Phận hẩm hiu của 1 cô dâu có bầu trước khi cưới
Ngày tôi về nhà chồng, họ hàng bạn bè đến chung vui nhưng cha mẹ tôi ai cũng rớt nước mắt vì thương số con gái mình khổ. Tuổi mới đôi mươi, lại đang là sinh viên đã vội “bỏ cuộc chơi” bước theo chồng vì lỡ “ăn cơm trước kẻng” rồi mang bầu.
ảnh minh họa
Chồng tôi tên Minh, chúng tôi yêu nhau từ hồi cấp ba. Lên Hà Nội học, hai đứa đã từng chia tay vì nhiều lý do và có lẽ vì cả hai tính cách còn quá trẻ con. Vậy mà không hiểu sao chúng tôi vẫn quay lại được với nhau, để cuối cùng lĩnh cái hậu quả không mong muốn như vậy. Chúng tôi đành phải cưới sớm, bởi cái thai trong bụng mỗi lúc một lớn dần.
Mà có phải bảo cưới là cưới luôn được đâu, dùng dằng mãi đến khi cái thai trong bụng tôi tới tháng thứ 6. Không biết mẹ của Minh nghe lời ai đi xem bói, thầy bói phán “cái thai không sống được qua tháng thứ 5″, thế nên bà lần lữa chờ cho hết tháng thứ 5 mới cho cưới.
Cuối cùng cũng đến ngày tôi lên xe hoa, áo cưới phải nới dây nơ. Hai bên họ hàng, bạn bè đến chung vui, chúc phúc cho chúng tôi. Ai cũng cười nói cố ra vẻ tự nhiên nhưng tôi biết trong lòng họ mỗi người một suy nghĩ, người thì thương tôi thật, nhưng nhiều người đến với tôi chỉ tò mò muốn xem cô dâu hóa trang cái “bụng ễnh” thế nào.
Tôi ngại ngùng và xấu hổ vô cùng, mỗi khi có bạn bè tới là tôi là đỏ ửng mặt. Tôi cố làm ra vẻ tự nhiên nhưng trong lòng thì bất an, lo sợ, cảm giác như lúc đó có cái kẽ nẻ nào ở dưới đất thì tôi sẵn sàng chui ngay xuống dưới để không cảm thấy mất mặt với bạn bè và mọi người tới dự.
Cưới nhau không được bao lâu, tôi đã phải rơi lệ vì anh chồng chưa qua được tuổi trẻ con ham chơi tối ngày. Anh còn công khai đi tán tỉnh bên ngoài, khiến tôi cảm thấy ấm ức. Cái bụng thì mỗi ngày một to, mà Minh thì chẳng hề đoái hoài gì tới tôi.
Đã thế tôi còn phải chịu cảnh “mẹ chồng nàng dâu”. Từ khi tôi về làm dâu đến giờ, mẹ chồng không hề hỏi han tôi một câu. Bà có mở lời với tôi cũng chỉ là những lời bóng gió, mát mẻ. Bà kể chuyện con dâu nhà hàng xóm mới lấy nhau về mà bụng đã “vượt mặt”, rằng là “con gái bây giờ dễ dãi thật” đâu có như thời ngày xưa…
Mẹ còn nói sau này sẽ đưa đứa bé con tôi đi xét nghiệm ADN để xem có phải cháu nội của bà thật không. Mỗi khi nghĩ đến những câu nói của mẹ chồng là lòng tôi cảm thấy đau nhói, chỉ còn biết ôm mặt mà khóc trong phòng một mình cho đỡ tủi.
Gần đến tháng sinh, mà công việc trong nhà đều đến tay tôi lo liệu, trước thì mẹ chồng đi chợ, nấu cơm giờ đã có con dâu đảm nhận. Cô em chồng cũng tiện thể nhờ luôn chị dâu giặt giũ, phơi phóng áo quần. Chồng thì cứ đi cả ngày, chẳng thèm hỏi han, quan tâm gì tới vợ, đêm về lăn ra ngủ. Có hôm đêm khuya, tôi thấy đói liền than với Minh, anh cằn nhằn giọng khó chịu “tối không ăn, giờ lại giở chứng. Thôi, để sáng mai”, rồi anh tiếp tục chìm vào giấc ngủ.
