Pháp luật còn nhiều khe hở
Ngày 1.11, bên lề phiên thảo luận của QH, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đã có cuộc trao đổi với báo chí về những vấn đề đấu tranh chống tham nhũng.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga.
- Thưa bà, công tác phòng, chống tham nhũng cần có một cơ quan thanh tra đủ mạnh, nhưng hình như chúng ta chưa có được điều đó, mà vụ Vinalines là một ví dụ?
- Vụ việc ở Vinalines, cơ quan thanh tra đã phát hiện sai phạm, nhưng lại không thông tin gì cho chủ thể quản lý nên mới dẫn đến việc trong quá trình thanh tra, đối tượng đang bị thanh tra lại được chuyển công tác khác, rất ảnh hưởng đến quá trình thanh tra, mà Dương Chí Dũng là một ví dụ.
Một điểm nữa là việc công khai kết luận thanh tra, thông thường người thanh tra chọn hình thức công bố thông tin hẹp nhất. Chính vì thế, chuyên gia quốc tế họ đã tổng kết việc tham nhũng là “độc quyền cộng bưng bít thông tin trừ đi trách nhiệm giải trình”. Nếu công chúng không tiếp cận được kết luận thanh tra thì liệu có phát hiện, xử lý được tham nhũng không? Đó là câu hỏi mà ai cũng muốn có lời giải.
´- Ngoài thanh tra ra, chúng ta còn có kiểm toán nhà nước (KTNN)?
- Cơ quan KTNN có vai trò rất quan trọng và được quy định trong Luật PCTN, nhưng thực tế, địa vị pháp lý của tổng kiểm toán và cơ quan kiểm toán rất nửa vời, hiệu lực của kết luận kiểm toán không cao vì không bắt buộc phải thực hiện. Nhân sự tổng kiểm toán do QH bầu, nhưng lại phải được sự thống nhất của Thủ tướng, vì thế rất khó cho tổng kiểm toán hoạt động.
Hiện chúng ta chưa quy định trong luật rằng ông ấy là đối tượng phải trả lời chất vấn. Tôi cho rằng, Hiến pháp và Luật Tổ chức QH và Luật Kiểm toán phải được sửa lại theo hướng nâng cao địa vị pháp lý của tổng kiểm toán và KTNN, đưa ông này vào đối tượng được QH chất vấn theo nhiệm kỳ của QH khi báo cáo ngân sách hằng năm, khi ĐBQH thấy cần xác minh thì ông ấy phải trả lời. Có vậy thì chống tham nhũng trong thu chi ngân sách mới tốt được.
Video đang HOT
- Ở góc độ tư pháp của bà thì vấn đề xử lý tham nhũng phải được thực hiện thế nào?
- Nói đến tham nhũng, người ta nói ngay đến đưa và nhận hối lộ. Thế nhưng, luật pháp hiện nay lại chặn cả hai đầu cho tham nhũng thoát. Ví như việc xử lý người nhận hối lộ, lại xử lý luôn cả người đưa hối lộ, như thế thì khi người ta tố giác hối lộ đồng nghĩa người ta tự tố cáo chính mình, đưa mình vào vòng tố tụng, vì thế tham nhũng vẫn cứ thoát.
Một việc nữa là “án treo” đối với tội tham nhũng. Trong BLHS, chủ thể của tội tham nhũng là chủ thể đặc biệt, chỉ người có chức vụ quyền hạn mới tham nhũng được. Trong khi đó, điều kiện của hưởng “án treo” là bị phạt tù không quá 3 năm, có những tình tiết giảm nhẹ như có nhân thân tốt.
Hầu như người có chức vụ quyền hạn nào cũng đều có nhân thân tốt, có thành tích, phạm tội lần đầu, được thưởng huân, huy chương… Đây chính là mâu thuẫn khi xử lý tội tham nhũng, vì chúng ta vừa muốn trừng trị chủ thể đặc biệt ấy, nhưng lại vướng những quy định giảm nhẹ tội để hưởng “án treo”. Đó chính là kẽ hở để tội tham nhũng nguy hiểm chỉ bị trừng phạt ngang với những người vi phạm trật tự trị an khác.
- Xin cảm ơn bà!
Theo laodong
Buộc giải trình để làm rõ trách nhiệm người đứng đầu
Trao đổi với Thanh Niên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH Lê Như Tiến nhấn mạnh việc cần thiết phải bổ sung vào luật quy định trách nhiệm giải trình của những người có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
Theo dõi các báo cáo của Chính phủ về phòng chống tham nhũng (PCTN) từ năm 2009 trở lại đây cho thấy số người đứng đầu bị xử lý do liên quan đến tham nhũng hay thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng ở cơ quan, đơn vị ngày càng giảm. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Nếu công khai danh tính người tham nhũng lên các phương tiện thông tin đại chúng, xử lý nghiêm minh những vụ việc tham nhũng nổi cộm hiện nay, tôi tin rằng việc PCTN thời gian tới sẽ có những chuyển biến rõ rệt
Trong báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2012 vừa rồi cho thấy số người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng đã giảm mạnh theo từng năm, so với năm 2011, năm nay số người đứng đầu bị xử lý giảm tới 34%. Nếu so sánh với nhận định của T.Ư, báo cáo của Chính phủ về tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, ngày càng tinh vi, thì thấy rằng con số này không đáng mừng mà là đáng lo.
Đáng lo hơn là theo báo cáo của Tổng thanh tra Chính phủ thì năm 2012 thanh tra hơn 62.000 vụ việc nhưng chỉ phát hiện, chuyển cơ quan điều tra được 464 vụ, chiếm 0,6%. Điều này cho thấy đang có xu hướng hành chính hóa các vụ án tham nhũng đáng xử lý hình sự cũng như xu hướng biến việc nghiêm trọng thành không nghiêm trọng, việc to thành việc bé, việc bé thành không có trong xử lý đấu tranh PCTN hiện nay. Ngoài năng lực đội ngũ làm công tác bảo vệ pháp luật hạn chế, tôi cho rằng còn có nguyên nhân tác động khách quan từ bên ngoài đối với những người được giao nhiệm vụ thanh kiểm tra, điều tra PCTN.
Có cử tri hỏi tôi với tư cách ĐBQH là có phải vì trên xử chưa nghiêm nên dưới cũng thế, đưa ra thấy khuyết điểm nhưng không kỷ luật một ai, phải chăng sự nghiêm túc ở cấp trên trong xử lý để tạo tấm gương cho cấp dưới còn có vấn đề?
Ngoài lý do nể nang, ngại va chạm, có hiện tượng bao che như báo cáo Chính phủ đã nhận định thì theo ông, còn nguyên nhân căn bản nào dẫn tới việc khó xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi tham nhũng hay thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị?
Tôi cho rằng, muốn xử lý được trách nhiệm người đứng đầu, cơ quan được giao nhiệm vụ PCTN phải độc lập với cơ quan hành pháp. Việc chuyển mô hình Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư đích thân làm Trưởng ban cũng sẽ phần nào khắc phục được tồn tại trong nể nang, né tránh, ngại va chạm giữa các cơ quan hành pháp với nhau khi thanh kiểm tra, phát hiện, chuyển cơ quan điều tra khởi tố các vụ việc tham nhũng, đặc biệt là trong việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Vì thông thường, những người nắm chức vụ cao nhất ở cơ quan đơn vị, bộ ngành, địa phương đều là thành viên cấp ủy mà lâu nay việc bổ nhiệm, cất nhắc, đề bạt hay xử lý kỷ luật một nhân sự giữ chức vụ quan trọng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đều phải thông qua tổ chức Đảng.
Nguyên nhân khác là trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ của chúng ta chưa công khai minh bạch, chưa có cơ chế rõ ràng để thi tuyển công khai các vị trí lãnh đạo từ cấp T.Ư đến địa phương, dẫn đến tình trạng chạy chức, chạy quyền. Khi những người trong diện này vi phạm hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng sẽ khó xử lý vì nhóm lợi ích, bè cánh, bao che cho nhau.
