Phản đối Trung Quốc bầu đại biểu hội đồng nhân dân Tam Sa
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: Việc Trung Quốc tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân của cái gọi là “Thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc dựng lên một cách phi pháp là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam.
Ngày 3/10/2016, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói rõ về phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua, Trung Quốc tiến hành bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân khóa 2 “thành phố Tam Sa” cũng như tiến hành tuần tra ở khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình (Ảnh: Mạnh Thắng)
Theo ông Bình, việc Trung Quốc tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân của cái gọi là “Thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc dựng lên một cách phi pháp và tiến hành tuần tra trái phép ở khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Người Phát ngôn một lần nữa tái khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những hành động phi pháp đó không thể thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nói trên, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Video đang HOT
Trước đó, vào tháng 7/2012, Trung Quốc đã tiến hành bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân “Thành phố Tam Sa” khóa 1. Việt Nam cũng đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối hành động phi pháp này.
Nam Hằng
Theo Dantri
Dân chưa nhận tiền đền bù, đơn vị thi công đã đào ruộng phá lúa?
Cho rằng chưa thống nhất tiền đền bù nhưng đơn vị thi công đã cho máy móc vào khu vực ruộng lúa để đào móng dựng cột điện, gây hư hại lúa, một số hộ dân xóm Khoa Đà 1 (Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) đã kéo ra yêu cầu dừng thi công. Trong khi đó, đại diện huyện Hưng Nguyên lại cho rằng, các hộ dân bị thu hồi đất đã thống nhất phương án đền bù mà huyện đưa ra.
Số diện tích lúa bị hư hại trong quá trình đơn vị thi công đưa máy móc vào khu vực sẽ dựng cột điện.
Theo phản ánh của một số hộ dân xóm Khoa Đà 1, sáng ngày 29/9, một máy xúc đã vào khu vực ruộng lúa (đất 64) của 3 hộ dân gồm ông Nguyễn Thăng Thống, ông Nguyễn Đình Hòa và bà Bá Thị Thuận đào múc đất dưới ruộng, gây hư hại lúa. Một số thửa ruộng trên đường máy xúc di chuyển vào vị trí thi công cũng bị hư hại.
Chị Nga - vợ ông Nguyễn Thăng Thống cho biết: "Sáng nay tôi nhận được tin nên chạy ra thì thấy họ đã múc đất trên ruộng nhà mình và ruộng của ông Hòa, bà Thuận. Phần đất này hai bên chưa thống nhất giá cả đền bù nên vẫn là đất của tôi nhưng họ đã tự ý đưa máy móc vào đào đất, phá hoại lúa. Họ bảo thu hồi có 30m2 trong tổng số 500m2 mà thực tế thì phần đất bị đào nhiều hơn thế nhiều".
Theo bà Nga 3 ruộng lúa này có tổng diện tích hơn 2.200 m2 tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ thu hồi một phần nhỏ để xây trụ cột điện và chỉ đền bù đối với phần diện tích thu hồi này. Tuy nhiên, bà Nga không đồng ý với phương án này vì cho rằng sau khi lấy đi một phần diện tích thì phần diện tích còn lại cũng không thể canh tác được. Bên cạnh đó, gia đình bà cũng chưa thống nhất với mức giá mà Ban giải phóng mặt bằng huyện Hưng Nguyên đưa ra.
Nhiều hộ dân có mặt, yêu cầu đơn vị thi công ngừng triển khai công việc của mình.
Ông Hoàng Văn Dũng - xóm trưởng xóm Khoa Đà 1 cho hay: "Người dân chưa kí để lấy tiền đền bù. Nhiều nhà có lúa chuẩn bị thu hoạch thì họ mang máy vào, lúa hư hỏng người dân cũng không biết. Khi họ đào người dân mới biết. Ngay cả chủ ruộng cũng chưa biết như thế nào, chưa kí nhận tiền".
