Phải làm rõ nguồn gốc tài sản của con gái ông Nguyễn Bắc Son
Tài sản của con gái ông Nguyễn Bắc Son có liên quan 3 triệu USD, vì sao hối lộ có sự chênh lệch và còn ai liên quan vụ án… là câu hỏi được nguyên điều tra viên cao cấp đặt ra.
Luật sư Hoàng Ngọc Biên (nguyên điều tra viên cao cấp Cơ quan điều tra Hình sự, Bộ Quốc phòng) có những phân tích, nhận định liên quan tới thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG gửi tới Zing.vn. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Trong thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG, ông Nguyễn Bắc Son khai sau khi nhận hối lộ 3 triệu USD, ông đã đưa cho con gái nhưng không có tài liệu chứng minh. Tuy nhiên, con gái ông Son khi được lấy lời khai và đối chất không thừa nhận.
Phong tỏa tài khoản tiền gửi tiết kiệm của ông Son tại Vietcombank, cơ quan công an xác định tổng số dư chỉ có gần 600 triệu đồng. Vậy khoản tiền 3 triệu USD đang ở đâu và làm thế nào thu hồi số tài sản này?
Ông Nguyễn Bắc Son thừa nhận được hối lộ 3 triệu USD. Ảnh: Hoàng Hà.
Làm rõ nguồn gốc tài sản của con gái ông Son
Tội phạm đưa và nhận hối lộ ít khi sử dụng tài khoản để chuyển hoặc cất giữ tiền. Nếu có sử dụng tài khoản thì họ thường nhờ người khác đứng tên hộ. Đây là thủ đoạn mới rất tinh vi của tội phạm tham nhũng và rửa tiền.
Trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, ông Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch AVG) đến nhà riêng để đưa cho ông Son 3 triệu USD. Ông Son khai sau đó đã đưa cho con gái nhưng đó mới chỉ là lời khai một phía của bị can, không có tài liệu chứng minh việc này.
Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Chỉ khi nào áp dụng hết các nghiệp vụ điều tra mà không đạt kết quả thì mới loại trừ việc ông Son tẩu tán tài sản thông qua người thân.
Vì vậy, cơ quan điều tra bắt buộc phải chứng minh, làm rõ nguồn tiền, nguồn tài sản ông Nguyễn Bắc Son và con gái ông này. Chỉ khi nào chứng minh, làm rõ nguồn gốc những tài sản đó không liên quan 3 triệu USD mà ông Son đã nhận thì mới là tài sản ngoại phạm trong vụ án.
Ngoài ra, khi tiến hành các hoạt động điều tra cần áp dụng đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ (chiến thuật điều tra) để mở rộng các hoạt động điều tra xác minh. Chỉ khi nào đã áp dụng hết các nghiệp vụ điều tra mà không đạt được kết quả theo những giả thuyết đã đặt ra thì khi đó mới loại trừ việc ông Son tẩu tán tài sản thông qua người thân.
Gần 600 triệu đồng trong tài khoản bị phong tỏa sẽ được chứng minh bằng sổ phụ hoặc phiếu sao kê từ tài khoản ngân hàng. Số tiền này quá nhỏ so với 3 triệu USD đã nhận hối lộ.
Video đang HOT
Còn số tiền 3 triệu USD ông Son đã tẩu tán, chuyển hóa sang mua bất động sản, đầu tư vào doanh nghiệp hay gửi ở ngân hàng… vẫn là câu hỏi lớn đặt lên vai của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Nhà đất của vợ chồng ông Son ở phố Lý Nam Đế. Người dân cho biết nhà ở khu vực này có giá bán 160-200 triệu đồng/m2. Ảnh: Hồng Quang.
Vì sao ông Trương Minh Tuấn chỉ được hối lộ bằng 1/10 Lê Nam Trà?
Thực chất, đây là phi vụ làm ăn bằng thủ đoạn rút tiền vốn của Nhà nước thông qua hợp đồng kinh tế. Sự chênh lệch bắt nguồn từ động cơ, mục đích của bị can Phạm Nhật Vũ khi đánh giá vai trò, vị trí và tầm quan trọng của từng người khi quyết định cho MobiFone mua cổ phần của AVG.
Ông Nguyễn Bắc Son được Phạm Nhật Vũ đưa cho 3 triệu USD vì ông Son là người đứng đầu Bộ TT&TT thời điểm đó. Ông Son có vai trò quyết định cao nhất (đồng ý hay không đồng ý) cho ông Lê Nam Trà thực hiện mua 95% cổ phần AVG.
