Phát điên vì vợ cũ của… chồng
Đã hơn một năm nay, tức là gần 500 ngày, tôi sống trong cảnh “chung chạ” một người đàn ông với vợ cũ của chồng. Tôi không hiểu sao anh lại cho phép điều đó diễn ra trong căn nhà này.
ảnh minh họa
Bao nhiêu nỗ lực để vượt qua một quả núi, tôi mới đến được với anh. Thế nhưng đổi lại những gì mình nhận được ở cuộc hôn nhân bão tố này là hai từ: Thất bại! Trống rỗng!
Tôi yêu người đàn ông bị vợ “cắm sừng”
Lần đầu tiên tôi gặp anh khi là một cô sinh viên mới ra trường đi xin việc. Nhờ sự thông minh nhanh nhẹn, tôi được anh nhận vào công ty làm việc. Ấn tượng đầu tiên về người đàn ông này chỉ là một ông sếp giỏi, quyết liệt trong công việc. Thế rồi vị trợ lí giám đốc giúp tôi hiểu và biết thêm nhiều những bí mật đằng sau con người giỏi giang này.
Anh thành công trong thương trường bao nhiêu thì lại thất bại trong hôn nhân bấy nhiêu. Có lẽ với một người đàn ông không còn gì tồi tệ hơn là bị vợ “cắm sừng”. Trong khi anh mải mê với công việc thì vợ tìm niềm vui với người đàn ông khác.
Làm ở vị trí gần gũi với sếp, tôi gần như chứng kiến hết những hỉ nộ ái ố của anh và vợ cũ. Và cũng chẳng biết vì tình yêu hay tình thương nhưng tôi thấy muốn ở bên người đàn ông này. Tôi toàn tâm toàn ý với công ty của anh như chính công ty của mình. Tôi bắt đầu quan tâm hơn tới những sinh hoạt cá nhân của anh. Tôi chăm chút anh từng bữa ăn, bộ quần áo. Những thứ đó vừa giống một phần công việc, vừa vì tôi thấy vui khi được chăm sóc anh.
Cuộc hôn nhân đó của anh cứ chủng chẳng cho tới 3 năm sau mới li hôn. Họ đã có ba đứa con với nhau nên thật khó khăn để đi tới quyết định đường ai nấy đi. Và khi bị phát hiện ngoại tình, vợ cũ của anh lại hối hận muốn anh tha thứ. Sự dùng dằng kéo dài khiến mọi người trở nên mệt mỏi, cả tôi cũng mệt mỏi với sự chờ đợi ngày anh được “tự do”.
Anh giành quyền nuôi cả ba đứa con. Vợ cũ cũng gật đầu đồng ý để có thể rảnh rang bắt đầu mối quan hệ mới với người đàn ông khác.
Anh ly hôn được một năm thì chúng tôi bắt đầu công khai quan hệ chính thức. Anh cần tôi không chỉ là người trợ lí mà còn là người chăm lo đời sống tinh thần, tình cảm sau khi ly hôn. Lũ trẻ cũng quý mến vì nghĩ tôi là người bạn tốt của bố chúng.
Bao nhiêu người can ngăn tôi khi chúng tôi công khai cuộc tình này. Cha mẹ tôi lắc đầu đau đớn khi thấy con gái mình xinh đẹp, giỏi giang mà lại đâm đầu vào một người đàn ông đã từng một đời vợ và nuôi ba con riêng. Bạn bè tôi cũng choáng váng khi biết sự lựa chọn của tôi.
Đến với anh, tôi sẽ chẳng thiếu gì về vật chất nhưng họ lo cho tôi có đủ sức tồn tại trong căn nhà có tới ba đứa con riêng của chồng. Tôi vật vã sau 3 năm kể từ khi anh ly hôn mới dám tiến tới một đám cưới. Ngày cưới, mẹ gạt nước mắt dẹp hết mọi người đứng gần cửa cổng khi rước dâu. Mẹ mong con gái sẽ không gặp bất cứ chướng ngại vật gì khi trở thành “vợ hai”. Con gái mẹ luôn giỏi giang, sáng suốt trong mọi việc trừ việc chọn chồng.
