Phải thường xuyên rèn giũa lễ tiết, tác phong
“Kết quả, thành tích của lực lượng 141 được rất nhiều lời ngợi khen, song Ban Giám đốc CATP cũng nhận được thông tin từ báo chí, phản ánh của người dân về những thiếu sót, hạn chế trong ứng xử, lễ tiết, tác phong của CBCS khi thi hành công vụ, đây đó còn cán bộ biểu hiện tiêu cực” – Đại tá Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội nêu rõ tại Hội nghị sơ kết 3 tháng triển khai 15 tổ công tác thực hiện kế hoạch 141.
Hội nghị Sơ kết 3 tháng triển khai 15 tổ công tác thực hiện kế hoạch 141; kết quả 1 năm triển khai kế hoạch 142 được Công an Hà Nội tổ chức sáng qua (2-1), với sự tham gia của các đồng chí trong Ban Giám đốc, chỉ huy các phòng nghiệp vụ, trưởng công an các quận, huyện, thị xã, phường, đồn, trạm, thị trấn… Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (UBATGTQG); Trung tướng Đỗ Đình Nghị – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH – Bộ Công an. Đại tá Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội chủ trì hội nghị.
Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VII, Bộ Công an cùng các đồng chí lãnh đạo kiểm tra thiết bị, trang bị của CSGT Hà Nội
Mở rộng “mạng lưới” 141 ra ngoại thành
Báo cáo tình hình, kết quả 3 tháng triển khai 15 tổ công tác 141 (từ 19-9-2012 đến 19-12-2012), do Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT đường bộ – đường sắt trình bày cho thấy, sau 3 tháng triển khai, 15 tổ công tác 141 đã kiểm tra, xử lý trên 9.300 trường hợp vi phạm, tạm giữ trên 6.400 phương tiện vi phạm. Qua kiểm tra, liên quân 141 đã phát hiện 499 vụ, với 546 đối tượng có dấu hiệu phạm tội, bàn giao cho các đơn vị điều tra, xử lý theo thẩm quyền, thu giữ 23 súng các loại, gần 300 gam ma túy, hàng trăm dao kiếm, bình xịt hơi cay, dùi cui…
Ghi nhận, biểu dương những thành tích, kết quả mà 15 tổ công tác đã đạt được thời gian qua, đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch UBATGTQG cho rằng: Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước tạo dựng được một mô hình vừa đảm bảo tốt TTATGT, vừa phòng ngừa hiệu quả tội phạm. “Tại TP.HCM cũng đã ra mắt các tổ học tập theo mô hình 141 của Hà Nội. Sau 20 ngày triển khai, tội phạm trên địa bàn TP đã giảm mạnh” – ông Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin.
Chia sẻ với các đại biểu, CBCS dự hội nghị, Đại tá Nguyễn Đức Chung cho biết, vào quý II-2011, trong một cuộc họp của UBATGTQG, TP Hà Nội từng bị Thủ tướng Chính phủ “nhắc” về tình trạng người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm nhiều nhất toàn quốc. “Đây là tiền đề, căn cứ để Công an Hà Nội quyết định triển khai mô hình 141, nhằm hỗ trợ CSGT tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, tỷ lệ người điều khiển xe máy đội mũ bảo hiểm trên địa bàn Hà Nội đã tăng lên rất nhiều”.
Video đang HOT
Không nhắc lại những thành tích, kết quả đã đạt được, đồng chí Giám đốc CATP dành nhiều thời gian để gợi mở cho lực lượng 141 những cách làm hay, đồng thời nghiêm khắc chấn chỉnh những biểu hiện vi phạm. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của “lính” hình sự trong liên quân, Giám đốc CATP chỉ đạo lực lượng này phải tổ chức trinh sát trước tại những địa bàn có số đối tượng hoạt động tệ nạn xã hội; các ổ nhóm tội phạm, quy luật hoạt động của số đối tượng tỉnh ngoài về Hà Nội mua bán ma túy, móc nối tổ chức cờ bạc, mại dâm… để phối hợp, cắm chốt bắt giữ.
“Kết quả, thành tích của lực lượng 141 đã có rất nhiều lời ngợi khen, song Ban Giám đốc CATP cũng nhận được thông tin từ báo chí, phản ánh của người dân về những thiếu sót, hạn chế trong lễ tiết, tác phong của CBCS khi thi hành công vụ, đây đó còn cán bộ có biểu hiện tiêu cực. 141 rất khó khăn để xây dựng “thương hiệu”, tôi mong muốn từng CBCS trực tiếp thực thi nhiệm vụ nâng cao ý thức trách nhiệm, lễ tiết tác phong, tinh thần tự giác, tuyệt đối không được có hành vi tiêu cực, đặc biệt là mãi lộ” – Đại tá Nguyễn Đức Chung căn dặn. Đồng chí Giám đốc CATP cũng cho biết, bên cạnh việc triển khai hàng loạt các giải pháp chăm lo đời sống CBCS, Công an Hà Nội cũng xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm kỷ luật. “Những ngày cuối năm 2012, tôi đã ký quyết định điều chuyển khỏi lực lượng CSGT 14 CBCS trong 3 năm qua không hoàn thành nhiệm vụ, có biểu hiện tiêu cực khi thi hành công vụ” – Đại tá Nguyễn Đức Chung nói.
Đại tá Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội trao quyết định khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc
142 phải “vươn” rộng hơn
“Tập trung đấu tranh trấn áp mạnh tội phạm hoạt động trên các tuyến vận tải hành khách công cộng (Kế hoạch 142), các địa bàn công cộng, lễ hội, bệnh viện đã góp phần kiềm chế các loại tội phạm trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản…, không để số đối tượng này hoạt động công khai, lộng hành, gây bức xúc trong dư luận nhân dân như thời gian trước đây” – Đại tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng CSHS CATP Hà Nội điểm lại những dấu ấn, kết quả nổi bật sau 1 năm kể từ khi kế hoạch 142 ra đời. Theo chỉ huy Phòng CSHS, 1 năm qua, 10 tổ công tác 142 đã phối hợp chặt chẽ cùng công an các đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng tuần tra, mật phục, kiểm soát hành chính gần 200 lượt tại các bến xe, nhà ga, bệnh viện, bắt giữ gần 900 đối tượng cò mồi, dẫn dắt, ép khách, gây mất TTCC; phát hiện, xử lý 170 vụ, 236 đối tượng có hành vi cướp giật, trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản… Chia sẻ về hiệu quả của mô hình này, đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch UBATGTQG khẳng định: 142 góp phần quan trọng khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng, góp phần đảm bảo TTATGT thành phố.
Báo cáo kết quả kế hoạch 142 với đồng chí Phó Chủ tịch UBATGTQG và lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH – Bộ Công an, đồng chí Giám đốc CATP nhấn mạnh, kế hoạch này không chỉ dừng lại ở việc đấu tranh với số đối tượng trộm cắp, móc túi trên các tuyến vận tải công cộng, bến xe buýt, nhà ga, sân bay mà đang mở rộng địa bàn, đấu tranh với tội phạm, “cò” tại các bệnh viện.
Đề cập đến tình trạng cò mồi, dẫn dắt, ép khách tại các bến xe, Đại tá Nguyễn Đức Chung cho hay, khảo sát một số bến xe trên địa bàn Hà Nội trong 4 ngày nghỉ lễ Tết Dương lịch vừa qua cho thấy, vẫn còn tình trạng xe khách liên tỉnh chạy lòng vòng ngoài bến để đón, trả khách. Về vi phạm này, Giám đốc CATP kiến nghị đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội xem xét, giảm xếp “lốt” tại các bến xe để tránh quá tải. “Như tuyến xe khách Hà Nội – Thái Bình, lượng khách một ngày chỉ khoảng 20 “lốt”, nhưng Sở GTVT cấp 40 “lốt”. Bình thường 30 phút/chuyến, nay chỉ còn 15 phút/chuyến dẫn đến việc các nhà xe không thể đón đủ khách, buộc phải chạy lòng vòng ngoài bến” – Đại tá Nguyễn Đức Chung dẫn chứng.
Hàng năm, CATP đều triển khai nhiều lực lượng xử lý vi phạm này, song không xuể. Nếu việc cấp “lốt” của Sở GTVT và Giám đốc các bến xe hợp lý hơn, chắc chắn vi phạm này sẽ giảm – Giám đốc CATP cho biết, đồng thời yêu cầu lực lượng 142 tăng cường hóa trang, mật phục tiếp tục xử lý số đối tượng cò mồi, phối hợp với CSGT kiên quyết phạt, tạm giữ xe khách chạy lòng vòng phía ngoài bến.
Ghi nhận, biểu dương những thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân tham gia các tổ công tác 141, 142, nhân dịp này, BCĐ 197 thành phố đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 25 cá nhân.
Theo ANTD
Nạn móc ngoặc nuôi dưỡng cò mồi
Đổ lỗi cho nạn cò mồi tại các bệnh viện, phần lớn người ta hay viện ra những lý do muôn thuở: Quá tải. Tuy nhiên, với những người làm công tác đảm bảo an ninh trật tự, câu chuyện này lại được nhìn nhận dưới góc độ khác. Một cán bộ công an còn nói thẳng: "Dẹp "cò", chúng tôi làm chỉ trong nửa buổi sáng là xong. Nhưng thử hỏi có dẹp được không nếu bệnh nhân chấp nhận chi tiền nhờ "cò" để được việc. Nếu không có người tiếp tay, "cò" không bao giờ có đất sống".
"Cò" thường xuyên trà trộn vào bệnh nhân tại cổng BV Mắt Trung ương
Truy quét cũng chỉ giải quyết phần ngọn
Thời gian trước đây, bệnh viện Saint Paul vốn là mảnh đất khá màu mỡ để cho các loại "cò" hoạt động. Trước cổng bệnh viện này luôn thường trực hàng chục quán cóc chuyên bán trà đá vỉa hè. Với hai mặt tiền là phố Chu Văn An và Trần Phú, chính những quán cóc này là nơi đám "cò" vạ vật và tăm tia con mồi. Trung tá Nguyễn Văn Huệ - Phó trưởng Công an phường Điện Biên, quận Ba Đình kể lại: "Có những lúc, nạn "cò" trở nên nhức nhối tới mức, ngoài việc dắt mối chúng còn cướp giật khi những "thương vụ chăn dắt" bệnh nhân không thành". Điển hình như ngày 13-10, đối tượng Lê Văn Bình, trú tại phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) sau khi giở chiêu "tiếp thị" với bệnh nhân không thành đã xoay ra móc túi. Rất may sau đó, lực lượng công an đã bắt được đối tượng và thu hồi tang vật trả người bị hại.
Để triệt phá những tụ điểm này, Công an phường Điện Biên đã kiên quyết dẹp toàn bộ hàng rong, quán nước lấn chiếm vỉa hè ở tất cả những tuyến phố trọng điểm. Kết quả ban đầu khá mỹ mãn: Bệnh viện Saint Paul sạch bóng quán xá và những đối tượng tụ tập làm dịch vụ ăn theo. Những tuyến phố lân cận cũng nhờ đó mà trở nên thông thoáng hơn. Tuy nhiên, việc duy trì tình trạng này cũng khá mệt mỏi. Chúng tôi phải thường xuyên cắm chốt từ 6h - 22h hàng ngày, đồng thời phải có 1 tổ tuần tra liên tục và xử lý quyết liệt không để tình trạng "đá ném ao bèo" - Trung tá Huệ cho biết.
Cũng theo Trung tá Huệ, việc trấn áp và truy quét các đối tượng cò mồi phải luôn gắn với giải tỏa hàng quán. Nói một cách hình ảnh, "cò" cũng giống như cỏ dại, chỉ đợi bóng các lực lượng chức năng rút đi là chúng đua nhau mọc. Thậm chí, khi bị xử lý mạnh chúng lại rút ngay vào trong khuôn viên bệnh viện giả làm người nhà bệnh nhân. Trong khi đó, theo chức năng của mình, bên trong khuôn viên bệnh viện là phạm vi trách nhiệm của lực lượng bảo vệ. Nếu những lực lượng này không kiên quyết đẩy đuổi thì mọi nỗ lực của công an cũng bằng... hòa.
Nhờ qua "cò", PV ANTĐ đã có thể vào khám tại bệnh viện K
và bệnh viện Mắt Trung ương hết sức nhanh chóng và thuận tiện
Bệnh viện cần tự làm sạch
Trong cuốn sổ dày cộp chuyên theo dõi và xử lý đối tượng của Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm trên tuyến và địa bàn, Phòng CSHS Công an thành phố Hà Nội, chúng tôi đếm được hàng chục cái tên của đám cò mồi chuyên ký sinh tại các bệnh viện. Nhắc đến những đối tượng này, Trung tá, Đội phó Lê Kim Đồng lắc đầu ngán ngẩm: "Chúng tôi bắt và xử lý liên tục. Nhưng theo luật thì không có trường hợp nào phải xử lý hình sự. Và cứ hễ thả ra là lại đâu đóng đấy".
