Phần lớn bạo lực gia đình do rượu bia gây ra
Say xỉn khiến con người mất kiểm soát, gây ra những vụ xô xát, thậm chí dẫn tới án mạng đau lòng trong xã hội.
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội, 33,7% các vụ bạo lực gia đình có nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng rượu, bia.
Ảnh minh họa
Trong một nghiên cứu mới đây ghi nhận, gần 70% người trả lời đã phải chịu một/một số tác hại từ người uống rượu, bia xung quanh mình (bạn bè, người quen, đồng nghiệp, người lạ và đặc biệt là người thân trong gia đình); 21% cha mẹ/người chăm sóc chính cho biết trẻ em trong gia đình đã chịu tác hại từ việc sử dụng rượu bia của người xung quanh và 14% gia đình có trẻ đã chịu ít nhất một trong năm tác hại liên quan gồm bị người uống rượu bia đánh đập, phải chứng kiến bạo lực nghiêm trọng liên quan đến rượu, bia trong gia đình, bị bỏ mặc, thiếu sự chăm sóc bảo vệ của người lớn, gia đình không còn tiền để chi cho các nhu cầu thiết yếu cho trẻ do thành viên hộ gia đình sử dụng rượu bia gây ra.
Trong số các hộ gia đình có người uống rượu bia, 10-15% hộ gia đình phải đối mặt với các vấn đề: bạo lực gia đình liên quan đến rượu, bia, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng; người uống rượu bia không muốn/không đủ sức khỏe để lao động, kiếm sống; người uống rượu bia không muốn/không đủ sức khỏe để đảm đương các công việc gia đình.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình- Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) Nguyễn Vân Anh cho hay: Những vụ bạo hành trong gia đình liên quan đến bia rượu không phải là ít và thực sự là đáng lo ngại. Rất nhiều phụ nữ, nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình thì chồng của họ là người nghiện rượu bia.
Theo nghiên cứu của tổ chức Health Bridge về tình trạng trẻ em bị ảnh hưởng bởi tình trạng lạm dụng rượu bia của người lớn đã chỉ ra kết quả cho thấy: 11% trẻ em bị xúc phạm, nhục mạ, mắng chửi; bị bỏ mặc, thiếu sự chăm sóc bảo vệ của người lớn: 6,5%; phải chứng kiến bạo lực nghiêm trọng trong gia đình: 6,1%; bị đánh đập, gây đau đớn về thể xác 3,8%…
Cũng theo Health Bridge: Trẻ em trong các hộ uống rượu chịu nhiều thiệt thòi cả về dinh dưỡng và giáo dục so với các trẻ em khác. Các em sẽ tới ngưỡng cửa của tuổi lao động với bất lợi kép – sức khỏe yếu, trình độ học vấn kém hơn trẻ em bình thường khác.
Vì vậy trẻ em trong các gia đình có người nghiện rượu sẽ có năng suất lao động thấp hơn ở tuổi trưởng thành, gây thiệt thòi cho cá nhân và xã hội. Thành viên gia đình ở các hộ có người uống rượu bia thường xuyên ít được đầu tư về dinh dưỡng, chăm sóc y tế và giáo dục so với các hộ không có người uống rượu bia…
Video đang HOT
Nhà Nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (GĐ Trung tâm tư vấn An Việt Sơn) chia sẻ, nhiều gia đình chồng bia rượu về đánh đập vợ nhưng cũng có trường hợp, chồng nghiện rượu gây ra ảo giác nghi ngờ, giày vò vợ hành hạ về tinh thần. Điều này còn đáng sợ hơn gấp nhiều lần.
Theo ông Chất, khi ông chồng uống bia rượu lại bị vợ chỉ trích, trách móc khiến họ rơi vào trạng thái “điên nhất thời” trong khoảnh khắc họ không kiểm soát được hành vi. Hành động của họ trở thành bản năng, họ muốn thắng, muốn đàn áp đối phương là vợ vì vậy họ dùng đến vũ lực.
Một trong những tác hại khủng khiếp của bia rượu là khiến người uống có thể bị rối loạn tâm thần. BS Đinh Hữu Uân, BV Tâm thần Trung ương I chia sẻ, triệu chứng chủ yếu của những người này là hoang tưởng ghen tuông và hoang tưởng bị truy hại. Nội dung của hoang tưởng liên quan đến các sự vật có thật xung quanh bệnh nhân như: vợ, con, hàng xóm, đồng nghiệp và bạn bè. Người bệnh rất đa cảm, họ luôn hoảng sợ, hoang tưởng luôn cho phối hành vi và thường tấn công người khác.
Theo khuyến cáo của WHO, để kiểm soát rượu bia, Việt Nam cần phải thực hiện ba nhóm giải pháp cơ bản để giảm tính sẵn có của rượu, bia gồm có hệ thống chính sách và pháp luật đầy đủ nhằm kiểm soát tác hại của rượu, bia; tuyên truyền thường xuyên, liên tục về nguy cơ, hậu quả, biện pháp phòng ngừa và tăng cường năng lực cho công tác cưỡng chế thực thi các chính sách liên quan.
Tháng 6/2019, Quốc hội chính thức thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Luật ban đầu mang tính tuyên ngôn, quan điểm của Nhà nước với phòng, chống tác hại rượu bia, giảm tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến không lây nhiễm trong đó có tim mạch, ung thư, tâm thần. Luật này sẽ mang thông điệp truyền thông mạnh mẽ nhằm thay đổi hành vi uống rượu bia, bảo đảm sức khỏe và làm tăng ý thức doanh nghiệp về kinh doanh rượu bia, cửa hàng bán rượu bia.
Hiện nay, đã có hơn 100 nước trên thế giới có luật phòng chống tác hại rượu bia, kể cả những nước là quê hương sản xuất rượu trên thế giới. Do đó, việc ban hành Luật Phòng chống tác hại rượu, bia là một giải pháp để bảo vệ sức khỏe người dân thông qua việc giảm mức tiêu thụ và kiểm soát quảng cáo, để hạn chế tới mức thấp nhất tai nạn giao thông; bạo lực gia đình; những hệ lụy xã hội khác… từ việc lạm dụng rượu, bia gây ra.
Thu Giang
Theo baodatviet.vn
Vì sao cấm rượu bia với thanh thiếu niên?
Ở trẻ em, rượu bia có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc của đồi hải mã, là vùng não có vai trò quan trọng cho quá trình học tập.
BS. Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đưa ra những con số giật mình vào năm 2017 về tỉ lệ uống rượu bia ở trẻ vị thành niên hiện nay. Theo điều tra trên 50 trường của 13 tỉnh/thành phố trên toàn quốc cho thấy, có tới 43,8% học sinh nam trong độ tuổi từ 12 đến 17 uống rượu bia và có tới 37,7% học sinh nữ uống rượu bia.
Ảnh internet
Một nghiên cứu năm 2013 đối với riêng nhóm tuổi 13-17 là lứa tuổi đang đi học, cho thấy có tới 33% học sinh nam và 18% học sinh nữ đã từng uống ít nhất một đơn vị cồn trong 30 ngày vừa qua, trong số đó 49% học sinh nam và 38% nữ uống cốc đầu tiên khi chưa đến 14 tuổi, 31% học sinh nam và 15% học sinh nữ đã từng uống đến mức say ít nhất một lần.
Từ con số này, ông Bảo cảnh báo, hành vi uống rượu đang ngày càng phổ biến ở tuổi vị thành niên và tuổi uống rượu bia đang ngày càng trẻ hóa.
Thanh thiếu niên là một giai đoạn con người chuyển tiếp từ trẻ em sang người trưởng thành, đang phát triển về thể chất, tinh thần. Các hóc-môn dậy thì của giai đoạn này kích hoạt các vùng đảm nhiệm chức năng cảm xúc, xã hội của bộ não đang phát triển, thúc đẩy hành vi của người trẻ tuổi ...
Các bằng chứng khoa học cho thấy rượu bia tác động ở cấp phân tử và cấp tế bào đến quá trình hình thành và phát triển của não. Thanh thiếu niên đặc biệt nhạy cảm với các tác động này. Ở trẻ em, rượu bia có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc của đồi hải mã, là vùng não có vai trò quan trọng cho quá trình học tập.
Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 thì về sau có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người đợi đến 21 tuổi mới uống. Những hậu quả đó là: khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần, khả năng có hành vi bạo lực cao gấp 6 lần, nguy cơ gây tai nạn giao thông cao gấp hơn 6 lần, chấn thương gấp gần 5 lần sau khi uống rượu, bia.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương (nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10). Như vậy, uống rượu bia có tác hại tiềm tàng về sức khỏe và xã hội với cả người uống và người không uống, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên.
Trẻ em dùng rượu bia sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới các bộ phận khác như cơ quan tiêu hóa, chức năng của gan và thận. Các độc tính của cồn công nghiệp khi đi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành formaldehyde. Sau đó chất này sẽ tiếp tục được oxy hóa thành axitfomic tấn công nhãn cầu, dây thần kinh thị giác và các bộ phận bằng mô mềm như thận và gan.
Nguy hại hơn bia còn làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ, phá vỡ rào chắn an toàn cho cơ thể vi trùng, vi khuẩn dễ xâm nhập vào và có thể dẫn tới các căn bệnh nghiêm trọng. Các mao mạch sẽ giãn nở sau khi uống bia rượu. Sức tản nhiệt tăng lên khiến trẻ dễ bị cảm và viêm phổi.
Tăng cường kiểm soát rượu bia ở thanh thiếu niên
Luật phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019 có một quy định quan trọng liên quan đến rượu bia và thanh thiếu niên, đó là: nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; nghiêm cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi cũng như sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
Nguyên nhân của sự gia tăng sử dụng rượu bia ở thanh thiếu niên, theo kết quả các nghiên cứu trên thế giới, có phần quan trọng là do tác động của quảng cáo, khuyến mại về rượu bia đã thúc đẩy việc sử dụng rượu bia lần đầu.
Theo một nghiên cứu ở Mỹ, việc tiếp xúc với quảng cáo rượu bia trên truyền hình, radio và khuyến mại sản phẩm rượu bia sẽ làm cho số trẻ em bắt đầu sử dụng rượu bia tăng từ 13% đến 20%. Đặc biệt những học sinh mà có sở hữu các sản phẩm khuyến mại của hãng bia rượu (như áo thun hoặc mũ) có khả năng bắt đầu sử dụng rượu bia cao gấp 1,5 lần so với những học sinh không sở hữu.
Đối với phim ảnh, các nghiên cứu cho thấy trẻ em 10-16 tuổi tiếp xúc với các bộ phim có hình ảnh sử dụng rượu bia càng nhiều, nguy cơ bắt đầu sử dụng rượu bia và lạm dụng rượu bia càng tăng lên: nguy cơ bắt đầu uống rượu bia tăng 42% -100%, nguy cơ uống say cũng tăng từ 44% - 123% tùy mức độ tiếp xúc.
Do đó, một điểm quan trọng trong Luật phòng chống tác hại rượu bia năm 2019 đó là ngoài việc nghiêm cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên thì cũng có các quy định nghiêm ngặt tại khoản 3 Điều 12 đối với việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ nhằm hạn chế trẻ em, thanh thiếu niên tiếp cận với thông tin về rượu bia, cụ thể:
Không có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai; không sử dụng vật dụng, hình ảnh, biểu tượng, âm nhạc, nhân vật trong phim, nhãn hiệu sản phẩm dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi hoặc hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi trong quảng cáo rượu, bia.
Không quảng cáo trên báo nói, truyền hình trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài...; không quảng cáo trên báo nói, trên truyền hình ngay trước, trong và sau chương trình dành cho trẻ em.
Mai Giang
Theo baodatviet
Những chính sách về giao thông vận tải có hiệu lực trong năm 2020 Năm 2020, một số chính sách mới trong lĩnh vực giao thông vận tải sẽ chính thức có hiệu lực như Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia năm 2019; ô tô phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới; cấp GPLX phải có mã Q hay lắp camera giám sát trực tiếp việc sát hạch lái xe. Nghiêm cấm điều khiển...