Phận đàn bà cửu vạn cuối năm nơi biên ải
Những phụ nữ từ nhiều vùng quê khác nhau, chủ yếu ở dưới xuôi kéo nhau lên vùng biên kiếm kế sinh nhai. Những ngày Tết, việc nhiều, họ kéo lên càng đông, mong kiếm chút tiền Tết gửi về gia đình.
Cuộc đời của những người phụ nữ hành nghề cửu vạn vùng biên mỗi người một khác, phần nhiều là cay đắng, nghiệt ngã.
Những ngày giáp Tết, những khu chợ vùng cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) hoạt động náo nhiệt cả ngày lẫn đêm. 3 giờ sáng, trong cái rét căm căm, đã ồn ã tiếng xì xồ trao đổi của những chủ hàng người Trung Quốc lẫn Việt Nam. Có cả tiếng ngáy o o của mấy anh cửu vạn quấn áo mưa kín mít, đang ngon giấc giữa một núi hàng hóa vứt ngổn ngang. Rồi tiếng kẽo cà kẽo kẹt của mấy người đàn bà gánh gồng thuê buổi sớm.
Chị em cửu vạn ngồi chờ việc ở cửa khẩu Tân Thanh.
Với những đoạn dây thừng quấn đầu đòn gánh, với miếng nilon rách tả tơi quấn quanh mình, quần sắn móng lợn, những ngón chân dường như càng tõe ra vì suốt ngày dẫm đất, các chị lao vào chợ, nhao nhao sang phía bên kia cửa khẩu xem có ai thuê gì gánh nấy.
Chẳng ai thống kê ở vùng biên có bao nhiêu người đàn bà làm cái nghề gồng thuê gánh mướn này, nhưng đi đâu cũng gặp họ. Họ đứng ngồi la liệt dưới gốc cây, trong hốc đá, ven các con đường, lẫn trong các đống hàng cao lút đầu người.
Những người đàn bà này đến từ các vùng quê nghèo nàn của Lạng Sơn, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình… Họ nhận làm bất cứ việc gì, từ nặng nhọc đến đơn giản, miễn là kiếm được tiền.
Chị Tuyết (phải), chị Vân (giữa) kéo hàng thuê từ bên kia cửa khẩu.
10h đêm, tôi theo chân chị Nguyễn Thị Vân, người đàn bà mà tôi quen từ chiều ngoài cửa khẩu về căn nhà trọ của chị. Những cửu vạn nữ tập trung thuê trọ ở khu vực Tam Thanh, trong những căn nhà vá víu bằng liếp, dột nát, xiêu vẹo ngoài bìa rừng, dưới chân núi. Khu vực đó là “xóm liều”, nơi tập trung của dân nghèo tứ xứ đổ lên kiếm sống, nơi tập trung của những con nghiện, những kẻ lang thang, giang hồ, đĩ điếm.
Trên đường về khu nhà trọ, thỉnh thoảng lại đụng bóng người vật vờ, lảo đảo đi trong bóng đêm. Tôi và chị phải nhón chân để tránh những chiếc kim tiêm vứt chỏng chơ còn đang rỉ máu tươi dưới nền đất nhớp nhúa bùn rác.
Vài bóng người dập dìu đi xuống dưới thung lũng hôi thối, bẩn thỉu. Chị bảo tôi đừng nhìn kẻo không còn đường về. Đó là bọn nghiện ngập, cave, kéo nhau ra chân núi hoang vắng để hút chích, hành lạc.
Video đang HOT
Xóm trọ tồi tàn khu vực Tam Thanh giáp biên giới là chỗ ở của chị em cửu vạn nữ.
Trong căn nhà nhỏ mà có tới 15 người đàn bàn ăn ngủ. Tính ra, mỗi người có 1m2 để ở. Đồ nghề của họ chỉ có chiếc đòn gánh. Vậy mà các chị vẫn ngăn nắp, gọn gàng và theo lời chị Vân thì có thể chứa thêm 5 người nữa. Chị bảo ở càng đông càng vui, chị em có điều kiện chăm sóc, bảo vệ và nương tựa vào nhau. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng, càng đông thì tiền thuê nhà càng giảm, cốt là cuối tháng, khi trả tiền nhà còn dư ra được bạc triệu gửi về cho gia đình.
Khi hỏi về gia cảnh, các chị im lặng. Hỏi về chồng con, về quê nhà, có chị bật khóc tức tưởi.
Người đàn bà quê ở Nam Định có đôi gò má cao, đầy tàn nhang, đã cuốn hút tôi ngay từ câu chuyện mở đầu. Chị Tuyết học hết phổ thông, định lấy chồng thì có một người đàn bà ở xã bên rủ ra Móng Cái buôn bán làm giàu. Chị trốn theo bà ta với niềm khấp khởi sẽ có một số vốn trong tay khi cưới chồng.
Người phụ nữ này đã ngoài 60 tuổi vẫn làm thân trâu ngựa kéo hàng thuê.
Nhưng ngờ đâu, người đàn bà ấy đã bán Tuyết cho một ông già Trung Quốc 70 tuổi với giá 10 ngàn tệ. Không chịu được cảnh bị hành hạ, đánh đập như con ở, Tuyết tìm cách trốn về Việt Nam.
Thế nhưng, vừa đặt chân đến biên giới, ngay kia là đất nước mình, thì lại gặp bọn du đãng, chúng bán chị vào động mại dâm. Suốt năm trời sống trong tủi nhục, ê chề, chị cũng trốn được về nước.
Nhưng người yêu đã đi lấy vợ. Chán đời, chị Tuyết lại tìm ra Móng Cái buôn bán. Trong một vụ vận chuyển hàng lậu bị bắt, nợ nần chồng chất, chị dạt về đây rồi chung thủy với cái nghề gồng thuê gánh mướn.
Ở tuổi 36, sắc đẹp, tuổi xuân đã phai nhạt, chị chỉ còn biết lăn lộn ngoài chợ biên ải để kiếm đủ tiền gửi về nuôi bố mẹ già bệnh tật ở quê. Nhưng nỗi nhớ đứa con rứt ruột với ông chồng người Trung Quốc khiến chị nhiều đêm không ngủ. Đã đôi lần chị định chạy sang bên kia biên giới, nhưng nhớ đến những trận đòn, chị lại chùn bước.
Ước mong nho nhỏ của người đàn bà này là có một số vốn, chị sẽ về quê nghĩ cách làm ăn rồi kiếm anh nông dân chân chất làm chồng. Nhưng ước mơ nho nhỏ đó có lẽ cũng khó mà thực hiện. Quay đi, ngước lại, đã sắp 40 tuổi rồi.
Oằn vai
Trong số 15 chị trú ngụ trong căn phòng tồi tàn này, có tới 6 chị đã từng bị lừa bán sang Trung Quốc. Mỗi chị mỗi cảnh, mỗi phận, song đều cay đắng, tủi nhục. Người bị bán lên vùng núi, phải làm việc thay trâu ngựa, người bị bán cho lão già, cho người tật nguyền, cho kẻ vũ phu, người bị bán vào ổ mại dâm.
Tuy các chị may mắn thoát được kiếp nạn, tìm được đường về nước, nhưng không dám về quê nữa. Cảm giác tủi thân, xấu hổ đã giữ các chị lại vùng biên giới đầy cám dỗ, hoa lệ, song cũng lắm khổ đau, cực nhọc này. Thôi thì đành gắn nốt phần đời còn lại nơi vùng biên ải bạc bẽo cho qua một kiếp đời.
Ngồi kể chuyện cuộc đời mình mà các chị rơm rớm nước mắt.
Theo VTC
Mưu sinh trong đêm Hà Nội lạnh giá
Mặt đường cầu Vĩnh Tuy hun hút gió lạnh thổi rát mặt người qua đường. Dưới chân cầu là một nhóm lao động phổ thông tụ nhau lại bên đống lửa bập bùng. Liên tục hơ lửa nhiều để lấy hơi ấm, họ hút thuốc lào liên tục và trò chuyện râm ran.
