Phập phồng nhìn giá xăng: Vì sao người dân phải kêu?
Tăng nguồn thu từ người dân không phải là biện pháp tối ưu và chưa chắc là nguồn tăng hợp lý.
TS Nguyễn Ngọc Sơn, giảng viên Đại học Kinh tế Luật-TP.HCM khẳng định như vậy khi trao đổi với Đất Việt về việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên 300%.
PV: - Từ ngày 1/5, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tăng lên 300% để “bù một phần giảm thu ngân sách”. Bộ Tài chính cam kết khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường sẽ không làm tăng giá bán lẻ xăng dầu.
Cá nhân ông lạc quan bao phần với lời trấn an của Bộ Tài chính bởi từ trước tới nay, người dân dường như đã quen với chuyện giá tăng thì nhanh, giảm thì nhỏ giọt?
TS Nguyễn Ngọc Sơn: – Nói một cách công bằng, đến thời điểm này, giá xăng đã giảm khá sâu. Việc giá tăng nhanh, giảm nhỏ giọt đúng là diễn ra thường xuyên trong quá khứ, còn gần đây giá xăng đã giảm liên tục.
Tôi vẫn băn khoăn về việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Áp dụng thuế này là đúng, nhưng tăng thuế để cuối cùng áp vào giá xăng, trong khi diễn biến giá xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh, từ mớ rau muống, miếng thịt đến những công việc cao cấp khác.
Giá xăng tăng kéo theo hàng loạt sản phẩm dịch vụ khác tăng giá theo. Nhưng khi giá xăng giảm thì những thứ đó không giảm, không ai kiểm soát được việc giảm ấy. Gần Tết Nguyên đán vừa rồi, người ta chẳng cứ bàn mãi chuyện giá xăng giảm sao giá thịt heo không giảm đấy thôi.
Cho nên tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu với mục tiêu như Bộ Tài chính kỳ vọng thực sự đáng lo ngại bởi nó sẽ tạo gánh nặng lên đời sống dân sinh. Đó có thể là một giải pháp tốt cho Nhà nước nhưng chưa chắc đã là giải pháp tốt cho xã hội.
Mỗi lít xăng đã phải &’cõng’ hàng loạt khoản thuế, phí, thậm chí cả sự hao hụt do lỗi của nhà kinh doanh. Đương nhiên, khi người ta kinh doanh, sự hao hụt ngẫu nhiên, hao hụt chủ quan sẽ quyết định đến giá thành. Tại sao các công ty xăng dầu suốt ngày than lỗ? Khi giá xăng tăng, người ta không tìm trực diện nguyên nhân mà đổ hết cho giá để dễ ép giá tăng? Những dấu hiệu của việc hút xăng ra khỏi xe của các cán bộ cũng là một nguyên nhân dẫn đến lỗ nhưng người ta chỉ biết là lỗ và ép lên giá xăng.
Rõ ràng, giá xăng bị ép bởi rất nhiều cơ sở và nguồn gốc khác nhau, nhiều hay ít không cần phân tích chi tiết nhưng nó phải gánh rất nhiều thứ, giờ đội thêm các chi phí khác, trong đó có việc tăng thuế bảo vệ môi trường. Từ tăng thuế môi trường ắt dẫn đến tăng giá xăng và kết quả là tác động về mặt xã hội không phải là ít.
Từ 1/5, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tăng 300%
PV: - Theo ông, mục tiêu “bù một phần giảm thu ngân sách” sẽ đạt được ở mức độ nào, với việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu? Đứng ở góc độ chuyên gia kinh tế, theo ông, tăng nguồn thu từ người dân có phải là biện pháp tối ưu để “bù thu ngân sách” hay không và vì sao?
Video đang HOT
TS Nguyễn Ngọc Sơn: - Tôi không hiểu việc giảm thu ngân sách được bù bao nhiêu từ tăng thuế bảo vệ môi trường. Có thể được nhiều, có thể ít nhưng đương nhiên, tăng nguồn thu từ người dân không phải là biện pháp tối ưu và chưa chắc là nguồn tăng hợp lý.
