Phán quyết vụ án Hồ Duy Hải: Luật sư phân tích 6 tình huống có thể xảy ra
Luật sư cho rằng, trong 6 tình huống có thể xảy ra, rất có thể Hội đồng giám đốc thẩm sẽ quyết định hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để điều tra lại.
Sáng nay (8/5), phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải diễn ra nội dung trình bày quan điểm về vụ án. Dự kiến đến 14h cùng ngày, Hội đồng thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết cho vụ án.
Dự đoán về phán quyết giám đốc thẩm vụ án này, trả lời VTC News, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) dẫn quy định tại điều 388 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và cho biết có 6 tình huống có thể xảy ra.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Thứ nhất: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bi khang nghi.
Thứ hai: Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.
Thứ ba: Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
Thứ tư: Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.
Thứ năm: Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Thứ sáu: Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, với những nội dung trong bản kháng nghị của VKSND Tối cao, nội dung đơn thư kêu oan và diễn biến của phiên tòa giám đốc thẩm, rất có thể Hội đồng giám đốc thẩm sẽ quyết định theo đa số là hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung bởi giai đoạn điều tra đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, các chứng cứ buộc tội chưa đủ cơ sở để kết tội Hồ Duy Hải.
Đồng thời, việc hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại vụ án hình sự sẽ có cơ hội mình oan cho bị cáo nhưng không chắc chắn bị cáo sẽ được tuyên bố không phạm tội nếu kết quả điều tra lại củng cố thêm những chứng cứ buộc tội.
“Trong vụ án này, văn bản kháng nghị của VKSND Tối cao đã chỉ ra nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, chưa đủ cơ sở pháp lý vững chắc để kết tội đối với bị cáo. Vấn đề này được nhiều chuyên gia, các luật sư đồng tình cũng như ý kiến của mẹ bị cáo Hải trong quá trình kêu oan.
Tuy nhiên, đây chỉ là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm còn kháng nghị này có được Hội đồng thẩm phán chấp nhận hay không còn phụ thuộc vào đánh giá của cả một tập thể Hội đồng thẩm phán”, vị luật sư này nói.
Theo luật sư Cường, chưa có vụ án nào mà phiên tòa giám đốc thẩm lại có sự quan tâm của dư luận như phiên tòa này, cũng chưa thấy phiên tòa giám đốc thẩm nào mà các chuyên gia, các nhà nghiên cứu dành nhiều thời gian để quan tâm như vụ án này.
Với thông tin mà báo chí phản ánh trong suốt thời gian qua cũng như thông tin văn bản kiến nghị, đề xuất của các cơ quan chức năng, đơn thư kêu oan của gia đình bị cáo và các luật sư bào chữa cho bị cáo cho thấy chưa đủ cơ sở pháp lý vững chắc để kết tội đối với bị cáo Hải.
Nếu áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, khi không đủ căn cứ để kết tội thì tòa án buộc phải tuyên bị cáo không có tội.
Trường hợp tòa án đánh giá là chưa đủ căn cứ để kết tội bị cáo nhưng tài liệu cho thấy bị cáo có dấu hiệu phạm tội, cần phải làm rõ các tình tiết, chứng cứ quan trọng trong vụ án để kết luận là có tội hay không, tòa án sẽ trả hồ sơ để điều tra lại hoặc điều tra bổ sung tùy từng trường hợp. Với thẩm quyền của hội đồng thẩm phán TAND Tối cao theo thủ tục giám đốc thẩm, có thể hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại hoặc điều tra lại.
Theo quy định của pháp luật, Hội đồng giám đốc thẩm sẽ biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố về việc quyết định giải quyết vụ án. Quyết định giải quyết vụ án này thế nào sẽ phụ thuộc vào số biểu quyết của hội đồng sau khi lắng nghe ý kiến của những người tham dự, lập luận của những bên liên quan và trên cơ sở các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Hội đồng giám đốc thẩm sẽ tập trung vào những vấn đề quan trọng về chứng cứ và chứng minh, việc thu thập chứng cứ, tính hợp lệ của chứng cứ (đặc biệt là các chứng cứ buộc tội) và giá trị chứng minh của các chứng cứ này có đủ để kết tội bị cáo hay không.
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đang xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải theo thủ tục giám đốc thẩm. (Ảnh: TTC)
Luật sư Cường cho rằng, vụ án này có căn cứ xác định nạn nhân bị sát hại nên trường hợp hủy án và đình chỉ vụ án sẽ không diễn ra.
Nếu Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại, Hồ Duy Hải mới có cơ hội được minh oan (nếu thực sự không thực hiện hành vi phạm tội).