Ông Trương Minh Tuấn chỉ được nhận 200.000 USD do ông Tuấn ở vai trò thứ trưởng, là người giúp việc cho bộ trưởng, thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của cấp trên.
Còn ông Lê Nam Trà là Chủ tịch MobiFone, là người đại diện theo pháp luật của bên mua. Ông Trà là người trực tiếp ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 95% cổ phần của AVG với giá gần 8.900 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.
Việc này vẫn phải được sự đồng ý của ông Nguyễn Bắc Son nên ông Trà nhận được khoản hối lộ thấp hơn bộ trưởng (2,5 triệu USD) nhưng cao hơn ông Trương Minh Tuấn.
Cần làm rõ còn ai liên quan
Kết luận điều tra xác định trong vụ án này, các bị can đã gây thất thoát khoản tiền lên tới 6.500 tỷ đồng. Đây là vụ án có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do các hành vi của những người có chức vụ gây ra.
Để có kết luận chính xác về hậu quả do các bị can đã gây ra cho Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng cần ra quyết định trưng cầu cơ quan kiểm toán độc lập để kiểm toán toàn bộ dự án.
Luật sư Hoàng Ngọc Biên, nguyên điều tra viên cao cấp của Bộ Quốc phòng. Ảnh: D.H.
Hợp đồng nhận chuyển nhượng 95% cổ phần của AVG được thỏa thuận với giá gần 8.900 tỷ đồng. Sau đó, MobiFone đã thanh toán cho AVG hơn 8.400 tỷ đồng (tương đương 95% giá trị hợp đồng), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 6.500 tỷ đồng. Từ đó, có thể suy ra giá trị thực của dự án này chỉ khoảng hơn 2.000 tỷ.
Đến nay, cảnh sát xác định Phạm Nhật Vũ chi 6,2 triệu USD (tương đương hơn 140 tỷ đồng) để hối lộ 4 cựu quan chức Bộ TT&TT và MobiFone. Nhưng đây chỉ là số tiền rất nhỏ của 6.500 tỷ được “thổi giá” so với giá trị thực của AVG. Liệu còn sự ăn chia nào khác ở đây mà người liên quan chưa thừa nhận?
Cơ quan điều tra vẫn phải xây dựng các giả thuyết để làm rõ hết những “góc khuất” còn lại của vụ án.
Bản chất của tội phạm đưa và nhận hối lộ chỉ thừa nhận những khoản tiền hoặc tài sản đã rõ, đã được xác minh. Còn những khoản tiền, tài sản “chưa bị lộ” thì không bao giờ tự giác trả lại cho Nhà nước.
Tội phạm về tham nhũng và chức vụ thông thường chỉ tập trung ở một nhóm lợi ích nhất định, thường thấy ở người có chức vụ cao, người đại diện vốn. Tâm lý chung của loại tội phạm này là hay che giấu hành vi phạm tội, không cho các cổ đông hoặc người khác biết nhằm tránh phải chia sẻ lợi ích.
Để giải quyết triệt để vụ án, cơ quan điều tra vẫn phải xây dựng các giả thuyết để làm rõ hết những “góc khuất” còn lại của vụ án. Sau đó, cơ quan điều tra tiến hành xác minh để chứng minh hoặc bác bỏ các giả thuyết đó.
Đây là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền thất thoát rất lớn trong khi nhiều bị can từng giữ các chức vụ cao. Có thể ông Phạm Nhật Vũ và các bị can vẫn còn lời khai hoặc mới chỉ khai ở một mức độ nào đó.
Do vậy, cơ quan điều tra lúc này cần sử dụng thêm các biện pháp nghiệp vụ, vận dụng tư duy của cán bộ điều tra để xác minh, làm rõ thêm có còn ai liên quan, nhận tiền hối lộ hoặc hưởng lợi từ thương vụ chuyển nhượng này.
Theo Zing.vn
Mobifone mua AVG: 11 bị can được áp dụng chính sách hình sự đặc biệt là ai?
Theo kết luận điều tra vụ Mobifone mua AVG, cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son không được đề xuất áp dụng chính sách hình sự đặc biệt.
Cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyen Bac Son không được đề xuất áp dụng chính sách hình sự đặc biệt
11/14 bị can được đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt
Tới thời điểm này, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 14 bị can về các tội: "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", "Nhận hối lộ" và "Đưa hối lộ".