Không ai chỉ dựa vào một sản phẩm để tăng nguồn thu ngân sách, mà đó lại là sản phẩm thiết yếu. Người ta có thể tăng nguồn thu từ việc tiêu thụ sản phẩm đặc biệt, còn tăng ngân sách từ lượng xăng dầu được tiêu thụ nhiều nhưng phải là tiêu dùng hàng ngày, hàng giờ. Khoản này có thể ít, nhiều, có thể vừa, không thể tính được bằng con số cụ thể nhưng hiện nay xăng dầu vẫn là nguồn nhiên liệu thiết yếu cho cuộc sống, cho các dịch vụ thiết yếu của người dân. Từ đó, nó dẫn đến hàng loạt tác động liên quan đến các sản phẩm khác, dù ít hay nhiều và ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Như vậy, trong trường hợp này, việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chỉ có được một mục tiêu duy nhất là tăng nguồn thu nhưng chưa chắc đã giải quyết triệt để việc giảm nguồn thu trong khi tác động xã hội chưa tính được. Tôi nói điều này bởi ở đây nó liên quan đến bữa cơm hàng ngày, nhu cầu sống hàng ngày của người dân và tất yếu tác động nhìn nhận của người dân đối về quản lý nhà nước.
PV: - Đành rằng người dân sẵn sàng góp sức giải quyết khó khăn cùng nhà nước. Tuy nhiên, điều khiến họ không yên tâm là sự thiếu minh bạch của Petrolimex. Petrolimex liên tục kêu lỗ, thậm chí Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 đã được kiểm toán của tập đoàn này cho thấy, Petrolimex lỗ hơn 9 tỉ đồng, không phải lãi 4,8 tỉ đồng như báo cáo chưa soát xét đã công bố trước đó.
Điều này khiến người dân không tin tiền họ đóng góp cho Nhà nước sẽ đến đúng địa chỉ. Ông có chia sẻ với những băn khoăn của người dân hay không? Vì sao trong suốt thời gian dài Petrolimex lại luôn nhập nhèm lãi lỗ mà không bị chấn chỉnh?
TS Nguyễn Ngọc Sơn: – Thực ra băn khoăn của người dân là có, diễn biến tâm lý của người dân là có, đôi khi từng người trong chúng ta cũng nhen nhóm ý nghĩ như vậy. Trong ngành xăng dầu lúc lỗ lúc lời, lúc lỗ cuối cùng lại lời, lúc lời cuối cùng lại lỗ, khiến người ta không hình dung được diễn biến câu chuyện thật hư đến thế nào.
Bao nhiêu năm nay, nhiều nhà nghiên cứu, nhà kinh tế đã lên tiếng mãi về vấn đề về minh bạch xăng dầu. Phải nói rằng, Petrolimex có minh bạch các khoản dân phải góp vào giá xăng nhưng lại không mấy minh bạch các nguồn khác để tạo ra thị trường xăng dầu.
Việc thiếu minh bạch ấy đã đủ để giải thích vì sao người dân không tin lắm. Đó cũng là lý do dẫn đến hiệu ứng xã hội: cứ tăng giá xăng là người dân kêu. Nếu đã minh bạch người dân sẽ không bao giờ kêu.
Thời gian qua, việc giảm giá xăng liên tục đã tạo ra sự phấn khởi cho người dân, khiến họ tin hơn và hy vọng hơn vào cơ chế quản lý. Tuy nhiên khi người dân vừa tin, vừa hy vọng thì thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lại tăng. Đó là sự tác động trực tiếp lên giá nhưng không phải đến từ diễn biến giá gốc mà từ ý chí chủ quan của những người quản lý. Như vậy, trường hợp này tác động nhiều đến niềm tin của người dân.
Cơ sở vững chắc nhất để nộp thuế bảo vệ môi trường là những tác động môi trường của việc dùng xăng dầu và giá trị của tác động đó với mức thuế hiện nay không đủ để giải quyết. Cơ sở khoa học đó mới là điều thuyết phục chứ không phải cơ sở từ các con số tài chính.
Tại sao Nhà nước không tăng nguồn thu ngân sách từ chính những nhà kinh doanh và quản lý các nhà kinh doanh? Thị trường xăng dầu vốn ở tình trạng độc quyền, khả năng và cơ hội để lãi độc quyền cao.
Cụ thể, xét về góc độ lý thuyết kinh tế, đó là thị trường có vị thế độc quyền. Thứ nữa, xăng dầu là sản phẩm quan trọng và thiết yếu, cơ hội kinh doanh và cơ hội để hưởng lợi nhuận độc quyền là rất cao, nó có đầy đủ cơ sở để đem lại một nguồn kinh doanh hiệu quả, tại sao không chấn chỉnh việc đó? Ngay cả doanh nghiệp kêu lỗ cũng phải đi tìm nguyên nhân lỗ một cách chính xác, tại giá xăng dầu hay khả năng kinh doanh yếu kém.
PV: – Còn nhớ, Thủ tướng đã có chỉ thị xem xét trách nhiệm lãnh đạo tập đoàn làm ăn thua lỗ. Trong trường hợp Petrolimex “trường kỳ” kêu lỗ như trên, vấn đề này nên được xem xét và xử lý thế nào? Theo ông, nếu kiên quyết với Petrolimex, cái lợi đạt được sẽ như thế nào?
