Pháp tính đóng cửa tháp Eiffel vì lo bạo động leo thang
Pháp dự kiến sẽ tạm đóng cửa tháp Eiffel và một số địa điểm du lịch nổi tiếng khác ở thủ đô Paris trong ngày 8/12 vì quan ngại làn sóng biểu tình có thể biến thành bạo động căng thẳng vào cuối tuần này.
Lực lượng an ninh tuần tra tháp Eiffel (Ảnh: EPA)
Ngày 1/12, vụ biểu tình thuộc phong trào “Áo vàng” đã leo thang căng thẳng trở thành bạo động tồi tệ nhất trong lịch sử 50 năm qua của Pháp. Dù trong tuần qua, chính phủ Pháp đã đưa ra những nhượng bộ nhất định với những người đang bức xúc về kế hoạch tăng thuế xăng dầu, song các quan chức quan ngại rằng vào ngày 8/12, một cuộc bạo động khác có thể sẽ lại xảy ra. Vì vậy, Paris đã có những sự chuẩn bị nhất định để ứng phó với kịch bản tệ nhất.
Cụ thể, Pháp sẽ đóng cửa tháp Eiffel và hàng loạt các điểm du lịch nổi tiếng, viện bảo tàng. Sau vụ việc Khải Hoàn Môn bị vẽ bậy, đập phá, chìm trong khói lửa hồi tuần trước, chính quyền Paris cho biết họ sẽ cắt cử lực lượng bảo vệ những khu vực trên.
Ngoài đóng cửa những nơi nổi tiếng như bảo tàng Louvre, Orsay, nhà hát opera, khu tổ hợp Grand Palais, các nhân viên an ninh sẽ được điều tới đảm bảo an toàn ở khu vực xung quanh các địa điểm.
“Chúng ta không thể chấp nhận rủi ro khi đã biết trước về mối đe dọa”, Bộ trưởng Văn hóa Franck Riester cho biết.
Phía cảnh sát cũng yêu cầu cửa hiệu, nhà hàng dọc đại lộ Champs-Elysees và các con phố mua sắm lớn đóng cửa và thu gọn những đồ vật ở bên ngoài có thể biến thành “vũ khí” như bàn, ghế… Có ít nhất 6 trận thi đấu bóng đá đã bị hủy bỏ vào ngày 8/12 với mối lo ngại sâu sắc của Pháp về vấn đề an ninh khi quá nhiều người tập trung lại cùng lúc.
Video đang HOT
Thủ tướng Edouard Philippe cho biết Pháp sẽ làm mọi thứ có thể để duy trì trật tự. Ngoài ra, Pháp cũng điều 89.000 nhân viên an ninh và xe bọc thép trên toàn quốc để kiểm soát tình hình. Lực lượng chống khủng bố đang được cân nhắc điều động để bảo vệ các công trình công cộng.
Trong khi đó, trên Facebook và các mạng xã hội khác, người biểu tình vẫn đang rầm rộ kêu gọi người tới tham gia vào sự kiện ngày 8/12. Theo Reuters, những người tham gia phong trào “Áo vàng” đưa ra nhiều yêu cầu khác nhau bao gồm hạ thuế, tăng lương, giảm giá thành nhiên liệu, cải thiện điều kiện hưu trí, thậm chí yêu cầu Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ chức.
Chính phủ Pháp được cho là đang cân nhắc những sự nhượng bộ nhất định sau phản ứng dữ dội của phe biểu tình. Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cho biết ông đang chuẩn bị đề xuất cắt giảm thuế cho hộ gia đình và ông muốn tiền làm thêm giờ của người lao động không bị thu thuế. Báo Les Echos dẫn nguồn giấu tên cho biết, chính phủ Pháp được cho là sẽ tạm dừng kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp vào năm tới hoặc tăng mức lương cơ bản.
Đức Hoàng
Theo Dantri/ Straits Times
Pháp hủy kế hoạch tăng thuế sau biểu tình lớn nhất 50 năm
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tuyên bố chính phủ nước này sẽ hủy kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong dự toán ngân sách năm 2019 sau làn sóng biểu tình gây chấn động trong nhiều ngày qua.
Tổng thống Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng douard Philippe (Ảnh: AFP)
"Chính phủ sẵn sàng đối thoại và đang chứng minh điều này vì kế hoạch tăng thuế đã bị hủy bỏ trong dự toán ngân sách năm 2019", Thủ tướng Edouard Philippe phát biểu tại Hạ viện Pháp hôm qua 5/12.
