Pete’s Dragon Thông điệp yêu thương từ những điều kì diệu
Disney tiếp nối một năm thành công trên cả khía cạnh doanh thu lẫn nghệ thuật bằng bộ phim gia đình “Pete’s Dragon” tưởng rất quen nhưng vẫn chiếm được tình cảm từ nhiều đối tượng khán giả.
Tấn công rạp chiếu Việt Nam trong thời điểm điện ảnh nước nhà đang rầm rộ cùng các sự kiện xung quanh Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể, cũng giống Kubo and the Two Strings, Pete’s Dragon đang không nhận đủ sự quan tâm xứng đáng so với chất lượng của nó.
Dù là phiên bản làm lại từ tác phẩm cùng tên năm 1977 nhưng Pete’s Dragon lại được đạo diễn David Lowery cùng ekip cải tiến rất nhiều để phù hợp với thời đại. Sự thay đổi đáng chú ý nhất ở đây chính là chú rồng Elliot bằng CGI. Khác với phiên bản cũ là rồng hoạt hình 2D với “chởm tóc hồng” cùng đôi cánh nhỏ xíu và vẩy lưng, lần này một chú rồng cao 22 feet được tạo lên, mặt mũi có phần “bặm trợn” và nguy hiểm. Tuy nhiên chú ta lại có điểm nhấn vô cùng đặc biệt là bộ lông mềm, dày dặn khiến người ta muốn ôm. Kết hợp cùng chiếc bụng béo, trông Eliiot chả khác nào chú mèo thừa cân, phục phịch mỗi lần di chuyển.
Không chỉ ở hình thức, bộ phim cũng thay đổi luôn cả xuất thân của nhân vật chính – Pete. Pete năm 1977 là cậu bé mồ côi bị cả làng ghét bỏ, phải bỏ đi và gặp Elliot. Còn Pete năm 2016 phải chứng kiến cha mẹ qua đời do tai nạn giao thông và nương tựa vào chú rồng Elliot để tồn tại 6 năm trong rừng. Có thể thấy, nhờ tuyến truyện này mà những thông điệp phía sau khiến bộ phim đi theo hướng trìu mến, cảm động hơn.
Video đang HOT
Mặc dù có mở đầu khá buồn thảm về câu chuyện của bé Pete 5 tuổi, nhưng ngay sau đó bộ phim nhanh chóng trở lại không khí tươi sáng như phần lớn các tác phẩm khác của nhà Chuột Disney. Đó là từ lúc Pete gặp Eliot và chạm vào bộ lông màu xanh của nó. Khoảnh khắc bộ lông chuyển màu cũng là dấu hiệu báo rằng kể từ đây, hai kẻ cô đơn, một tí hon môt khổng lồ sẽ dính chặt lấy nhau và cùng san sẻ những vui buồn trong khu rừng thẳm. Dù chỉ là những cảnh đơn giản như Pete và Eliot chơi rượt đuổi trong rừng, bên bờ suối nhưng cách chuyển màu sắc từ âm u tăm tối trước đó sang tông màu sáng hơn của nắng, ánh sáng chiếu rọi lại gợi mở cảm giác vui tươi và ấm áp.
Không thực sự là bom tấn nhưng Pete’s Dragon lại quy tụ được dàn diễn viên danh tiếng và đầy tài năng. Bryce Dallas Howard, sau thành công của Jurassic World đang dần có được vị thế riêng tại Hollywood. Trong phim, cô vào vai Grace, một người bảo vệ khu rừng nơi Pete đang sống và dành tình yêu đặc biệt dành cho nơi này nhờ những câu chuyện về căn rừng, về chú rồng xanh kì diệu từ Meacham (do nam diễn viên kỳ cựu Robert Redford thủ vai).
Nhưng trớ trêu thay, Grace không còn là cô gái bé nhỏ tin vào truyện cổ tích, cô chỉ tin vào những gì mắt thấy tai nghe nên mối quan hệ của cô và cha từng rất thân nay càng ngày càng xa cách khi ông cứ kể mãi câu chuyện về chú rồng xanh. Và cũng chưa đừng ở đó, bạn trai cô (Jack – Wes Bentley) và cậu em trai ngổ ngáo của anh ta (Gavin – Karl Urban) lại làm chủ công ty khai thác gỗ.