TS Nguyễn Ngọc Sơn: – Trong trường hợp này phải thanh tra và không phải thanh tra theo kiểu hành chính giản đơn. Thay vào đó, phải thanh tra trực diện vào kế hoạch kinh doanh và khả năng quản trị kinh doanh của các cán bộ lãnh đạo và bộ máy quản lý của doanh nghiệp này. Điều đó kéo theo cơ quan điều tra không thể là các cơ quan có nhiều kinh nghiệm trong thanh tra hành chính, kinh tế mà phải là quá trình đánh giá của các nhà kinh tế, những người quản trị chuyên nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu để thấy được điểm nào, virus nào trong quản trị kinh tế gây ra tình trạng lỗ, nếu có. Nếu chỉ nhìn vào con số thì người ta có thể dễ dàng phù phép.
Nếu kiên quyết với Petrolimex, cái lợi là Việt Nam sẽ nhận diện được thị trường đích thực, từ đó sẽ hoạch định được chiến lược thị trường ngắn hạn, trung hạn và dài hạn phát triển thị trường một cách ổn thoả nhất. Khi bắt được bệnh, Việt Nam sẽ biết được phải giải quyết thị trường đó theo hướng nào chứ không phải chỉ giải quyết riêng cho trường hợp của Petrolimex, Petrolimex chỉ là một trong số các doanh nghiệp tạo nên thị trường đó dù đó là một doanh nghiệp lớn. Khi tìm được giải pháp, Việt Nam sẽ có cơ chế thu chi ngân sách hợp lý hơn là thu chi ngân sách đánh vào đầu người dân như bây giờ.
Người ta có thể đặt ra nhiều câu hỏi: Có thể phá vỡ thế độc quyền không? Nên chăng phá vỡ thế độc quyền của Petrolimex không hay sẽ tiến hành đầu tư và phát triển những đơn vị mới để chúng lớn lên, với trình độ quản lý, quản trị tốt, khả năng kinh doanh tốt sẽ là thị trường đối trọng, giống như thị trường viễn thông trước đây.
Cách đây hơn 10 năm thị trường viễn thông giống như thị trường xăng dầu bây giờ, nhưng khi chúng ta đầu tư và phát triển Viettel, vói năng lựcvà khả năng phát triển thực sự nó đã tạo ra thế đối trọng với VNPT. Lập tức thị trường đó thay đổi và người dân được hưởng những giá trị về viễn thông khá tốt.
PGS.TS Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) bày tỏ nỗi lo ngại khó giữ được giá xăng dầu từ ngày 1/5 khi thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng lên 300%.
“Thứ trưởng Bộ Tài chính tuyên bố sẽ dùng công cụ thuế nhập khẩu xăng dầu, quỹ bình ổn để ổn định giá xăng nhưng thực chất quỹ bình ổn có hạn, nguồn chi ra rất lớn, nguồn thu vào lại nhỏ. Cụ thể, mức trích quỹ bình ổn đối với xăng là 300 đồng/lít trong khi mức sử dụng quỹ lên tới 1.020 đồng/lít.
Khi thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng quá cao, tính ra giá trị tuyệt đối là 2.000 đồng/lít, như vậy vào khoảng trên 10% giá xăng dầu. Do đó nếu chỉ dùng quỹ bình ổn thì chưa đủ, phải dùng tới biện pháp giảm thuế nhập khẩu xăng dầu.
Giảm thuế nhập khẩu xăng dầu lại phụ thuộc vào barem của thuế nhập khẩu. Nếu giá xăng dầu ở mức này thì không thể hạ thuế nhập khẩu. Lượng xăng dầu Việt Nam nhập từ ASEAN chiếm tỷ lệ nhỏ, trong khi các nước khác lớn. Bộ Tài chính đưa ra tuyên bố như vậy nhưng thực hiện thế nào thì còn phải chờ xem”.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, giá xăng khó giữ được ổn định. Dù Bộ Tài chính cam kết giá xăng dầu không tăng nhưng đến nay, mọi người đều e ngại về sự tăng giá của xăng dầu. Điều đó gây bất lợi cho doanh nghiệp vì phải chịu giá đầu vào quá cao, làm cho lạm phát tăng, kéo theo giá thành tăng theo.
Về vấn đề xem xét trách nhiệm lãnh đạo tập đoàn làm ăn thua lỗ, ông Ngô Trí Long cho rằng nghị quyết Chính phủ đề ra như vậy nhưng khi xem xét người ta đổ cho lỗi khách quan. Do đó sự không nghiêm minh, lời nói không đi đôi với việc làm, thiếu nhất quán, quyết liệt trong chỉ đạo sẽ dẫn đến hệ quả tất yếu là các quy định đưa ra mất tác dụng và người dân mất niềm tin.
