PGS.TS Phạm Thế Anh: ‘Việc phụ thuộc GDP sẽ làm vô hiệu hóa mọi chỉ tiêu giám sát của Quốc hội’
PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), cho rằng bên cạnh GDP, Quốc hội nên đưa ra các thước đo chính xác hơn, cụ thể hơn để giám sát.
PGS.TS Phạm Thế Anh
Trả lời báo giới bên lề tọa đàm “Đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều” do NEU tổ chức hôm 31/10, ông Phạm Thế Anh cho rằng việc điều chỉnh GDP là công việc thường xuyên, không thể tránh khỏi của các quốc gia, nhất là quốc gia có nền kinh tế đang phát triển và đang chuyển đổi như Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Thế Anh nhấn mạnh việc điều chỉnh GDP phải đi kèm với các giải trình chi tiết, làm rõ có sự khác biệt gì giữa hai con số GDP và vì sao lại có sự khác biệt đó.
“Có như vậy thì những người sử dụng con số thống kê mới có sự tin tưởng và các nhà hoạch định chính sách mới đưa ra các quyết sách phù hợp được”, ông nói.
Video đang HOT
Theo ông Phạm Thế Anh, việc Tổng cục Thống kê (GSO) đánh giá lại quy mô GDP Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2017, làm quy mô GDP tăng thêm 25,4%, là để chuẩn bị cho một kế hoạch dài hơi trong tương lai. Nhưng ông Thế Anh cho rằng các cơ quan hoạch định chính sách, Chính phủ cần có thêm những chỉ tiêu khác để giám sát mức độ an toàn, lành mạnh của nền kinh tế chứ “không nên chỉ dựa vào con số GDP, phụ thuộc vào GDP”.
“Tôi ví dụ, Quốc hội hiện đưa ra các thước đo: nợ công/GDP, chi tiêu Chính phủ/GDP, nợ nước ngoài/GDP, thâm hụt ngân sách/GDP… Ta cần có các chỉ tiêu song song với các chỉ tiêu trên như nợ công/thu ngân sách, nợ Chính phủ/thu ngân sách từ thuế…
“Tức là ta thay thế GDP bằng một thước đo chính xác hơn, cụ thể hơn, hiện thực hơn. Thu từ thuế là khoản thu mà Chính phủ có được, rất cụ thể, còn GDP rất rộng và không có cái cụ thể. Đó là chưa nói việc thay đổi GDP diễn ra thường xuyên. Do đó, nếu ta phụ thuộc vào con số GDP thì nó sẽ vô hiệu hóa tất cả chỉ tiêu giám sát của Quốc hội, các chỉ tiêu kinh tế – xã hội mà Chính phủ đặt ra”, ông Thế Anh nêu quan điểm.
Vị PGS.TS của NEU cũng lưu ý rằng việc GSO điều chỉnh quy mô GDP không đồng nghĩa với tăng khả năng thu ngân sách của Chính phủ, do phần 25,4% tăng thêm không phải là những khoản thu mới xuất hiện.
“76.000 doanh nghiệp được bổ sung vào quá trình đánh giá lại GDP không phải là thứ GSO không quan sát được. Thực ra đó đều là những doanh nghiệp đã hoạt động, đăng ký với cơ quan thuế, do đó việc bổ sung này không hàm ý với tăng nguồn thu.
“Nếu ta cứ nhìn con số GDP tăng để nâng nợ công, chi tiêu Chính phủ thì sự an toàn, lành mạnh của nền tài chính quốc gia sẽ giảm đi”, ông Thế Anh nói.
Vĩnh Chi
Theo vietnamfinance.vn
Chính phủ bất ngờ đính chính "sai sót" về nợ công
Do phát hiện lỗi "kỹ thuật" nên Chính phủ vừa có văn bản đính chính sai sót về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa uỷ quyền Thủ tướng ký và phát hành văn bản đính chính này.
Trước đó, báo cáo 512/BC-CP ngày 18/10/ 2019 về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020 của Chính phủ đã được gửi đại biểu trước thềm kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận Tổ ngày 22/10, đại biểu Quốc hội đã phát hiện sai sót về con số nợ công.
Nợ công có sai sót về con số đã được Chính phủ đính chính. (Ảnh: VGP)
Trong văn bản vừa phát hành, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: "Lí do đính chính là do phát hiện lỗi kỹ thuật tại báo cáo 512.".
Cụ thể, nội dung đính chính là: Bỏ chữ "nghìn" trong đơn vị tính khoản trả nợ ròng năm 2019 là "5.038,3 nghìn tỷ đồng", con số sau đính chính tại báo cáo mới là 5.038,3 tỷ đồng; bổ sung chữ "nghìn" trong đơn vị tính của số dự kiến huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách trung ương năm 2020 (từ 459,4 tỷ đồng thành 459,4 nghìn tỷ đồng).
Dự kiến năm 2020, cho vay lại đối với chính quyền địa phương 26,5 nghìn tỷ đồng; cho vay lại đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập 16,9 nghìn tỷ đồng, huy động từ nguồn ngân quỹ nhà nước và các nguồn khác 95,4 nghìn tỷ đồng; ghĩa vụ trả nợ gốc và lãi về cho vay lại (trả gốc 19,1 nghìn tỷ đồng, trả lãi 11,0 nghìn tỷ đồng).
Cũng trong văn bản này, Chính phủ đính chính số liệu vay để trả nợ gốc của ngân sách Trung ương là 232,5 nghìn tỷ đồng.
Báo cáo mới sau khi đính chính nêu rõ: Năm 2020, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 349 nghìn tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 287,9 nghìn tỷ đồng và nước ngoài khoảng 61,1 nghìn tỷ đồng./.
Theo Châu Như Quỳnh/Dân trí
Đại biểu Quốc hội phát hiện có sai sót số liệu nợ công Sau khi đại biểu Quốc hội phát hiện có sai sót về số liệu nợ công, Chính phủ đã có văn bản đính chính báo cáo về tình hình nợ công. Trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội chiều 22/10, đại biểu Quốc hội đã phát hiện việc sai sót số liệu tình hình nợ công Chính...