Video đang HOT
Vượt qua mọi cảm xúc lẫn lộn, tôi vẫn ngẩng cao đầu trong bộ váy cô dâu bước về nhà chồng. Tôi tin rằng mình cũng sẽ đủ thông minh và giỏi giang thu vén mọi chuyện như ở công ty anh.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Đâm đầu vào bụi rậm
Thế nhưng sự tự tin của tôi không kéo dài nổi ba tháng. Lũ trẻ từ chỗ yêu quý tôi chuyển qua căm thù. Chúng chỉ yêu quý tôi khi tôi còn là người bạn của bố chúng. Khi tôi biến thành mẹ kế của chúng thì thế giới đảo cực. Tôi đã rất nỗ lực để yêu thương và phục thiện chúng nhưng ở cái tuổi ẩm ương, tới bố đẻ chúng còn không thể bảo được nói gì kẻ khác máu như tôi. Ngôi nhà thực sự biến thành chiến trường mẹ kế – con chồng dù tôi có nhiều mưu vẫn không đủ sức “đấu” với ba đứa.
Mẹ chồng dù yêu quý tôi từ trước khi diễn ra đám cưới nhưng bà cũng bất lực trước những đứa cháu đang tuổi dậy thì. Và bao nhiêu cơ sự hiểu lầm chỉ vì lũ trẻ ghét tôi khiến khoảng cách mẹ chồng nàng dâu ngày càng xa.
Rồi tôi có bầu, tôi tin rằng đứa bé này sẽ gắn kết những thành viên mỗi người một phách của gia đình này hơn. Tôi đã vượt qua 9 tháng trong sự chịu đựng, dồn nén cảm xúc lắm khi tới mức đỉnh điểm.
Một bé gái xinh xắn ra đời, con gái bé bỏng như một vị cứu tinh giúp tôi có chút gì gắn kết với đại gia đình này hơn. Tôi có một năm dễ thở hơn một chút. Còn anh vẫn giữ “phong độ” say mê với công việc. Khi tôi đã trở thành vợ anh, mẹ của con anh thì anh dường như quên mất tôi. Anh chỉ biết có công việc và công việc. Tới một bữa cà phê với chồng với tôi cũng là quá xa xỉ. Giờ khi trở thành vợ anh, tôi bắt đầu hiểu hơn việc tại sao vợ cũ anh lại ngoại tình.
Và cuộc đời khó biết được chữ ngờ. Vợ anh sau khi chạy theo mối tình riêng đã bị phụ bạc bởi một cô gái trẻ trung, xinh đẹp hơn. Chị cuống cuồng khi thấy mình chẳng còn gì. Ba đứa con chồng nuôi cả, chị quá già để sinh nở. Ngồi trong ngôi nhà được chia sau cuộc ly hôn đánh đổi cả ba đứa con, chị thẫn thờ như kẻ mất hồn.
Một buổi sáng xấu trời, chị khóc xin anh quay lại nhưng chuyện đó là không tưởng. Chị bắt đầu kế hoạch tìm lại những gì mình từng sở hữu. Chị bất chấp mọi người quay trở về ngôi nhà cũ. Đã hơn một năm nay, ngày nào chị cũng có mặt ở nhà chúng tôi vào lúc 7h sáng và chỉ trở về nhà mình lúc 11h đêm.
Sáng chị vào bếp lo bữa sáng cho lũ trẻ, chuẩn bị quần áo cho chúng đi học. Tối chị tắm rửa cho chúng, cho chúng ăn, dậy chúng học bài… Chị tự nhiên như đây là nhà chị. Chị phớt lờ sự xua đuổi của mẹ chồng tôi. Chị phớt lờ tôi, phớt lờ những cơn điên đang kìm nén trong tôi chỉ chờ ngày bùng phát vì sự hiện diện của chị 24/7 ở ngôi nhà này.
Anh mặc chị làm gì thì làm chỉ cần các con của anh vui vẻ, được chăm lo. Anh chẳng có gì phải lăn tăn khi các con của mình được chăm sóc chu đáo, được dạy học hành mỗi ngày. Anh đâu cần biết tôi thì đang phát rồ vì vợ cũ anh. Chị chẳng tỏ thái độ gì với tôi, chị coi tôi không tồn tại. Việc chị, chị làm.
