Phải làm sao để “ép” mẹ tôi lấy chồng?
Câu chuyện của chúng tôi khá dài bởi vì nó đã đi cùng mấy mươi năm đổi thay của đất nước. Tuy vậy, nó cũng chỉ là những chuyện bình thường của mỗi gia đình Việt Nam. Trong đó có những vui buồn, khổ đau, chia ly, sum vầy… Nhưng điều quan trọng nhất là tôi muốn mọi người hãy giúp mẹ tôi có cái nhìn thoáng hơn về tình yêu, hạnh phúc…
.. Mẹ tôi là con gái nhà giàu. Ông ngoại trước làm quan chức chính phủ, bà ngoại là chủ hãng buôn. Ông bà có 7 người con, mẹ tôi là út nên được cưng nhất nhà. Năm mẹ 18 tuổi, ông ngoại hứa gả mẹ cho con trai một người bạn. Thế nhưng mẹ tôi không ưng bởi đã trót yêu một người con trai khác mà mẹ quen trong phong trào học sinh sinh viên.
Hôm ông bà ngoại hẹn đàng trai đến xem mắt, mẹ tôi trốn ở nhà bạn đến tối mới về. Bị mất mặt với bạn bè nên hôm đó, ông giận lắm. Dù bà ngoại van xin nhưng ông cũng nhất quyết “trị” con gái cưng đến nơi đến chốn. Trận đòn 20 roi kèm theo hình phạt bổ sung là cấm túc 30 ngày khiến mẹ tôi đổ bệnh, sốt li bì, không ăn, không uống… Thế nhưng ông ngoại rất kiên gan, nhất quyết không chịu thua con gái.
Khi mẹ tôi hết bệnh, ông ra điều kiện: “Phải qua nhà bác Mậu để xin lỗi người ta, sau đó ba má chọn ngày tốt làm đám hỏi luôn”. Mẹ tôi không nói không rằng, cũng nghe lời ông ngoại đi qua nhà người ta xin lỗi. Thế nhưng sau đó, mẹ đã quỳ xuống khẩn cầu: “Xin hai bác và ba má đừng ép con vì như vậy con sẽ không có hạnh phúc. Vợ chồng mà không có tình yêu thì đâu có lý do gì để sống với nhau đến bạc đầu?”.
Mẹ đã làm cho cả hai gia đình khó xử. Cuối cùng, người con trai bác Mậu phải lên tiếng: “Em Ngọc đã nói như vậy thì con cũng mong ba má và hai bác đừng ép em ấy. Tình yêu mà không có sự tự nguyện thì còn có ý nghĩa gì nữa? Con xin rút lại ý định cưới em Ngọc làm vợ”.
Vậy là mọi việc được giải quyết êm xuôi, tình cảm giữa gia đình hai bên vẫn nguyên vẹn. Thế nhưng ông ngoại vẫn không chấp nhận chàng trai mà mẹ tôi đã đem lòng yêu mến. Ông bảo: “Nếu con cứ khăng khăng muốn lấy nó thì ba kể như con đã sút nôi…”.
Mối quan hệ giữa ông ngoại và mẹ tôi căng thẳng không có điểm dừng. Đỉnh điểm của nó là những ngày tháng 4-1975. Ông bà ngoại quyết định đưa các cậu, dì ra nước ngoài. Mẹ tôi đã trốn ở lại. Thế là cuộc nhân duyên của ba mẹ tôi “tự nhiên thành”. Sau đám tuyên bố, ba dọn về sống cùng mẹ trong ngôi nhà của ngoại.
Những ngày đầu giải phóng khó khăn là vậy mà 3 chị em tôi thi nhau ra đời, đứa này cách đứa kia 2 năm. Những đứa con ra đời, vừa là hạnh phúc nhưng cũng chất thêm gánh nặng lên vai những bậc làm cha mẹ. Cô tiểu thư cành vàng lá ngọc là mẹ tôi trước kia chưa từng làm động móng tay giờ cũng phải buông cái này, bắt cái kia để kiếm cái ăn cho 3 chiếc tàu há mồm. Cuối cùng, không thể chịu đựng nổi cuộc sống ở thị thành, ba tôi quyết định đưa vợ con lên vùng kinh tế mới ở Lâm Hà (Lâm Đồng). Ba nói, dù sao thì lên đó cũng có rau cháo mà ăn, có nhà nước lo cho thời gian đầu. Mọi thứ từ từ sẽ tính.
