Percy Jackson and The Sea of Monster: Yếu nội dung
Kịch bản sáng tạo nhưng đầy những lỗ hổng do không được khai thác triệt để. Mặc dù đã có một số thay đổ lớn như thay đổi đạo diễn, cải tiến rất nhiều về mặt đồ họa kỹ xảo lẫn âm thanh nhưng Percy Jackson and The Sea Monster
chỉ xứng đáng ở mức trung bình, ăn theo danh tiếng của bộ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Rick Riordan. Một mớ hỗn độn, nhồi nhét khiên cưỡng mỗi phim một chút.
Tiếp nối mạch thời gian của phần trước, Percy (Logan Lerman) giờ đây đang sống một cuộc sống yên bình và an toàn cùng với những người bạn á thần của mình tại trại của những người con lai. Thế nhưng anh hùng thường không bao giờ được rảnh rỗi. Ngỡ tưởng như sau một loạt biến cố anh chàng sẽ có một cuộc sống an nhàn thì hiểm họa mới thực bắt đầu. Không có hòa bình vĩnh cửu, quái vật Kronos được đánh thức. Mục đích của nó là một lần nữa đưa đỉnh Olympus và lò đào tạo á thần chìm vào trong biển lửa. Định mệnh thay đổi, Percy lại bất đắc dĩ cứu thế giới thêm một lần nữa. Đích đến là Sea of Monster nơi cất giữ bộ lông cừu vàng trong truyền thuyết, thứ sẽ cứu rỗi thế giới khỏi sự hỗn mang khi các thế lực bóng tối đang ngày càng củng cố sức mạnh.
Việc chuyển thể từ tác phẩm văn học từ lâu đã không còn mới mẻ. Mỗi cách biến chuyển đều đem lại cho người xem một cái hay riêng. Một họa sĩ đã từng nói “không nên so sánh văn học và điện ảnh với nhau vì chúng vô cùng khập khiễng, văn học cuốn hút người ta bằng ngôn từ còn điện ảnh lại mê hoặc người xem bằng những thước phim tinh tế”. Tuy nhiên cái gì cũng nên nằm trong chừng mực và phải giữ nguyên ít nhiều nguyên tác. Hẳn Percy Jackson and The Sea Monster sẽ phải ngước nhìn những tác phẩm đi trước Harry Potter hay The Hunger Game một cách ghen tị chứ không nói tới muốn ngang hàng với các sản phẩm đã nổi tiếng như The Lord of the Rings. Nếu công bằng thì chỗ đứng của Percy Jackson and The Sea Monster chỉ cùng hạng vớiTwilight hay nhỉnh hơn Eragon một chút, mặc dù những tiểu thuyết trên đều rất hay nhưng lên phim lại vô cùng dở tệ và một lần nữa những tác phẩm như kiểu Percy Jackson and The Sea Monster lại đi vào vết xe đổ cũ.
Đạo diễn Thor Freudenthal đã có công lớn trong việc thay đổi hình ảnh của phim. Tất nhiên so với thời điểm của ba năm về trước mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Bối cảnh, các vị thần đều rất đẹp và sáng tạo. Người xem sẽ không khỏi trầm trồ thán phục bởi công nghệ kỹ xảo hiện đại với bờ biển đại dương nước trong veo với những loài quái vật kỳ bí, nhưng vô cùng hùng vỹ và bi tráng. Thor Freudenthal đã tạo ra được thế giới của riêng ông, đẹp lạ lùng tới mức bỏ xa cả nội dung của tiểu thuyết. Chính lý do này đã một phần đẩy mức hấp dẫn của phim lên cao nhưng cũng không khỏi vấp phải những ý kiến phản hồi của fan ruột Rick Riordan. Việc thay đổi này cũng làm phim có những điểm tích cực nhưng cũng có cái khiến tổng thể ban đầu trở nên phi logic, có lẽ việc quyết định hay hoặc dở cho vấn đề này nên để khán giả tự trả lời là công tâm nhất.