Đã cả chục lần tôi gào lên với anh rằng không thể chịu nổi cảnh vợ cũ gần như sống ở nhà mình như chốn không người nhưng anh chỉ có mỗi điệp khúc: “Em ích kỉ vừa thôi. Em không chăm lo được cho bọn trẻ thì để mẹ đẻ làm có sao?”. Anh đâu cần quan tâm cảm giác của tôi thế nào khi ngày ngày ăn chung bàn, gần như sống chung nhà với vợ cũ.
Ngày nào cũng như ngày nào hơn một năm qua, tôi không thể ngủ nổi với chồng vì cứ 11h đêm vợ cũ anh mới ra về. Hình ảnh vợ cũ của anh ám ảnh, len lỏi ngay cả trên chiếc giường của vợ chồng tôi.
Đã có lần tôi đòi ở riêng vì không thể chịu nổi cảnh này nhưng tất nhiên câu trả lời nhận được là “Nếu thích em cứ ra ở riêng, anh không thể bỏ ba đứa con để chiều theo ý em. Còn nếu em không chịu nổi thì ly hôn”.
Ly hôn ư? Tôi không thể để bi kịch thiếu bố hoặc thiếu mẹ lặp lại với con gái tôi được. Nhìn ba đứa con riêng của chồng đang phải vật lộn với mớ bùng nhùng của người lớn mỗi ngày khiến tôi không muốn bi kịch cũ lập lại với con gái bé bỏng của mình. Và tôi đã hứa với mẹ mình sẽ sống hạnh phúc để chứng minh rằng việc mọi người ngăn cản tôi tới với anh là sai.
Thế nhưng ngày nào cũng nhìn thấy vợ cũ anh trong ngôi nhà này khiến tôi sắp phát điên. Liệu vợ cũ anh sẽ tiếp tục dày vò tôi tới khi nào đây?
Có một phút nào đó tôi cũng chạnh lòng cho người đàn bà đã ngoài 40 hoàn toàn cô đơn vì một sai lầm khó tha thứ. Ngày chị quyết định bỏ chồng, bỏ con cũng là ngày chị “trắng tay”. Sự vô tâm của anh đã biến chúng tôi thành kẻ thù của nhau dù sâu thẳm trong thâm tâm tôi phần nào hiểu vì sao vợ cũ của anh lại chạy theo người đàn ông khác.
Theo VNE
Chán chồng lông bông và vô học
"Mày có tin là tao sẽ vô cơ quan quậy cho mày bị đuổi cổ không?". Trung gằn giọng. Tôi điên lắm rồi. Chỉ vì cái đoạn phim thời sự của đài truyền hình mà anh cạnh khóe, soi mói rồi gây gổ với tôi.
Như những lần bắt đầu gây gổ trước, anh luôn mở màn bằng câu: "Cái con khỉ mốc! Chỉ giỏi lừa bịp...". Biết anh kiếm chuyện, tôi im lặng. Anh lại châm chọc: "Hai giỏi cái con khỉ mốc. Bà và mấy con mẹ đó chỉ giỏi bẹo hình, bẹo dạng với mấy lão già trong cơ quan chớ giỏi gì?". Tôi vẫn im lặng. Khi đó trên tivi cũng vừa chấm dứt đoạn phóng sự về chị em nhân ngày phụ nữ. Tôi lấy remode chuyển kênh, anh giật lại: "Để tao coi".
Đến nước này thì tôi hết chịu nổi rồi. Tôi đứng dậy: "Đề nghị anh nói năng có văn hóa chút đi, tôi không quen mày tao...". "Tao biết mà, tao biết mày học giỏi, học cao, mày có văn hóa. Ừ, tao vậy đó!"- Trung cười nhạt. Tôi nhìn thẳng vào mặt Trung: "Anh thôi cái giọng đó đi. Hồi nào quen tôi, anh nói anh tự hào vì tôi là người học cao, hiểu rộng; tôi là tấm gương cho anh học hỏi, phấn đấu. Anh cũng chỉ giỏi ba xạo". Câu nói của tôi chạm đúng chỗ yếu của Trung nên anh gầm lên: "Mày giỏi lắm, được rồi, tao sẽ nói cho cả cơ quan mày biết mày là cái đứa không ra gì, suốt ngày đàn đúm, bỏ chồng, bỏ con...".
