Pháp cảnh báo sẽ trả đũa Anh nếu không thực thi thỏa thuận đánh bắt cá với EU
Pháp kêu gọi Anh thực thi các điều khoản về quyền lợi đánh bắt của của ngư dân các nước Liên minh châu Âu (EU) theo thỏa thuận sau khi Anh rời khỏi khối này, nếu không Paris sẽ có biện pháp đáp trả.
Ngư dân đánh cá ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam nước Anh ngày 12/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune đã đưa ra c ảnh báo trên, trong dấu hiệu mới nhất phản ánh căng thẳng giữa 2 nước liên quan đến vấn đề nhạy cảm này.
Trả lời kênh BFM Business ngày 27/4, ông Beaune thể hiện lập trường kiên quyết yêu cầu Anh thực hiện đầy đủ thỏa thuận giữa Anh và EU, đồng thời tuyên bố Paris sẽ có hành động đáp trả trong lĩnh vực khác nếu cần thiết. Cụ thể, Pháp có thể gây khó dễ trong việc cấp phép các nhà cung cấp dịch vụ tài chính của Anh hoạt động tại EU. Ông kêu gọi sự bình đẳng, đồng thời nhấn mạnh thực hiện các cam kết là nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên.
Theo phản ánh của ngư dân Pháp, hoạt động đánh bắt cá của họ tại vùng biển của Anh đã bị cản trở liên quan đến những khó khăn trong quy trình cấp phép của giới chức Anh. Ngư dân Pháp cho biết giới chức Anh chỉ cấp phép cho 22 trong tổng số 120 tàu thuyền đánh cá của ngư dân Pháp hoạt động tại vùng biển của Anh. Tuần trước, ngư dân Pháp đã có hành động phản đối khi chặn các xe chở cá từ Anh vào Pháp.
Trong khi đó, giới chức Anh đã bác bỏ thông tin trên, đồng thời cho biết đã có 87 tàu thuyền của Pháp được cấp phép đánh bắt cá trong khu vực cách bờ biển của Anh từ 6 đến 12 hải lý.
Quyền đánh bắt cá là một trong những vấn đề gây trở ngại lớn trong tiến trình đạt được thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và EU để London chính thức rời khỏi khối này từ ngày 1/1/2021. Theo hiệp định thương mại tạm thời Anh và EU, ngoài quyền tiếp cận các vùng biển của Anh, các tàu, thuyền Pháp còn có thể dỡ các sản vật đánh bắt được ngay tại các cảng của Anh để chúng có thể nhanh chóng được chuyển về Pháp bằng xe tải.
Đàm phán thương mại giữa EU và Anh vẫn chưa hóa giải những bất đồng chính
Ngày 7/12, các nhà ngoại giao châu Âu cho biết các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại giai đoạn hậu Brexit giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh vẫn bị đình trệ khi hai bên chưa thể hóa giải những mâu thuẫn lớn còn tồn đọng.
Toàn cảnh vòng đàm phán đầu tiên giữa đại diện Liên minh châu Âu (EU) và Anh về mối quan hệ song phương hậu Brexit tại Brussels, Bỉ, ngày 2/3/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo các nguồn tin trên, bất chấp các bên đã nỗ lực đàm phán tới tận đêm 6/12, những bất đồng xung quanh 3 nội dung chính gồm tạo sân chơi bình đẳng, trợ cấp của nhà nước và đánh bắt cá vẫn chưa được thu hẹp. Do đó, kết quả của tiến trình đàm phán vẫn còn mờ mịt và khó đoán định. Các nhà ngoại giao trên cũng cho biết các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục bất chấp quỹ thời gian hạn hẹp còn lại để Nghị viện châu Âu phê chuẩn thỏa thuận trước ngày 31/12 tới - thời điểm đánh dấu kết thúc giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh rút khỏi EU.
Một nhà ngoại giao nói: "Các cuộc đàm phán giữa EU-Anh đã bước vào giai đoạn cuối cùng, thời gian đang trôi qua rất nhanh. EU sẵn sàng nỗ lực hơn nữa để nhất trí về một thỏa thuận công bằng, bền vững và cân bằng cho người dân EU và Anh. Anh cần phải lựa chọn giữa một kết quả tích cực như vậy hoặc không có thỏa thuận nào".
Trước đó cùng ngày, báo The Sun đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson sẵn sàng rút khỏi các cuộc đàm phán Brexit nếu EU không đồng ý thay đổi những đòi hỏi của họ. Thông tin này đã khiến giá đồng bảng Anh ngay lập tức giảm 1,2% so với đồng USD và giảm 1% so với đồng euro. Thị trường chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt chìm trong sắc đỏ, khi chỉ số FTSE 100 tại sàn giao dịch London (Anh) giảm 0,2%; chỉ số DAX 30 tại sàn Frankfurt (Đức) mất 0,7% và chỉ số CAC 40 tại sàn Paris (Pháp) trượt 1%.
Sau khi chính thức rời khỏi EU vào ngày 31/1 năm nay, Anh bắt đầu quá trình chuyển tiếp kéo dài đến ngày 31/12 tới để thảo luận với EU về thỏa thuận thương mại mới cho mối quan hệ có kim ngạch trao đổi song phương trị giá gần 1.000 tỉ USD/năm này. Việc không đạt được thỏa thuận và phê chuẩn trước "thời hạn chót" 31/12 dự kiến sẽ gây gián đoạn và tổn thất kinh tế cho cả hai bên, mà Anh được dự báo sẽ chịu tổn thất lớn hơn.
Thêm nhiều nước áp hạn chế với Ấn Độ Trước "sóng thần" Covid-19 tại Ấn Độ, thêm nhiều nước quyết định đình chỉ bay và hạn chế nhập cảnh với người đến từ quốc gia này. Chính phủ Hà Lan từ 18h ngày 26/4 bắt đầu áp lệnh đình chỉ với tất cả chuyến bay tới Ấn Độ trong bối cảnh quốc gia này 4 ngày liên tiếp đều ghi nhận hơn...