Phạm Tuấn Hải – thiếu cho đội tuyển, thừa với U22 Việt Nam
Sinh năm 1998, cái tuổi nhỡ nhàng khiến Phạm Tuấn Hải không thể có mặt ở tuyển Việt Nam lẫn U22 dù anh chơi không hề tệ tại V.League.
Tính đến vòng 12 giai đoạn một V.League 2021, Phạm Tuấn Hải đã có 4 bàn tại V.League, là chân sút tốt nhất của đội bóng nhỏ bé Hà Tĩnh, chỉ kém bộ tứ Công Phượng, Văn Toàn, Tiến Linh, Văn Đức, bỏ xa toàn bộ những cầu thủ U22 khác.
Anh thiếu một vài bàn nữa để được HLV Park Hang-seo để mắt ở tuyển quốc gia, nhưng đã thừa 1 tuổi để tiếp tục có mặt trong hàng ngũ U22 Quốc gia. Sinh năm 1998, Tuấn Hải không còn đủ tuổi góp mặt tại SEA Games 2021.
Phạm Tuấn Hải (giữa) đã ghi tới 7 bàn cho CLB Hà Tĩnh chỉ trong chưa đầy 2 mùa giải lên chơi ở V.League. Ảnh: Minh Chiến.
Tiền đạo chất lượng bị bỏ quên
Phạm Tuấn Hải sinh năm 1998, là một trong những sản phẩm ưu tú của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội cùng lứa với những Quang Hải, Đình Trọng hay Bùi Hoàng Việt Anh.
Sau nhiều năm rèn luyện ở “lò” Gia Lâm, lứa cầu thủ này đã cùng nhau ghi dấu ấn ở các giải trẻ. Năm 2015, Tuấn Hải ghi tới 5 bàn cho CLB Trẻ Hà Nội T&T ở giải hạng Ba, giúp đội giành một suất lên chơi ở giải hạng Nhì 2016. Tại VCK U19 Quốc gia một năm sau đó, Hải nhận danh hiệu Vua phá lưới khi đóng góp 6 trong 8 bàn giúp U19 Hà Nội vô địch.
Nhận ra tiềm năng của Phạm Tuấn Hải, HLV Hoàng Anh Tuấn triệu tập anh lên U19 Việt Nam để chuẩn bị cho VCK U19 châu Á 2016 nhưng loại cầu thủ này vào phút chót. Anh ngồi nhà nhìn đồng đội làm nên lịch sử với tấm vé tham dự VCK U20 World Cup 2017.
Trở về CLB, Tuấn Hải tiếp tục ghi dấu ấn ở các giải vô địch Quốc gia với việc đóng góp 8 bàn (năm 2018) và 12 bàn (năm 2019), giúp đội Hà Tĩnh giành vé thăng hạng trực tiếp lên V.League 2020.
Khi gây ấn tượng ở các giải trẻ và hạng dưới, Tuấn Hải lẽ ra có thể tiếp bước những đàn anh đi trước thuộc cùng hệ thống đào tạo. Tuy nhiên lên đội một CLB Hà Nội là điều không hề đơn giản. Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cầu thủ cũng như quy trình tuyển chọn đặc thù của ban huấn luyện đội bóng thủ đô khiến Tuấn Hải không có cơ hội.
Khi những đồng đội cùng trang lứa như Bùi Hoàng Việt Anh, Lê Văn Xuân, Lê Xuân Tú, Đặng Văn Tới lên đội một, Phạm Tuấn Hải ở lại đội Hà Nội B và được chuyển giao cho Hà Tĩnh năm 2018.
Đỗ Hùng Dũng từng chia sẻ với Zing : “Lên đội một CLB Hà Nội còn khó hơn lên tuyển, lứa tôi 60 người thì chỉ có 4 người lên chuyên nghiệp”. Tuấn Hải thi đấu ở vị trí trung phong, trong khi ở đội một, CLB Hà Nội ưu tiên sử dụng những ngoại binh thay vì nội binh. “Nếu có được đôn lên đội một, chưa chắc tôi đã có cơ hội ra sân thi đấu vì ở đó có quá nhiều cầu thủ giỏi”, Phạm Tuấn Hải chia sẻ với Zing .
Video đang HOT
Tính từ mùa giải 2017 tới nay, có tới 5 tiền đạo ngoại đã đến chơi cho CLB Hà Nội là Ganiyu Oseni, Pape Omar, Rimario Gordon, Ibou Kebe và Bruno Cantanhede. Trong khi các tiền đạo nội của đội thì hoặc phải chuyển sang CLB khác (Phạm Văn Thành tới TP.HCM), hoặc phải dạt cánh, chơi ở vị trí không phải sở trường (Ngân Văn Đại), hoặc làm bạn với băng ghế dự bị (Lê Xuân Tú).
Ngay cả Việt Anh, Văn Xuân cũng chỉ được gọi về nhờ cuộc khủng hoảng nhân sự ở hàng thủ đội Hà Nội hồi năm ngoái. Cơ hội cho Tuấn Hải giữa những Văn Quyết, Quang Hải và giờ là Geovane, Bruno không có nhiều.
Bởi vậy, anh vẫn ở lại Hà Tĩnh.
Nếu lên được đội một CLB Hà Nội, số phận Tuấn Hải (số 10) có thể đã khác. Ảnh: Quang Thịnh.
Tuổi 23 nhỡ nhàng của Tuấn Hải
Màn thể hiện ở V.League là một trong những tiêu chí tuyển quân của ban huấn luyện các đội tuyển quốc gia. Những cầu thủ chơi tốt trong các CLB nhóm đầu sẽ dễ dàng được để ý. Tuấn Hải lại không có được điều đó. 2 năm qua, những đồng đội cùng lứa với anh luôn có đóng góp trong những thành công của CLB Hà Nội và thường xuyên góp mặt trong các đợt tập trung đội tuyển.
Tuy nhiên, màn trình diễn ở mùa giải này đang giúp Tuấn Hải gây ấn tượng theo cách khác. Anh ghi tới 4 bàn sau 12 vòng đấu, con số ấn tượng với một tiền đạo chỉ chơi cho đội bóng thuộc nhóm cuối bảng, thường xuyên phải lui về khu trung tuyến. 4 bàn của Tuấn Hải ở V.League nhiều gấp đôi người đàn anh Hà Đức Chinh, vượt xa tất cả tiền đạo tại đội U22.
4 bàn của Tuấn Hải phần nhiều mang dấu ấn cá nhân, nhưng đều giúp CLB Hà Tĩnh giành những điểm số quan trọng. Trong số đó có pha sút xa ngẫu hứng vào lưới CLB Hà Nội giúp đội nhà suýt thắng ở vòng 6. 3 pha lập công trước đó là 3 lần Tuấn Hải cùng đội nhà giành 3 điểm trọn vẹn.
Những tiền đạo nội có nhiều hơn 5 bàn ở V.League thời điểm này là Văn Toàn, Công Phượng, Tiến Linh đều được chơi cho các đội bóng lớn, nơi có bệ phóng gồm nhiều vệ tinh chất lượng xung quanh. Tuấn Hải không có nhiều sự hỗ trợ như vậy. Tại Hà Tĩnh, anh thậm chí phải chơi lùi sâu dù mang trên mình tấm áo số 10. Ở CLB này, Trần Phi Sơn mới là nhạc trưởng, người nhận được nhiều bóng nhất.
Tuấn Hải có lẽ sẽ tiếc nuối rất nhiều. Nếu nhỏ hơn một tuổi, anh chắc chắn có chỗ ở đội U22. 6 tiền đạo của đội U22 mới ghi tổng cộng 2 bàn ở V.League, bằng một nửa Tuấn Hải. Sự vắng mặt của Tuấn Hải trên các đội tuyển trước hết là nỗi tiếc nuối với cá nhân anh, cũng là vấn đề của đội U22 Việt Nam khi đội hình hiện tại không có một trung phong thực sự tốt.
Tuấn Hải (trái) ghi bàn tốt dù chỉ chơi cho đội nhóm dưới, phải thường xuyên đá lùi để nhường chỗ cho các tiền đạo ngoại. Ảnh: Minh Chiến.