Tôi không muốn cãi cọ nữa nên dắt xe bỏ đi, còn kịp nghe Trung nói với theo: "Mày có tin...". Tôi ra quán cà phê ngồi chờ đến giờ cu Tí học xong để đón con. Lẽ ra việc này là của Trung nhưng anh không làm với lý do: "Thằng Tí con bà thì bà đưa rước đi". Lý do anh nói vậy là vì ngay cả thằng con tôi cũng không ưa ba nó. Suốt ngày nó lầm lì không nói chuyện, khi anh gây gổ với tôi mà có mặt nó thì nó sẽ lên tiếng bênh vực tôi. Chính vì vậy mà anh ghét nó chứ chẳng phải nó là con riêng của tôi.
"Mẹ ly dị ổng đi, mắc gì phải chịu đựng như vậy? Con chưa thấy một người nào mà lười biếng, ở dơ như vậy"- vừa nghe tôi kể, thằng Tí đã bực bội nói. Tôi biết thật không hay chút nào khi kể cho một đứa trẻ 15 tuổi biết những xích mích của ba mẹ nó, nhưng tôi không thể kể với người ngoài, đành phải trút hết lên con. Mà chuyện này cũng chỉ mới khoảng 1 năm trở lại đây chứ lúc trước tôi vẫn cố giấu, ngay cả khi nó vặn hỏi vì thấy mắt tôi sưng húp.
Trung là con trai thứ hai trong một gia đình có 6 anh chị em. Ông nội anh vốn là địa chủ nổi tiếng ở An Giang trước đây nhưng sau này, do ăn chơi vô độ nên ruộng đất phải bán dần. Đến đời ba anh thì chỉ còn vài chục công ruộng. Cuộc sống gia đình chỉ vừa đủ ăn chứ không khấm khá gì, thế nhưng hình như trong người anh vẫn còn dòng máu chủ cả nên lúc nào anh cũng muốn người khác phải phục tùng.
Ngày mới biết nhau, thú thật là tôi không hề nghĩ sau này anh sẽ như thế. Anh là giáo viên tiểu học ở một xã vùng sâu, còn tôi là chuyên viên Sở Giáo dục Đào tạo. Gặp anh mấy lần trong khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, thương anh vất vả, tôi đã tìm cách xin cho anh chuyển về gần nhà. Từ đó tình cảm phát sinh. Anh xem tôi là thần tượng, lúc nào cũng nói với tôi những lời có cánh; viết cho tôi những lá thư thấm đẫm yêu thương, trân trọng. Mọi người đều vun vào cho chúng tôi. Năm đó tôi 31 tuổi. Vậy là cưới.
Sau ngày cưới, chúng tôi vẫn mỗi đứa một nơi vì tôi không thể xin cho anh chuyển về thị xã. Gần 1 năm sau thì anh quyết định xin nghỉ dạy. Chúng tôi ở nhà tập thể của cơ quan, sau đó anh chê chật chội nên ra ngoài thuê nhà. Bạn bè anh lúc trước hứa hẹn sẽ xin việc làm cho anh giờ chẳng thấy tăm hơi.
Anh thất nghiệp nhưng tôi xin chỗ nào anh cũng không chịu vì chê công việc thấp kém. Riết rồi có lần bực quá, tôi bảo: "làm chuyện gì anh cũng không chịu vậy thì về quê làm ruộng cho rồi!". Anh về quê thật. Nhưng cũng chỉ được vài tháng rồi lại trở lên, năn nỉ tôi xin việc. Lần này tôi xin cho anh làm nhân viên văn phòng ở Sở Công nghiệp. Anh làm được 3 tháng thì chê công việc nhàm chán: "Tụi nó coi anh không ra gì, tới đứa con nít cũng sai anh được. Thôi, nghỉ".
Anh nói nghỉ là nghỉ, không chờ tôi nói phải quấy với bạn bè bên Sở Công nghiệp. Tôi lại xin cho anh vô một trường mầm non làm giáo vụ. Lần này được 6 tháng. Đến khi trường nghỉ hè thì anh cũng nghỉ luôn với lý do: "Tụi con nít suốt ngày la hét muốn điên cái đầu". Lần này anh theo bạn làm gỗ tận trên Đắk Lăk. Lúc đó tôi đang có bầu thằng Tí. Tôi bảo anh đừng đi nhưng anh kiên quyết: "Ở nhà để ăn bám em à?". Vậy là anh đi. Tôi nghĩ bụng, chắc gì anh đã trụ lại lâu vì trên ấy rừng thiêng nước độc, công việc lại nặng nhọc. Mà đúng như vậy thật.
