Phái đoàn ngoại giao Mỹ lần đầu tiên thăm Syria sau khi chính quyền cũ sụp đổ
Lần đầu tiên sau khi Tổng thống Bashar Assad bị lật đổ hôm 8/12, các nhà ngoại giao Mỹ đã đến thủ đô Damascus để hội đàm với lãnh đạo mới của Syria và tìm kiếm thông tin về nhà báo Mỹ mất tích Austin Tice.
Trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington DC. Ảnh: THX/TTXVN
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ sáng 20/12, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực cận Đông, bà Barbara Leaf, cựu đặc phái viên về Syria Daniel Rubinstein và Đặc phái viên cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden về đàm phán con tin Roger Carstens đã thực hiện chuyến thăm.
Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, các nhà ngoại giao Mỹ chính thức đặt chân đến Syria kể từ khi Mỹ đóng cửa đại sứ quán ở Damascus vào năm 2012.
Mục tiêu chuyến thăm và những ưu tiên hàng đầu
Trong thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết phái đoàn sẽ gặp gỡ trực tiếp nhiều thành phần trong xã hội Syria, bao gồm đại diện các nhóm xã hội, các nhà hoạt động, cộng đồng địa phương và các nhân vật có tiếng nói tại Syria để lắng nghe quan điểm của họ về tương lai đất nước. Đồng thời, Mỹ cũng cam kết hỗ trợ trong quá trình tái thiết Syria.
Một trong những trọng tâm của chuyến đi là tìm kiếm thông tin về Austin Tice, nhà báo Mỹ mất tích từ năm 2012. Tice, người từng viết bài cho The Washington Post và các tờ báo khác, đã bị mất tích tại một trạm kiểm soát ở khu vực phía tây Damascus trong bối cảnh cuộc nội chiến Syria leo thang.
Video đang HOT
Video công bố vài tuần sau khi ông mất tích cho thấy ông bị bịt mắt và bị nhóm vũ trang bắt giữ, nhưng từ đó đến nay không có thêm thông tin gì.
Mỹ cho biết đã tăng cường nỗ lực để tìm kiếm và đưa Tice về nước, trong đó có việc liên lạc với các nhóm nổi dậy đã lật đổ chính quyền của ông Assad để lấy thông tin.
Gặp gỡ các lãnh đạo mới của Syria
Đoàn ngoại giao Mỹ cũng dự kiến gặp gỡ các lãnh đạo của Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm đối lập dẫn đầu cuộc tấn công Damascus khiến ông Assad phải rời khỏi đất nước.
HTS hiện được Mỹ và nhiều nước liệt vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh việc này không ngăn cản các quan chức Mỹ tiếp xúc với lãnh đạo hoặc thành viên của nhóm.
Mặc dù hoan nghênh các tuyên bố công khai của thủ lĩnh HTS Ahmad al-Sharaa về việc bảo vệ quyền của phụ nữ và các nhóm thiểu số, Mỹ vẫn tỏ ra thận trọng về cam kết thực sự của ông trong dài hạn.
Dù Mỹ đã ngừng hoạt động ngoại giao chính thức ở Syria từ năm 2012, quân đội Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện hạn chế tại đây nhằm chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Theo thông báo mới nhất ngày 20/12, Mỹ đã tăng gấp đôi số lượng binh sĩ tại Syria để đối phó với IS ngay trước khi ông Assad bị lật đổ. Đồng thời, không quân Mỹ cũng gia tăng đáng kể các cuộc không kích vào các mục tiêu IS nhằm ngăn chặn nhóm này tái tổ chức trong bối cảnh quyền lực tại Syria đang bị bỏ ngỏ.
Tương lai quan hệ Mỹ-Syria
Dù có chuyến thăm quan trọng này, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định chưa có kế hoạch mở lại đại sứ quán tại Damascus, hiện đang được bảo vệ bởi chính phủ Séc. Quyết định chính thức về việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ được đưa ra sau khi chính quyền mới của Syria thể hiện rõ ràng định hướng và cam kết của mình.
Chuyến thăm của các nhà ngoại giao Mỹ là bước đi đầu tiên trong việc đánh giá tình hình Syria sau thời kỳ của ông Assad, đồng thời tìm kiếm vị thế tại đất nước này.
