Phải làm gì khi mắc bệnh vảy nến?
Cháu năm nay 25 tuổi. Cháu mắc bệnh vảy nến từ năm 10 tuổi. Bệnh làm cháu mất tự tin khi giao tiếp cũng như trong sinh hoạt.
Cháu cũng từng đi khám và điều trị nhiều nơi, dùng thuốc bôi mỡ Daivobet. Hiện cháu đang có em bé được 1 tháng. Vậy bác sĩ có thể tư vấn giúp cháu những cách điều trị hoặc những giải pháp giúp hạn chế bệnh không? Và cho cháu hỏi, cháu đang mang thai nếu sử dụng thuốc Daivobet có ảnh hưởng gì không? (Lan).
Trả lời:
Chào em Nguyễn Lan!
Bệnh vẩy nến được coi là bệnh da mạn tính, tổn thương biểu hiện thường gặp là các vẩy trắng, nhiều lớp xuất hiện trên nền da đỏ, các vảy da này rất dễ bong và liên tiếp hình thành vảy da mới. Tổn thương có thể nhỏ bằng đầu ngón tay, nhưng có thể lan thành mảng lớn, hoặc khắp toàn thân. Vị trí tổn thương da thường gặp trong bệnh vẩy nến là ở các vùng da có tỳ đè, cọ sát (như vùng khuỷu tay, đầu gối, vùng xương cùng, mông, rìa tóc,…).
Ngoài tổn thương da, bệnh vẩy nến còn có thể gây tổn thương móng tay, móng chân, tổn thương khớp, cột sống. Nguyên nhân gây bệnh đến nay vẫn chưa được rõ ràng, nhưng nhiều nghiên cứu cho rằng bệnh liên quan đến yếu tố miễn dịch và di truyền của cơ thể. Các yếu tố có thể khiến bệnh trầm trọng thêm như: stress, rối loạn nội tiết, rượu, bia, thuốc lá, nhiễm trùng, thay đổi khí hậu, môi trường,… Bệnh vảy nến không phải là bệnh lây truyền, nhưng nó thường khiến cho người bệnh mặc cảm trong giao tiếp xã hội và một phần do khá nhiều người nghĩ đây là căn bệnh có khả năng lây lan.
Video đang HOT
Trường hợp của em cho biết đã đi khám và được chẩn đoán là bệnh vẩy nến, đã điều trị thuốc bôi. Bản chất bệnh vẩy nến là dai dẳng, tái diễn nhiều đợt, có khi điều trị bệnh đã ổn định, nhưng nếu không duy trì điều trị tiếp sau đó thì các thương tổn lại tái phát. Điều đáng quan tâm là em đang mang bầu, nên việc kiểm soát bệnh sẽ gặp khó khăn hơn do bệnh có thể có nguy cơ nặng lên do thay đổi nội tiết tố khi mang thai. Do vậy, việc kiên trì áp dụng các biện pháp ngăn ngừa bệnh tái diễn đối với em là rất quan trọng.
Cho đến nay chưa có biện pháp điều trị khỏi bệnh vẩy nến, nhưng hiện nay nhờ y học ngày càng tiến bộ nên có khá nhiều loại thuốc có thể kiểm soát, giảm tình trạng bệnh: thuốc bôi tại chỗ, thuốc toàn thân, các liệu pháp ánh sáng, liệu pháp sinh học,… Tuy nhiên, trường hợp sử dụng thuốc của em cần thận trọng hơn do đang mang thai. Vì vậy, để có được phương pháp điều trị hợp lý nhất thì em nên sớm đến cơ sở y tế chuyên khoa về bệnh da để được khám và xét nghiệm, đánh giá tình trạng bệnh, đồng thời nhận các tư vấn về cách phòng, hạn chế tổn thương tái diễn.
Một điều đáng quan tâm là em không nên lo lắng, hãy luôn suy nghĩ tích cực, lạc quan vì trạng thái tâm lý ức chế, stress là yếu tố có thể làm trầm trọng thêm bệnh. Bên cạnh đó môt chế độ sinh hoạt điều độ, khoa học và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng cũng sẽ giúp hạn chế đáng kể tổn thương tái diễn, cũng như giúp thai nhi phát triển mạnh khoẻ, bình thường.
Chúc em vui khoẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Thanh Hà
Theo VNE
Áp lực khiến nhiều người trẻ mắc bệnh tâm thần
Theo nhận định của nhiều bác sĩ, chuyên gia tâm lý, hiện nay tình trạng rối loạn tâm thần xuất hiện ngày càng nhiều ở giới trẻ, nhất là trong độ vị thành niên.
Nói đến bệnh tâm thần, nhiều người nghĩ rằng đó là bệnh điên loạn, hoang tưởng, dở hơi... nhưng thực chất đây chỉ là một trong số hơn 300 rối loạn tâm thần. Ngày nay, môi trường sống có quá nhiều áp lực khiến nhiều người mắc bệnh mà không biết bởi bệnh chỉ biểu hiện ở dạng rối loạn cơ thể, rối loạn tâm lý, trầm cảm
Thúy Chi, sinh viên năm 2 trường Đại học Mở Hà Nội phải nhập viện vì cơ thể suy nhược. "Chỉ vì áp lực chuyện học hành, thi cử mà con tôi hay lo lắng dẫn đến suy nhược cơ thể. Bố mẹ có khuyên nghỉ ngơi, vui chơi như thế nào nó cũng không chịu nghe. Bây giờ đổ bệnh phải nằm điều trị 2 tuần rồi nhưng bệnh tình vẫn chưa thuyên giảm", mẹ Thúy Chi chia sẻ.