Sau này mẹ tôi kể lại, do ba tôi vốn dĩ cũng là thư sinh, chỉ quen công việc bàn giấy chứ cầm cái cuốc, cái phảng được chừng 5 phút thì đã đổ mồ hôi mẹ, mồ hôi con. Được chừng 6 tháng thì ba tôi bàn: “Coi như em và mấy đứa nhỏ cũng tạm ổn rồi. Anh về thành phố vì anh em đang chờ”. Mẹ tôi hốt hoảng: “Anh bỏ em ở đây một mình sao?”. Ba tôi nói, mỗi tháng ba sẽ lên, ở đây có bà con chòm xóm ngay bên cạnh, mẹ chẳng có gì phải lo lắng. Mẹ tôi mếu máo: “Nhưng anh biết là em rất sợ ma mà?”. Không chỉ “sợ ma” mà mẹ tôi sợ bất cứ tiếng động lạ nào trong đêm, kể cả tiếng tặc lưỡi của con thạch sùng!
Thế nhưng ba tôi đã thuyết phục mẹ bằng lý lẽ: “Hai vợ chồng mình phải có một người đi làm nhà nước để mai mốt còn lo cho con. Khi nào cuộc sống đỡ hơn thì chúng nó cũng phải về lại Sài Gòn chứ không lẽ ở đây mãi sao?”. Mẹ tôi nói, một khi người đàn ông đã quyết thì rất khó lay chuyển. Vậy là sau nhiều đêm thức trắng, mẹ tôi đồng ý cho ba trở về thành phố. Năm đó tôi 7 tuổi, đứa em út của tôi mới hơn 3 tuổi.
Tôi không đủ câu chữ để diễn đạt hết những vất vả của mẹ tôi khi phải một nách 3 con nhỏ ở nơi khỉ ho, cò gáy ấy. Mẹ nuôi gà, nuôi heo, trồng rau, củ… Dù vậy, mỗi khi ba lên, mẹ có thứ gì ngon nhất lại để dành cho ba, ăn không hết thì gói ghém mang về.
Ba về thành phố sống trong ngôi nhà lớn của ngoại. Còn mẹ và chúng tôi phải vật lộn trong ngôi nhà không có trụ cột… Nhưng tôi chưa bao giờ nghe mẹ than thở, trách hờn. Chỉ thấy thỉnh thoảng mẹ lại lên đồi ngồi rất lâu. Khi ấy, tôi còn quá bé để hiểu được những gì đang diễn ra trong suy nghĩ của mẹ.
Cho đến một hôm, trên đường đi làm rẫy về, mẹ bị gã đàn ông trong xóm đón đường định sàm sở. Từ hôm đó, tối ngủ mẹ lại để con dao dưới gối…
Video đang HOT
Sau chuyện đó chừng 4 tháng, mẹ đột ngột thu dọn hành lý, kêu người bán hết heo quéo, gà vịt… Mẹ bảo tôi: “Mình về với ba thôi, ở đây mẹ sợ lắm. Có ba dù sao cũng đỡ hơn”. Năm đó tôi 11 tuổi và đã có “thâm niên” gần 5 năm ở vùng kinh tế mới.
Nghe nói được về Sài Gòn với ba, chị em tôi sướng rơn, đứa nào cũng lăng xăng phụ mẹ dọn dẹp, gom góp đồ đạc… Ngày chúng tôi quay về Sài Gòn trời bỗng đổ mưa thật to. Mẹ tôi mỉm cười: “Trời mưa là hên lắm đây”. Rất lâu rồi tôi mới thấy mẹ cười vui như vậy.
