‘Phải vĩnh viễn đuổi khỏi ngành những thầy giáo biến chất’
Gần đây, môi trường sư phạm đang bị vẩn đục bởi hàng loạt những vụ việc phi đạo đức mà “yêu râu xanh” chính là những người đang đứng trên bục giảng. Xoay quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT.
“Vết nhơ” của ngành giáo dục
Chắc hẳn ông cũng nghe rất nhiều những sự việc như vậy xảy ra trong thời gian qua. Từng là người nhiều năm làm công tác quản lý trong ngành giáo dục ông nhìn nhận gì về thực tế này?
Liên tục nghe những thông tin như vậy tôi rất buồn. Thực sự tôi không thể nghĩ những chuyện vô liêm sỉ đó lại xảy ra ngay trong ngành giáo dục, ngành cao quý nhất trong những ngành cao quý. Bản thân đạo đức con người với nhau để xảy ra chuyện đó đã không chấp nhận được huống chi là người đang làm trong môi trường sư phạm. Nhà giáo đảm nhận thiên chức “đưa đò qua sông”, truyền đạo làm người cho các thế hệ học trò mà lại gây ra những việc như vậy thật không thể tưởng tượng được. Họ không xứng đáng được gọi bằng hai tiếng “thầy giáo” cao quý. Theo tôi, đây là hiện tượng đáng báo động với toàn xã hội, đặc biệt là ngành giáo dục vốn được coi là thành trì vững chắc của các giá trị đạo đức. Nói một cách thẳng thắn, đó là “vết nhơ” của ngành giáo dục.
Theo quan điểm của ông, nguyên nhân do đâu dẫn đến hiện tượng suy thoái đạo đức trong ngành giáo dục?
Theo tôi, nguyên nhân bắt nguồn từ lối sống buông thả, đam mê nhục dục cá nhân, không chiến thắng được trước những cám dỗ đã dẫn đến sa ngã. Một bộ phận người thầy không thường xuyên rèn luyện bản thân, không có lập trường vững vàng, dễ dàng quên đi ý thức nghề nghiệp dẫn tới vi phạm đạo đức. Trong một số trường hợp, có những đối tượng lợi dụng chức quyền sẵn có để mưu cầu ý đồ cá nhân thấp hèn, ép buộc cấp dưới cùng thực hiện hành vi đồi bại. Các em học sinh thường mang tâm lý… sợ người thầy. Một số thậm chí bị thầy giáo dọa dẫm khiến bị mất tinh thần, hoảng sợ, việc học tập ngày càng sa sút. Điều này xuất phát từ thực tế quan hệ giữa thầy – trò. Thầy dùng “quyền lực” để áp chế học trò, khiến các em phải răm rắp nghe mình. Như vậy là vô cùng nguy hiểm cho ngành giáo dục.
PGS Trần Xuân Nhĩ.
Video đang HOT
Vậy hệ quả dai dẳng sau những sự việc đau lòng trên là gì, thưa ông?
Theo tôi, hậu quả cay đắng nhất là học sinh sẽ mất đi niềm tin vào người thầy, vào nhà trường. Rộng hơn, các em sẽ thiếu tin tưởng vào đạo đức, chuẩn mực xã hội. Đó là cái mất lớn nhất mà không thể nào bù đắp lại được. Đối với các học sinh từng trở thành nạn nhân của “yêu râu xanh” là thầy giáo các em sẽ mang những nỗi đau tâm lý dai dẳng, không dễ dàng đối diện với cuộc sống thực tại…
Cách chức những lãnh đạo bao che
Với những người thầy thoái hóa, biến chất, hình thức kiểm điểm hiện nay dường như quá nhẹ nhàng và có tính “nể nang”, thưa ông?
Môi trường nào cũng vậy, luôn có những người tốt kẻ xấu. Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục, phải luôn luôn gạn đục khơi trong, giữ cho ngành những hạt giống thực sự tốt đẹp về mặt tâm hồn. Vẫn biết rằng, những sự việc xảy ra trong thời gian qua chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” thế nhưng, đã đến lúc xã hội cần nhìn nhận nghiêm túc và có những động thái thiết thực để ngăn chặn.
Với những người thầy như vậy cần bị truy tố hình sự, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, thậm chí phải xử nặng hơn những người bình thường. Khi phát hiện sai phạm, không chỉ kiểm điểm, khiển trách, cắt thi đua mà phải vĩnh viễn đuổi khỏi ngành những giáo viên đó. Nghiêm cấm dùng “quyền năng” của người thầy để trấn áp tâm lý học sinh vì điều đó đi ngược lại bản chất của giáo dục.
Ông nghĩ sao khi một số ý kiến cho rằng, không riêng bản thân những “tội đồ” mà các cơ quan quản lý cũng phải chịu trách nhiệm cho những hành động này?
Đúng vậy. Bản thân các nhà quản lý giáo dục cũng cần thấy trách nhiệm của mình ngay từ khi thấy những biểu hiện bất thường của cấp dưới. Nếu kỷ cương được tăng cường và mọi người quan tâm đến nhau thì ngay từ thay đổi nhỏ nhất cũng bị phát hiện, đồng thời có thể ngăn chặn kịp thời. Cũng như một số ngành khác, trong ngành giáo dục đang tồn tại hiện tượng bao che sai phạm. Cấp trên bao che cấp dưới, đồng nghiệp “bênh” nhau đã dẫn đến hệ quả là cái xấu bùng nổ ở mọi lĩnh vực. Từ gian dối đến lừa đảo kiếm tiền phụ huynh học sinh, côn đồ hóa, lưu manh hóa đội ngũ giáo giới, gạ tình, “đổi tình lấy điểm”…
Những hành vi này đang biến môi trường giáo dục thành phản giáo dục, biến giảng đường thành “địa ngục trần gian”… Phải cách chức ngay những lãnh đạo có dấu hiệu bao che sai phạm, kiểm điểm những đồng nghiệp biết mà không tố giác sai phạm…
Ông có lời khuyên gì cho các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh, thế hệ tương lai của đất nước?
Các bậc phụ huynh phải quan tâm đến con em mình nhiều hơn. Thường xuyên tâm tình với con để hiểu những việc đang xảy ra ở trường. Kịp thời ngăn chặn khi sự việc còn trong trứng nước. Đối với các em học sinh, quan trọng nhất là các em phải giữ được mình, tin tưởng vào khả năng học tập của mình không để một số thầy giáo lợi dụng chuyện điểm chác để… có ý đồ xấu. Bên cạnh đó, cần không ngừng đấu tranh với cái xấu, kịp thời tố giác nếu phát hiện sai phạm trong trường…
Xin cảm ơn ông!
Theo vietbao
"Nể nang" phụ huynh mà dạy thêm cũng phải chịu xử lý
Gần một năm sau khi Bộ GDĐT ra quy định siết chặt việc dạy thêm học thêm (DTHT), Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có nhận xét về việc thực hiện trong thời gian qua.
Theo ông Hiển: "Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã tích cực chỉ đạo các sở ban ngành cùng vào cuộc chấn chỉnh hoạt động DTHT theo đúng quy định của Bộ GDĐT. Quy định siết chặt quản lý DTHT nhìn chung đã được sự đồng tình của dư luận.
Tuy nhiên, theo tôi các địa phương nên có quy định cụ thể hơn đối với hoạt động trông trẻ và những hoạt động ngoại khóa khác sao cho phù hợp với tình hình của địa phương. Trông trẻ ở đây có nghĩa là không tổ chức dạy theo chương trình chính khóa, không mang sách vở tài liệu đến để học, chỉ tổ chức vui chơi, chăm sóc".
Trước những ý kiến băn khoăn về việc những giáo viên dạy giỏi hay giáo viên dạy thêm vì nể nang phụ huynh cũng bị phạt vì vi phạm quy định DTHT, ông Hiển cho rằng: "Theo tôi, bất cứ ai vi phạm cũng phải chịu xử lý theo quy định. Cần phải nói thêm rằng nhu cầu của phụ huynh phần nào cũng là do thầy cô, nhà trường tạo ra. Thầy cô ra những đề kiểm tra với yêu cầu quá cao hoặc có những tình tiết lắt léo, đánh đố học sinh thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, tạo cái gọi là "nhu cầu" cho trẻ đi học thêm.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển
Thực tế chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình giáo dục phổ thông đã được thiết kế phù hợp với năng lực nhận thức của tuyệt đại đa số học sinh. Chúng ta đã biết phần lớn học sinh ở nông thôn, ở các vùng khó khăn không đi học thêm cũng đạt yêu cầu nhiều em không đi học thêm vẫn đạt thủ khoa trong các kỳ thi tuyển sinh đại học".
Cũng theo ông Hiển, "DTHT quá mức sẽ gây ra tâm lý ỷ lại của cả giáo viên và học sinh. Chúng ta cần phải nhớ rằng việc dạy học không chỉ nhằm truyền thụ kiến thức cho học sinh, mà mục tiêu quan trọng hơn lại là phải dạy học sinh cách học để các em có năng lực tự học để học tập suốt đời.
Nhưng dạy kiến thức là dễ hơn dạy cách học khi dạy them, giáo viên thường lạm dụng việc truyền đạt được nhiều kiến thức, không chú ý rèn luyện phương pháp tự học của học sinh học sinh thì lo tiếp thu kiến thức một cách thụ động, không còn thời gian để tự học, để giải trí nên kiến thức sẽ nhanh bị quên, không được vận dụng sáng tạo!
Thời gian tới, muốn quản lý DTHT thành công phải chú ý đến sự đồng tình của nhà trường, của phụ huynh và các cấp quản lý. Hiện nay, một số địa phương chưa coi trọng việc này, mới chỉ nặng về quản lý hành chính nên chưa thành công, thậm chí có một số việc làm gây phản cảm.
Các cấp quản lý, ban giám hiệu các nhà trường cần phải kiên quyết trong quản lý hành chính, đồng thời phải làm tốt việc giáo dục tư tưởng đối với giáo viên và giải thích chu đáo cho phụ huynh học sinh chỉ đạo tốt công tác đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập để nâng cao hiệu quả dạy học trên lớp, hạn chế dạy thêm".
Theo soha
'Trường đại học chưa có trụ sở sẽ bị giải thể' "Đến tháng 6/2014, trường nào không giải quyết được vấn đề đất thì Bộ sẽ báo cáo Chính phủ dừng tuyển sinh, tiến tới giải thể trường", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định chiều 22/1. - Thưa Thứ trưởng, Luật giáo dục đại học vừa có hiệu lực tạo những thay đổi cơ bản nào trong việc tuyển sinh, dạy...