Cùng phòng với Chi là trường hợp của Tình, khi mới nhìn vào không ai có thể ngờ cậu thanh niên 25 tuổi, dáng người cao ráo, mặt mũi sáng sủa lại đang phải điều trị bệnh căng thẳng thần kinh. Người thân của Tình cho biết: "Trước đây, con tôi đi làm bên xây dựng, nhưng dạo gần đây cháu có biểu hiện mệt mỏi, thường xuyên kêu nhức đầu, không tập trung làm việc. Đưa lên bệnh viện thăm khám thì được bác sĩ kết luận là bị căng thẳng thần kinh. Điều trị theo phác đồ được 2 tuần, bệnh tình cũng đang có chuyển biến tích cực".
Một trường hợp bệnh cũng khá phổ biến và thường xuất hiện ở những trẻ em đang độ tuổi thiếu nhi là bệnh rối loạn tăng động giảm tập trung chú ý. Khi mắc chứng bệnh này, các em mất sự tập trung, hiếu động quá mức đi kèm với khả năng suy giảm chú ý. Điển hình là trường hợp của em Minh, 12 tuổi (Đống Đa, Hà Nội). Khi tiếp xúc với người lạ, Minh tỏ ra khá hiếu động, chân tay vặn vẹo không yên, tuy nhiên lại không tập trung trò chuyện hoặc chỉ trả lời theo kiểu miễn cưỡng.
Theo các bác sĩ khoa Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, bênh cạnh những biểu hiện của chứng rối loạn tâm thần như trên, những thanh thiếu niên khi mắc phải căn bệnh này còn có nhiều hành vi bộc phát, biểu hiện mãnh liệt, triệu chứng rõ ràng, gia tăng hành vi khi bị xúc động hay kích động và rất dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực như có suy nghĩ muốn tự tử. Do đó, mỗi một gia đình nên chú ý gần gũi, quan tâm hơn đến con em mình để có thể giảm tối đa nguy cơ bệnh bùng phát.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoàn (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) cho biết hiện nay, khoảng 20% thanh, thiếu niên có các rối loạn về sức khoẻ tâm thần và cảm xúc cần được phát hiện và điều trị. Nguyên nhân của căn bệnh này có thể từ các yếu tố sinh học như: di truyền, cân bằng sinh hoá trong cơ thể, tổn thương hệ thần kinh Trung ương; yếu tố môi trường như bị bạo hành, thảm họa, mất người thân cho đến sự bảo bọc, nuông chiều thái quá của những người xung quanh....
Tình trạng thanh, thiếu niên mắc chứng bệnh rối loạn tâm thần ở các đô thị cao hơn rất nhiều so với ở nông thôn. Lý giải về vấn đề này, TS. Trần Thanh Tú, Giám đốc Viện Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em khẳng định: "Trong khi trẻ em ở nông thôn, miền núi nước ta vẫn đang thiếu thốn về thuốc men, phương tiện y tế chăm sóc sức khỏe nhưng sức khỏe tinh thần lại đặc biệt tốt bởi các em được gần gũi thiên nhiên, cuộc sống đơn giản ít áp lực. Ngược lại ở các thành phố lớn, tình trạng sức khỏe tâm thần trẻ em đã lên đến mức báo động. Áp lực từ học tập, sự thiếu quan tâm của gia đình khiến trẻ dễ lâm vào những chứng bệnh như tự kỷ ám thị, tâm thần phân liệt, cuồng loạn... có thể tự hủy hoại bản thân, nguy hiểm hơn nữa là tự sát. Đã đến lúc cần lên tiếng báo động về tình trạng ngày càng gia tăng số lượng trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần".
Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng trên, vấn đề quan trọng nhất đó là cách chăm sóc của gia đình và nhà trường phải được kết hợp chặt chẽ với nhau. Cả phía gia đình và nhà trường phải chăm sóc đồng đều thể chất và tinh thần cho trẻ, không nên tạo áp lực cho trẻ, nhất là trẻ đang ở trong độ tuổi vị thành niên. Bởi, đây là lứa tuổi rất dễ bị kích động.
Để phòng tránh căn bệnh này, con người phải biết cân bằng cuộc sống, tránh để xảy ra tình trạng trầm cảm, lo lắng thái quá, mất ăn, mất ngủ liên miên... Dưới góc độ của một nhà khoa học, PGS.TS Trần Hữu Bình cho rằng: "Để không mắc bệnh, con người phải biết tự mình vượt qua những cám dỗ, những thử thách trong cuộc sống. Nhiều đứa trẻ nghiện game tới mức bản thân không khống chế được niềm ham thích. Thiếu game họ không thể chịu được, bắt buộc phải tiếp cận. Và khi vướng vào đây, trẻ mất nhiều thời gian để sống với đời sống ảo, tách rời giá trị đích thực của bản thân với xã hội, hệ quả là suy kiệt tâm lý, có những biểu hiện của rối loạn tâm lý trong quan hệ ứng xử với cha mẹ, bạn bè... Bên cạnh đó là sự suy kiệt cơ thể có thể dẫn tới cái chết hoặc có những hành động trộm cắp, giết người như trong game...".
Theo VNE
Những người luôn ám ảnh mắc bệnh nan y Từ ngày ông hàng xóm mất vì ung thư vòm họng, bà Nhị luôn có cảm giác mình có rất nhiều đờm. Nghĩ bị bệnh nặng sắp chết, bà bắt con cháu đưa đi hết viện này tới viện khác, dù bác sĩ khẳng định bà khỏe mạnh. Trong 6 tháng, bà Nhị (Chương Mỹ, Hà Nội) đã đi khám tới chục nơi,...