Trong đó, có 11 bị can được đề xuất áp dụng chính sách hình sự đặc biệt gồm có: Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông; Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp; Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone; Cao Duy Hải, nguyên thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Mobifone; Phan Thị Hoa Mai, thành viên Hội đồng thành viên Mobifone; Hồ Tuấn, thành viên Hội đồng thành viên Mobifone; Phạm Thị Phương Anh, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính, kế toán Mobifone; Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc phụ trách đa phương tiện và giá trị gia tăng Mobifone; Nguyễn Bảo Long, Phó tổng giám đốc Mobifone; Nguyễn Đăng Nguyên, Phó tổng giám đốc Mobifone và Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG.
Danh sách bị can được đề xuất áp dụng chính sách hình sự đặc biệt không có tên cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son; Võ Văn Mạnh, Giám đốc Công ty AMAX và Hoàng Duy Quang, thẩm định viên Công ty AMAX.
"
Về chính sách hình sự đặc biệt, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, đó một trong những chính sách khoan hồng. Các quy định về việc này được thể hiện rõ ràng, cụ thể để ghi nhận sự hợp tác của người phạm tội trong việc khai báo cũng như khắc phục hậu quả.
"
Theo kết luận điều tra, trong thương vụ Mobifone mua AVG, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng biết rõ đây là dự án nhóm A, có quy mô trên 5.000 tỉ đồng thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, nhưng vẫn lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vì động cơ mục đích cá nhân làm trái quy định.
Các bị can là lãnh đạo Mobifone nhận thức rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ lớn, giá mua theo tư vấn cao so với giá trị thực thể hiện trên sổ sách kế toán, nhưng vẫn chỉ đạo, tham gia thực hiện thương vụ này.
Giám đốc Công ty AMAX Võ Văn Mạnh biết việc thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG là vi phạm quy định, nhưng vẫn ký chứng thư thẩm định giá và báo cáo xác định giá trị AVG không đúng giá trị thực tế để cung cấp cho Mobifone làm căn cứ đàm phán mua lại 95% cổ phần AVG. Bị can Hoàng Duy Quang, thẩm định viên Công ty AMAX đồng phạm với Võ Văn Mạnh để ký chứng thư thẩm định giá và báo cáo xác định giá trị AVG không đúng giá trị thực tế này.
Cac bi can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Phạm Nhật Vũ
Chính sách hình sự đặc biệt là gì?
Theo Luật sư Trương Anh Tú, VP Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội, Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định cái gọi là "chính sách hình sự đặc biệt", đó chỉ là một cách nói mang tính chất khẩu ngữ, thuật ngữ này không có trong Bộ luật Hình sự.
"Chính sách hình sự đặc biệt có thể được hiểu có sự khoan hồng của Nhà nước dành cho những người, những bị can, bị cáo mà đã thành khẩn khai báo giúp sức tích cực để cơ quan điều tra hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục hậu quả, chỉ ra những đồng phạm, tội phạm khác giúp cơ quan Nhà nước thực hiện tốt trong quá trình điều tra, thì sẽ được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự", luật sư Tú phân tích.
Như vậy, theo luật sư Tú, việc này không có gì đặc biệt, nhiều bị can, bị cáo đã được áp dụng chính sách khoan hồng này.
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính pháp trong kết luận điều tra vụ án Mobifone mua AVG, các bị can Phạm Nhật Vũ, Trương Minh Tuấn được đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt, là do những tình tiết giảm nhẹ như bị can tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra... Còn bị cáo nào không có các tình tiết giảm nhẹ trên, thì không được hưởng chính sách khoan hồng, hay có thể gọi là chính sách hình sự đặc biệt này.
"Tuy nhiên, đây chỉ là đề nghị của cơ quan điều tra, chưa phải là quyết định cuối cùng của vụ án. Để đánh giá tính chất, mức độ của hành vi thế nào, đánh giá nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thế nào khi lượng hình thì thẩm quyền thuộc về tòa án trong quá trình xét xử, theo kết quả tranh tụng tại phiên toà", luật sư Cường lưu ý.
Hải Quỳnh
Theo baogiaothong
Ông Nguyễn Bắc Son đã giới thiệu để Mobifone mua AVG Theo kết luận của Cơ quan điều tra Bộ Công an, ông Nguyễn Bắc Son là người đã giới thiệu và thúc đẩy quá trình Mobifone mua AVG. Qua quan hệ với Phạm Nhật Vũ, ông Son giới thiệu cho Mobifone mua AVG Trong kết luận của Cơ quan điều tra Bộ Công an, vai trò của ông Nguyễn Bắc Son được xem...