Hồi đó xe cộ còn rất khó khăn, đường sá cũng không tốt như bây giờ nên đi từ sớm mà mãi tối mịt chúng tôi mới về đến Sài Gòn. 4 mẹ con chất lên chiếc xích lô máy chật cứng. Tuy vậy, mấy chị em tôi rất háo hức. Nghĩ tới việc từ nay sẽ được sống ở nơi đông đúc, nhộn nhịp này, tôi có cảm giác mình đang mơ. Mẹ tôi ôm chặt thằng út trong lòng, mắt ngó quanh quất như muốn tìm lại những dấu tích của những ngày thơ dại. Tôi biết mẹ đang nghĩ về ông bà ngoại và các cậu dì. Hơn 10 năm rồi, mẹ không hề có tin tức của họ…
Chiếc xe xích lô ngừng ở cổng nhà ngoại. Tôi láng máng nhận ra những nét quen thuộc của nơi chốn mà mình đã sống những năm tháng đầu đời. Thế nhưng trong nhà đèn đuốc tối thui. Không có cách gì để liên hệ với ba nên chúng tôi đành phải chờ. Thằng út mệt lã ngủ vùi trên tay mẹ. Tôi và đứa em kế ăn hết phần khoai mẹ nấu rồi cũng rúc vào đống đồ đạc ngủ ngon lành. Lâu lắm mẹ mới đánh thức chúng tôi: “Dậy… dậy đi, ba về rồi”. Lúc đó đường phố đã vắng hoe.
Sau này mẹ kể, tối hôm đó khi “đi họp” về, trông thấy vợ con nheo nhóc chờ trước cổng, ba đã sững sờ. Khi chúng tôi ngủ, ba mới bắt đầu cật vấn, tại sao mẹ quyết định về mà không hỏi ý kiến, không chờ ba thu xếp… Mẹ kể lại chuyện bị gã đàn ông hàng xóm sàm sỡ, ba lặng yên hồi lâu rồi chép miệng: “Thôi, chuyện đã lỡ rồi, em và tụi nhỏ cứ nghỉ ngơi đi rồi anh sẽ tính”.
Trong thái độ của ba có gì đó rất lạ nhưng mẹ không tiện hỏi. Mấy hôm sau, ba xin cho mẹ vào làm công nhân ở nhà máy dệt trên Tân Bình. Còn chị em tôi thì rong chơi cho hết mấy tháng hè…
Cuộc sống lúc ấy so với bây giờ là quá vất vả, thiếu thốn nhưng có lẽ do ai cũng vậy nên chúng tôi thấy bình thường. Mẹ làm công nhân, lương chẳng bao nhiêu, thỉnh thoảng lại thấy mẹ mang về đủ thứ nhu yếu phẩm do nhà máy phát, trong đó có đường. Mỗi lần như vậy, mẹ hay nấu chè cho chị em tôi ăn. Có lẽ đó là món ăn vặt ngon nhất mà chúng tôi được thưởng thức. Cả ba và mẹ đều đi làm, khi ấy tôi đã mười mấy tuổi nên có thể đưa đón hai em, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa… Với tôi, những việc ấy là quá nhẹ nhàng so với những vất vả ở vùng kinh tế mới.
Cho đến một lần, ba tôi đi công tác rất lâu vẫn không thấy về. Tôi hỏi thì mẹ lại nói: “Ba làm chuyện quốc gia đại sự, làm sao mẹ biết được?”. Rồi ba cũng về nhưng được mấy ngày thì lại đi. Lần này ba mang theo rất nhiều đồ đạc. Ba cho tiền tôi và dặn: “Con lớn rồi, phải phụ mẹ trông coi em. Ba đi công tác, chắc lâu lắm mới về”.
Tôi nghe vậy thì biết vậy dù trong lòng cũng thắc mắc. Bẳng đi một thời gian khá lâu, thằng em kế tôi về thỏ thẻ: “Chị hai, em mới thấy ba…”. Nó bảo thấy ba tôi chở một người phụ nữ và một đứa bé trên xe máy dừng trước sân bóng nó tập trên đường Đinh Tiên Hoàng. Nó không dám gọi vì nửa tin, nửa ngờ. Thế nhưng trái tim nó mách bảo, đó chính là ba của mình.
Chúng tôi quyết định phải hỏi mẹ. Thoạt đầu mẹ còn gạt đi nhưng tôi gay gắt: “Chúng con đã lớn, mẹ không việc gì phải giấu. Có phải ba bỏ mình để theo người khác không?”. Tôi đã dồn mẹ đến bước đường cùng. Bao nhiêu khổ đau dồn ứ trong lòng đã không thể kềm giữ được nữa. Mẹ gục xuống, đôi vai rung bần bật.