Theo Đất Việt
Xăng dầu có cơ hội giảm giá hôm nay?
Giá dầu thế giới trong khoảng 2 tuần gần đây diễn biến phức tạp. Nếu như trong tuần trước, có lúc giá dầu WTI đã lùi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009 thì trong tuần này lại bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại, từ đó sẽ tác động lên giá xăng dầu trong nước.
Doanh nghiệp xăng dầu cho rằng khó khẳng định được liệu có điều chỉnh giá bán lẻ hay không trong đợt xem xét này
Theo chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, sau 15 ngày kể từ lần tăng giá xăng dầu gần nhất (11/3), ngày hôm nay (26/3) sẽ là lần tiếp theo Liên Bộ Công Thương - Tài chính xem xét điều chỉnh giá xăng dầu.
Hiện tại, giá xăng dầu trên thế giới đang diễn biến khá phức tạp, tuy nhiên, qua theo dõi thì có thể thấy, xu hướng chung trong những ngày vừa qua vẫn là giảm giá. Trong tuần vừa qua, mức giá thấp nhất được ghi nhận vào ngày 18/3 khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) lùi sâu xuống 42,05 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.
Giá dầu thô tuần vừa rồi suy giảm giữa bối cảnh thị trường bắt đầu lo ngại về khả năng một số điểm trữ dầu ở Mỹ sẽ đầy hết các bể chứa, đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất sẽ khó kiếm được chỗ để bán dầu. Điều này đang gây sức ép giảm giá mạnh đối với dầu thô. Bên cạnh đó, sự tăng giá mạnh của đồng USD cũng tạo nên sức ép giảm giá với dầu thô - mặt hàng được giao dịch chủ yếu bằng đồng bạc xanh.
Tuy nhiên, bước sang tuần giao dịch này, giá dầu lại có dấu hiệu đảo chiều tăng trở lại do diễn biến giảm nhiệt của đồng USD cũng như do xung đột tại Yemen. Đặc biêt, xung đột tại Yemen làm dấy lên lo ngại về tình hình an ninh của các chuyến hàng chở dầu từ Trung Đông. Các nhà phân tích lo ngại xung đột có thể lan rộng ra bán đảo Ảrập nếu thu hút sự can thiệp của Ảrập Xêut và Iran.
Theo dữ liệu Bloomberg, giá dầu WTI giao tháng 5 ngày hôm nay đã tăng trở lại 4,51% trong khi giá dầu Brent giao tháng 5 cũng tăng 4,21%.
Mặc dù vậy, giới phân tích vẫn hoài nghi về tính bền vững của đợt tăng trở lại này của giá đầu thế giới khi Saudi Arabia, nước có ảnh hưởng lớn nhất trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tuyên bố, nước này sẽ chỉ tính chuyện giảm sản lượng nếu các nhà sản xuất dầu ngoài OPEC cũng làm như vậy.
Các nhà phân tích của ngân hàng Barclays dự báo nếu sản lượng dầu của OPEC duy trì gần mức hiện tại khoảng 30 triệu thùng mỗi ngày, thì lượng dầu dư thừa trên toàn cầu sẽ tăng từ 900.000 thùng/ngày lên 1,3 triệu thùng/ngày.
Trong nước, ngày 11/3, giá xăng RON 92 và RON 95 đã tăng từ 1.410 - 1.610 đồng/lít. Giá bán lẻ xăng RON 92 và RON 95 tại hệ thống Petrolimex hiện là 17.280 - 17.880 đồng/lít, lần lượt tăng 1.410 - 1.610 đồng. Cùng với xăng, giá các loại dầu cũng tăng trên dưới 700 đồng một lít (kg). Với 70% sản lượng xăng dầu phải nhập khẩu, việc điều hành giá xăng dầu trong nước sẽ chịu tác động lớn từ những diễn biến trên của giá thế giới.
Trao đổi với PV Dân trí sáng nay, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu lớn cho biết, do hiện nay đang sử dụng quỹ Bình ổn giá xăng dầu nên chưa thể khẳng định được liệu có điều chỉnh về giá bán hay không.
Bích Diệp
Theo Dantri
Xăng tăng mạnh "nhuốm đỏ" thị trường chứng khoán Mặc dù đã có sự bứt tốc trong đầu phiên giao dịch chiều, song đồ thị VN-Index đã bị bẻ gãy sau đó với áp lực từ khối ngoại cũng như thông tin giá xăng tăng 1.600 đồng/lít. Giá xăng dầu tăng mạnh giai đoạn đầu năm sẽ ảnh hưởng đáng kể lên chi phí đầu vào của các doanh nghiệp Việc giá...