Đặc biệt, trước nay, việc công khai minh bạch các cơ chế chính sách, hiệu quả công việc điều hành không rõ, chưa có cơ chế bắt buộc giải trình đối với người đứng đầu nên khó có thể có căn cứ rõ ràng để xử lý.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH Lê Như Tiến - Ảnh: Ngọc Thắng
Vậy để khắc phục được những vấn đề như ông nói, luật PCTN sửa đổi QH sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp này cần có những quy định căn bản nào?
Ngoài vấn đề công khai tuyển chọn cán bộ lãnh đạo các cấp, cần quy định trong luật PCTN sửa đổi trách nhiệm giải trình của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong bộ máy nhà nước. Ở các nước, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, của người quản lý ngành, lĩnh vực được quy định rất rõ và được thực hiện thường xuyên. Anh phải giải trình với nhân dân, với cử tri, với người bầu ra anh, với QH tất cả vấn đề liên quan đến công tác điều hành, quản lý.
Ở ta, thời gian qua ủy ban TVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH cũng đã tổ chức nhiều phiên yêu cầu Chính phủ về những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong đời sống dân sinh, nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở việc giải trình khi có vấn đề, mang tính chất giải quyết sự vụ, tình thế. Vì vậy, luật PCTN sửa đổi sắp tới cần phải quy định rõ trách nhiệm giải trình của người đứng đầu các cơ quan đơn vị và việc giải trình đó phải được tiến hành định kỳ, thường xuyên, trên cơ sở đó, các vấn đề phát sinh trong điều hành, những phản ánh ý kiến về tham nhũng trong cơ quan, đơn vị hoặc của cá nhân người đứng đầu đó phải được làm rõ qua các phiên giải trình này.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm một giải pháp quan trọng trong phòng ngừa, đó là phải công khai danh tính người đứng đầu hoặc bất kỳ ai có hành vi tham nhũng để răn đe, làm gương cho người khác. Lâu nay chúng ta mới chỉ thông tin số vụ việc, số người bị xử lý, còn danh tính thì chưa công khai, đó cũng là điểm hạn chế trong phòng ngừa, đấu tranh PCTN. Nếu công khai danh tính người tham nhũng lên các phương tiện thông tin đại chúng, xử lý nghiêm minh những vụ việc tham nhũng nổi cộm hiện nay, tôi tin rằng việc PCTN thời gian tới sẽ có những chuyển biến rõ rệt.
Điều tra trước, xử lý sau
Quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các vụ việc tham nhũng tự phát hiện rất ít. Bởi nếu theo quy định này, anh phát hiện, báo cáo nhiều tham nhũng ở cơ quan đơn vị lại bị xử lý.
Theo tôi, sửa luật PCTN sắp tới không nên quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu trong luật mà nên quy định theo hướng: khi hành vi tham nhũng xảy ra ở cơ quan, đơn vị nào, cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ, nếu phát hiện có hành vi liên đới của người đứng đầu, có sự bao che, dung túng của người đứng đầu thì lúc đó mới xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Vi phạm đến đâu xử lý đến đó. Trước đây có ông ở Lạng Sơn vì quyết liệt xử lý gái mại dâm và ma túy, tỷ lệ số vụ được phát hiện khởi tố tăng, cuối cùng lại bị kiểm điểm vì nơi đó được coi là để xảy ra nhiều tệ nạn nhất. Cho nên, nếu còn giữ quy định như luật PCTN hiện nay thì khó có người đứng đầu nào dám tố giác tham nhũng ở cơ quan mình.
(ĐB Đỗ Văn Đương, Phó viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát - Viện KSND tối cao)
Theo TNO
Đề nghị khởi tố hình sự việc tạm nhập tái xuất xăng dầu "Trong phiên chất vấn tới đây, tôi sẽ đề nghị khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi tạm nhập tái xuất xăng dầu"- Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội- Đại biểu QH Đỗ Văn Đương cho biết. Trao đổi với Lao Động bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Đỗ Văn Đương nói: Tạm nhập...