Chưa đầy một tháng đã thấy anh lù lù quay trở về. Tôi lại xin cho anh vào làm ở xưởng nước đá của một người bạn. Ở đó người ta cho anh làm quản lý. Được khoảng 3 tháng thì anh lại nghỉ. Lý do lần này là "công việc chán phèo, tiền lương không đủ đi nhậu với bạn bè". Tôi kiên nhẫn hỏi: "Vậy bây giờ anh muốn làm công việc gì, ở đâu, nói thử em nghe coi?". Khổ nỗi những nơi anh nói ra thì tôi không có cách gì để xin cho anh vào bởi đòi hỏi phải có trình độ, kinh nghiệm. Mà anh thì chỉ có cái bằng trung học sư phạm, sau đó năm nào cũng đi bồi dưỡng một lần. Bảo anh học nâng cao thì anh lắc đầu: "Già rồi, học không vô".
Đôi lúc nhìn anh, tôi tự hỏi, tại sao những thứ đó hồi tôi quen anh nó không chịu lòi ra để tôi nhận diện mà tránh? Bây giờ ván đã đóng thuyền rồi tôi mới biết anh chẳng thích làm gì nhưng lại muốn ăn ngon, muốn có người phục vụ chu đáo, muốn vợ con phải phục tùng vô điều kiện...
Tôi chưa từng thấy một người nào lười biếng như anh. Nhà bị dột trúng ngay phòng ngủ của anh mấy chỗ mà anh chẳng thèm sửa, cũng không kêu thợ về sửa mà lại lấy 3,4 cái thau hứng mỗi khi trời mưa. Tôi đi làm về trễ, anh bỏ con ở nhà trẻ đến tối; chưa bao giờ anh nấu cho tôi một bữa cơm hay giặt cho tôi bộ quần áo...
Trong khi đó, tôi vừa phải chăm con nhỏ, vừa phải làm trong giờ, ngoài giờ bởi sau khi chuyển công tác sang đài phát thanh truyền hình tỉnh, tuy thu nhập cao hơn nhưng áp lực công việc rất nặng nề. Anh không thông cảm, chia sẻ với tôi mà mỗi khi tôi đạt được điều này, điều kia, anh đều mỉa mai, châm chọc. Tất cả những điều đó giống như một thứ a xít, nó ăn mòn tình yêu, hạnh phúc của chúng tôi.
Bây giờ thì anh bệnh. Một căn bệnh mà bác sĩ nói là do hậu quả của việc ăn nhậu vô độ và lười biếng kinh niên: bệnh gout. Khổ cho tôi, anh càng bị bệnh tật hành hạ đau đớn thì lại càng quay sang hành hạ vợ con. Và bây giờ thì anh chẳng làm gì cả ngoài việc ăn, ngủ, chơi và chửi! Tôi khóc với ba má chồng tôi thì ông bà cũng khóc. Ba tôi nói: "Cái này là lỗi của ba má, không biết dạy con, không tập cho nó lao động, bây giờ nó làm khổ vợ con...".
Không phải bây giờ ba má chồng tôi mới biết con họ như vậy nhưng có lẽ họ vẫn hi vọng tôi có thể cải tạo được anh, không ngờ "giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời". Mà cái tính của anh, càng ngày nó càng làm cho tôi ghét, thậm chí khi anh bệnh, tôi chẳng hề thấy thương xót trong lòng.
Thế nhưng tôi không muốn ly dị. Tôi không muốn mang tiếng bỏ chồng, không muốn ngôi nhà của tôi không có đàn ông vì như thế rất dễ bị hiếp đáp. Nhưng sống chung nhà với người đàn ông mà mình ghét bỏ thì tôi không lường được điều gì sẽ xảy ra...
Theo VNE
Bức thư đó khởi nguồn bi kịch Trong cuộc sống có những điều bí mật, chỉ nên giữ lại cho riêng mình. Nhưng đôi khi, những "điều bí mật" ấy lại khiến cho cuộc sống của ta trở nên rắc rối, thậm chí là điểm khởi đầu của một bi kịch... Trước khi lấy chồng, tôi đã trải qua 3 mối tình, nhưng 2 mối tình sau này đều chỉ...