo ý kiến một số Sở ngành các tỉnh Tây Nam bộ, dự thảo nên có quy định về miễn hình phạt tử hình cho người già, trong đó thống nhất quy định 70 tuổi trở lên (căn cứ trên Luật người cao tuổi quy định). Theo đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Tháp, quy định này nhằm hoàn thiện hơn cho Bộ luật Hình sự, bởi vì hiện nay đã có quy định không tử hình đối với phụ nữ có thai, trẻ em, nhưng lại chưa có quy định đối với những phạm nhân già yếu (trên 70 tuổi).
Ông Trịnh Văn Huy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Phước cho rằng dự thảo luật nên quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên quy định là từ 13 - 15 tuổi; 15 - 17 tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo ông Huy, hiện nay trẻ em ngày càng phát triển về thể chất, trí tuệ. Biểu hiện rõ nhất là có rất nhiều trường hợp trẻ vị thành niên gây án nghiêm trọng trong những năm gần đây. Do đó, cần thiết có điều chỉnh quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Định danh các vi phạm nổi cộm
Bà Phan Quỳnh Giao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ cho rằng cần phải định danh cho nhóm các hành vi vi phạm nổi cộm, gây nhức nhối dư luận trong những năm gần đây. Điển hình như các vụ việc rải đinh, vật sắc nhọn, đổ hóa chất trên đường gây trơn trượt...
"Tôi cho rằng, đối với những hành vi này cũng cần có chế tài xử lý đủ sức răn đe và cũng nên chăng gom các hành vi này vào nhóm tội "gây cản trở giao thông"", bà Giao đề xuất.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ cũng cho rằng, dự thảo của Bộ luật Hình sự cần cân nhắc về tội danh cho vay nặng lãi. Bởi vì, hành vi này phát sinh trong giao dịch dân sự, do đó ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng mới cần có hình phạt nặng để răn đe (xem xét trách nhiệm hình sự), nhất là các yếu tố như xiết nợ, cho vay nặng lãi từ hai người trở lên và gây hậu quả lớn.
Bà Hoàng Thị Lợi, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ P.Bến Nghé (Q.1, TPHCM) đề nghị xây dựng khung hình phạt nặng hơn đối với các tội danh tham ô, tham nhũng. "Tội tham nhũng cả ngàn tỷ đồng, nộp lại mấy trăm tỷ đồng. Nghĩa là họ còn giữ lại 1/3 số tham nhũng thì vẫn đủ dư giả cả đời, mà tiền này là tiền thuế của dân, nhìn vào dư luận sẽ rất xót xa. Do đó, nên có hướng tăng nặng so với khung hình phạt cũ và không nên bỏ án tử hình đối với các tội danh tham ô, tham nhũng", bà Lợi nói.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, đến nay đã nhận được báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của 16 Bộ, ngành, cơ quan trung ương; 39 tỉnh/thành trực thuộc trung ương; 20 cơ quan, tổ chức và 15 cá nhân. Tổng cộng hơn 3 triệu lượt ý kiến của nhân dân đã góp ý cho dự thảo luật, với nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết được ghi nhận vào quá trình sửa đổi bộ luật.
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, những góp ý sát sườn của các đại biểu là cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét thông qua.
Công Quang
Theo Dantri
Phạt tới 12 năm tù cho tội rải đinh trên đường Không những bị phạt 12 năm tù, người rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường còn bị phạt từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Quy định trên nằm trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Ủy ban Tư pháp (UBTP) trình xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp sáng 14.9. Cụ thể,...