Trường hợp Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm và phúc thẩm để thay đổi mức hình phạt, bị cáo Hồ Duy Hải có thể thoát án tử hình nhưng sẽ vẫn có tội. Việc quyết định một trong 6 trường hợp nêu trên thế nào sẽ căn cứ vào biểu quyết của Hội đồng giám đốc thẩm trong phiên xử hôm nay.
Theo quy định tại Điều 391 Bộ luật tố tụng hình sự, việc hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại nếu có một trong các căn cứ quy định tại Điều 371 của Bộ luật tố tụng hình sự.
Cụ thể, kết luận trong bản án, quyết định của tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; hoặc Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Nếu hủy để xét xử lại thì tùy trường hợp, Hội đồng giám đốc thẩm có thể quyết định xét xử lại từ cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm. Trường hợp xét thấy cần tiếp tục tạm giam bị cáo, Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định tạm giam cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án thụ lý lại vụ án.
Dù trường hợp tòa án hủy bản án sơ thẩm, Hồ Duy Hải mới có cơ hội được minh oan. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ đình chỉ giải quyết vụ án nếu như không thể tìm thêm được chứng cứ để buộc tội trong giai đoạn điều tra lại.
Do đó, việc kêu oan của Hải và gia đình sẽ còn nhiều gian nan nhưng việc tổ chức phiên tòa giám đốc thẩm và có sự quan tâm của nhiều chuyên gia pháp luật, các nhà nghiên cứu và dư luận cũng mở ra những cơ hội, niềm hy vọng cho Hồ Duy Hải và gia đình.
Video: Không để oan sai, bỏ lọt tội phạm trong vụ án Hồ Duy Hải
Chia sẻ của luật sư từng xin Chủ tịch nước hoãn tử hình Hồ Duy Hải
Theo luật sư (LS) Trần Văn Tạo, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM, vụ án Hồ Duy Hải (người đã bị tuyên án tử hình) vừa được Viện trưởng Viện KSND Tối cao kháng nghị, đó là bước rất quan trọng để xem xét đến nơi, đến chốn những tình tiết chưa rõ trong vụ án.
LS Trần Văn Tạo (ảnh PV).
Tình tiết chưa rõ phải được xem xét đến nơi, đến chốn
Trao đổi với PV Dân Việt, LS Trần Văn Tạo (nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM) cho biết, ông là người từng xin Chủ tịch nước (năm 2014, lúc đó Chủ tịch nước là ông Trương Tấn Sang, gọi thân thiết là ông Tư Sang, LS Tạo có mối quan hệ với ông Tư Sang khi ông còn công tác ở TP.HCM) tạm hoãn thi hành án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải (Long An), nay nhận được thông tin Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và Bản án phúc thẩm năm 2009 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xét xử bị án Hồ Duy Hải tử hình về tội "giết người", "cướp tài sản", để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.
"Tôi rất vui khi nhận được thông tin này, nhưng không biết làm sao để có thể liên lạc với người mẹ và người dì của Hồ Duy Hải để chia sẻ, bởi hai người này cũng rất vất vả trong quá trình kêu oan cho Hải. Họ thỉnh thoảng có đến Văn phòng luật sư của chúng tôi để báo tình hình nhưng không để lại địa chỉ, số điện thoại liên lạc", LS Trần Văn Tạo cho biết.
LS Tạo cho biết thêm, ông không tham gia từ đầu vụ án Hồ Duy Hải. Trước đó các LS bào chữa cho Hồ Duy Hải đều muốn LS Tạo tham gia bào chữa, nhưng do nhiều việc ông không tham gia một cách trực tiếp. Khi được các LS đồng nghiệp gửi hồ sơ vụ án, LS Tạo đã nghiên cứu.
"Tôi đọc thấy trong vụ án có những uẩn khúc, có những điểm nếu làm đúng thì không phải như cách làm thể hiện trong hồ sơ vụ án. Tôi đã ghi nhớ lại một số điểm uẩn khúc đó. Vào một ngày cuối năm 2014, có một số LS, nhà báo, nhà văn điện thoại cho tôi nói: Nếu bữa nay anh không tham gia thì Hồ Duy Hải sẽ chết (ngày mai là thi hành án từ hình), anh em hiện đã hết cách, tôi nghe vậy nên đã điện thoại cho anh Tư Sang để trình bày và xin tạm hoãn thi hành án. Sau đó việc thi hành án đối với Hồ Duy Hải được tạm hoãn", LS Trần Văn Tạo nhớ lại.
Hồ Duy Hải khi bị đưa ra xét xử (ảnh IT).
Vẫn theo LS Trần Văn Tạo, vào năm 2015, khi sắp hết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước (khóa XIII, tính theo nhiệm kỳ Quốc hội), thấy vụ án của Hồ Duy Hải vẫn chưa giải quyết, ông có gửi thư cho Chủ tịch nước khóa XIII Trương Tấn Sang đề nghị Chủ tịch nước rút lại quyết định bác đơn ân xá của Hồ Duy Hải để các cơ quan chức năng có điều kiện xem xét một cách toàn diện vụ án.
"Nếu thực sự Hồ Duy Hải là người gây tội ác thì phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng có những tình tiết chưa rõ lại dùng để kết luận anh ta là thủ phạm thì cũng phải được xem xét đến nơi, đến chốn, bởi đây là việc liên quan đến sinh mạng của con người", LS Trần Văn Tạo nói và cho rằng, trong vụ án này có tới 2 nạn nhân bị sát hại, đó là vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên các cơ quan phải rất kỹ lưỡng khi xem xét.
Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, đại biểu Quốc hội khóa XIII Đỗ Văn Đương (TP.HCM) từng chất vấn Chánh án TAND Tối cao; bà Lê Thị Nga khi còn là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (nay bà là Chủ nhiệm) cũng lên tiếng chỉ ra những điểm bất thường của vụ án; vụ án này cũng được nêu trong báo cáo của Đoàn giám sát (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) về Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 20/03/2015, Lãnh đạo Liên ngành Bộ Công an, Viện KSND Tối cao có Công văn số 38/BC-VKSNDTC báo cáo Chủ tịch nước và Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải.
Nội dung Công văn đã nêu: Quá trình điều tra vụ án Hồ Duy Hải, ban đầu có một số vi phạm, thiếu sót; tuy nhiên, Cơ quan điều tra đã cố gắng khắc phục, thu thập các chứng cứ để chứng minh các tình tiết xác định sự thật vụ án. Vì vậy, những vi phạm thiếu sót không làm thay đổi bản chất vụ án. Tòa án các cấp kết án Hồ Duy Hải mức án tử hình về các tội "Giết người" và "Cướp tài sản" là có căn cứ pháp luật.
Những sai sót
Theo LS Trần Văn Tạo quá trình nghiên cứu vụ án Hồ Duy Hải thấy có một số sai sót như: Tại biên bản khám nghiệm hiện trường có ghi và mô tả rõ đặc điểm của các đồ vật như tấm thớt, cái ghế có dính màu... có liên quan trực tiếp đến vụ án nhưng cơ quan điều tra đã không thu giữ ngay tại thời điểm khám nghiệm. Như vậy là đã bỏ qua các chứng cứ trực tiếp có thể xác định tội phạm, làm ảnh hưởng lớn đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án...
Trong vụ án này Hồ Duy Hải từng có lời khai nhận tội, tuy nhiên theo LS Trần Văn Tạo, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy lời khai của Hồ Duy Hải đầy mâu thuẫn, mâu thuẫn từ chỗ gây án, thời gian, có lúc lại kêu oan. "Với lời khai mâu thuẫn như vậy làm sao dùng làm chứng cứ buộc tội được, mặc dù Hồ Duy Hải từng có lời khai nhận tội", ông nói.
Trong kháng nghị của Viện KSND Tối cao cũng chỉ rõ: Bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ. Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng như: bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.
Theo hồ sơ vụ án, 19h ngày 13/1/2008, Hồ Duy Hải đi môtô đến Bưu điện Cầu Voi để nói chuyện với chị Nguyễn Thị Ánh H (nhân viên bưu điện). Đến 20h30, Hải đưa tiền cho chị Nguyễn Thị Thu V (nhân viên bưu điện) đi mua trái cây.
Sau khi V đi, Hải nảy sinh ý định quan hệ sinh lý với chị H nhưng không được nên bóp cổ, lấy thớt đập vào mặt và đầu chị H. Chưa dừng lại, Hải lấy dao cắt cổ chị H. Tiếp đó, Hải thấy chị V đi mua trái cây về liền dùng ghế inox đánh vào đầu làm chị V ngã xuống nền gạch.
Chưa yên tâm, Hải kéo chị V đặt cạnh chị H rồi lấy dao cắt cổ chị. Cuối cùng Hải mở tủ lấy 1.400.000 đồng cùng sim card, điện thoại và nữ trang hai bị hại, rồi về nhà ngủ.
Cả hai bản án sơ thẩm (TAND tỉnh Long An) và phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đều tuyên án tử hình với Hồ Duy Hải về hai tội giết người và cướp tài sản.
Theo danviet.vn
Kỳ án Hồ Duy Hải: Nhìn lại diễn biến 12 năm Hôm nay, 7/5, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tiếp tục phiên xử giám đốc thẩm xem xét vụ án Hồ Duy Hải, 34 tuổi, ngụ Long An, người bị tuyên tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản. Đây là vụ án gây chấn động dư luận, qua 12 năm vẫn chưa xét xử xong. Phiên Giám đốc thẩm...