"Lạnh thế này, trâu bò cũng chết, thì người chịu sao nổi?", anh Dũng, quê ở Thanh Hóa suýt xoa khi gió lạnh cứ thổi mãi và trời đã thêm mưa bụi.
Lạnh, nhưng vẫn phải sống
Trời Hà Nội và cả miền Bắc đang oằn mình trong giá lạnh, cái rét năm nay thật quay quắt. Nhiều gia đình đã sắm sửa thêm vật dụng cần thiết để sưởi ấm như máy sưởi, chăn, nệm..., thậm chí quyết sắm cả ô tô để đi ra đường cho đỡ lạnh. Nhưng với những người nhập cư vào Hà Nội kiếm miếng cơm qua ngày thì những của nải trên thật quá xa xỉ và cái rét đối với họ, thật tai hại.
Nhóm lửa sưởi ấm trên mặt đường cầu Vĩnh Tuy
"Gần 1 tháng rồi, chúng tôi cứ phải bám mặt đường trong giá rét như thế này. Ngày rét thì đã đành, nhưng khi đêm xuống thêm mưa phùn nữa thì chỉ biết co rúm luôn. Nhưng không đi làm thì cuộc sống gia đình lại khó khăn", anh Hà, người Hưng Yên lên Hà Nội làm nghề xe ôm mấy năm nay tâm sự.
Anh cho biết thêm là nhà không còn ruộng, được ít tiền đền bù thì đã bỏ ra xây cái nhà, mua thêm cái xe máy làm nghề xe ôm. Một thời anh làm xe ôm ở TP.Hưng Yên, nhưng ở đó làm ăn khó khăn, ít khách nên anh đành lên Hà Nội "vì có con gái đang theo học ở Trường Sư phạm Hà Nội, lên đây làm cho cha con gặp nhau và đỡ đần nhau. Mấy ngày nay rét qua nên không có khách đi chú ạ, cả ngày mới kiếm được 50.000 đồng".
Gió lạnh vẫn rít liên hồi kì trận trên cầu Vĩnh Tuy, đám xe ôm mặt tái mét, tụ lại bên bếp lửa chỉ còn lại than hồng. Trong đêm đông lạnh buốt, họ trò chuyện râm ran như thể muốn những câu chuyện phiếm sẽ giúp họ quên đi cái lạnh đang chà sát da thịt mình.
7h tối, khi không còn hi vọng về một vị khách thuê "cửu vạn" nào nữa, đám lao động phổ thông dưới chân cầu đành lục tục kéo nhau ra về. Dù đã trân mình trong tiết trời khắc nghiệt nhưng với họ, đó vẫn là một ngày tay trắng vì trong những ngày rét buốt như thế này, người ta ít có việc gì cần thuê mua lao động. Ra về, những người nhập cư này chỉ còn nước hi vọng vào một ngày mai sẽ có người thuê mình và đỡ lạnh hơn...
Khu vực chân cầu Long Biên được coi là đông đảo và xôm tụ nhất của dân buôn và lao động ngoại tỉnh. Nhưng chuyến xe buýt vẫn vội vã đi về. Nhìn người ta thu mình đợi xe đến mới biết cảm giác tê tái nhường nào.
Chị Hoa, một người ở ngoại thành đến khu vực này để bán bánh mì vẫn đon đã mời chào khách qua lại ở khu vực bến xe. "Ngày rét người ta ngại ăn bánh mì vì nó nhanh khô, và cứng, không ủ nóng được lâu coi như là vứt. Bánh mì nguội có cho thì người ta vứt đi. Khó nhọc vậy, lại đông người bán, nhưng không làm nghề này biết làm gì?", chị Hoa nói. Nhìn dáng chị bươn bả trong đêm đông mới thấy hết nỗi khó nhọc của người nghèo nơi thị thành.