HTS tiên phong giải tán lực lượng vũ trang
Ngày 17/12, ông Murhaf Abu Qasra - lãnh đạo quân sự của HTS tại Syria - tuyên bố nhóm này sẽ tiên phong giải tán đơn vị vũ trang để sáp nhập vào quân đội quốc gia.
Các thành viên lực lượng đối lập sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus, Syria ngày 8/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 8/12 đánh dấu bước ngoặt lịch sử tại Syria khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ sau hơn 13 năm quốc gia chìm trong xung đột. Cuộc tấn công chớp nhoáng của liên minh vũ trang do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã thay đổi hoàn toàn cục diện. Tuy nhiên, tương lai của Syria vẫn đối mặt với vô số thách thức lớn về chính trị, kinh tế và khủng hoảng nhân đạo.
Ngày 17/12, ông Murhaf Abu Qasra - lãnh đạo quân sự của HTS - tuyên bố nhóm này sẽ tiên phong giải tán đơn vị vũ trang để sáp nhập vào quân đội quốc gia. Ông khẳng định: "Ở bất kỳ quốc gia nào, các đơn vị quân sự phải được tích hợp vào hệ thống nhà nước và HTS sẽ là những người tiên phong". Ông cũng nhấn mạnh rằng các khu vực do người Kurd kiểm soát sẽ được hội nhập dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới tại Syria, đồng thời bác bỏ mọi hình thức liên bang hoặc chia cắt lãnh thổ. Ông nêu rõ: "Người Kurd là một phần không thể tách rời của dân tộc Syria. Syria sẽ không bị chia rẽ và sẽ không tồn tại các thực thể liên bang".
Trong bối cảnh chuyển giao quyền lực, Syria vẫn tiếp tục đối mặt với căng thẳng khu vực, đặc biệt tại biên giới phía Bắc. Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo đã đề xuất thiết lập một vùng phi quân sự tại thành phố Kobani nhằm giảm căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. SDF cũng đã rút khỏi Manbij, một thành phố chiến lược mà lực lượng này từng kiểm soát từ năm 2016. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các biện pháp an ninh chặt chẽ tại các cửa khẩu biên giới, do ngại về sự hiện diện của lực lượng người Kurd mà họ coi là "khủng bố". Nước này cũng đang tăng cường cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho làn sóng hồi hương của người tị nạn Syria.
Cộng đồng quốc tế đang tích cực tham gia quá trình chuyển giao chính trị tại Syria nhằm tránh kịch bản hỗn loạn như tại Libya hay Iraq. Đức và Pháp đã cử phái đoàn đến Damascus để thảo luận với lãnh đạo mới của Syria, thảo luận về việc bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số và thúc đẩy một chính phủ toàn diện. Cờ Pháp lần đầu tiên được kéo lên tại đại sứ quán của nước này ở Damascus sau 12 năm gián đoạn.
Mỹ cũng đóng vai trò trung gian trong việc gia hạn lệnh ngừng bắn giữa các lực lượng ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ và SDF tại thành phố Manbij.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để thảo luận về tương lai Syria, tập trung vào việc xây dựng một chính phủ không tồn tại các lực lượng vũ trang độc lập.
Trung Quốc và Nga cam kết hỗ trợ Syria đạt được hòa bình lâu dài. Đại diện Trung Quốc tại Liên hợp quốc - ông Cảnh Sảng đã kêu gọi chấm dứt các cuộc không kích của Israel, đồng thời dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để tạo điều kiện cho Syria tái thiết quốc gia.
Các diễn biến tại Syria đang tạo ra một "thực tế hoàn toàn mới" như nhận định của Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria - ông Geir Pedersen. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về những trở ngại lớn và căng thẳng gia tăng có thể đe dọa những tiến bộ mong manh vừa đạt được.
Hiện trên 16 triệu người Syria đang cần hỗ trợ nhân đạo khi các cơ sở hạ tầng cơ bản như điện, nước và y tế gần như bị phá hủy hoàn toàn. Bên cạnh đó, các cuộc không kích của Israel vào các cơ sở quân sự tại Syria đã làm gia tăng bất ổn trong khu vực.
Liên hợp quốc kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt Syria để cứu trợ nhân đạo Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Ủy ban Điều tra Liên hợp quốc về Syria (UNCIS) vừa đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp, yêu cầu cộng đồng quốc tế dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Syria nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho hàng triệu người dân đang gặp khó...