Pháp luật là “chìa khóa” để người làm báo tự bảo vệ mình
Thời gian vừa qua, nhiều câu chuyện buồn liên quan đến hoạt động tác nghiệp của báo chí và người làm báo.
Phóng viên khi tác nghiệp cần nắm rõ
Theo đó, không ít nhà báo bị cản trở khi tác nghiệp. Các cơ quan, tổ chức từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Phóng viên bị khởi tố vì bị tình nghi phạm tội… Làm gì để những câu chuyện buồn ấy không tiếp diễn? Đây là câu hỏi của tất cả mọi người quan tâm đến sự nghiệp báo chí…
Từ chuyện nhà báo hành nghề hợp pháp…
Theo chúng tôi, quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo là việc nhà báo khi tác nghiệp thực hiện đúng quyền và tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ của nhà báo được quy định trong pháp luật về báo chí. Tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Báo chí năm 1999 sửa đổi Điều 15 Luật Báo chí năm 1989, quy định nhà báo có 5 quyền và 5 nghĩa vụ, trong đó quyền thứ 5 là “Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Như vậy, theo quy định này thì cần được hiểu Luật Báo chí chỉ bảo hộ quyền hành nghề của nhà báo khi nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Tuy nhiên, vấn đề là hoạt động nghề nghiệp như thế nào thì được xem là hoạt động đúng luật, trong Luật Báo chí (1989 và sửa đổi năm 1999) không nêu. Tại khoản 1 Điều 8, Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Báo chí nói về quyền hạn của nhà báo, thể hiện: “Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước”.
Với quy định này, khi hoạt động nghề nghiệp, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo là được tác nghiệp mà không cần phải xuất trình thêm bất kỳ loại giấy tờ nào khác. Đây cũng là thủ tục bắt buộc để xác định nhà báo hoạt động có hợp pháp hay không hợp pháp.
Hiện nay những người làm báo được cấp thẻ nhà báo, được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Mọi hoạt động cản trở, đe dọa, xúc phạm danh dự, tính mạng, nhân phẩm… đều bị xử lý nghiêm. Tại Điều 6 Nghị định 02/2011/NĐ-CP ngày 6/1/2011, quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo khi đang hoạt động nghiệp vụ đúng pháp luật; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo. Ngoài hình phạt chính bằng tiền, pháp luật còn quy định về biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi; Buộc trả lại phương tiện, tài liệu bị thu giữ trái phép đối với hành vi hủy hoại, cố ý làm hư hỏng hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo.
Đối với những trường hợp xâm phạm, tính mạng sức khỏe, danh dự, nhân phẩm nhà báo mà gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định Bộ luật Hình sự.
Video đang HOT
Đối với những hành vi vi phạm về cung cấp thông tin cho báo chí và sử dụng thông tin của cơ quan báo chí thì bị: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Quy định về cung cấp thông tin đã quy định về chế độ người phát ngôn của Chính phủ và mỗi bộ ngành, địa phương đều có quy định về vấn đề này.
Nói chung, đối với việc bảo vệ nhà báo, về cơ bản pháp luật đã có những chế tài cụ thể. Vấn đề còn lại là việc thực thi từ các cơ quan pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay, ngoài số người được cấp thẻ nhà báo mà ta thường gọi một cách trân trọng là Nhà báo, còn một bộ phận đông đảo người hoạt động nghề báo nhưng chưa cấp thẻ, thường được gọi chung là phóng viên. Lực lượng phóng viên, nhất là phóng viên trẻ đóng góp rất nhiều cho ngành báo chí nói chung và từng cơ quan báo chí nói riêng, nhưng vì chưa đủ thâm niên nên chưa được cấp thẻ. Vậy thì lực lượng này hoạt động dựa trên quy định nào của pháp luật? Xung quanh vấn đề này, Báo Công lý số đặc biệt kỷ niệm 87 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2012) đã có bài phản ánh.
…đến giải pháp người làm báo tự bảo vệ mình
Một câu hỏi được đặt ra là người làm báo làm thế nào để tự bảo vệ mình một cách hữu hiệu nhất? Rõ ràng, ngoài hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí, theo chúng tôi, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ phóng viên.
Nếu như việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là cách bảo vệ từ xa cho người làm báo thì việc tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật (không chỉ là pháp luật chuyên ngành về báo chí mà còn ở lĩnh vực phóng viên được phân công theo dõi) là một biện pháp tự bảo vệ mình của chính các phóng viên và cơ quan báo chí trước nguy cơ bị đe dọa từ con người và pháp luật.
Điểm lại các vụ việc liên quan đến báo chí vừa qua, chúng ta thấy phần lớn là do phóng viên không nắm hết các quy định pháp luật.
Đơn cử, việc xuất trình thẻ nhà báo trước khi tác nghiệp là một quy định cơ bản và bắt buộc theo pháp luật báo chí (trừ những đề tài liên quan đến thể loại điều tra), nhưng không phải nhà báo nào cũng nhớ điều này khi tác nghiệp. Đến khi xảy ra sự cố thì mới xuất trình thẻ nhà báo, lúc đó mọi việc đã quá trễ.