Mẹ khóc không thành tiếng. Chỉ có chị em tôi là nức nở. Thái độ của mẹ đã thay câu trả lời. Từ nay chúng tôi chính thức trở thành những đứa trẻ mồ côi dù ba tôi vẫn hiện hữu trên đời. Ông đã bỏ chúng tôi với lý do được viện dẫn là vì mẹ tôi có quan hệ với người nước ngoài nên gây trở ngại cho con đường tiến thân của ông.
Năm ấy mẹ mới ngoài ba mươi nhưng trông già nua, khắc khổ như ngoài năm mươi. Mẹ lầm lũi như một chiếc bóng, chỉ biết giấu mình vào công việc để quên đi nỗi buồn.
Rồi ngoại tôi trở về. Đó là năm 1993. Mẹ tôi gục đầu vào ngực ông ngoại. Không có câu xin lỗi, không có lời tha thứ nhưng những hờn giận trước đây bỗng nhiên được cởi bỏ. Ông ngoại tôi cứ vuốt mãi bờ vai rung rung của mẹ, trong lúc bà ngoại thì liên tục đưa khăn lên lau nước mắt…
Có sự trợ giúp của ngoại và các cậu dì, cuộc sống của mẹ con tôi đã dễ thở hơn rất nhiều. Dù vậy, mẹ vẫn tiếp tục đi làm ở nhà máy vì nơi ấy giờ đã thành ngôi nhà thứ hai của mẹ.
Rồi tôi lấy chồng, thằng em kế cũng cưới vợ. Sẽ chẳng có gì để bàn nếu như không có một chuyện khó xử xảy ra. Hôm đám cưới em trai tôi, không hẹn mà cùng lúc xuất hiện 2 người đàn ông trong tiệc cưới. Đó là ba tôi và bác Bình- người mà trước đây ông bà ngoại hứa gả mẹ tôi. Người đàn bà thứ hai của ba tôi đã mất vì tai nạn giao thông còn bác Bình đang định cư ở Canada thì cũng đã ly hôn với người vợ ngoại quốc.
Ngay sau tiệc cưới, bác Bình đã nói thẳng với ba tôi: “Lần trước anh đã thắng nhưng anh không mang hạnh phúc đến cho Ngọc, vậy thì lần này mong anh đừng tranh giành với tôi nữa”. Ba tôi nhẹ nhàng: “Cái này tùy thuộc ở Ngọc và mấy đứa nhỏ. Tôi có lỗi với mẹ con chúng nên cũng muốn được đền bù”.
Riêng mẹ tôi vẫn im lặng. Cho đến giờ, khi mẹ đã nghỉ hưu thì mẹ vẫn chỉ thui thủi một mình. Bác Bình vẫn gọi điện, thỉnh thoảng về thăm và cho biết có ý định về Việt Nam ở hẳn. Bác bảo tôi: “Bác già rồi, không có ý định ve vãn mẹ cháu như thời trai trẻ nhưng bác vẫn muốn mẹ cháu được ấm áp lúc tuổi xế chiều”. Còn ba tôi thì chỉ có thể gặp gỡ chúng tôi và mấy đứa cháu ngoại. Ông bị mẹ tôi cấm cửa.
Hiện tại, 3 chị em tôi cũng không biết tính thế nào. Mỗi lần nhắc tới hai người đàn ông ấy thì mẹ lại gạt đi: “Không có họ, mẹ vẫn sống tốt đó thôi”.
Tuy nói vậy nhưng tôi biết trong lòng mẹ đang có một khoảng vắng rất lớn. Mẹ thấy có lỗi với bác Bình nên không dám bước tới.
Chúng tôi chẳng biết làm sao để… “ép” mẹ phải lấy chồng…
Theo Bưu Điện Việt Nam
Xem mặt em xong là anh 'lặn'
Sau khi gửi hình cho anh xem mặt, anh ấy không còn nhắn tin và điện thoại cho em nữa. Em phải làm sao đây?
