Pháp và một số nước châu Âu phối hợp thiết lập phái bộ ngoại giao chung ở Afghanistan
Một số quốc gia châu Âu đang thảo luận về việc mở một phái bộ ngoại giao chung ở Afghanistan, qua đó cho phép các đại sứ châu Âu trở lại quốc gia Tây Nam Á.
Đây là thông tin mới được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron xác nhận ngày 4/12.
Cảnh vắng lặng tại vùng Xanh, nơi đặt trụ sở của nhiều Đại sứ quán và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Kabul, Afghanistan sau khi Taliban tuyên bố kiểm soát thủ đô, ngày 15/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau khi Taliban trở lại nắm quyền tại Afghanistan từ giữa tháng 8, Mỹ và các quốc gia phương Tây đã đóng cửa các đại sứ quán và rút nhân viên ngoại giao về nước. Thời gian qua, các nước này đã cân nhắc về cách thức tiếp xúc với Taliban khi chưa công nhận chính quyền mới tại Afghanistan.
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Doha của Qatar, khi trên đường tới thăm Saudi Arabia, Tổng thống Macron cho biết các nước châu Âu đang cân nhắc thành lập một tổ chức ngoại giao chung và đặt cơ sở tại một địa điểm ở Afghanistan để các đại sứ trở lại làm việc tại nước này. Theo ông, việc thiết lập một tổ chức ngoại giao không mang ý nghĩa công nhận hay tham gia đối thoại với Taliban mà là để nhanh chóng đưa đại diện đến quốc gia này sớm nhất có thể. Tuy nhiên, các bên sẽ phải xem xét những vấn đề bảo đảm an ninh.
Trước đó, sau các cuộc đàm phán với Taliban khoảng một tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã phát tín hiệu sẽ sớm thiết lập một phái bộ ngoại giao tại Afghanistan. Theo đó, phái đoàn đàm phán của EU đã đề cập khả năng thiết lập một cơ quan hiện diện tối thiểu ở thủ đô Kabul nhưng không đồng nghĩa với việc công nhận chính quyền mới của Afghanistan. Kế hoạch này sẽ phụ thuộc trực tiếp vào tình hình an ninh cũng như những quyết định của lực lượng kiểm soát tại Kabul để đảm bảo an toàn cho nhân viên ngoại giao EU và các cơ sở tại Afghanistan.
Afghanistan: Phái đoàn Mỹ thảo luận với các đại diện cấp cao của Taliban tại Qatar
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo phái đoàn Mỹ, do Đặc phái viên về Afghanistan Thomas West dẫn đầu, đã tiến hành các cuộc thảo luận với các đại diện cấp cao của Taliban tại Qatar trong hai ngày 29 và 30/11.
Các lực lượng Taliban tại tỉnh Kandahar, Afghanistan ngày 8/11/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tại cuộc hội đàm, phái đoàn Mỹ đã hối thúc Taliban bảo vệ các quyền của tất cả người dân Afghanistan, duy trì và thực thi chính sách về ân xá, cũng như tiến hành thêm các bước để thành lập một chính phủ bao trùm, đại diện cho tất cả thành phần trong xã hội.
Đây là vòng đàm phán thứ hai giữa giới chức Mỹ và Taliban kể từ khi lực lượng này nắm quyền trở lại tại Afghanistan từ giữa tháng 8 vừa qua. Trong vòng đàm phán này dự kiến diễn ra trong 2 tuần này, hai bên sẽ tìm cách giải quyết một số vấn đề như cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và các nhóm khủng bố thuộc mạng lưới Al-Qaeda, cũng như các chương trình cứu trợ nhân đạo. Các cuộc thảo luận cũng sẽ tập trung tìm cách đảm bảo đưa công dân Mỹ và người Afghanistan từng làm việc cho Mỹ trong cuộc tranh chiến kéo dài 20 năm rời khỏi quốc gia Tây Nam Á một cách an toàn.
Cùng ngày, hãng thông tấn SPA của Saudi Arabia đưa tin chính phủ nước này đang xúc tiến mở cửa bộ phận lãnh sự thuộc Đại sứ quán Saudi Arabia tại thủ đô Kabul nhằm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực của người dân Afghanistan. Tháng 8 vừa qua, Saudi Arabia đã sơ tán các nhân viên ngoại giao khỏi Kabul do lo ngại bất ổn sau khi Taliban giành lại quyền kiểm soát Afghanistan.
Liên quan đến hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại Afghanistan, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết tổ chức quốc tế này cùng các đối tác đang phân phát quần áo mùa Đông, lều, bạt, nhiên cho hàng chục nghìn người ở quốc gia Tây Nam Á. Theo OCHA, dữ liệu từ các năm trước cho thấy trong tháng 11, Afghanistan thường bắt đầu ghi nhận số trường hợp hạ thân nhiệt, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và tử vong trực tiếp hoặc gián tiếp gia tăng do thời tiết lạnh giá.
Châu Âu đánh giá lập trường của Iran để quyết định về đàm phán JCPOA Các nhà đàm phán châu Âu ngày 30/11 cho biết sẽ tiến hành đánh giá "mức độ nghiêm túc" trong lập trường của Iran trong vài ngày tới, qua đó sẽ quyết định có tiếp tục các cuộc đàm phán vừa được nối lại mới đây về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện...