Phận người ‘bới rác tìm cơm’ tại bãi rác lớn nhất Đà Nẵng
Từ sáng đến tối, hàng trăm người cặm cụi trên những đống rác cao như núi, ruồi nhặng bu đen, mùi hôi nồng nặc ở bãi rác Khánh Sơn để “ bới rác tìm cơm”.
Từ tinh mơ, vợ chồng bà Võ Thị Thông (trú tổ 41, phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã có mặt tại bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam) để bắt đầu một ngày mưu sinh trong ngập ngụa mùi hôi, ruồi nhặng.
Vợ chồng bà Thông mưu sinh trên bãi rác Khánh Sơn đã 30 năm.
Bà Thông nhẩm tính, đến nay vợ chồng bà đã gắn bó với bãi rác này ngót nghét 30 năm. Lịch trình của vợ chồng bà hằng ngày chỉ “xoay” từ nhà lên bãi rác và ngược lại.
Bà Thông cho biết, dù vất vả, độc hại nhưng nhờ bám trụ ở bãi rác này mà vợ chồng bà nuôi 4 người con trưởng thành, dựng được nhà cửa kiên cố.
“Không nhớ tôi theo nghề này lúc nào, chỉ biết là từ nhỏ đã cùng cha mẹ lên đây nhặt phế liệu rồi bám trụ đến nay. Bây giờ các con đã lập gia đình, cuộc sống ổn định, chúng nó bảo vợ chồng tôi nghỉ ngơi nhưng mình còn sức thì ráng làm”, bà Thông nói.
Hàng trăm người cặm cụi bới tìm phế liệu trên những đống rác cao như núi.
Cũng theo bà Thông, cố gắng thu gom, nhặt nhạnh phế liệu, mỗi ngày vợ chồng bà kiếm được 400 đến 500 nghìn đồng.
“Người ta khỏe, làm cả ngày thì thu nhập cao, vợ chồng tôi sức yếu nên làm được chừng nào hay chừng đó. Mình tích góp để sau này ốm đau có cái mà lo, đỡ phải phiền con cháu”, bà chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị E (trú Khánh Sơn) cũng mưu sinh trên bãi rác Khánh Sơn đã gần 20 năm nay. Chị cho biết, trước đây làm công nhân nhưng từ khi chồng bỏ theo người khác, chị đưa con gái về nhà bố mẹ ruột rồi lên bãi rác này nhặt phế liệu kiếm sống.
Chị E đưa phế liệu thu gọm được đến điểm tập kết.
Video đang HOT
“Làm ở đây vất vả, độc hại nhưng mình quen rồi. Mỗi ngày cố gắng đào bới cũng kiếm được 300 đến 400 trăm nghìn đồng, đủ chi tiêu và cho con ăn học”, chị E nói.
Chị E cho biết, hàng chục năm làm lụng tích góp, bây giờ mẹ con chị đã xây được nhà kiên cố, mưa bão cũng yên tâm.
“Đất thì bố mẹ cho, tôi làm việc tích góp được mấy trăm triệu đồng xây nhà. Giờ mình cố gắng làm cho con nên cũng thấy ổn”, chị E tâm sự.
Mưu sinh trên bãi rác nguy hiểm, độc hại nhưng trang bị bảo hộ của người dân chỉ là đôi ủng và khẩu trang.
Có “thâm niên” 19 năm nhặt phế liệu tại bãi rác này, chị Thanh (trú tổ 70, Khánh Sơn) cho biết, bây giờ ngày nào mà không lên bãi là thấy… nhớ.
Chị Thanh bảo, chồng làm công nhân, thu nhập chẳng bao nhiêu nên chi phí cuộc sống gia đình và tiền học hành cho 2 con đều dựa vào chị.
“Cũng nhờ bãi rác này mà bây giờ vợ chồng tôi mua được đất, xây nhà, con cái được đi học. Mình chịu cực một chút để lo cho gia đình, tương lai con cái cũng thấy vui chú ạ”, chị Thanh nói.
Ông T. giờ đã là “ông chủ” của vựa thu mua phế liệu.
Gắn bó với bãi rác duy nhất Đà Nẵng này mấy chục năm nhưng bây giờ ông T. đã là “ông chủ” của vựa thu mua phế liệu.
Ông T. cho biết, sau hơn 20 năm bám bãi rác, ông tích góp mua ô tô, mở tiệm thu mua phế liệu cho “đồng nghiệp”. Bây giờ ông không cặm cụi đào rác nhặt phế liệu nữa mà đứng ra làm người thu mua về bán kiếm lời.
“Hằng ngày tôi chạy ô tô lên bãi rác thu mua phế liệu cho mọi người. Mấy mươi năm đào rác, giờ tôi vẫn gắn bó với bãi rác này nhưng đỡ vất vả hơn trước. Người ta nói đời chúng tôi là đời rác cũng vì lẽ đó”, ông T. nói.
Nhọc nhằn mưu sinh trên bãi rác duy nhất Đà Nẵng.
Hiện, bãi rác này có khoảng 300 người đang mưu sinh bằng nghề nhặt phế liệu. Trong đó đa phần là người dân Đà Sơn, Khánh Sơn, một phần ở Thanh Khê, Hòa Vang, còn một số tận Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam.
Hàng trăm con người là hàng trăm số phận, cảnh đời khác nhau nhưng họ có điểm chung là xuất thân nghèo khó, chọn bãi rác này làm bến mưu sinh. Ai cũng bảo, “rác ở đâu thì chúng tôi ở đó”.
Lãnh đạo Xí nghiệp xử lý rác Khánh Sơn cho biết, vì đây là bãi rác duy nhất ở Đà Nẵng nên hằng ngày tất cả rác thải của thành phố đều được thu gom về đây để xử lý. Hiện tại hộc rác số 5 còn khả năng tiếp nhận rác đã ở cao trình khoảng 48m và dự kiến sẽ lên mức 52m. Cao trình càng nâng lên thì mùi hôi thối càng lan xa ra khu dân cư.
Theo Công ty cổ phần môi trường đô thị Đà Nẵng, hiện mỗi ngày bãi rác tiếp nhận xấp xỉ 1.000 tấn rác thải. Nếu Đà Nẵng không mở thêm hộc rác số 6 thì đến khoảng năm 2020 bãi rác Khánh Sơn sẽ đầy.
XUÂN TIẾN
Theo VTC
Khốn khổ với bãi rác lớn nhất Đà Nẵng
Bãi rác Khánh Sơn rộng hơn 33 ha, chứa toàn bộ lượng rác thải chưa qua phân loại của người dân TP Đà Nẵng
Tưởng rằng bãi rác Khánh Sơn sẽ đóng cửa sau cuộc đối thoại giữa người dân phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng vào chiều 9-10. Nhưng hơn 1 tháng trôi qua, người dân nơi đây vẫn tiếp tục sống chung với ô nhiễm như đã chịu đựng hơn 28 năm qua.
950 tấn rác mỗi ngày
"Đến khoảng 0 giờ, các anh cứ đến đây mới thấu hiểu cảnh chịu đựng ô nhiễm của chúng tôi đến mức nào. Mùi hôi thối nồng nặc cứ thế mà bốc lên từ bãi rác cho đến tận sáng hôm sau" - ông Phan Văn Đồ (73 tuổi; ngụ tổ 80, phường Hòa Khánh Nam) vừa nói vừa dẫn chúng tôi ra đoạn mương dẫn nước rỉ rác có màu vàng đục chảy ra cầu Bà Xí.
120 hộ dân sống tại tổ 70 gần đó cũng cùng chung nỗi khổ. Hiện nhiều nhà dân chỉ còn nằm cách bãi rác 50 m.
Bãi rác Khánh Sơn đóng tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, có diện tích hơn 33 ha. Đây là bãi rác lớn nhất, là nơi chứa toàn bộ lượng rác thải chưa qua phân loại tại nguồn của người dân TP Đà Nẵng từ trước đến nay.
Bãi rác Khánh Sơn ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng
Theo ông Nguyễn Đăng Huy, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và Xử lý chất thải bãi rác Khánh Sơn, mỗi ngày, bãi tiếp nhận hơn 950 tấn rác thải. Bãi rác phải tiếp nhận rác chưa qua phân loại tại nguồn khiến quá trình xử lý tốn kém và mất thời gian.
Sau khi bị người dân chặn xe phản đối ô nhiễm, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xí nghiệp quản lý bãi rác đã đưa ra các giải pháp như: Lắp đặt 2 camera truyền trực tiếp hình ảnh về UBND TP thông qua Phòng Quản lý đô thị để giám sát người dân; tách khu vực đổ bùn thải công nghiệp ra riêng với khu đổ rác thải sinh hoạt. Đặc biệt là thu hẹp diện tích đổ rác xuống dưới 2.000 m2 và rác sẽ được san ủi bằng lớp đất dày 20 cm để giảm mùi hôi, cộng với việc phun thuốc khử mùi nhiều lần.
"Dân đã ít gọi điện thoại ta thán về mùi hôi"
Ông Võ Khoa Nguyên, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, cho hay hiện có 1.700 hộ dân của phường đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm kéo dài của bãi rác. Lãnh đạo phường đã giải thích, vận động và hỗ trợ sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng.
Hiện hầu hết người dân đã được hỗ trợ 100% tiền BHYT để được khám sức khỏe; mỗi hộ dân cũng được hỗ trợ 2 m3 nước sạch/ngày đêm và miễn hoàn toàn phí vệ sinh môi trường. Ngoài ra, chính quyền sẽ triển khai chính sách miễn học phí cho con em người dân bị ảnh hưởng từ bậc mẫu giáo đến THPT.
Ông Nguyên khẳng định sau đợt người dân chặn xe và lãnh đạo thành phố xuống đối thoại với dân, hiện nay, tình trạng ô nhiễm mùi hôi và lượng nước rỉ rác đã giảm.
"Người dân đã ít gọi điện ta thán về chuyện ô nhiễm như trước kia. Nếu người dân thắc mắc thì cứ làm đơn phản ánh và phường sẽ trực tiếp xử lý" - ông Nguyên cho hay.
Ông Trần Văn Tiên, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị, khẳng định khu lò đốt rác thải nguy hại nằm tại bãi rác Khánh Sơn đang tạm dừng hoạt động. "Chuyện người dân phản ánh lò đốt gây ô nhiễm là không hề có. Chúng tôi đang cho tạm dừng lò đốt để bảo trì và sẽ được nâng cấp trong thời gian tới" - ông Tiên thông tin.
Đối với lượng nước rỉ rác có màu vàng đang chảy ra khu dân cư và có mùi hôi rất khó chịu, ông Tiên khẳng định đây là lượng nước rỉ rác đã được xử lý. Trước đây, lượng nước rỉ chưa được xử lý nên mới có màu đen và gây ô nhiễm.
Liên quan đến dự án trạm xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn, ông Lưu Siêu, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án), cho biết trạm xử lý nước rỉ rác đã đi vào vận hành vào ngày 15-10. Sau thời gian vận hành thử khoảng 60 ngày, nếu chất lượng nước rỉ rác sau xử lý đạt yêu cầu thì đơn vị sẽ giao cho một đơn vị quản lý, vận hành sau quá trình đấu thầu.
Theo ông Siêu, lượng nước rỉ rác sau xử lý hiện có màu vàng do đã đạt 6/8 chỉ tiêu và đạt yêu cầu hơn 80% về chất lượng nước ra môi trường.
Dự án trạm xử lý nước rỉ rác thuộc công trình nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 80 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích khoảng 3,7 ha và nằm trong khuôn viên bãi rác Khánh Sơn. Sau hơn 8 tháng thi công, đến nay, Công ty Cổ phần Kỹ thuật SEEN đã đấu nối toàn bộ lượng nước rỉ rác của bãi rác vào hệ thống xử lý của trạm để vận hành thử.
Bài và ảnh: VĨNH QUYÊN
Theo nld.com.vn
Hơn 465 tỷ đồng đầu tư xử lý nước thải, rác thải tại Đà Nẵng Hai dự án cải tạo Trạm Xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn và nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn có tổng mức đầu tư hơn 465 tỷ đồng. Sáng 19/10, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng thông tin, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ vừa có tờ trình đề nghị HĐND thành phố tại...