Phần đời hoàn lương của tướng cướp Dũng “Ka cơ”
“Cuộc đời tôi như như những đường uốn lượn trong hình parabol, lúc lên voi, lúc xuống chó nhưng chưa bao giờ tôi sống hèn. Bất kể điều gì, dù lương thiện hay bất lương, tôi đều đã gắng sức làm hết mình…”.
Quả thực, người đàn ông này có mặc sơ mi, quần âu, đeo cà vạt đi chăng nữa thì chất hải hồ, bụi bặm, phóng khoáng vẫn không giấu được trên khuôn mặt và vóc dáng. Cũng đúng thôi, bởi nếu chỉ nhìn vào cơ ngơi bề thế của anh bây giờ thì chẳng ai chịu tin rằng, anh ta từng là tướng cướp “2 tay hai súng”; từng vào tù, vượt ngục, trốn lệnh truy nã, làm “bưởng trưởng” với hàng trăm quân trên dải đất vàng sa khoáng Na Rì-Bắc Kạn, bãi đá đỏ Lục Yên-Yên Bái. Người đàn ông ấy là Dũng “Ka cơ”.
“Bưởng trưởng” thành tướng cướp
Biệt hiệu “Ka cơ” mà người đời đặt cho Lê Văn Dũng nguyên do là Dũng nuôi một bộ râu rất đẹp, được uốn vểnh ngược lên trông qua như hình mặt người trong quân “Ka cơ” của bộ bài Tây.
Dũng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có đến 7 anh chị em. Vì là anh cả nên ngay từ nhỏ, Dũng đã phải làm nhiều việc để giúp bố mẹ, từ trông em, chăn trâu cắt cỏ, cày bừa, cấy hái… Học hết lớp 8 (hệ 10 năm, Dũng xung phong đi bộ đội.
Nhờ tố chất nhanh nhẹn, tháng 12/1978, Dũng được cử đi học lớp tiểu đội trưởng. Tháng 3/1979, chiến tranh biên giới nổ ra, anh quay về đơn vị, thực hiện nhiệm vụ đặt mìn, phá các cầu cống, công trình nhằm ngăn cản bước tiến công của quân địch. Năm 1980, nhân dịp được nghỉ phép 15 ngày, anh đã tranh thủ về quê cưới vợ và cũng chính năm đó Dũng được kết nạp Đảng và trở thành đảng viên tuổi trẻ nhất trung đoàn. Cuộc đời Dũng bắt đầu cực kỳ suôn sẻ.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến thăm cơ sở sản xuất tranh đá quý của ông Lê Văn Dũng
Chiến tranh biên giới kết thúc, Dũng được phân nhiệm vụ phụ trách một trung đội công binh công trình tại huyện Lục Nam, tỉnh Hà Bắc cũ. Dũng đã liều lĩnh bớt một phần thuốc nổ để đi đánh cá đổi gia cầm, thức ăn cho anh em trong đơn vị cải thiện sinh hoạt. Mọi chuyện bị vỡ lở, lượng thuốc nổ hị hao hụt lên đến 200kg, Dũng bị khai trừ khỏi Đảng.
Ra quân, Dũng làm đủ mọi nghề để kiếm sống như đi chăn vịt thuê, buôn quần áo vắt vai khắp các chợ vùng cao phía bắc, buôn vàng, bạc trắng. Cái gì có thể mua đi bán lại được, từ xoong nồi, xô chậu, Dũng đều buôn tất.
Khi đã có tí vốn, Dũng bắt đầu chuyển sang đi buôn trâu với số lượng lớn và đó cũng chính là lần anh “dính án” đầu tiên. Ngày 14/7/1986, Dũng bị Công an Hai Bà Trưng, Hà Nội bắt và tuyên phạt 18 tháng tù giam về hành vi làm giả giấy tờ và con dấu.
Ở trong tù hơn 1 năm, nhờ tính tình hào sảng cộng thêm sự lọc lõi của con buôn, Dũng đã kết giao được với một số đối tượng anh chị ở các bãi vàng miền Bắc. Từ những câu chuyện họ kể, Dũng dằn mình cải tạo thật tốt và ấp ủ giấc mơ tìm vàng.
Đúng theo dự tính, ngay sau khi ra tù, Dũng đã tập trung một số anh em quen biết cùng quê, “đổ bộ” lên vùng bãi Hang, xã Kim Sơn, huyện Na Rì, Bắc Kạn để kiếm ăn. Thời điểm này, cầm chịch bãi vàng là Giang “còi” – một tay anh chị cùng quê với Dũng.
Vào bãi vàng từ giữa năm 1988, đến cuối năm Dũng “Ka cơ” đã leo lên làm bưởng trưởng thay Giang “còi” vì Giang đã yếu thế, sống không được lòng anh em nên phải chấp nhận lùi xuống. Cũng từ đó, cái tên Dũng “Ka cơ” đã vang xa khắp nơi, cả vùng vàng lẫn trong chốn giang hồ dao búa xứ Bắc.
Video đang HOT
Đó cũng là giai đoạn mà đội quân do Dũng chỉ huy ăn nên làm ra không kể siết. Thời cao điểm, mỗi ngày ở bãi do Dũng chỉ huy khai thác được gần 30 cây vàng. Lương ở đây cũng được Dũng tính trả bằng vàng, mỗi người mỗi tháng được 1 chỉ.
Đang làm ăn suôn sẻ thì nạn sốt rét rừng liên tục xảy ra khiến đàn em của Dũng ốm nằm la liệt. Sập hầm sập hang cũng liên tục, có những vụ sập làm 2-3 người chết. “Thời kỳ làm ở bãi vàng Na Rì, có những lúc tôi có hàng tạ vàng. Nhưng vì tính phóng khoáng, lại thích ăn chơi nên cuối năm 1989, khi bãi vàng cạn kiệt, bao nhiêu vàng tích cóp trong mấy năm cũng tiêu tan hết. Vàng cạn kiệt, không còn tiền, anh em bỏ đi hết, nghe nói tại Phổ Yên, Thái Nguyên đang có mỏ vàng với trữ lượng lớn nên tôi quyết định đưa quân về đó khai thác”, Dũng nhớ lại.
Tháng 3/1990, Dũng và mấy người đàn em tin cậy bắt xe về Thái Nguyên để tìm hiểu các bãi vàng. Khi lên xe thì một đàn em của Dũng có mâu thuẫn với nhà xe về tiền vé. Không ngại ngần, Dũng rút từ trong túi quần ra 2 khẩu súng và bắn 2 phát chỉ thiên bục nóc xe. Mọi người nằm rạp, hoảng hốt kêu gào. Dũng “đọc lệnh” bắt tất cả hành khách xuống xe, xếp thành hàng dọc rồi lấy hết đồ đạc, tiền bạc của mọi người. Lần ấy, Dũng cướp được 64 triệu đồng.
Trước sự hung hãn, liều lĩnh, coi thường pháp luật của Dũng. Công an Bắc Kạn đã lập chuyên án, quyết tâm bắt bằng được băng cướp có vũ trang do Dũng cầm đầu. Vài ngày sau khi gây án, Dũng và đám đàn em bị bắt. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau ngày bị bắt, trong khi Cơ quan điều tra đang hoàn tất hồ sơ để đưa Dũng cùng đồng bọn ra xét xử thì bất ngờ Dũng vượt ngục, trốn thoát.
Quyết định ra đầu thú khi Dũng đã quá thấm thía cái giá phải trả cho sự chụp giật, bất lương ở đời. Ra đầu thú, Dũng bị tòa án tuyên phạt 11 năm tù giam. Những tháng ngày tiếp theo trong trại giam Phú Sơn 4, Dũng luôn là đại diện cho các phạm nhân về tinh thần cải tạo, học tập. Trong nỗ lực hoàn lương đáng ghi nhận đó của Dũng, một cơ duyên “trời cho” đã đến. Một cuộc tình “trong song sắt” được coi là đẹp và hiếm có ở trại giam Phú Sơn 4 từ trước đến nay. Đó là chuyện tình của Dũng “tướng cướp” và chị Nguyễn Thị Kim Oanh – một giáo viên, một phạm nhân dính án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Đúng ngày 30/4/2000, niềm vui đến với Dũng và Oanh khi trong đợt đặc xá ra tù. Ngày về với cuộc sống tự do thật vui không tả xiết, nhưng cả Dũng và Oanh đều hiểu rằng, phía trước là một cuộc sống chông gai, thử thách đang chờ…
Làm giàu từ… 15 ngàn đồng
Trở ngại đầu tiên của Dũng và Oanh đó việc gia đình Oanh phản đối kịch liệt chuyện tình cảm của hai người. Vì tình yêu, Oanh đã bỏ qua tất cả, trốn về sống với Dũng. Miền đá đỏ Lục Yên là nơi Dũng nghĩ đến đầu tiên để làm lại cuộc đời.
Với 3 triệu đồng do một người bạn tốt bụng cho mượn, Dũng cùng Oanh khăn gói đến Lục Yên. Dũng bảo: “Sau khi chi phí đi đường, thuê nhà, mua chiếc xe đạp, số vốn của tôi chỉ còn lại… 15 ngàn đồng”.
Thời gian đầu khó khăn, Dũng đã hướng dẫn cho Oanh đi buôn đá đỏ nhỏ lẻ kiếm cơm ngày 3 bữa cho đội thợ. Còn Dũng mua cào, cuốc, lên núi cùng anh em trong đội làm thủ công kiếm đá. Khi tích cóp được chút tiền, Dũng tính nước làm ăn.
Thị xã Sông Công, Thái Nguyên là nơi anh chọn để làm ăn. Anh xoay đủ mọi nghề từ cho thuê xe máy, cầm đồ, đến buôn bán tranh đá quý từ Lục Yên về Hà Nội, Hải Phòng. Năm 2004, khi đá đỏ được giá, anh bán đi một phần để lấy vốn làm ăn. Đầu năm 2006, anh lập một xưởng làm tranh đá quý với hơn 20 thợ có tay nghề cao được tuyển chọn trong cả nước, đây cũng là xưởng tranh đá quý đầu tiên ở Thái Nguyên.
Ngày Dũng khai trương cơ sở tranh đá quý Dũng Oanh, rất đông cán bộ các cấp lãnh đạo của tỉnh Thái Nguyên, thị xã Sông Công và bạn bè anh đến dự. Ai cũng mừng cho anh bởi nẻo thiện gập ghềnh nhưng không phải là không đi được đến đích – ngay cả một người đầy tai tiếng như Dũng.
Với tố chất thông minh, nhanh nhẹn, xởi lởi cùng với đội thợ có tay nghề cao nên chỉ sau gần 1 năm thành lập, cơ sở sản xuất tranh đá quý Dũng Oanh rất được ưa thích trên thị trường.
Tháng 11/2007, Dũng đã nâng cấp cơ sở sản xuất tranh đá quý của mình lên thành Công ty TNHH Tranh đá quý Dũng Tân với số vốn lớn, tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn cho những gia đình khó khăn trong vùng vay vốn làm ăn, tích cực tham gia những cuộc vận động quyên góp ở địa phương cho người có công với cách mạng, quỹ hiếu học… Hiện nay, Dũng còn nhận 2 cháu là con của phạm nhân ở trại giam Phú Sơn về nuôi.
Dũng nói khi chia tay tôi: “Cuộc đời tôi như như những đường uốn lượn trong hình parabol, lúc lên voi, lúc xuống chó nhưng chưa bao giờ tôi sống hèn. Bất kể điều gì, dù lương thiện hay bất lương, tôi đều đã gắng sức làm hết mình. Vấn đề không phải là sai lầm phạm pháp mà quan trọng hơn phải biết vượt qua sai lầm ấy như thế nào để đi cho đúng hướng, để không hổ thẹn với bản thân mình”.
Theo Petrotimes
Nghệ An: Tướng cướp hoàn lương trở thành Bí thư Đảng ủy xã
30 năm trước, nhắc đến Moong Thái Xuyên, người ta nghĩ đến kẻ cầm đầu 15 đệ tử vượt biên sang Lào buôn ma túy rồi cướp bóc, trấn lột. Nhưng tên cướp khét tiếng một thời nay đã trở thành Bí thư Đảng ủy có tiếng ở vùng Tây Bắc xứ Nghệ.
Gặp Moong Thái Xuyên (SN 1959) bây giờ không thể ngờ rằng có lúc anh (Bí thư Đảng ủy xã Nậm Nhóong, Quế Phong, Nghệ An) từng đi buôn "cơm đen" và một tướng cướp "có số có má" ở vùng Tây Bắc xứ Nghệ.
"Mình được như ngày hôm nay là nhờ công an Tường cả đấy (Đại tá Lữ Văn Tường, nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Quế Phong, nay là Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An - PV). Nếu không có công an Tường kiên trì động viên, thuyết phục thì có khi bây giờ mình cũng đã bỏ mạng trong những chuyến vượt biên tìm hàng hay đang ngồi bóc lịch trong tù vì tội cướp bóc, trấn lột rồi", Bí thư Xuyên mở đầu câu chuyện của mình như thế.
Đi buôn ma túy mong thoát khỏi kiếp nghèo
Bao đời nay, người Khơ Mú ở bản Huồi Cam (Nậm Nhóong, Quế Phong, Nghệ An) chỉ quen với làm nương, làm rẫy nên cái đói, cái nghèo cứ bám riết năm này qua tháng khác. Cái ăn còn không đủ cho cái bụng thôi réo ùng ục thì nói gì đến việc cho con cái đi học cái chữ.
