Phần còn lại của thế giới sẽ thế nào nếu các nước giàu gom hết vaccine Covid-19?
Điều gì sẽ xảy ra khi các quốc gia giàu có tìm mua vaccine bằng mọi giá? Nhà giàu gom hết, liệu nhà nghèo có còn vaccine để dùng?
Thế giới đang đứng trước cuộc chiến trường kỳ đối phó với khủng hoảng dịch bệnh khi số ca mắc Covid-19 toàn cầu đã vượt mốc 30 triệu ca. Trong khi các nước giàu vẫn chạy đua giành giật vaccine ngừa Covid-19, thì những quốc gia đang phát triển ngày càng tụt lại phía sau trong việc nắm bắt cơ hội tìm mua vaccine phòng bệnh với mức giá phù hợp.
Điều gì sẽ xảy ra khi các quốc gia giàu có tìm mua vaccine bằng mọi giá? Nhà giàu gom hết, liệu nhà nghèo có còn vaccine để dùng?… Đó là những câu hỏi còn bỏ ngỏ, song phản ánh rõ thực trạng vaccine ngừa Covid-19 hiện chưa sẵn sàng nhưng các phần dự trữ cho tương lai gần như hết sạch.
Tổ chức phi chính phủ Oxfarm đang kêu gọi phân phối công bằng vaccine trong bối cảnh nhóm các nước giàu dù chỉ chiếm 13% dân số toàn cầu song đã đặt mua tới hơn một nửa số vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng của thế giới. Trung Quốc, Mỹ hay Nhật Bản sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ USD để đảm bảo mua được vaccine Covid-19 sớm nhất.
Chứng kiến các nước giàu “hăm hở” dự trữ kho vaccine ngừa Covid-19 cho riêng mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vừa lên tiếng cảnh báo “chủ nghĩa dân tộc vaccine” khiến mạng sống của nhiều người bị đe dọa”, gây nguy hiểm cho nhân loại bằng cách tước đi khả năng miễn dịch của người dân ở các quốc gia đang phát triển.
Về mặt kinh tế, các nước nghèo chắc chắn thoát khỏi đại dịch lâu hơn và phục hồi tăng trưởng kinh tế chậm hơn các nước công nghiệp phát triển. Trước tình hình này, bà von der Leyen cũng nhấn mạnh cam kết Liên minh châu Âu sẽ hỗ trợ các cơ quan đa phương như Tổ chức Y tế Thế giới trong nỗ lực triển khai chương trình tiêm chủng toàn cầu.
Tổ chức Y tế Thế giới vừa hợp tác với Liên minh vaccine (GAVI), đưa ra sáng kiến thiết lập một cơ chế đặc biệt COVAX nhằm dự trữ 1 tỉ liều vắc xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo và thu nhập trung bình.
Video đang HOT
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây hối thúc thêm nhiều nước tham gia kế hoạch COVAX nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
“Trong thế giới kết nối của chúng ta, nếu người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình bỏ lỡ cơ hội được tiếp cận vaccine, virus sẽ tiếp tục cướp đi sinh mạng của nhiều người và sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu cũng sẽ bị đình trệ. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các nước thành viên đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia COVAX, đồng thời nhân đây tôi cũng kêu gọi thêm những nước còn chưa tham gia kế hoạch này nên hành động theo”, ông Ghebreyesus nói.
Trước đó, Giáo hoàng Francis cũng từng kêu gọi các nước giàu không nên tích trữ vaccine ngừa Covid-19: “Đại dịch đã phơi bày hoàn cảnh của những người nghèo và sự bất bình đẳng vẫn đang ngự trị trên thế giới này. Và virus Covid-19 cũng không có ngoại lệ đối với bất kỳ ai. Sẽ thật đáng buồn nếu những người giàu được ưu tiên tiếp cận vaccine ngừa Covid-19. Và cũng thật buồn nếu vaccine này trở thành tài sản chỉ của quốc gia này hoặc quốc gia kia, mà không được phổ biến cho tất cả mọi người.”