Với nguồn nhân vật đa dạng cùng nhiều mâu thuẫn như vậy, sẽ là rủi ro nếu phát triển sai hướng nhưng phim đã khéo léo xử lý câu chuyện của 6 năm sau, khi Pete bắt đầu gặp Grace. Mọi diễn viên đều có đất diễn để thể hiện nhân vật của mình, những suy nghĩ rất khác nhau của họ về Pete và Elliot, cũng như sự phức tạp trong thế giới người lớn nói riêng và thế giới con người nói chung. Trong Pete’s Dragon, có thể nói không có người xấu mà chỉ có người bị lòng tham làm cho mờ mắt, chỉ có người mong muốn có một cơ hội chứng tỏ bản thân và bất chấp mọi thứ để làm nó. Chính sự “có vẻ hiền lành” khi xây dựng nhân vật phản diện thế này khiến bộ phim nhẹ nhàng và truyền cảm hơn.
Là một trong hai nhân vật chính của phim, hiển nhiên chú rồng Elliot được chăm chút rất kỹ. Đạo diễn David Lowery chia sẻ, lí do Elliot có tạo hình lông lá và bụng phệ rằng ông muốn tạo cảm giác thân thiện cho chú rồng, người ta sẽ muốn ôm lấy Elliot chứ không phải sợ sệt như đối với Drogon của Game of Thrones.
Eliot không biết nói nhưng có suy nghĩ và tính cách riêng. Chú ta ngơ ngác tưởng Pete chỉ chơi trốn tìm, không hề nghĩ Pete đã mất tích. Khi phát hiện ra Pete có thể đang ở cùng con người thì Eliot đi khắp làng, thò đầu vào từng ô cửa sổ tìm bạn; thấy bạn đang ở cùng “gia đình mới” thì tủi thân bước về hang.
Có thể nói tuyến truyện của con người xây dựng khá được nhưng mối quan hệ giữa Eliot và Pete lại làm ổn hơn rất nhiều. Khán giả sẽ cười và khóc cùng đôi bạn, sẽ hoang mang khi cả hai xa nhau. Thế giới con người nhiễu nhương phức tạp, có khi Pete và Eliot trở lại rừng và xem vài ngày rồi như chuyến du lịch sóng gió lại là cái kết đáng yêu nhất. Sự khéo léo của Pete’s Dragon ở những chỗ thế này, kịch bản có thể nói là cực kì đơn giản và dễ đoán nhưng lại khiến khán giả bị cuốn theo và bị lái sang những nhánh nhỏ không nghĩ tới.
Bộ phim mang lại thông điệp khá cảm động. Bên cạnh tình bạn của Eliot và Pete còn là sự gắn kết tình cảm gia đình hay sự hiện diện của phép màu. Nó nằm ở những lúc khi bộ lông xanh của Eliot hửng lên khi được vuốt ve, khi người thợ khắc gỗ Meacham cứ ngẫm nghĩ mãi về một khoảnh khắc xưa rất xưa khi ông và Eliot mắt đối mắt ở hai bên bờ suối.
Eliot có thể không nhớ người năm xưa từng mắt đối mắt ở nó ở hai bên bờ suối nhưng Meacham thì không bao giờ quên. Dù có bị mọi người ngầm xem là đồ gàn dở, dù đôi lúc Meacham cũng tự nghi ngờ bản thân nhưng niềm tin ông dành cho chú rồng xanh vẫn tồn tại. Điều đó đã dẫn ông đến với Eliot một lần nữa, tới một cuộc gặp gỡ xúc động.
Pete’s Dragon lấy bối cảnh chủ yếu ở vùng rừng núi với những cú máy toàn tuyệt đẹp kết hợp với những bài nhạc đồng quê vui tươi sẽ tạo cho khán giả cảm giác thư thái, dễ chịu. Cộng với những nhân vật dễ thương và một câu chuyện ấm áp, đây hoàn toàn là một lựa chọn thích hợp cho những ai cần cảm giác thoải mái khi xem phim.
Theo Harley / Trí Thức Trẻ