Phấn đấu trước Tết Nguyên đán không còn xe ùn tắc tại các cửa khẩu
Chiều 8/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu phía Bắc. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Đây là cuộc họp thứ hai trong vòng 2 tuần qua về vấn đề này, với sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành và các địa phương có cửa khẩu, các địa phương có vùng sản xuất nông sản lớn.
Giảm gần 2.500 xe chờ thông quan tại các cửa khẩu
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sau khoảng 10 ngày kể từ cuộc họp lần trước của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (ngày 26/12/2021), tính đến sáng 7/1/2022, tổng số lượng xe còn tồn tại các cửa khẩu là 3.609 xe (giảm 2.484 xe), trong đó tại tỉnh Lạng Sơn còn tồn 2.015 xe (giảm 2.189 xe), tại tỉnh Quảng Ninh còn tồn 1.260 xe (giảm 295 xe). Số lượng xe giảm phần lớn là chuyển tiêu thụ nội địa nhưng cũng có một phần chuyển sang xuất khẩu chính ngạch qua Cửa khẩu Hữu Nghị, một phần chuyển qua xuất khẩu theo đường biển.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết thêm, sau nhiều cuộc làm việc tích cực giữa các bộ, ngành, địa phương của hai nước, tình hình đã được cải thiện hơn. Tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã tiến hành đánh giá tình hình thực tế công tác phòng, chống dịch tại từng cửa khẩu để khôi phục hoạt động thông quan tại một số cửa khẩu.
Hiện nay, trên tuyến biên giới phía Bắc đã có 10 cửa khẩu, lối mở hoạt động. Trong đó, cửa khẩu quốc tế đang hoạt động là 4/7 cửa khẩu gồm: Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Ga quốc tế đường sắt Đồng Đăng (Lạng Sơn), Ga quốc tế đường sắt Lào Cai, Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai). Cửa khẩu chính đang hoạt động là 4/6 cửa khẩu; cửa khẩu phụ đang hoạt động là 2/21; các lối mở, điểm thông quan vẫn đang tạm thời đóng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết: Mặc dù các tỉnh biên giới đã liên tục khuyến cáo nhưng rải rác vẫn còn tình trạng tiếp tục đưa nông sản (chủ yếu là dưa hấu) lên Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), trung bình khoảng 10 xe/ngày. Hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã có những chuyển biến bước đầu. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn, khó khăn vẫn có thể phát sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, sau khi Phó Thủ tướng có kết luận tại cuộc họp trước, tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp kiểm soát nông sản xuất khẩu qua địa bàn tỉnh, đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch; khuyến cáo các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các cá nhân, đơn vị liên quan tạm dừng đưa hàng hóa lưu tại các cửa khẩu, đồng thời có phương án hỗ trợ tiêu thụ nội địa, chế biến sau thu hoạch.
Tính đến sáng 8/1, tổng lượng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh là 1.921 xe, trong đó có 919 xe chở hoa quả. “Với năng lực thông quan hiện nay từ 80 – 100 xe/ngày, dự kiến từ nay đến khi nghỉ Tết số lượng xe đang tồn tại Cửa khẩu Chi Ma sẽ được giải quyết”, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn khẳng định.
Nỗ lực để xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển, đường sắt
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, dự kiến vào ngày 12/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức cuộc làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp chủ lục để xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc bằng đường biển. Hiện nhiều doanh nghiệp tại Bình Thuận, Long An và Tiền Giang đã đồng ý xuất khẩu qua đường biển.
Video đang HOT
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, hoàn toàn có thể xuất khẩu qua đường sắt, đường biển sang Trung Quốc, riêng đường sắt, có thể chuyên chở 80 container hàng hóa mỗi ngày vào thị trường này, tuy nhiên phải là xuất chính ngạch, có hồ sơ đầy đủ.
Theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, việc chuyển đổi từ đường bộ sang đường thủy, đường sắt hay không phụ thuộc vào tiêu chuẩn, nguồn gốc truy xuất, thủ tục giấy tờ. Hàng xuất đường tiểu ngạch chỉ cần mở tờ khai và có giấy phép biên mậu, trong khi hàng chính ngạch cần nhiều tiêu chuẩn, thủ tục, giấy tờ nên ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí. Ông Trung khẳng định, nếu doanh nghiệp xuất hàng có thể đáp ứng thủ tục, muốn chuyển từ đường bộ sang đường biển, Tổng công ty Hàng hải và các doanh nghiệp logistics sẵn sàng điều chuyển tàu đi chuyến quốc tế đưa về Quảng Ninh, Hải Phòng để chuyển hàng nông sản sang Trung Quốc. Các doanh nghiệp vận tải biển cũng sẵn sàng giảm giá vận chuyển, logistics, hỗ trợ bao gói, container…
Phấn đấu trước Tết Nguyên đán không còn tình trạng xe tồn đọng
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu phía Bắc. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, Chính phủ đã có chỉ đạo từ sớm về vấn đề tiêu thụ nông sản, nhất là việc xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới. Từ tháng 9/2021, Chính phủ đã có văn bản giao các bộ, ngành, từ đó các bộ, ngành tiếp tục cụ thể hóa, hướng dẫn cho các địa phương, các sở để triển khai.
Tháng 12/2021, trước tình trạng ùn tắc hàng hóa kéo dài tại các cửa khẩu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ vướng mắc. Trong vòng 10 ngày, Chính phủ tổ chức 2 cuộc họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương; có nhiều văn bản chỉ đạo; đồng thời các bộ, ngành, địa phương cũng đã vào cuộc rất tích cực và đã đạt kết quả bước đầu. Các cơ quan hữu quan của hai nước đã làm việc chặt chẽ, mở thêm một số cửa khẩu, tăng thời gian thông quan hàng hóa. Các địa phương biên giới đã chủ động thông tin về tình hình ùn tắc để khuyến cáo hạn chế đưa thêm hàng hóa lên cửa khẩu.
“Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã cố gắng, kết quả tuy chưa được như mong muốn là hạn chế hoàn toàn việc ùn tắc nhưng cũng khá tích cực”, Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, số lượng xe ùn tắc tại các cửa khẩu còn lớn. Đặc biệt, hiện vẫn còn tình trạng xe ở các địa phương kéo về các cửa khẩu biên giới. Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng nêu rõ, cần tập trung cao để hỗ trợ cho nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các cơ chế, cách thức điều hành để không còn tồn đọng xe, hạn chế tối đa thiệt hại cho nông dân, cho doanh nghiệp.
Trong những ngày tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Tài chính, ngành Hải quan, lãnh đạo các địa phương biên giới tiếp tục có các cuộc làm việc với các cơ quan chức năng, các địa phương của Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thông quan hàng hóa đang ùn tắc tại cửa khẩu, tăng thời gian thông quan, tăng số lượng cửa khẩu hoạt động. Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể, tăng cường cho các địa phương về phòng, chống dịch COVID-19, bao gồm cả trang thiết bị và nhân lực.
Các địa phương biên giới nắm chắc tình hình để điều phối xe, tránh tình trạng xe hàng dồn ứ về cửa khẩu biên giới. Các địa phương có quyền thông báo, có quyền điều phối theo chỉ đạo của Chính phủ.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục làm việc, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để đẩy mạnh chế biến nông sản. Bộ Công Thương tích cực triển khai các giải pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh phân phối và tiêu thụ trong nước, đặc biệt là qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống. Các bộ, ngành, trong đó có ngành đường sắt, hàng hải nghiên cứu, có các giải pháp phục vụ việc đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch.
Về các giải pháp lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể từ khâu quy hoạch, kế hoạch sản xuất, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc; nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ logistics; xác định rõ các thị trường tiêu thụ, để bảo đảm hàng hóa nông nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch.