Tuyên bố trên của ông Philippe là một phần trong thỏa thuận do thủ tướng Pháp đề xuất và được Hạ viện Pháp thông qua hôm qua. Tuy vậy, ông Philippe không nói rõ liệu kế hoạch tăng thuế có được đưa trở lại dự toán ngân sách sau năm 2019 hay không.
Trước đó, Thủ tướng Philippe ngày 4/12 tuyên bố chính phủ Pháp tạm hoãn kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong 6 tháng, đồng thời dừng việc tăng giá khí đốt và điện trong vòng 3 tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2019. Ngoài ra, việc siết chặt các tiêu chuẩn đánh giá ô tô để xử phạt những phương tiện cũ gây ô nhiễm cũng bị hoãn lại trong nửa năm.
Lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen cũng hối thúc Tổng thống Emmanuel Macron cam kết không cho phép kế hoạch tăng thuế gây tranh cãi được áp dụng trở lại "bằng mọi giá". Bà Le Pen thậm chí đòi giải tán quốc hội nếu cuộc khủng hoảng hiện nay tại Pháp không được giải quyết.
Trong thông báo phát đi vào tối qua, Điện Elysee cho biết cả Thủ tướng Philippe và Tổng thống Macron "đều mong muốn kế hoạch tăng thuế nhiên liệu sẽ được loại bỏ" khỏi dự toán ngân sách năm 2019.
"Các cuộc tranh luận giữa quốc hội và người dân trong những tuần và những tháng sắp tới sẽ phải tìm ra các phương án cũng như nguồn tài chính để đáp ứng các thách thức của quá trình chuyển đổi sinh thái", thông báo của Điện Elysee nêu rõ.
Bộ trưởng Môi trường Pháp Francois de Rugy cho biết ông đã trao đổi với Tổng thống Macron để xác nhận rằng thuế môi trường sẽ được hủy bỏ trong năm 2019. Ông Macron trước đó đã đề cập tới chiến lược chuyển đổi sinh thái quốc gia nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.
Động thái nhượng bộ của chính quyền Pháp được đưa ra sau khi hàng nghìn người thuộc phong trào Áo vàng đã tổ chức các cuộc biểu tình trên toàn nước Pháp, đặc biệt tại thủ đô Paris, để phản đối tăng thuế xăng dầu. Phong trào này ngày càng lan rộng và những yêu sách của người biểu tình cũng tăng theo, bao gồm đòi dừng giảm thuế cho người giàu, nâng lương tối thiểu hay phản đối cải cách giáo dục.
Bạo lực lớn có thể sắp diễn ra
Người biểu tình Áo vàng tại thủ đô Paris. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Macron và chính quyền của ông hôm qua đã kêu gọi người biểu tình bình tĩnh, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục nhượng bộ thêm để tránh xảy ra bạo lực.
AFP dẫn một nguồn tin tại Điện Elysee cho biết chính phủ Pháp lo sợ về nguy cơ xảy ra cuộc biểu tình "bạo lực lớn" vào ngày 8/12 tới tại Paris và một số nơi khác ở Pháp.
"Chúng tôi có lý do để lo sợ về tình trạng bạo lực lớn sẽ xảy ra", nguồn tin của văn phòng tổng thống Pháp cho biết.
Ít nhất 4 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng cảnh sát. Ngoài ra, hơn 130 người khác bị thương và ít nhất 412 người đã bị bắt sau các cuộc biểu tình. Chỉ tính riêng vào cuối tuần trước, đám đông biểu tình đã đốt 200 xe ô tô, đập phá các cửa hàng, phá hoại Khải Hoàn Môn - biểu tượng quốc gia của Pháp và chặn các tuyến đường khiến giao thông bị đình trệ.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Phong trào "Áo vàng" quyết không lùi bước sau khi chính phủ Pháp nhượng bộ Sau khi chính phủ Pháp công bố rằng sẽ dừng việc tăng thuế xăng dầu trong 6 tháng, động thái được coi là nhượng bộ nhằm xoa dịu căng thẳng với phong trào biểu tình "Áo vàng", người phát động chiến dịch này tuyên bố vẫn tiếp tục xuống đường để đòi quyền lợi. Một người biểu tình thuộc phong trào "Áo vàng"...