Theo ông Dũng, sở dĩ các hộ dân không đồng ý phương án bồi thường vì chỉ được bồi thường 1 phần diện tích bị thu hồi, trong khi người dân yêu cầu bồi thường toàn bộ diện tích thửa ruộng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các hộ dân còn yêu cầu phải đền bù cho phần diện tích nằm dưới đường dây điện chạy qua. Bởi vậy, không chỉ có 3 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp của việc đào đất ruộng mà nhiều hộ khác cũng có mặt để tham gia phản đối, ngăn cản đơn vị thi công triển khai công việc. Trước sức ép của người dân, đơn vị thi công đã dừng công việc của mình.
Ông Lê Đình Tý - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Tây cũng cho biết, liên quan đến vấn đề thiếu nước sản xuất đối với 1,5ha đất nông nghiệp ngoài khu vực dự án VSIP, xã đã có tờ trình đề nghị huyện Hưng Nguyên và tỉnh Nghệ An có phương án tháo gỡ cho bà con.
Ngay trong sáng 29/9, đại diện chính quyền xã Hưng Tây và Ban giải phóng mặt bằng huyện Hưng Nguyên đã có mặt để ghi nhận tình hình. Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đình Kính - Trưởng ban giải phóng mặt bằng huyện Hưng Nguyên cho hay, phần diện tích nói trên nằm ngoài quy hoạch dự án VSIP. Huyện đang triển khai việc di dời đường dây điện 110kV nằm trong vùng dự án ra ngoài. Tại khu vực này sẽ trồng mới 2 cột điện nên thu hồi một phần diện tích ruộng của người dân đề đào móng trụ cột điện.
"Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với các hộ dân bị thu hồi đất và được thống nhất, đồng tình về phương án bồi thường. Tuy nhiên lại có một số hộ dân không liên quan vẫn ra ngăn cản thi công. Ban cán sự xóm và một số hộ dân này yêu cầu phải thu hồi, đền bù cả vùng đất gần 1,5 ha vì không có nước sản xuất. Huyện đã có văn bản trả lời rồi, việc làm cột điện không ảnh hưởng đến nước sản xuất của bà con. Vấn đề thiếu nước thì sẽ giao cho xã và xóm khảo sát, nếu thực sự thiếu nước sản xuất phải đề xuất phương án, không thể lấy lý do 2 cột điện này mà bắt thu hồi cả vùng đất", ông Nguyễn Đình Kính cho hay.
Trước sức ép của người dân, việc đào móng để xây trụ cột điện đã phải dừng lại. Tuy nhiên, đại diện huyện Hưng Nguyên cũng thừa nhận, đơn vị thi công đã đào lấn ra khỏi phần diện tích thu hồi của người dân.
Theo ông Kính, các hộ dân bị thu hồi đất không cản trở thi công và đã thống nhất phương án đền bù. Người dân đã đưa ra những yêu sách không hợp lý, không đúng với quy định. Ban sẽ đề xuất với Chủ tịch UBND huyện lên phương án bảo vệ thi công và có phương án xử lý đối với những người không liên quan nhưng cố tình cản trở.
Ông Kính cũng thừa nhận đơn vị thi công đã đào móng lấn ra diện tích ruộng của người dân. Cơ quan chức năng chỉ đền bù phần diện tích, hoa màu trên đất bị thu hồi. Phần diện tích mà đơn vị thi công làm lấn ra và số lúa bị hư hại trong quá trình đưa máy móc vào thi công, đơn vị thi công sẽ phải chịu trách nhiệm. Đại diện đơn vị thi công cũng cho biết, phần diện tích lúa bị ảnh hưởng trong quá trình đưa máy móc vào khu vực thi công đã được thỏa thuận riêng với các hộ dân.
Trong ngày hôm nay 30/9, các đơn vị liên quan sẽ tổ chức 1 cuộc họp để bàn phương án xử lý vấn đề này.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Đà Nẵng sẽ luân chuyển cán bộ, công an yếu kém Theo Chiến lược phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016- 2025 và định hướng đến năm 2030 vừa được chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, TP sẽ tập trung giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, cảm hóa người lầm lỗi... Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu, đơn vị, địa phương để xảy ra tội phạm phức...