Nhấn mạnh việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan của bạn để đẩy nhanh tốc độ thông quan, đồng thời hạn chế đưa xe hàng về cửa khẩu biên giới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương phấn đấu trước Tết Nguyên đán không còn tình trạng xe tồn đọng tại các cửa khẩu.
Nông sản xuất khẩu ùn ứ cửa khẩu vì sao không chuyển sang đường sắt?
Trong khi hàng hóa, nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc ùn ứ tại các cửa khẩu Lạng Sơn thì xuất khẩu qua đường sắt vẫn thông thoáng nhưng vì sao doanh nghiệp không chuyển đổi sang xuất khẩu bằng đường sắt?
Phải là hàng xuất khẩu chính ngạch
Nông sản xuất khẩu đường bộ phải chuyển sang đường sắt để giải tỏa áp lực cho các cửa khẩu là vấn đề ông Nguyễn Hữu Vượng, Cục phó phụ trách Cục Hải quan Lạng Sơn, đặt ra tại hội nghị tổng kết công tác ngành hải quan năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, do Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 27.12.2021 vừa qua.
Gần 3.000 xe nông sản vẫn đang ùn tắc ở Lạng Sơn, trong khi mỗi ngày chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc được 80 - 100 xe. Ảnh HOÀNG PHAN
Ông Nguyễn Hữu Vượng cho biết, trong khi cửa khẩu đường bộ ở Lạng Sơn ùn tắc, tốc độ thông quan chậm thì xuất khẩu trên tuyến đường sắt sang Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường.
Theo ông Vượng, vận chuyển đường sắt có nhiều thuận lợi, vì chỉ cần một tổ vận hành và lái tàu, rất dễ kiểm soát dịch Covid-19, phù hợp với chính sách "Zero Covid-19" hiện nay của Trung Quốc, không cần đến nhiều người, kiểm soát nhiều khâu như ở cửa khẩu đường bộ.
Trong diễn đàn Kết nối tiêu thụ - chế biến nông sản và thúc đẩy tiêu thụ nội địa do Tổ điều hành diễn đàn 970 của Bộ NN-PTNT tổ chức hôm qua 31.12.2021, vấn đề vận tải đường sắt tiếp tục được nhiều đại biểu đưa ra thảo luận.
Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai, cho biết chuyển đổi phương thức vận tải đường bộ sang đường sắt là vấn đề địa phương này trăn trở nhiều năm nay, nhưng thực tế không dễ làm.
Khó khăn đầu tiên của vận tải đường sắt là thiếu hạ tầng kho bãi tập kết, bảo quản hàng. Bên cạnh đó, khổ đường sắt từ Lào Cai sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) không tương thích. Cụ thể, khổ đường sắt bên phía Việt Nam là 1,1 m trong khi của Trung Quốc là 1,435 m, nếu chuyển đổi sẽ khá phức tạp và tốn kém thêm chi phí bốc dỡ, sang tải hàng. Một điều kiện nữa để vận tải được bằng đường sắt thì phải là hàng xuất khẩu chính ngạch.
Không đưa hàng xuất khẩu đóng container lạnh lên biên giới
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Tập đoàn Transin, cho biết doanh nghiệp này đang phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam chuyển hàng từ điểm tập kết ở ga Yên Viên (Hà Nội) đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), rồi qua Bằng Tường, Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Nếu tính cả thời gian dừng, chờ tại điểm trung chuyển, mỗi chuyến hàng mất khoảng 24 giờ.
Hiện tại, năng lực vận tải đạt 4 chuyến/ngày, mỗi chuyến khoảng 20 container, tính ra một tháng khoảng 2.400 container.
Không đủ bãi chứa, xe chở hàng xuất khẩu ùn tắc xếp thành hàng dài trên đường dẫn vào khu vực cửa khẩu ở Lạng Sơn. Ảnh HOÀNG PHAN
Ông Tuấn cho rằng, "năng lực vận tải này là rất đáng kể trong bối cảnh ùn tắc như hiện nay", nhưng hàng xuất khẩu đi đường sắt phải là hàng xuất khẩu chính ngạch và hình thức vận tải này hiện chỉ sử dụng container nóng nên chỉ phù hợp với các mặt hàng nông sản khô.
