Phải lòng những điều bình dị ở mảnh đất An Giang
‘Khi chưa tới An Giang, tôi không nghĩ nơi này đáng để đi đến như vậy. Và rồi, lang thang khắp miền đất trù phú, tôi góp nhặt cho mình những trải nghiệm bình dị mà say mê’.
Về thăm An Giang non nước hữu tình
Không chỉ mang vẻ đẹp đặc trưng của miền sông nước Tây Nam Bộ, An Giang sở hữu những nét riêng, mê hoặc du khách. Ấn tượng đầu tiên miền đất này để lại trong tôi chính là những công trình kiến trúc độc đáo của đạo Phật như chùa Vạn Linh, Lầu, Kim Tiên, Tạ Pạ…
Đặc biệt phải kể đến pho tượng Phật khổng lồ, ngồi uy nghiêm giữa chốn sơn lâm hùng vĩ ở núi Cấm, tác phẩm được công nhận là tượng Phật Di lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở châu Á. Đối lập với vẻ thanh tịnh và linh thiêng của những ngôi chùa, rừng tràm Trà Sư trù phú lại mang đến trải nghiệm mới lạ khác.
Vào mùa nước nổi, khu rừng phủ tấm thảm màu xanh ngút ngàn của bèo cám, khẽ khuấy động theo từng nhịp chèo của con thuyền lả lướt trên mặt nước. Một thiếu sót khi nói về An Giang mà không kể đến thốt nốt cùng những cánh đồng trải dài đến tận chân trời. Hình ảnh luôn làm nao lòng người ghé thăm miền quê sông nước hữu tình này. Thốt nốt dường như là nét chấm phá tô điểm cho bức tranh An Giang thêm phần mỹ miều.
Những hàng cây vươn mình tỏa bóng trên cánh đồng cỏ cháy, khô khốc và đầy bụi, lạ mà quen, khiến những đôi chân từng lang thang tới luôn mong mỏi ngày trở lại.
Video đang HOT
Đặc sắc Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam
Hàng năm, cứ đến tháng 4 (âm lịch) là đông đảo du khách trong và ngoài nước nô nức về An Giang hành hương, chiêm bái và tham dự Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc, An Giang).
Một lễ hội đặc sắc có từ lâu đời, mang đậm giá trị văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người dân vùng sông nước Nam Bộ.
Truyền thuyết kể rằng, cách đây hơn 200 năm, núi Sam còn hoang vu, dân làng lên núi phát hiện pho tượng cổ ngồi trên bệ đá sa thạch. Trong thời gian đó, quân Xiêm thường xuyên quấy nhiễu nước ta, có lần chúng lên đỉnh núi Sam thì gặp pho tượng cổ này.
Dù nhiều lần ra sức khiêng tượng xuống núi nhưng cố gắng thế nào cũng không thể di chuyển tượng được nên phải bỏ lại. Dân làng thấy vậy nên có ý muốn "thỉnh" tượng xuống núi để gìn giữ và phụng thờ. Bao nhiêu tráng đinh lực điền được huy động nhưng không sao nhấc pho tượng lên được.
Đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái vào dịp Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam
Các bô lão trong làng cầu khấn thì có một bé gái đang đùa giỡn bỗng dưng ngồi lại, mặt đỏ bừng, đầu lắc lư mách bảo: "Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh để đưa bà xuống núi".
Lạ thay, 9 cô gái khiêng tượng bà đi một cách nhẹ nhàng. Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên nổi. Dân làng hiểu rằng bà muốn ngự nơi đây nên đã lập miếu thờ.
Ban đầu, miếu bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, sau nhiều lần trùng tu, miếu bà mới được hoàn chỉnh và khang trang như hiện nay.
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là một công trình kiến trúc dạng chữ "Quốc" hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp 3 tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền lướt sóng. Tường ốp gạch men, các khung cửa bằng gỗ quý được chạm trổ hoa văn công phu, tinh tế.
Bên trong có võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng làm việc của Ban Quý tế, bên ngoài là khuôn viên sân rộng rãi, có hàng rào bao quanh và cổng tam quan. Ngay giữa chánh điện, tượng Bà Chúa Xứ núi Sam đội mão, mặc áo bào thêu long phụng ngồi uy nghi với nét mặt hiền hòa, phúc hậu.
Theo các nhà khảo cổ học, căn cứ vào chất liệu và hình dáng của pho tượng thì đây là tác phẩm điêu khắc có từ thời trung cổ.
Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ
Hàng năm, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (phường Núi Sam) thu hút hàng triệu lượt du khách ở khắp nơi trong và ngoài nước đến để tham quan, chiêm bái.
Đông nhất là vào thời điểm diễn ra Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam từ ngày 22 đến 27-4 (âm lịch). Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: lễ phục hiện rước tượng bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm bà, lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc.
Trong đó, ngày 22-4 sẽ diễn ra lễ phục hiện rước tượng bà từ bệ đá sa thạch năm xưa trên đỉnh núi Sam về miếu bà, đến đêm 23 rạng sáng 24-4 sẽ cử hành lễ Tắm bà.
Lễ Túc yết và lễ Xây chầu là 2 lễ chính sẽ được cử hành vào đêm 25 rạng sáng 26-4 với nghi thức cúng tế cầu cho mưa thuận gió hòa, đất đai phì nhiêu, mùa màng bội thu, dân chúng khỏe mạnh, yên vui. Và kết thúc Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào ngày 27-4 sau khi cử hành lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc.
"Năm nào cả gia đình tôi cũng sắp xếp công việc về TP. Châu Đốc để cúng Bà Chúa Xứ núi Sam ít nhất 1 lần để cầu mong bình an, sung túc, sức khỏe, hạnh phúc và công việc làm ăn thuận lợi" - cô Nguyễn Thị Kim Thoa (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Năm 2001, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Từ đó, ngoài phần lễ truyền thống, phần hội được tổ chức sôi nổi với các chương trình sân khấu hóa, tuần lễ văn hóa - thể thao, trò chơi dân gian, trình diễn văn nghệ dân tộc, múa lân - sư - rồng... phục vụ nhân dân và du khách.
Ngày 19-12-2014, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống.
Năm 2018, Khu du lịch núi Sam với cảnh quan thiên nhiên độc đáo cùng quần thể di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, gồm: miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang gắn với Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Khu du lịch quốc gia với định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa tâm linh của vùng ĐBSCL và cả nước.
Hội An bình dị, mến khách và hiện đại qua nét vẽ của du khách Australia Nữ du khách Anna Barnes người Australia đã nhiều lần đến thăm Việt Nam, đặc biệt là Hội An. Trên facebook cá nhân và trang web do cô tạo (Artfoodculture), cô dành một mục lưu lại những kỷ niệm về du lịch ở Việt Nam với hàng loạt các bức tranh cô ký họa, nhất là về Hội An. Với nữ du khách...