Nhưng bố mẹ Moong Thái Xuyên thì nghĩ khác. Nghèo khổ, thiếu đói quanh năm nhưng ông vẫn cố gắng để 5 đứa con mình được học bởi vì chỉ có "cái chữ Bác Hồ" mới có thể giúp người Khơ Mú khỏi cái đói, cái thiếu thốn triền miên.
Từ một tên cướp khét tiếng, Moong Thái Xuyên đã vượt qua chính mình và được người dân tin tưởng bầu giữ chức Chủ tịch rồi Bí thư Đảng ủy xã Nậm Nhóong
Nhưng sự đời chẳng được như người ta kỳ vọng, khi Moong Thái Xuyên 13 tuổi thì mẹ mất. Một mình gồng gánh nhưng bố Xuyên vẫn động viên con tới trường. Sau 5 năm sau, đói khổ, lao lực, ông cũng bỏ anh em Xuyên mà đi. Cũng trong năm đó (năm 1977) người anh cả Moong Văn Thu hy sinh ở mặt trận biên giới Tây Nam. Gác giấc mơ học hành, Moong Thái Xuyên về thay cha mẹ chăm sóc 3 em thơ dại.
Các em cứng cáp thêm một tý thì cũng là lúc Xuyên viết đơn tình nguyện vào bộ đội. Nhưng do nhà neo người, lại có anh là liệt sỹ nên được phân công vào một đơn vị quân sự địa phương. Năm 1980, đơn vị giải thể, Xuyên trở về bản. Không có công ăn việc làm, hạt gạo, hạt muối cũng trở nên đắt đỏ. Xuyên quyết chí đi làm giàu.
Vượt biên sang Lào tìm việc nhưng chưa kịp tìm một công việc lương thiện thì Xuyên đã gia nhập một đường dây đưa thuốc phiện từ Lào về Việt Nam. Từ một chân rết, dần dần Xuyên thiết lập một đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia của riêng mình. Sống chết cùng ma túy và những vụ tranh giành lãnh địa nhưng được cái Xuyên không hề nghiện. Dần dần, các băng nhóm buôn thuốc phiện lớn mạnh thì cũng lúc Xuyên và đám đệ tử mất thị trường tiêu thụ và chuyển hướng đi cướp bóc, trấn lột. Ngày đó, Xuyên là nỗi kinh hoàng của người dân các bản làng khu vực biên giới Quế Phong, Kỳ Sơn.
Vào một ngày đầu năm 1980, Xuyên vượt biên qua Lào, trong lúc đang tính kế qua Thái Lan thì bị bắt tại Viêng Chăn. Chỉ trong 2 năm 1980-1981, Xuyên vào tù ra tội 3 lần. Và rồi những ngày tháng nằm trong phòng giam, chính bộ đội biên phòng, công an Tường và người vợ trẻ đã kéo Xuyên ra khỏi bóng tối mịt mù để làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng.
Chị Lữ Thị Chuyên - vợ Xuyên, cho biết: "Lấy Xuyên rồi mới thấy con người này không dễ thay đổi. Bản làng sợ anh ấy, còn mẹ con tôi thì khốn khổ cùng đường bởi có chồng, có cha mà cũng như không. Ngày Xuyên quyết vượt biên sang nước ngoài thì tôi rơi xuống vực sâu. Một người chồng buôn ma túy, một tên tướng cướp không làm tôi đau bằng việc có một người chồng rời bỏ quê hương bản quán để sống lưu vong. Nhưng nhờ bộ đội biên phòng, nhờ công an Tường kiên trì thuyết phục, anh ấy cũng chịu nghe ra mà tìm sang con đường sáng để đi".
Sau 3 tháng cải tạo, Moong Thái Xuyên trở về hiền lành trong cái ngạc nhiên đến ngơ ngác của dân bản. Nói về những ngày đen tối đã qua, Moong Thái Xuyên cứ nhắc mãi đến cán bộ Tường, đến những cán bộ biên phòng, đến người vợ đã chịu bao nhiêu khổ cực nhưng vẫn tin chồng mình còn có đường về. "Cái nợ ân tình đó trả bao giờ cho hết được. Đó cũng chính là động lực để mình sống tốt hơn, như một cách để trả món nợ đời", Xuyên tâm sự.