Cũng theo ông Tuấn, toàn bộ vỏ container khô hiện nay đang sử dụng là mượn của phía đường sắt Trung Quốc kéo về ga Yên Viên. Khi đóng hàng xong, thủ tục xuất nhập khẩu và kiểm dịch đều làm tại ga Yên Viên nên vận chuyển sang Trung Quốc rất thuận lợi.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho hay thông tin từ Bộ Công thương, xuất khẩu nông sản Trung Quốc và Việt Nam chỉ có gần 30% là chính ngạch, trên 70% là tiểu ngạch. Ông Nam đề nghị doanh nghiệp Việt Nam tích cực trao đổi với bạn hàng, đối tác Trung Quốc chuyển đổi xuất khẩu chính ngạch.
"Trong các cuộc trao đổi và làm việc gần đây, phía Trung Quốc đồng ý sẽ nâng tỷ lệ hàng xuất khẩu chính ngạch, chứ không để tình trạng chênh lệch, mất cân đối so với hàng tiểu ngạch như hiện nay, nên rất cần vai trò đồng hành của doanh nghiệp", ông Nam nói.
Bà Đinh Thị Thu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn, cho biết thống kê đến ngày 30.12.2021, các cửa khẩu ở Lạng Sơn tồn khoảng 2.971 xe hàng nông sản, trong đó hàng quả tươi đóng container lạnh lên tới 1.676 xe. Cũng trong ngày 30.12, năng lực thông quan ở Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Chi Ma chỉ đạt 81 xe, chủ yếu là xe hàng nông sản khô, rất ít xe hàng container lạnh.
Cũng theo bà Thu, ngoài quyết định tạm dừng nhập khẩu thanh long đến ngày 25 tháng Chạp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Trung Quốc tiếp tục thông báo tạm dừng nhập khẩu hàng đóng container lạnh trong 28 ngày, cụ thể là trước tết 14 ngày và sau tết 14 ngày.
"Ngay từ lúc này, chúng tôi đề nghị các địa phương, hiệp hội ngành hàng thông báo đến doanh nghiệp không đưa hàng xuất khẩu bằng xe container lên các cửa khẩu Lạng Sơn để tránh ùn ứ kéo dài, sẽ thiệt hại nặng về kinh tế", bà Dung nói.
Lào Cai nâng cấp khổ đường sắt tương thích với Trung Quốc
Thông tin tại hội nghị, ông Hoàng Chí Hiền cho biết, vừa qua Trung Quốc và Lào đã khánh thành đường sắt đi từ Lào đến tỉnh Vân Nam. Dự báo trong thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu từ các nước Thái Lan, Campuchia sẽ theo tuyến đường sắt của Lào "chảy" vào Vân Nam, tạo thêm áp lực cạnh tranh rất lớn đối với hàng hóa, nông sản Việt Nam.
Cũng theo ông Hiền, sau nhiều năm kiến nghị đề xuất, Bộ GTVT đã đồng ý cho phép cải tạo đường sắt tại tỉnh Lào Cai. Dự kiến ngay trong năm 2022, tuyến đường sắt tại Lào Cai sẽ được cải tạo và mở rộng tương tích với khổ đường sắt với Trung Quốc, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc qua tuyến đường sắt khi hiện tại đa số hàng hóa xuất khẩu đi qua Lào Cai hiện nay đều là hàng chính ngạch.
Vẫn còn 3.609 xe tồn ở biên giới, giải quyết ùn tắc trước Tết Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu đẩy nhanh tốc độ thông quan, đồng thời hạn chế đưa xe hàng về cửa khẩu, phấn đấu trước Tết Nguyên đán không còn tình trạng xe ùn tắc tại các cửa khẩu. Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến về xử lý hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu...