Phấn đấu đưa Việt Nam vào Top 5 về chế biến thủy sản vào năm 2030
Tại Quyết định số 1408/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 nhằm phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Đề án đặt mục tiêu phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến hiện đại
Theo Đề án, mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40% (trong đó tôm đạt 60%, cá tra đạt 10%, cá ngừ đạt 70%, mực và bạch tuộc đạt 30%, thủy sản khác đạt 30%).
Trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên.
Mục tiêu tiếp theo là hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới.
Giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40.000 – 45.000 tỷ đồng; góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14 – 16 tỷ USD.
Đẩy mạnh chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao
Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đề ra các nhiệm vụ cần thiết, trong đó tổ chức thực hiện việc kiểm soát, phát triển nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản từ nuôi trồng, khai thác và nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp chế biến, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu; tuân thủ các điều kiện, quy định của Việt Nam và thông lệ quốc tế; đảm bảo các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tránh gian lận xuất xứ, gian lận thương mại.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư hình thành các tập đoàn, công ty chế biến thủy sản lớn có tiềm lực kinh tế, trình độ quản lý ngang tầm thế giới; nâng cấp các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; nâng cao năng lực chế biến, trình độ công nghệ đối với các cơ sở chế biến tiêu thụ thủy sản trong nước, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chế biến thủy sản.
Một nhiệm vụ nữa là đẩy mạnh chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chú trọng tới nhóm sản phẩm chủ lực (tôm, cá tra, cá ngừ); đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ cá ngừ, rong tảo biển và phụ phẩm; tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học có giá trị cao phục vụ ngành thực phẩm, hóa dược; phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản; tổ chức lại chuỗi sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản chế biến…
Linh hoạt các giải pháp hỗ trợ phục hồi sau '3 tại chỗ'
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phía Nam; trong đó, có khu vực Đông bằng sông Cửu Long khiến nhiều nhà máy chế biến thủy sản phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm công suất.
Chế biến sản phẩm cá ngừ đại dương xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Bá Hải. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch nguyên liệu mà còn tác động đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm.
Hàng loạt nhà máy ngừng hoạt động
Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phía Nam đã yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được duy trì hoạt động khi đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm" để phòng, chống dịch bệnh lây lan vào các nhà máy, các khu công nghiệp. Các doanh nghiệp thủy sản đã thực hiện nghiêm các quy định nhằm vừa chống dịch vừa duy trì được sản xuất. Tuy nhiên, qua 2 tuần triển khai thực tế đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập tác động lớn tới việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch cũng như nỗ lực duy trì sản xuất, xuất khẩu.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, hoạt động chế biến thủy sản đang đối mặt thách thức lớn, trước dịch COVID-19, tỉnh có 30 nhà máy sơ chế, chế biến các loại thủy sản phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, hiện nay đã có 18/30 nhà máy chế biến phải ngừng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu sản xuất "3 tại chỗ". Số nhà máy còn lại cũng phải cắt giảm hơn 50% số lao động, dẫn đến công suất sơ chế, chế biến thủy sản toàn tỉnh giảm sút đáng kể. Trong khi đó, vùng nguyên liệu đến ngày thu hoạch vẫn còn tồn đọng khá nhiều.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) cho biết: Để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu đã ký, các nhà máy của Vĩnh Hoàn đã triển khai "3 tại chỗ" với khoảng 50% số lao động. Trong khi công suất giảm một nửa thì chi phí sản xuất đã tăng đến 40% khiến giá thành sản phẩm đội lên nhiều lần và dòng tiền của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Khanh, việc phải giảm công suất chế biến dẫn đến doanh nghiệp không đủ hàng để giao đúng hẹn phải bồi thường hợp đồng hoặc mất luôn khách hàng, không chỉ thiệt hại trước mắt mà còn cả lâu dài. Mặt khác, lượng nguyên liệu đầu vào bị ứ đọng và gây ra hệ luỵ là kích cỡ quá lớn, khi đưa vào sản xuất lại không phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Thực tế hiện nay chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp chế biến thủy sản (trong tổng số gần 450 doanh nghiệp) tại các tỉnh, thành phía Nam đảm bảo được điều kiện "3 tại chỗ" nhưng các nhà máy này cũng chỉ huy động được từ 30-50% số lượng lao động so với bình thường. Do đó, công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn từ 40-50% so với trước đây.
Dự tính công suất chế biến chung của cả vùng đã giảm từ 60-70%. Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến-xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Các vật tư, phụ liệu, bao bì... phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.
Hàng trăm nhà máy ngừng hoạt động và giảm công suất đã ảnh hưởng trực tiếp lên kim ngạch xuất khẩu thủy sản nửa cuối tháng 7. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản tăng 14,5%; nửa đầu tháng 7 vẫn giữ được mức tăng 16%. Nhưng, sang nửa cuối tháng 7 đã đảo chiều giảm khoảng từ 15 -20% so với nửa đầu tháng 7 khiến cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả tháng giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt 763 triệu USD.
Theo đó, xuất khẩu tôm trong tháng 7 sụt giảm 4% so với cùng kỳ đạt 374 triệu USD; xuất khẩu cá tra và cá ngừ tháng 7 đều giảm khoảng 5%, đạt tương ứng 117 triệu USD và 60,5 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm 9% đạt khoảng 47 triệu USD trong tháng 7, xuất khẩu các mặt hàng khác đều giảm.
Theo VASEP, trong khi xuất khẩu bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất và các doanh nghiệp đang bị gánh nặng các loại chi phí phát sinh do COVID-19 như: trang bị cho công nhân làm việc 3 tại chỗ, trả thêm lương, chi phí xét nghiệm hàng tuần, cộng thêm các chi phí đầu vào và logistic tăng mạnh...
Với thực tế khó khăn hiện nay, VASEP lo ngại, sản xuất và xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm sẽ tuột dốc nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho việc phục hồi sản xuất, xuất khẩu và duy trì sinh kế cho công nhân, nông-ngư dân trong bối cảnh sống chung với dịch COVID-19 như hiện nay.
Linh hoạt các giải pháp hỗ trợ
Để ngành chế biến xuất khẩu thủy sản không đánh mất các cơ hội thị trường đang có, VASEP vừa gửi văn bản kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đề xuất các giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng cũng như sinh kế cho hàng triệu công nhân và nông, ngư dân khai thác, sản xuất nguyên liệu thủy sản.
Trước mắt, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ và Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho những người lao động trực tiếp sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu; trong công nhân làm việc trong các khu công nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu nói chung và sản xuất, xuất khẩu thủy sản nói riêng.
Đặc biệt, ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động trong các nhà máy đang áp dụng phương thức sản xuất "3 tại chỗ" tại các địa phương. Đây là điều kiện quan trọng để ngành chế biến thủy sản vừa duy trì được sản xuất; tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động vừa giữ được lượng đơn hàng xuất khẩu lớn nửa cuối năm.
Các doanh nghiệp cho rằng, không thể duy trì mô hình sản xuất "3 tại chỗ" quá lâu, các ngành sản xuất, xuất khẩu rất cần có một kế hoạch chống dịch linh động theo sát thực tế với tình hình khống chế dịch tại địa phương và tỷ lệ tiêm vaccine của người lao động. Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất cho phép được chủ động lên phương án sản xuất, doanh nghiệp đang tạm ngưng sản xuất nếu chuẩn bị đủ các điều kiện chống dịch sẽ được hoạt động lại để kịp thực hiện các đơn hàng xuất khẩu.
VASEP cũng đề xuất Bộ Y tế có hướng dẫn xử lý kịp thời đối với các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" khi phát hiện F0; chỉ khoanh vùng và cách ly khu vực có nguy cơ, phun khử khuẩn, xét nghiệm... để kiểm soát các nguồn lây nhiễm một cách hiệu quả nhưng giảm tổn thất cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế xem xét xây dựng bộ quy tắc "Y tế tại chỗ", tổ chức huấn luyện cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương và doanh nghiệp thực hiện trên tinh thần phối hợp và chia sẻ thông tin.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông và giao dịch.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành cũng sẽ tổ chức xét nghiệm cho người lao động 1 lần/tháng. Như vậy, sẽ đảm bảo mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần/tháng mà không gây áp lực quá tải cho cả y tế công và doanh nghiệp.
Cùng đó, hướng dẫn thực hiện "1 cung đường, 2 địa điểm" theo tiếp cận là công nhân đã được tiêm vaccine và khu vực cư trú của công nhân là một địa điểm ngoài nhà máy với hướng dẫn thống nhất trên toàn quốc. Hiệp hội đề xuất, Bộ Y tế xem xét các điều kiện để thực hiện phương châm "1 cung đường, 2 địa điểm" là đảm bảo cung đường từ nhà đến công ty và từ công ty về nhà với điều kiện có kiểm soát tuân thủ quy định phòng dịch của doanh nghiệp.
Trong tình trạng khẩn cấp hiện nay và những khó khăn phát sinh từ việc duy trì sản xuất "3 tại chỗ", để có các hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất - xuất khẩu, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo để chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ đã có của Chính phủ. Có chính sách ưu tiên về giảm lãi suất vay ngân hàng; giảm 30% tiền điện ít nhất hết năm 2021; giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% quỹ lương để các doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư việc phục hồi sản xuất-xuất khẩu sau giai đoạn "3 tại chỗ".
VASEP cũng đề xuất, Bảo hiểm xã hội chi trả lương và chi phí cho các trường hợp người lao động đi cách ly do dịch bệnh COVID-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế. Chính phủ có cơ để phối hợp công - tư, các tổ chức thiện nguyện nhằm hỗ trợ công nhân, người lao động gặp khó khăn, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm do dịch COVID-19.
Gần 700 doanh nghiệp Việt được phép xuất khẩu thủy sản vào Đài Loan Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) vừa có thông báo về việc cập nhật danh sách các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đạt chuẩn được phép xuất khẩu thủy sản vào Đài Loan... Chế biến thủy sản xuất khẩu: Ảnh: TTXVN. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) thông tin Cơ...