Em đang rất băn khoăn về chuyện tình cảm nên nhờ chị tư vấn giúp.
Em năm nay 24 tuổi, sinh ra trong 1 gia đình đủ ăn đủ mặc và có 3 chị em gái, em là thứ 3 trong gia đình.Từ nhỏ em đã rất thiệt thòi vì không xinh đẹp bằng hai chị gái. Nhưng bù lại em được ngoại hình cũng ổn.
Song tình yêu của em có nhiều đau khổ, em đã chia tay 2 lần và hiện tại em đang rất buồn. Nguyên nhân là do một người em của em có người bạn làm trong công ty viễn thông và anh đó đã cho số điện thoại của em cho anh bạn làm chung cơ quan với anh, rồi 2 đứa em có nhắn tin và điện thoại nói chuyện cùng nhau rất nhiều.
Anh đã tâm sự chuyện tình yêu trước đây và gia đình anh cho em nghe. Anh là người Bắc vào trong miền Nam làm việc được 1 tháng, anh là con trai 1, qua lời anh nói thì gia đình anh rất giàu, ba làm kiếntrúc sư còn mẹ thì ở nhà nội trợ và dạy con, anh nói chuyện rất hay và cởi mở. Em cảm thấy chúng em nói chuyện với nhau khá hợp.
Em và anh ấy thường nói chuyện điện thoại (Ảnh minh họa)
Vì công việc của anh rất bận rộn nên tụi em chỉ nói chuyện với nhau vào buổi tối. Em có hỏi anh muốn cò người người yêu và người vợ sau này thế nào? Anh nói rằng là chỉ cần người đó dể thương, không cần đẹp và biết đều với ba mẹ anh là được. Nói chuyện được 2 tuần thì em và anh trao đổi hình xem để biết mặt nhau. Đúng như em suy nghĩ anh rất công tử và thư sinh, nhưng từ lúc em cho anh biết mặt em thì anh thay đổi thái độ hoàn toàn, không còn điện thoại và nhắn tin cho em mỗi tối nữa. Tụi em có hẹn nhau cuối tuần đi chơi nhưng vì anh nói anh bị bệnh sốt cao nên hẹn em tuần sau, em định nhắn tin cho anh trước nhưng vì sĩ diện của con gái nên em không làm vậy.
Có lẽ anh ấy không thích em vì em không đẹp phải không chị? Em rất buồn, chẳng lẽ sắc đẹp quan trọng vậy sau?? Theo câu trả lời của anh, sắc đẹp không quan trọng, vậy sao anh lại cử xử như vậy? Gần tới cuối tuần, tụi em có hẹn đi chơi nhưng em không thấy anh nhắn tin hay điện thoại gì cho em, em có nên điện thoại cho anh trước không? Vì em cũng có cảm tình với anh nữa.
Em rất mong nhận được lời khuyên. Em cảm ơn rất nhiều! (Em gái).
Trả lời:
Chào em, cảm ơn em đã gửi băn khoăn về chuyên mục, qua câu chuyện của em, chị có thể hiểu em là một cô gái tốt, hồn nhiên, trong sáng, tuy không thực sự xinh đẹp nhưng em khá ngoan ngoãn, dễ thương.
Chuyện tình yêu của em không được như ý muốn có lẽ là do ông trời còn đang thử thách em. Em đã chia tay 2 mối tình và đang bắt đầu một mối quan hệ mới, tuy nhiên, sau khi trao đổi ảnh thì anh ấy không còn mặn mà kết bạn với em nữa. Điều này khiến em khá buồn và lo lắng.
Em cũng đã nhận ra điểm yếu của mình đó là khuôn mặt không xinh đẹp, tuy nhiên em lại có ngoại hình kéo lại. Còn anh ấy thì thư sinh, gia đình khá giả, là người Bắc vào Nam làm việc, như vậy em và anh ấy có một khoảng cách khá lớn về hình thức. Thường thì đàn ông yêu bằng mắt, họ rất quan tâm đến khuôn mặt cô gái đó có xinh không, sau đó mới là các yếu tố khác, em không được xinh đẹp như anh ấy mong muốn, do đó anh ấy có vẻ thất vọng sau khi xem ảnh em, đây là một sự thực mà dù đau lòng em cũng phải đối diện.