Video đang HOT
Nghĩ đến mấy đứa bạn mình, có đứa cũng có bầu trước mà sướng đến vậy, được mẹ chồng vồ vập, tâm lý “bây giờ người ta hiếm muộn nhiều, chuyện có cháu sớm là chuyện mừng”, lại được chồng quan tâm, cưng chiều.
Tôi cám cảnh cho bản thân mình, thật là khôn ba năm dại một giờ. Sao phận mình lại trớ trêu, hẩm hiu đến vậy. Vì đứa con sắp chào đời, tôi cắn răng chịu đựng tất cả. Âu đó cũng là cái giá mà tôi phải trả cho sự nông nổi của mình.
Theo VNE
Tình yêu đẹp của chàng công an viên với cô gái ngồi xe lăn
Giờ đây, anh chị đã có một cuộc sống hạnh phúc bên nhau trong ngôi nhà nhỏ. Ít ai nghĩ rằng, để đến được với nhau, họ đã phải vượt qua biết bao nhiêu sóng gió. Tình yêu của họ là bản tình ca có cả nụ cười hạnh phúc xen lẫn những giọt nước mắt đắng cay.
Thương cho số phận hẩm hiu
Đến giờ, người dân ở xã Hoằng Quý (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vẫn còn kể cho nhau nghe câu chuyện tình yêu như cổ tích của anh Phan Văn Thành và chị Lê Thị Huệ với một tấm lòng cảm phục.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, nghèo khó ở xã Hoằng Quý, chị Lê Thị Huệ (SN 1980) là con gái út trong gia đình có 4 anh chị em. Khi cất tiếng khóc chào đời, chị Huệ vẫn khỏe mạnh bình thường. Nhưng tai họa bắt đầu ập xuống khi chị Huệ lên 3 tuổi. Sau một cơn sốt kéo dài, chị bị liệt hẳn chân bên phải.
Thương cô con gái nhỏ, bố mẹ chị không quản khó khăn, vất vả, khánh kiệt tài sản đưa chị đi chữa trị khắp nơi. Gần 2 năm trời nằm điều trị ở Bệnh viện Trung ương 71 Thanh Hóa nhưng kết quả đều vô vọng. Không chịu từ bỏ hy vọng, gia đình tiếp tục đưa chị lên Hà Nội chữa trị, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.
Hễ nghe ở đâu có bài thuốc hay, thầy thuốc giỏi chữa bại liệt, bố mẹ đều không quản đường sá xa xôi đưa con gái đến thăm khám. Bất hạnh hơn, trong một lần chữa trị tại nhà một thầy lang ở Nam Định, chị Huệ đã bị châm cứu "nhầm" vào gân chân khiến chiếc chân phải co rút lại.
Vợ chồng anh Thành, chị Huệ sống hạnh phúc bên cậu con trai bụ bẫm. Ảnh:Thắng Hải
Bị tật nguyền, nhưng thẳm sâu trong chị lại là một tinh thần hiếu học. Học hết lớp 9, chị Huệ phải nghỉ do trường quá xa nhà, bố mẹ lại không có điều kiện đưa tới lớp. "Khi nghỉ học, tôi rất buồn, nhớ thầy cô, bè bạn, nhiều đêm tôi úp mặt vào gối để khóc, thương cho số phận hẩm hiu. Thấu hiểu được tâm lý của tôi, bố mẹ đã an ủi, động viên tôi rất nhiều", chị Huệ kể lại.
Không cam chịu kiếp sống "ăn bám bố mẹ", chị Huệ xin phép được đi bán hàng giúp người chị gái dưới thị trấn để kiếm thêm thu nhập. Cũng nhờ quyết định này, chị tình cờ gặp được tình yêu lớn nhất cuộc đời mình. Đó là anh công an viên xã Hoằng Cát (huyện Hoằng Hóa) Phan Văn Thành.
Trái tim rung động
Trước khi gặp anh Thành, chị Huệ chưa bao giờ dám nghĩ tới chuyện tình yêu nam nữ. Vậy nhưng, từ khi gặp anh, trái tim cô gái trẻ bất ngờ rung động.
Chuyện tình của họ bắt đầu cũng thật giản dị. Ngoài công việc chuyên môn là công an viên phụ trách thôn, thời gian rảnh, anh Thành đi làm thợ xây kiếm thêm thu nhập. Trong thời gian anh xây dựng cho nhà một người quen ở thị trấn Bút Sơn (huyện Hoằng Hóa), anh gặp Huệ, khi đó đang bán hàng cho người chị gái.
Lúc đầu chỉ là lời thăm hỏi xã giao, nhưng qua nhiều lần trò chuyện, anh cảm thấy gắn bó, thân thiết hơn với người con gái tật nguyền này. Những tin nhắn ngày càng nhiều, những cuộc gọi điện tâm sự cứ dài thêm, những buổi gặp gỡ kéo hai người gần lại bên nhau trong một mối đồng cảm sâu sắc. Cứ như thế, một mối quan hệ đẹp đã được anh chị duy trì trong hơn 7 năm trời.
Chị Huệ khéo léo từ chối khi biết anh muốn tiến xa hơn trong tình cảm. Chị tâm sự: "Được anh quan tâm là một niềm an ủi lớn đối với mình. Nhưng nghĩ lại, bản thân tật nguyền, nếu gắn bó với nhau sẽ khiến anh khổ cả đời. Vì yêu anh nên tôi không muốn vì mình mà anh phải khổ.
Để tránh anh, tôi đã thay đổi số điện thoại, nghỉ bán hàng dưới thị trấn, xin làm công nhân may mặc tại TP Thanh Hóa. Nhưng như một mối duyên trời định, đầu năm 2010, sau hơn một năm không liên lạc, chúng tôi bất ngờ gặp lại nhau trong một buổi đi vãn cảnh chùa. Cũng từ buổi gặp ấy, hầu như ngày nào anh cũng đến nhà tôi chơi. Có hôm, anh ngồi từ đầu tối tới tận nửa đêm mới về", chị Huệ tự hào khoe.
Tình cảm hai người ngày càng thắm thiết cũng là lúc tình yêu gặp trắc trở. Vì ngại làng xóm điều ra tiếng vào, bố mẹ chị Huệ đã ngăn cấm không cho con gái qua lại với anh Thành nữa. Mặc cho chị đóng cổng không tiếp nhưng tối nào anh cũng đến nhà.
"Thường anh ấy cứ đứng ngoài cổng, chờ mình đến khuya. Chỉ đến khi trong nhà đã tắt ánh đèn, anh ấy mới lặng lẽ quay xe về. Mình hiểu tình cảm của anh, thương lắm, nhưng không biết phải làm thế nào", chị Huệ chia sẻ.
Chị Huệ đã tìm cách giới thiệu cho anh những người bạn của mình. Tổng cộng, chị đã giới thiệu cho anh 5 người bạn gái nhưng tất cả đều không thành do anh vẫn giữ tình cảm cho chị. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Một đêm, chị đi làm về khuya, bên ngoài trời mưa như trút, gió bấc thổi lạnh buốt xương... Khi ra đến cổng công ty, chị thật sự bất ngờ khi thấy anh đứng đó. Trong lòng chị trào lên một cảm giác vừa thương yêu, vừa chua xót, vừa thương cho số phận cả hai người...
Cũng từ sau lần ấy, bố mẹ chị Huệ không còn ngăn cấm anh chị đi lại với nhau nữa. Tình cảm hai người lại càng thêm gắn bó, nhưng trong lòng chị vẫn giữ mặc cảm bản thân, chị luôn tạo một khoảng cách nhất định với anh.
Ngày Giáng sinh, anh hứa đưa chị đi chơi phố, nhưng bất chợt đến sát giờ hẹn, anh lại báo tin bận việc do được cấp trên cử đi bảo vệ người dân vui dịp lễ. "Lúc đó tôi bỗng thấy hụt hẫng, thấy thiếu một điều gì vốn rất quen thuộc trong đời mình và bỗng nhận ra đã yêu anh. Đêm hôm đó tôi đã khóc rất nhiều vì nhớ anh", chị Huệ nhớ lại.
"Hạnh phúc của tôi, tôi chọn lựa!"
Trong suốt thời gian yêu nhau, kể cả khi đã cầu hôn, anh Thành vẫn giữ bí mật chuyện này với gia đình mình, vì lo sợ bố mẹ phản đối. Đến khi tình cảm đã "chín muồi", anh mới công khai mọi chuyện, xin phép bố mẹ được cưới chị Huệ về làm vợ.
Nghe con muốn cưới một cô gái tật nguyền ở xã bên, bố mẹ anh Thành phản đối dữ dội. Mọi biện pháp được đưa ra, từ khuyên nhủ đến biện pháp mạnh như dọa từ mặt vẫn không làm anh Thành lay chuyển. Cuối cùng, trước quyết tâm của con, bố mẹ anh đành phải đồng ý, lễ thành hôn tiến hành vào đầu năm 2013.
Anh Thành vẫn nhớ cảm giác khi đưa chị về nhà. Thời khắc anh bế chị từ trên xe ô tô xuống chiếc xe lăn, hàng trăm ánh mắt đổ dồn vào mình. Một sự im lặng khủng khiếp bao trùm bầu không khí xung quanh. Mẹ anh khóc nấc lên, anh trai không nhìn mặt, em gái gắt gỏng với anh. Nhưng điều khiến anh lo nhất vẫn là chị. "Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng thật sự mình vẫn bị sốc", chị Huệ kể.
Sau ngày cưới, anh đưa chị về bên ngoại để tiện bề chăm sóc. Tình yêu nở hoa khi chị hạ sinh đứa con đầu lòng - cháu Phan Khánh Vinh vào cuối năm 2013. Để lo cho tương lai của con, anh Thành đã thôi các công tác xã hội như: Công an viên, thôn đội trưởng dân quân để đi làm ăn xa. Vài tháng anh mới trở về thăm nhà.
Xa nhau nhưng tình cảm của hai anh chị vẫn rất nồng nàn. Ngày nào anh cũng gọi điện về nhà hỏi thăm hai mẹ con. Chị tuy không thể giúp được anh việc lớn nhưng cố gắng chăm sóc con thật tốt và làm các công việc nhỏ trong gia đình.
Bây giờ, trong ngôi nhà nhỏ của anh chị luôn tràn ngâp tiếng cười. Ở đó có tình yêu, có niềm tin vào tương lai. Và còn hơn hết, ở đó có câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích, truyền niềm tin vào cuộc sống cho nhiều người.
Giữa bao nhiêu ánh mắt đầy định kiến, anh đã dang tay che lấy chị, nói: "Hạnh phúc của tôi, tôi chọn lựa!". Cho đến bây giờ, câu nói ấy vẫn luôn văng vẳng trong tim chị, truyền cho chị một niềm tin vượt qua định kiến.
Theo Xuân Thắng - Xuân Hải
Gia đình & Xã hội
Người đàn bà hóa điên sau 15 năm tựa cửa chờ chồng phụ bạc Qua một đêm mệt nhọc vì đứa con sơ sinh quấy khóc, chị Lành tỉnh dậy thì phát hiện chồng đã bỏ đi đâu mất. 15 năm đằng đẵng trôi qua, chị mòn mỏi ôm con chờ chồng trong vô vọng. Những lúc ốm đau, chỉ có hai mái đầu già chăm nhau. Ảnh TG Thời gian cứ trôi đi, bao nhiêu yêu...