Đến làm Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã
Ngày Xuyên trở về bản Huồi Cam, trong nhà không còn vật dụng gì đáng giá. Nhìn đứa con trai đầu quặt quẹo vì đói ăn, đói mặc, gian nhà tranh rách nát, Xuyên khóc rưng rức như một đứa trẻ. Từ đấy, Xuyên lao vào làm việc như điên để bù đắp cho gia đình. Hết phát rẫy tra hạt đến hùng hục đi đào ao thuê, làm cỏ rẫy, xẻ gỗ. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, vợ chồng Xuyên được vay vốn ngân hàng mua thêm con trâu, con bò phát triển sản xuất.
Làm thế nào để người dân thoát nghèo, để quê hương mình ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn
là trăn trở lớn nhất của Bí thư đảng ủy Moong Thái Xuyên
Vợ chồng con cái đồng lòng, chẳng mấy chốc khó khăn được đẩy lùi. Mô hình phát triển kinh tế của Xuyên trở thành điểm sáng cho thanh niên bản Huồi Cam và xã Nậm Nhóong học hỏi. Xuyên không dấu điều gì. Bao nhiêu bí quyết, kinh nghiệp tích lũy được, Xuyên chia sẻ cho mọi người. Rồi cũng chính Xuyên đến từng nhà, gặp từng người có người nghiên để vận động, thuyết phục họ từ bỏ ma túy.
Cộng với cách ăn nói có duyên, năng khiếu hoạt động văn nghệ và cũng là người "nhiều chữ nhất bản", Moong Thái Xuyên được tín nhiệm bầu vào Bí thư chi đoàn Huồi Cam. Sự xông xáo, nhiệt tình của Bí thư chi đoàn Moong Thái Xuyên, phong trào chung của bản cứ lên vù vù, nhiều gia đình thanh niên học tập kinh nghiệm xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế mới. Người ta ra rẫy cày cấy thay vì ủ rũ bên bàn đèn thuốc phiện. Trẻ em được đến trường học "cái chữ Bác Hồ". Huồi Cam dần dần đổi thay.
Từ mô hình hoạt động hiệu quả của Chi đoàn Huồi Cam, Moong Thế Xuyên được tín nhiệm giao trọng trách Phó Bí thư rồi Bí thư Đoàn TNCS Nậm Nhóong. Mọi công việc được giao đều hoàn thành một cách xuất sắc, năm 1991, Moong Thái Xuyên vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng rồi lần lượt đảm nhận trọng trách Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã và hiện giờ là Bí thư Đảng ủy xã Nậm Nhoóng. Đây là nhiệm kỳ thứ 2 ông giữ trọng trách này.
Từ ngày được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao cho trọng trách, Bí thư Moong Thái Xuyên luôn đặt nhiệm vụ giúp đồng bào mình sớm thoát nghèo lên đầu. Dưới sự lãnh đạo của "thủ lĩnh" Moong Thái Xuyên người Thái và Khơ mú ở xã Nậm Nhoóng đã biết cách làm ăn. Đặc biệt, ông cũng là người có công lớn trong việc vận động bà con triển khai trồng lúa nước từ 1 vụ sang 2 vụ, kết hợp với chăn nuôi, phát triển kinh tế rừng, di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm nhà... Nhưng trong tâm trí của Bí thư Moong Thái Xuyên vẫn canh cánh một nỗi niềm: "Nậm Nhóong có gần 450 hộ dân thì vẫn còn 430 hộ nghèo, chiếm tới hơn 90%. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, Nậm Nhóong đã có điện lưới về đến tận bản. Thế nhưng để Nậm Nhóong sớm thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn còn nhiều việc phải làm và cần các cấp quan tâm đầu tư nhiều lắm".
4 người con của ông giờ đã lớn khôn, cuộc sống ổn định nhưng ông đặc biệt tự hào về cậu con trai út Moong Văn Tình, hiện là sinh viên Học viện Báo chí tuyên truyền. Ông tin tưởng chính Tình và những người con xã Nậm Nhóong được học hành đến nơi đến chốn sẽ là những người trở về làm thay da đổi thịt vùng đất nơi địa đầu biên giới này.
Theo Dân Trí
Cuộc đời hoàn lương của một "anh cả" khu ổ chuột Lớn lên trong một hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ mất từ khi cậu mới lên 2 tuổi vì một tai nạn giao thông, Điền sống trong sự đùm bọc của mọi người xung quanh nhưng trong một xã hội phức tạp như tại khu chợ cậu sinh sống, Điền dần trở thành "anh cả" với một lượng đàn em khá hùng hậu....