Mặt khác, có trường hợp do không nắm được quy định pháp luật trong lĩnh vực chuyên ngành mà mình phụ trách, trong đó có những quy định liên quan đến thủ tục khi tác nghiệp; tư liệu, tài liệu thuộc bí mật nhà nước nên dẫn đến việc vi phạm pháp luật. Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý, không phân biệt là ai. Phóng viên, nhà báo cũng không là trường hợp ngoại lệ. Vì vậy, có khi những hành vi đăng tải thông tin làm lộ bí mật hoặc không phù hợp với quy định pháp luật thì đều để lại hậu quả nặng nề. Nhẹ nhất là cải chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại hay bị xử phạt hành chính, nặng thì bị khởi tố.
Đối với trường hợp phóng viên khi tác nghiệp tại phiên tòa, một trong những quy định quan trọng khi tác nghiệp là phải tuân thủ nội quy phiên tòa và chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Phóng viên khi tác nghiệp, nếu không xuất trình giấy tờ hợp pháp, có thể bị mời ra khỏi phòng và không được theo dõi phiên tòa. Nếu đi lại trong phòng xử án mà không được chủ tọa cho phép hoặc gây mất trật tự, nhẹ có thể bị xử phạt hành chính, nặng có thể bị chủ tọa ra lệnh tạm giữ.
Do vậy, khi phân công phóng viên theo dõi lĩnh vực xét xử của Tòa án, người có trách nhiệm của cơ quan báo chí và phóng viên, nhà báo cần hiểu về nội quy phiên tòa; hiểu về trình tự, thủ tục tố tụng một vụ án hình sự, vụ án dân sự, kinh doanh thương mại… được quy định trong các bộ luật/luật tố tụng hình sự, hành chính, dân sự để tác nghiệp cho đúng.
Còn khi viết về đề tài đất đai, có lẽ phóng viên, nhà báo vất vả nhất. Bởi hiện nay, muốn viết đúng tinh thần pháp luật đất đai, người viết phải am hiểu về chính sách pháp luật đất đai qua các thời kỳ, chủ trương của Nhà nước đối với việc giải quyết đất đai ở các vùng miền từ trước đến nay. Chính sách thu hồi đất, đền bù giải tỏa ở Trung ương, địa phương. Có khi viết một bài báo chưa đầy 1.000 chữ, người viết phải nghiên cứu đến vài chục văn bản pháp luật. Nhưng nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng, chắc chắn bài viết rất dễ bị sai lệch, không phù hợp với quy định pháp luật về đất đai. Lúc đó hậu quả sẽ khôn lường, nhất là đối với việc phản ánh tình hình thu hồi đất đai ở những điểm nóng, có khiếu kiện kéo dài, phức tạp.
Bên cạnh đó, hiện nay, quy định về bí mật nhà nước ở mỗi bộ, ngành, địa phương đều có danh mục các loại văn bản và mức độ mật (mật, tuyệt mật, tối mật…). Khi viết bài ở lĩnh vực nào đó, nếu có sử dụng những tài liệu không thuộc diện được công bố rộng rãi, người viết báo phải hết sức lưu ý. Nếu không tìm hiểu kỹ danh mục tài liệu mật, mà cứ theo quán tính hoặc bị say nghề khi “săn tài liệu độc” cho đăng tải, công bố sẽ rất dễ phạm vào việc tiết lộ bí mật quốc gia. Hành vi này là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Thực tế, để có những bài viết hay, sâu sắc, có tính thuyết phục cao, ngoài cách đặt vấn đề cũng như nguồn tư liệu phong phú của người viết thì sự am hiểu pháp luật về vấn đề đó cũng sẽ giúp cho bài viết được nâng tầm hơn. Vì vậy, theo chúng tôi, việc trang bị kiến thức cho người làm báo (phóng viên, nhà báo, biên tập viên) là hết sức cần thiết và sẽ là phương thức tự bảo vệ hữu hiệu nhất.
Theo xahoi
Khi phóng viên thành hoạt náo viên tại phiên tòa
Để đảm bảo tính tôn nghiêm ở chốn pháp đình, cần quy định thống nhất về việc tác nghiệp của phóng viên báo chí tại phiên tòa.
Khi phóng viên thành... hoạt náo viên
Tại nhiều phiên tòa, nhất là phiên toà hình sự, chuyện tác nghiệp của cánh phóng viên báo chí thật muôn hình muôn vẻ. Cảnh thường thấy là khi HĐXX đang tiến hành thẩm vấn bị cáo thì bỗng ở đâu xuất hiện mấy phóng viên "phi" lên cánh gà, chĩa ống kính vào HĐXX bấm lia lịa. Sau đó họ quay xuống phía bị cáo, có người tiến tới vành móng ngựa như muốn dí sát ống kính để "đặc tả" khuôn mặt của bị cáo. Lúc này, các phóng viên không khác hoạt náo viên là bao. Mặc dù đó là tác nghiệp báo chí, nhưng đã để lại những hình ảnh không đẹp trong mắt những người dự khán phiên toà, hơn nữa còn gây ảnh hưởng đến hoạt động của HĐXX.