Theo Trung tá Đồng, việc để cò mồi tồn tại trước tiên cần nhắc tới trách nhiệm của chính các bệnh viện. Có một thực tế không thể chối cãi là bệnh nhân khi thông qua "cò", chấp nhận chi một khoản phí bôi trơn thì đều được việc. Họ được chen ngang, được bác sỹ khám nhanh và ân cần hơn hẳn những người đi khám theo cách xếp số thứ tự".
Trong suốt quá trình thực tế tại 2 bệnh viện Mắt Trung ương và bệnh viện K chúng tôi ghi nhận, tính trung bình, nếu 1 "cò" dắt được 5-10 bệnh nhân/ngày và cứ một bệnh nhân, "cò" ăn được 100 nghìn thì một ngày chúng bỏ túi ít nhất 500 - 1 triệu đồng. Những món lợi nhuận như vậy dĩ nhiên các nhân viên y tế cũng có phần. Có một bài học mà bất cứ "cò" nào cũng sẽ thuộc nằm lòng khi bị công an sờ gáy, đó là nhất quyết: "Không quen bác sỹ nào". Nếu bị bắt quả tang thì lập tức chuyển hướng: "Đây là thỏa thuận miệng, thuận mua vừa bán. Bệnh nhân nhờ thì em giúp chứ có ai ép họ đâu?". Vậy là thoát hiểm. Cùng lắm thì chỉ bị phạt hành chính rồi... cho về.
Thực tế, bản thân các lãnh đạo bệnh viện không phải không biết nạn "cò" đang tồn tại ngay trước cổng - Trung tá Đồng cho biết. Khi chúng tôi họp giao ban với họ, bệnh viện nào cũng than rằng cò mồi rất phức tạp. Nhưng khi chúng tôi hỏi: Các bác sỹ khi khám bệnh cho những bệnh nhân mà "cò" đưa đến có biết không? Cò mồi vào trong bệnh viện, bảo vệ của các anh có biết không? Chắc chắn là biết bởi chúng tụ tập ở đó suốt ngày. Vậy tại sao "cò" ra vào tự do mà bảo vệ làm ngơ thì không ai trả lời được. Chính bảo vệ đã không chịu làm hết trách nhiệm của mình. Họ vẫn còn tâm lý e ngại hoặc không loại trừ việc ít nhiều có quan hệ với chính các đối tượng này. Nếu nhân viên bệnh viện còn dung túng, tiếp tay cho "cò" thì mọi cố gắng của công an cũng trở nên thừa thãi. Gốc của vấn đề nằm ở đó.
Ngoài việc các bệnh viện cần tự làm trong sạch đội ngũ cán bộ của mình, tới đây chúng tôi sẽ lập hồ sơ các đối tượng cò mồi vi phạm nhiều lần trong một năm để đưa đi cơ sở giáo dục. Có lẽ biện pháp này sẽ là liều thuốc mạnh để trấn áp dứt điểm nạn "cò" bệnh viện - Trung tá Đồng cho biết.
Đại tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội: Nếu không có sự tiếp tay của nhân viên y tế đang công tác tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội thì "cò" khó có thể qua mặt lực lượng bảo vệ bệnh viện vào các khoa, phòng khám. Chính vì vậy, để triệt tận gốc "cò" bệnh viện thì vấn đề cốt lõi là ngành y tế cần có biện pháp nâng cao y đức của đội ngũ nhân viên y tế, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm những y bác sỹ cố tình vi phạm, tiếp tay cho "cò". Lực lượng CSHS - CATP tiếp tục phối hợp với công an các quận, phường tăng cường xử lý, "quét vét" số "cò" hoạt động tại cổng các bệnh viện, ngăn không cho chúng tiếp xúc với bệnh nhân...
Theo ANTD
TPHCM: Một học sinh đánh giáo viên chủ nhiệm chảy máu đầu Ngày 31-10, thầy L.Đ.H., giáo viên môn toán của Trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6 - TPHCM) bị một học sinh lớp 10C20 đánh ngay trong giờ học. Theo lời kể của các học sinh lớp 10C20, học sinh tên Huy của lớp 10C20 vi phạm nội quy nhà trường. Đến tiết học thứ hai của lớp 10C20 là môn toán, cũng...