Pháp điều tàu chiến, tập trận ở Biển Đông “nắn gân” Trung Quốc
Pháp đã đưa tàu chiến tới Biển Đông và dự kiến sẽ tổ chức các cuộc tập trận vào những tháng tới, hành động được cho là nhằm “nắn gân” tham vọng bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Tàu Dixmude của Pháp (Ảnh: Norbert Bourhis)
Pháp đang gia tăng hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, điều tàu chiến tới Biển Đông và lên kế hoạch tập trận không quân nhằm chống lại các hoạt động bồi đắp, xây dựng sai trái của Trung Quốc tại khu vực, AFP đưa tin.
Cuối tháng 5, tàu chiến Pháp Dixmude và một tàu khu trục đã tiến vào khu vực các cụm đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một động thái bày tỏ sự phản đối với tham vọng bành trướng Biển Đông của Bắc Kinh.
Sĩ quan chỉ huy tàu Dixmude, Jean Porcher, cho hay: “Hoạt động tuần tra của chúng tôi bao gồm việc đi qua các đảo nhân tạo nhằm thu thập các dữ liệu tình báo bằng hệ thống cảm biến”.
Theo Wall Street Journal, một chuyên gia quân sự từ viện nghiên cứu Hudson (Mỹ) có mặt trên tàu của Pháp cho hay, “một vài tàu khu trục và tàu hộ tống” của Trung Quốc đã “bám đuôi” các chiến hạm của Pháp.
Ông Porcher cho biết tàu của Pháp vẫn giữ liên lạc thông qua sóng vô tuyến với tàu chiến của Trung Quốc “từ khi đang ở trong khu vực cho đến khi chúng tôi rời đi”.
Video đang HOT
HIện thời, Mỹ đang là quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ nhất nhằm chống lại những hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông. Anh và Pháp đồng thời cũng thể hiện quan điểm phản đối với Trung Quốc, gửi tàu chiến tới Biển Đông từ 3-5 lần mỗi năm.
Vào tháng 8, Không quân Pháp dự kiến sẽ tổ chức cuộc tập trận lớn chưa từng thấy ở Đông Nam Á, một hành động nhằm đánh dấu sự hiện diện của Pháp ở khu vực.
Khoảng 3 máy bay chiến đấu Rafale, một máy bay vận tải quân sự A400M và một máy bay tiếp dấu C135 sẽ bay từ Australia tới Ấn Độ và dừng lại tại một số điểm theo kế hoạch.
Các hoạt động trên biển của trên không của quân đội Pháp dường như diễn ra sau tuyên bố của Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron hồi tháng trước trong chuyến thăm Australia. Ông Macron nói về nhu cầu cần phải bảo vệ khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương khỏi “tham vọng bá quyền” của một số nước, dường như ngầm ám chỉ Trung Quốc.
Ông Macron nói rằng Pháp không muốn phản đối Trung Quốc, tuy nhiên một “trục Ấn Độ – Thái Bình Dương hùng mạnh” cần phải đảm bảo các nước đều tôn trọng các hoạt động tự do hàng hải và hàng không.
Chuyên gia địa chính trị Valerie Niquet thuộc một viện nghiên cứu ở Paris nhận định các hoạt động của Pháp cho thấy Mỹ không còn là quốc gia phương Tây duy nhất tham gia vào tình hình khu vực Biển Đông.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Tàu Trung Quốc bị "tố" bám đuổi tàu Pháp trên Biển Đông
Một tàu chiến của Trung Quốc được cho là đã thách thức hoạt động của tàu quân sự Pháp khi tàu này di chuyển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Tàu hộ vệ của Hải quân Pháp (Ảnh: Hải quân Pháp)
Trong bài viết được đăng trên Thời báo Phố Wall, Jonas Parello Plesner, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Hudson, cho biết một tàu chiến Trung Quốc gần đây đã thách thức một tàu quân sự Pháp hoạt động gần các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên Biển Đông.
Theo Plesner, các tàu hộ vệ và tàu tuần dương của Trung Quốc đã theo sau tàu Pháp khi tàu này đi qua quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Tàu Trung Quốc thậm chí còn ngang nhiên thông báo qua radio rằng đây là khu vực thuộc chủ quyền của Trung Quốc và lớn tiếng hỏi "ý định" của tàu Pháp là gì khi hoạt động trong khu vực này.
"Khi đó tôi đang ở trong đài chỉ huy với tư cách là quan sát viên, lời đáp trả của tàu quân sự Pháp (với tàu Trung Quốc) lịch sự nhưng ngắn gọn. Phía Pháp nói rằng các tàu của họ đang hoạt động trong vùng biển quốc tế", ông Plesner kể lại.
Ông Plesner cũng cho biết các tàu Trung Quốc "đã bám đuôi sát sao" tàu quân sự Pháp khi tàu này đi qua đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Xu bi tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong bài viết trên Thời báo Phố Wall, Plesner khẳng định Pháp đã tiến hành các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông từ năm 2014.
"Tổng thống Emmanuel Macron đang xây dựng mối quan hệ quốc phòng lớn mạnh hơn với Ấn Độ và Australia, và ông ấy dường như đang đánh giá một cách thực tế sự thách thức ngày càng tăng của Trung Quốc. Đây là sự thay đổi đáng hoan nghênh của ông Macron so với các tổng thống tiền nhiệm - những người từng bị lôi cuốn bởi các cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Trung Quốc", ông Plesner nói thêm.
Theo ông Plesner, "Pháp đang tập hợp các quốc gia châu Âu khác để cùng hành động sau khi đưa ra các tuyên bố về tự do hàng hải".
Tại Đối thoại an ninh Shangri-La gần đây ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nhấn mạnh Pháp sẽ tiếp tục thực thi các sứ mệnh tại Biển Đông cùng với Anh và Đức. Theo Bộ trưởng Parly các tàu của Pháp đã di chuyển qua Biển Đông ít nhất 5 lần trong năm 2017.
Bà Parly cho biết một nhóm chuyên trách về hàng hải của Pháp cùng với tàu và trực thăng Anh sẽ thăm Singapore, sau đó tiến vào "một số khu vực nhất định" ở Biển Đông. Theo Bộ trưởng Parly, mặc dù Pháp không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng việc tuần tra tự do hàng hải định kỳ như vậy cùng với "các đồng minh và bạn bè" sẽ góp phần củng cố một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.
Cũng tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết trong năm nay nước này sẽ điều 3 tàu chiến tới Biển Đông nhằm duy trì trật tự dựa trên luật pháp. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 2/6 cảnh báo, Trung Quốc có thể đối mặt với hậu quả lớn hơn nếu tiếp tục quân sự hóa Biển Đông.
Thành Đạt
Theo Dantri
Phản ứng của Trung Quốc khi B-52 Mỹ bay gần Trường Sa Trung Quốc ngày 6.6 mạnh miệng chỉ trích ngược lại Mỹ và tuyên bố cứng rắn sau khi Mỹ điều oanh tạc cơ chiến lược B-52 đến gần Trường Sa. Oanh tạc cơ B-52 của Mỹ. Theo Fox News, quan chức Lầu Năm Góc giấu tên nói biên đội hai chiếc oanh tạc cơ chiến lược B-52 đã bay qua khu vực cách...