Trong những vụ án lớn, được dư luận quan tâm, đương nhiên sức hút với giới báo chí cũng rất lớn. Để có được những tấm hình như ý, nhiều phóng viên ngoài kỹ năng chụp ảnh còn phải có... thể lực tốt để chen lấn, xô đẩy. Mặc dù ở một số phiên toà, khu vực dành cho phóng viên cũng đã được bố trí, nhưng một phần do quá tải, phần khác do nhiều phóng viên thích "tự do tác nghiệp" nên không ngồi đúng vị trí quy định, gây nên sự lộn xộn.
Phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa
Bên cạnh đó, cũng phải nói đến chuyện ở không ít phiên toà công khai, phóng viên chưa được tạo điều kiện tốt để tác nghiệp như không có chỗ ngồi riêng, bị hạn chế quay phim chụp ảnh, không được cung cấp tài liệu, thông tin về vụ án. Hiện nay tại một số Tòa án, thường là phóng viên xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu cho thư ký phiên toà để đăng ký tác nghiệp, song cũng có nơi yêu cầu phải đăng ký trực tiếp với Thẩm phán chủ toạ phiên toà. Thế nên, đã có trường hợp phóng viên bị trục xuất vì chỉ đăng ký với thư ký mà không đăng ký với chủ toạ... Có những phiên toà chỉ cho phép phóng viên chụp ảnh trong 15 phút từ khi khai mạc, nhưng có nơi lại cho phép chụp ảnh lúc tuyên án hoặc chỉ cho phép phóng viên được ngồi tại chỗ tác nghiệp...
Những bất cập trên là do hiện chưa có quy định thống nhất về việc tác nghiệp của phóng viên báo chí tại phiên tòa cũng như chưa có chế tài xử lý hành chính về hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án.
Cần có chế tài để xử lý
Theo Dự thảo Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND, sẽ phạt cảnh cáo với hành vi ghi âm, ghi hình tại phiên toà mà không được sự cho phép bằng văn bản của Chánh án Toà án nơi giải quyết vụ án hoặc thực hiện việc ghi âm, ghi hình không đúng theo hướng dẫn và sắp xếp vị trí của Toà án nơi giải quyết vụ án. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu có tình tiết tăng nặng hoặc đã bị cảnh cáo, nhắc nhở mà còn vi phạm...
Mặc dù dự thảo quy định về việc ghi âm, ghi hình nói chung, nhưng có thể hiểu đây chủ yếu là hoạt động của các phóng viên tại phiên toà. Xung quanh quy định này, cũng có ý kiến cho rằng, thực tế việc đương sự, bị cáo gây rối tại tòa lâu nay là có thật, thiếu chế tài hành chính để xử lý, song hoạt động của phóng viên thì lại đã có luật chế tài. Khoản 3 Điều 8 Nghị định 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn Luật Báo chí đã quy định rõ về hoạt động của phóng viên tại phiên tòa; đồng thời tại Nghị định 02/2011/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản cũng đã có những chế tài chi tiết cho hành vi lợi dụng tư cách nhà báo để cản trở hoạt động của cơ quan tổ chức... Do đó đưa thêm chế tài với nhà báo vào quy định cho ngành Tòa án là chồng chéo về nội dung và thẩm quyền.
Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ các quy định tại hai văn bản pháp luật nói trên, có thể thấy rằng quy định còn chưa cụ thể, hoặc còn thiếu chế tài. Theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 51/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí: Nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các Thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật. Quy định nói trên mới chỉ nêu quyền của nhà báo được tác nghiệp tại phiên toà, nhưng không nêu chế tài xử lý nếu nhà báo hoặc phóng viên vi phạm các quy định này.
Khoản 3 Điều 5 Nghị định 02/2011/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo để trục lợi hoặc can thiệp trái pháp luật hoặc cản trở hoạt động đúng pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, quy định này cũng chưa cụ thể, cũng không đề cập đến hành vi cản trở hoạt động của Toà án.
Bởi vậy, việc quy định chế tài xử lý hành vi của phóng viên cản trở hoạt động tố tụng của Toà án là cần thiết. Quy định này sẽ góp phần nâng cao ý thức của phóng viên trong quá trình tác nghiệp tại Tòa án, cũng như đảm bảo tính tôn nghiêm của phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp.
Theo NTD
Sáng thức dậy, phải đọc báo ngay! Nhân kỷ niệm 88 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2013), phóng viên An ninh Thủ đô đã phỏng vấn ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về tình hình báo chí hiện nay. Ông Lê Như Tiến đọc báo trong giờ...