Tuấn Hải trưởng thành từ một trong những hệ thống đào tạo tốt nhất, là trụ cột của một đội bóng non trẻ, đã đá chính mùa thứ hai ở sân chơi cao nhất, nhưng lại quá tuổi với U22 Việt Nam.
“Tuấn Hải là mẫu cầu thủ rất nhiệt huyết, máu lửa, nhưng để lên tầm cao thì khó. Nếu lên tuyển, rất khó đấy, Tuấn Hải sẽ phải cố gắng nhiều hơn để đáp ứng vấn đề chuyên môn”, cựu HLV trưởng CLB Hà Tĩnh Phạm Minh Đức chia sẻ trong một cuộc họp báo.
Hai năm trước, Tuấn Hải từng được trao cơ hội dự tuyển U22 Việt Nam chuẩn bị cho trận giao hữu với U22 Myanmar, khi tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park dự Kings Cup tại Thái Lan. Đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất lên tuyển với tiền đạo này.
Trên hành trình dự World Cup của U19 Việt Nam, trên hành trình giành HCV SEA Games của U22 Việt Nam, Tuấn Hải đều từng xuất hiện. Nhưng số phận đã không mỉm cười với anh.
“Tôi cũng hơi tiếc khi không được dự SEA Games 2019. Lúc được gọi lên U22 năm đó, tôi cũng thể hiện được như mong muốn. Nếu có cơ hội lên tuyển, tôi sẽ còn phải cải thiện rất nhiều”, Tuấn Hải nói với Zing .
HLV Park Hang Seo đề xuất giảm ngoại binh ở V-League: Phản ứng trái chiều
Kể từ khi làm việc tại Việt Nam, không ít lần HLV Park Hang Seo than phiền việc các tiền đạo nội không được thi đấu thường xuyên ở V-League.
Chiến lược gia người Hàn cho rằng việc các đội bóng ở V-League chuộng sử dụng cầu thủ ngoại ở hàng công chính là nguyên nhân dẫn đến việc ông không tìm được tiền đạo chất lượng ở 2 đội tuyển.
Trong phát biểu mới nhất sau 2 trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và U22 Việt Nam, HLV Park Hang Seo nhấn mạnh: "Tôi đã nói rất nhiều lần, nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại là bóng đá Việt Nam đang rất thiếu tiền đạo nội.
HLV Park Hang Seo muốn các tiền đạo nội được thi đấu thường xuyên ở V-League
Tôi làm việc ở đây được 3 năm và cũng chỉ những con người đó là Công Phượng, Tiến Linh hay Đức Chinh. Tôi cũng đã gọi lên là thử nghiệm rất nhiều rồi nhưng cũng chưa tìm ra thêm được ai cả.
Ở Việt Nam, các tiền đạo thi đấu tại V.League đều là những cầu thủ nước ngoài. Lấy số liệu ở mùa giải vừa rồi có 47 cầu thủ nước ngoài thì 70-80% đều là tiền đạo. Vậy thì lấy đâu ra tiền đạo nội cho đội tuyển Việt Nam. Đối với các tiền đạo U22 Việt Nam, tôi đảm bảo rằng trở về câu lạc bộ họ cũng không được đá".
Thậm chí chiến lược gia người Hàn Quốc còn thẳng thắng đặt vấn đề khá nhạy cảm với VFF, VPF và các đội bóng V-League: "Thực ra V-League cũng nên tự đặt câu hỏi tại sao lại để tồn tại vấn đề này. Tôi nghĩ VFF và VPF nên sửa đổi điều lệ. Ví dụ như ở giải vô địch quốc gia Qatar, người ta có điều lệ mỗi trận đấu phải đưa khoảng bao nhiêu phần trăm cầu thủ trẻ vào sân. Như thế mới có thể tìm được nhân tài.
Tất nhiên tôi nói vấn đề này thì sẽ có một số câu lạc bộ phản ứng nhưng bản thân tôi muốn làm sao để các cầu thủ trẻ, các tiền đạo nội được ra sân nhiều nhất có thể. VPF và VFF cần phải nghiên cứu lại".
Câu chuyện tiền đạo nội đã được huấn luyện viên Park Hang-seo nói nhiều lần trong các cuộc phỏng vấn hay trao đổi với báo chí trước đây. Đây thực sự là trăn trở của HLV Park Hang Seo, nhưng khi vấn đề này được ông thầy người Hàn Quốc đưa ra, đã gây nên những phản ứng mạnh từ các đội bóng V-League.
HLV phó Nguyễn Văn Dũng của Nam Định đáp trả: "Bóng đá Việt Nam chưa có cơ chế buộc đội bóng phải sử dụng cầu thủ trẻ hay tiền đạo nội trong các trận đấu thuộc giải vô địch quốc gia. Chất lượng tiền đạo nội chưa tốt nên các đội mới ưu tiên dùng tiền đạo ngoại.
Ý kiến của HLV Park Hang Seo nhận được nhiều phản ứng trái chiều
Nếu chân sút nội nào có đủ trình độ thì cứ cạnh tranh sòng phẳng, không sao cả. Các đội bóng được đầu tư rất nhiều tiền để hoàn thành mục tiêu trong mùa giải".
Trợ lý Nguyễn Việt Thắng của CLB Đà Nẵng có chung quan điểm, đồng thời cho rằng V-League vẫn có nhiều tiền đạo nội xuất sắc dù phải cạnh tranh vị trí với các chân sút ngoại: "Hiện tại, một đội V-League chỉ có 3 suất ngoại binh, lúc tôi còn thi đấu thì con số này là 5, thế nhưng tại sao lúc đó bóng đá Việt Nam vẫn có những tiền đạo đẳng cấp như Công Vinh hay Anh Đức?
Bình Dương khi ấy có Philani và Kesley Alves nhưng Anh Đức vẫn chứng minh được năng lực. Còn đẳng cấp của Công Vinh thì không cần phải bàn.
Những tiền đạo Việt Nam vẫn đang chơi tốt, chiếm được vị trí chính thức như Công Phượng vẫn luôn được sử dụng ở HA Gia Lai hay TPHCM. Ở Bình Dương, Tiến Linh luôn là sự lựa chọn số một. Riêng Đức Chinh, mùa rồi chúng tôi muốn sử dụng cậu ta nhiều nhưng dính vấn đề về gan, mùa sau chắc chắn sẽ được ra sân nhiều hơn".
Trong khi đó, HLV Phan Thanh Hùng là một trong số ít người ủng hộ thầy Park: "Ông Park Hang Seo muốn tiền đạo nội, cầu thủ trẻ ra sân nhiều hơn là nhu cầu thiết thực, tốt cho bóng đá Việt Nam. Khi còn làm việc ở Hà Nội hay Than Quảng Ninh tôi cũng thường xuyên tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ. Khi về dẫn dắt B.Bình Dương tôi cũng đã làm việc với lãnh đạo, tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ được thi đấu, cọ xát nhiều hơn".
Với các cầu thủ, đặc biệt là cầu thủ ngoại, chân sút Diogo Pereira cho biết: "Tôi không cho rằng đó là ý kiến hay. Bởi lẽ, mỗi CLB ở V-League đều phải có 1-2 tiền đạo ngoại đá chính để có thể tạo ra sự khác biệt về chuyên môn. Nếu một giải đấu muốn phát triển, thì sử dụng ngoại binh là điều bắt buộc".
Về phía VPF, một lãnh đạo công ty này cho biết: "Để đưa ra quy định về cầu thủ trẻ hay tiền đạo vào sân ở V-League, cần phải có sự đồng nhất cao từ phía các CLB. Mục tiêu của các CLB hướng đến ở giải đấu khác nhau nên có định khác nhau. Ngoài ra, vấn đề chuyên môn của giải đấu cực kỳ quan trọng. Các bên phải bàn bạc, cân nhắc kỹ mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng".
Nhận định bóng đá ĐT Việt Nam U22 Việt Nam: "Quân xanh" có đủ sức gây sốc? (Nhận định bóng đá, ĐT Việt Nam - U22 Việt Nam, 18h, 23/12, giao hữu) U22 Việt Nam được cho là kém trình và non kinh nghiệm hơn các tuyển thủ đàn anh nhưng họ vẫn đủ sức gây sốc. Sau một thời gian chuẩn bị, trận giao hữu giữa ĐT Việt Nam với U22 Việt Nam sẽ diễn ra tối nay tại...