Việc các nước lớn, có tiềm năng tài chính hùng mạnh đã bứt lên rất xa trong cuộc chạy đua tích trữ vaccine ngừa Covid-19 bằng các hợp đồng với số lượng lớn đang làm dấy lên lo ngại rằng phần còn lại của thế giới sẽ phải “xếp cuối hàng” trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu.
Dẫu vậy, định hướng nỗ lực chung toàn cầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh phải được đặt lên trên xu thế cạnh tranh chiếm thế độc quyền, nhiều nhà lãnh đạo chính trị và giới chức y tế công cộng toàn cầu đang ra sức ủng hộ mạnh mẽ cho cam kết chia sẻ công bằng bất kỳ loại vaccine tiềm năng nào trong tương lai nhằm cứu lấy nhân loại khỏi lưỡi hái tử thần của Covid-19./.
EU: Thông điệp 2020 của Chủ tịch EC và 'sức mạnh triệu tập vô song của châu Âu'
Ngày 16/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã trình bày Thông điệp liên minh tại Nghị viện châu Âu (EP), trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với một số thách thức lớn.
Điểm lại năm đầu nhiệm kỳ Chủ tịch EC với hàng loạt thách thức từ đại dịch Covid-19 chưa từng có khiến gần 1 triệu người tử vong trên toàn cầu, kéo theo suy giảm kinh tế trầm trọng đến những căng thẳng địa chính trị, bà von der Leyen đã trình bày phương án giải quyết những thay đổi và phát triển sắp tới trong các lĩnh vực cơ bản trong chính sách của EU gồm khí hậu, kỹ thuật số và quan hệ đối ngoại.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trình bày Thông điệp liên minh tại Nghị viện châu Âu ngày 16/9. (Nguồn: AFP)
Đề cập việc EU đã áp dụng các cơ chế bảo vệ công dân, các tuyến đường xanh ưu tiên qua biên giới và các biện pháp thị trường chung cho phép vận chuyển hàng hóa và trang thiết bị y tế giữa các quốc gia trong thời gian đại dịch diễn ra, Chủ tịch EC kêu gọi một liên minh y tế hợp nhất toàn EU.
Trong bài phát biểu của mình, bà von der Leyen đã chỉ trích mạnh mẽ "chủ nghĩa dân tộc về vaccine", nhắc lại rằng, vào thời kỳ đầu đại dịch, không có một khuôn khổ toàn cầu cho vaccine, các quốc gia "mạnh ai nấy làm" với mong muốn trở thành nước đầu tiên sở hữu vaccine.
Theo bà von der Leyen, đây là thời điểm EU đã tăng cường dẫn đầu các phản ứng toàn cầu. EU đã kết nối hơn 40 quốc gia lại với nhau, quyên góp được 16 tỷ Euro. Bà khẳng định đây là sức mạnh triệu tập vô song của châu Âu, song nhấn mạnh tìm ra vaccine là chưa đủ, điều quan trọng là phải cung cấp vaccine cho tất cả mọi người.
Về tác động của đại dịch, bà von der Leyen cho biết, EU đã tránh được tình trạng thất nghiệp hàng loạt nhờ chương trình Hỗ trợ giảm nguy cơ thất nghiệp khẩn cấp (SURE) và đề cập đến gói 90 tỷ Euro mà chương trình SURE sẽ cung cấp cho các quốc gia thành viên. Bà ca ngợi các chương trình lương tối thiểu được thiết kế tốt, cam kết rằng bất kỳ hành động nào của EU sẽ tôn trọng năng lực quốc gia.
Chủ tịch EC nhấn mạnh, không có cách nào để ổn định và cạnh tranh hơn là một liên minh kinh tế và tiền tệ mạnh, đồng thời kêu gọi hoàn thiện thị trường vốn và liên minh ngân hàng, vốn là "điều kiện tiên quyết" để đồng Euro có thể đảm nhận và củng cố vai trò quốc tế.
Bà von der Leyen đề cao chủ nghĩa đa phương và trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ, cảnh báo rằng, các cơ quan như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không được phép phá bỏ mà phải cải tổ chúng. Bà nói thêm rằng, EU phải dẫn đầu trong quá trình cải cách để làm cho các tổ chức trên phù hợp với thế giới hiện đại.
Chủ tịch EC cho biết, sẽ có một chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mới trong thời gian tới, bất kể ai sẽ thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào tháng 11, đều nằm trong chương trình nghị sự này. EU sẽ có một khởi đầu mới với những người bạn cũ, ở cả hai bờ Đại Tây Dương cũng như hai bên Eo biển Manche.
Về Brexit, Chủ tịch EC nhắc lại sự ủng hộ đối với nhà đàm phán của EU về Brexit, Michel Barnier và trấn an các nghị sĩ rằng EC sẽ được cập nhật thường xuyên về diễn tiến của các cuộc đàm phán và sẽ có tiếng nói cuối cùng về bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra.
Không ngoài dự đoán, bà von der Leyen cũng tái khẳng định tầm quan trọng của Thỏa thuận Rút lui và phản đối mọi nỗ lực đơn phương thay đổi thỏa thuận. Bà cảnh báo Anh chỉ còn "rất ít thời gian" để đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay, mỗi ngày trôi qua khiến cơ hội để càng giảm đi.
Người đứng đầu EC cũng nhấn mạnh, EU và Anh đã đàm phán và phê chuẩn thỏa thuận "ly hôn" Brexit, và cảnh báo văn kiện này "không thể được đơn phương thay đổi, coi thường hoặc không áp dụng".
Về vấn đề di cư, bà von der Leyen cho biết, EC sẽ đề xuất xem xét các quy tắc di cư vào tuần tới. Bà nhấn mạnh, di cư là một vấn đề đã được thảo luận từ lâu với rất nhiều việc đã được thực hiện kể từ năm 2015, nhưng vẫn còn rất nhiều việc cần được giải quyết.
Cơ quan chấp hành của EU cũng đang làm việc với nhà chức trách Hy Lạp về việc xây dựng một trại đón người tị nạn mới ở Lesbos, sau khi trại Moria bị thiêu rụi vào tuần trước.
Về căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải, Chủ tịch EC cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được tìm cách đe dọa Hy Lạp và CH Cyprus, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan các nguồn tài nguyên năng lượng ở Đông Địa Trung Hải.
Bà von der Leyen nhấn mạnh, Ankara là đối tác chủ chốt đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận người tị nạn, song điều này không phải là cái cớ để bào chữa cho việc đe dọa các nước láng giềng.
Mặt khác, bà von der Leyen cũng khẳng định Hy Lạp và CH Cyprus có thể tin tưởng vào "sự đoàn kết trọn vẹn của châu Âu trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền hợp pháp của hai nước này".
Về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bà von der Leyen nhắc đến tình trạng các sông băng tan chảy, cháy rừng và hạn hán xảy ra, nhưng cũng lưu ý sự trở lại của thiên nhiên và không khí trong lành trong thời kỳ phong tỏa do đại dịch.
Bà xác nhận rằng EC đang đề xuất mức cắt giảm đến 55% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Theo bà von der Leyen, các đánh giá tác động chuyên sâu đã chứng minh hiệu quả về chi phí và sẽ cho phép EU bám sát mục tiêu giảm 1,5 độ C mức nhiệt toàn cầu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Chủ tịch EC cũng kêu gọi dỡ bỏ các rào cản thị trường đơn nhất và các thủ tục hành chính được giảm bớt. Bà cho biết EC sẽ đưa ra một chiến lược mới về không gian tự do đi lại Schengen. Các chính sách quốc gia khác nhau đã đe dọa hủy bỏ Schengen trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19. EC sẽ đề xuất một căn cước châu Âu duy nhất, mà công dân có thể sử dụng để mua dịch vụ, trả thuế...
Anh 'lật kèo', niềm tin còn sót lại trong EU tan biến, Brexit sẽ đi về đâu? Anh vi phạm thỏa thuận Brexit bằng mọi lý lẽ có lợi cho mình khiến EU mất lòng tin và "ngán ngẩm" trước một London "khó chiều". Câu chuyện Brexit vẫn ngổn ngang. Ngày 9/9, triển vọng về một thỏa thuận thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) dường như đã lụi tàn khi EU tuyên bố rằng động thái...