Em nên chú ý đến cách ăn mặc trang điểm để trở nên đẹp hơn (Ảnh minh họa)
Khi em hỏi anh ấy cần một người vợ như thế nào, anh ấy nói rằng không cần xinh đẹp nhưng dễ thương và có hiếu với ba mẹ anh, đó là cách nói lịch sự mà người đàn ông nào cũng có thể nói ra với phụ nữ em ạ, sẽ chẳng có người nào thẳng thắn đến mức nói ra rằng: Anh muốn vợ anh phải xinh đẹp, ngoại hình chuẩn để dẫn đi với bạn bè không bị chê, nhưng sự thực là nam giới hầu như đều yêu bằng mắt và đều muốn có bạn gái ưa nhìn.
Em cũng nhận thấy thái độ của anh ấy khác lạ sau khi nhìn ảnh em. Việc anh ấy nói bị sốt có thể chỉ là nói khéo để không phải gặp em thôi. Nam giới khi đã thích một cô gái nào đó họ sẽ rất nhiệt tình tán tỉnh, rủ đi chơi để có cơ hội gặp gỡ và hiểu nhau, còn khi không thích họ sẽ nghĩ ra mọi lý do để lảng tránh. Anh chàng em quen đang trong trường hợp đó. Do vậy, nếu em muốn thì cứ gọi điện, nhắn tin nói về cuộc hẹn, nhưng chị nghĩ là anh ấy sẽ lại kiếm cớ từ chối. Song nếu như hỏi rõ ràng khiến em thanh thản hơn thì em cứ làm, còn theo chị thì không nên vì biểu hiện của anh ta đã ngụ ý là không muốn gặp em nữa.
Thực ra, không phải người đàn ông nào cũng coi trọng nhan sắc phụ nữ như vậy. Có những người vẫn yêu và lấy những người phụ nữ bình thường, không nổi trội về nhan sắc nhưng lại đảm đang, khéo léo. Song rất tiếc anh chàng em quen là thuộc dạng "háo sắc", gia đình anh ấy lại khá giả nên không khó để chọn người yêu xinh đẹp, vì thế, anh ấy đã từ chối khéo em. Dù có buồn em cũng phải chấp nhận điều đó và có lẽ nên lặng lẽ rút lui. Anh ấy không phù hợp với em, không phải là mẫu đàn ông có thể yêu và tốt với em. Rất may anh ta đã biểu lộ cho em biết điều đó, còn hơn là anh ta cứ tỏ ra thích em rồi sau đó yêu đương, lợi dụng em xong lại rũ bỏ. Do đó, dù bị tổn thương, hãy cảm thấy may mắn và cảm ơn anh ta vì điều đó. Dù em có cảm tình với anh ta thì tình cảm cũng phải từ hai phía chứ không nên miễn cưỡng, nhất lại là khi nam giới không có cảm tình thì có cố mấy cũng khó em ạ.
Nhan sắc không phải là tất cả với người phụ nữ nhưng lại là điều khiến nam giới ấn tượng trong lần đầu gặp gỡ, xem ảnh, do đó em nên hoàn thiện bản thân mình, chịu khó đọc những mục làm đẹp, tư vấn thời trang để biết cách làm cho mình đẹp hơn. Khi biết cách làm đẹp cho bản thân, em sẽ thấy tự tin, rạng rỡ và có nhiều người đàn ông tốt khác theo đuổi. Một cô gái không xinh nhưng biết cách ăn vận, trang điểm và đặc biệt lại có nội tâm sâu sắc, giỏi giang, khéo léo thì sẽ rất dễ tìm được hạnh phúc cho mình.
Chúc em may mắn và hạnh phúc.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Khi ấy mượn tiền và... quên trả Cho bạn bè mượn tiền, đòi đã khó, ấy mượn tiền mà cố tình hát bài... "tình vờ" thì lại càng khó hơn. Phải làm sao nhỉ? "Hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng thật nhiều" Người ngoài nhìn vào cặp đôi Tú Anh (Q.9) và Thanh Duy (Phan Thiết, Bình Thuận), ai cũng nghĩ rằng Thanh Duy là "chuột sa hũ gạo"...