Vẫn vui vì rét
Nhiều khu phố bán quần áo như Trần Nhân Tông, Kim Liên, Chùa Bộc..., quần áo rét được chọn lựa nhiều nhất và bán chạy nhất. Các chủ hàng đang... vui vì rét khi các đợt xả hàng ồ ạt diễn ra.Chủ cửa hàng ở 17b7 Phạm Ngọc Thạch cho biết: "Mấy hôm nay mình bán chủ yếu áo ấm và bán rất chạy. Mong đợt rét này kéo dài đến cuồi tuần thì buôn bán mới kiếm được chút ít chứ mùa đông mà nóng như mùa hè thì làm ăn sao được anh?".
Co ro trong giá rét ở chợ đầu mối Long Biên
Trời Hà Nội buốt lạnh nhưng vẫn có nhiều thú vui cho giới trẻ như la cà quán xá, trà nóng, bắp ngô, ngồi ăn lẩu vỉa hè... bất chấp nhiệt độ ban đêm ở Hà Nội là dưới 8 độ C. Đợt rét này rơi trúng những ngày cuối tuần, cộng với gần đến Tết âm lịch, học sinh, sinh viên đã thi học kỳ xong, nên đây là dịp xả stress, đã khiến các phố ẩm thực của Thủ đô đông vui, nhộn nhịp hơn. Bên những chảo thịt nướng thơm phức, những nồi lẩu đang nghi ngút khói, nhiều thực khách vui cười hả hê vì được tận hưởng hương vị của món ngon mùa đông Hà thành.
Đó là chưa kể nhiều bạn trẻ đã có những chuyến đi xa lên Sapa, Mộc Châu, Lạng Sơn... để cảm nhận được giá lạnh thực sự và sờ được vào bông tuyết.
Trong không gian ngập tràn hơi lạnh, bên sự mưu sinh thì cuộc sống con người vẫn tuôn chảy theo đủ sắc màu. Một người bạn của tôi đã viết về mùa đông năm nay trên facebook của mình:
"Hà Nội mùa đông đẹp nhất vào ban đêm. Khi ấy, con người đang cuộn chặt trong chiếc chăn ấm áp, cả thành phố chìm trong yên lặng, những con phố dài vắng bóng người qua, ánh sáng từ ngọn đèn cao áp xuyên qua những tán lá cây cổ thụ in trên lòng đường những đốm sáng, chấm ráng như những ánh sao trên nền trời cao rộng vậy. Đây cũng là thời điểm những âm thanh nhỏ nhặt, yếu ớt ban ngày có cơ hội vang lên: Tiếng sóng Hồ Tây rì rào vỗ bờ, tiếng gió rít mạnh qua từng khe cửa... Nhưng, tôi đặc biệt yêu mến với những âm thanh phát ra từ cuộc sống của con người trong đêm đông: Tiếng đàn ghi ta của một cậu sinh viên nhớ nhà da diết; tiếng chổi tre quét rác của bác lao công, tiếng rao đêm khàn đặc của cô bán hàng rong và tiếng kĩu kịt đạp xe của mấy người lái buôn. Trong những đêm đông như thế, ta mới cảm nhận được sự vất vả, nhọc nhằn của những kiếp người kiếm ăn đêm...".
Mùa Đông thực sự đã về trên thành phố, và những cảnh đời ngang trái, những số phận long đong, những kiếp người lao động nhập cư... hàng ngày vẫn phải tìm đủ cách để mưu sinh trên những con phố nhỏ, giờ lại gồng mình chống đỡ với mưa phùn, giá rét khi đêm xuống. Với họ, đó là một thử thách khắc nghiệp nhất.
Theo PLVN
Nhọc nhằn đời nữ cửu vạn già Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn những ngày cuối năm, hàng hoá qua lại kìn kìn, người xe tấp nập. Bởi sự đông đúc ấy nên người ta "quên mất" sự hiện hữu của một đội nữ cửu vạn già... Trẻ cậy sức, già cậy... chăm Năm giờ sáng, khi mọi người còn ngon giấc trong chiếc chăn ấm sực giữa tiết trời...