Video đang HOT
Kịch bản sáng tạo nhưng đầy những lỗ hổng do không được khai thác triệt để, những sự chuyển biến quá nhanh tính cách nội tâm nhân vật. Sự nhạt nhẽo hời hợt trong cách diễn xuất của từng diễn viên. Một chuyến đi tìm công lý dài dòng với những ngôn từ khá sến và sáo rỗng không khỏi làm khán giả ngồi ngáp ngắn ngáp dài trong rạp. Dàn diễn viên đều là lứa tuổi teen, đáng lý họ phải đem lại một sự tươi trẻ hoặc ít ra là một làn gió mới cho thể loại viễn tưởng này mới phải. Bản thân nhân vật Percy (Logan Lerman) đóng vô cùng yếu ớt. Người xem không thấy được cái chất á thần mà anh ta có, ngoài chuyện gào thét và lao vào cuộc chiến vô ích còn lại những nhân vật cùng trong nhóm như Annabeth (Alexandra Daddario) hay Tyson (Douglas Smith) chỉ dừng lại ở mức tròn vai.
Chúng ta sẽ có một phép so sánh nho nhỏ, hãy nhìn vào nhân vật Harry và Percy, hai chàng trai này có vô số điểm giống nhau. Nhưng Harry và nhóm của anh ta thì thể hiện sự trưởng thành, đĩnh đạc của mình qua từng tập phim tương phản hoàn toàn với Percy với cách hành xử như đứa trẻ chưa kịp lớn. Ví dụ trên chỉ là một cái nhìn hài hước về sự phát triển và tạo hình nhân vật của Thor Freudenthal và sáng tạo cũng nên có điểm dừng. Chưa kể đến, phim còn quá dễ đoán trước diễn biến, lấy của phim này một chút, nhồi của phim kia một chút nên khá nhàm và không giữ được nét quyến rũ như phần đầu tiên
Percy Jackson and The Sea Monster không hẳn là thiếu đi những điểm cộng. Trong khi dàn diễn viên chính tỏ ra lép vé thì những vai phụ để lại được nhiều dấu ấn. Điển hình như Nathan Fillion khi ông đã vào vai rất tốt phiên bản Hermes hiện đại. Trong phim Fillion thể hiện là một người hài hước, dí dỏm và hay than vãn điều này kéo lại một chút hài hước và giải thoát khán giả khỏi cơn buồn ngủ mà phim đem tới. Hoặc lòng hận thù Luke và kế hoạch trả thù hiểm ác. Xem ra những vai phản diện hoặc trung lập còn thể hiện tốt hơn cả những nhân vật chính.
Việc phá bỏ cốt truyện chính vốn đã chặt chẽ của nhà văn Rick Riordan không phải là một ý tưởng thông minh, nhưng nó cũng không quá tồi. Chỉ có điều cách thể hiện của đạo diễn có phần hụt hơi và chưa thực sự hoàn thiện, và đây là một điều đáng tiếc đối với Percy Jackson and the Sea of Monster. Dẫu sao đây vẫn là bộ phim xem được nến ai không quá khắt khe và tò mò xem mọi thứ thay đổi trong phim như thế nào.
Theo Trithuctre
"Percy Jackson: Sea of Monsters" đã hay hơn hẳn phần 1
"Percy Jackson: Sea of Monsters" là bước chuyển mình tích cực so với phần 1 cách đây 3 năm. Tuy chưa hoàn hảo nhưng vẫn là phim xem được.
Có thể nói, Percy Jackson: Sea of Monsters là một canh bạc của hãng 20th Century Fox trong mùa phim hè năm nay. Sở dĩ như vậy vì khi được phát hành vào năm 2010, phần một - Percy Jackson & the Oympians: The Lightning Thief đã không gặt hái thành công về mặt tài chính như mong đợi, thậm chí thua lỗ tại thị trường Bắc Mỹ. Rất may là ở những thị trường khác trên thế giới, bộ phim gỡ gạc lại đáng kể để rồi cuối cùng thu về 226 triệu $ (~4.771,9 tỷ VND). Điều quan trọng là nội dung của The Lightning Thief khá tệ nên liệu khán giả có tin tưởng theo dõi tiếp Percy Jackson: Sea of Monsters?
Điều trái ngược đã xảy ra. Trong khi số lượng người xem sụt giảm thì chất lượng của Percy Jackson: Sea of Monsters lại được cải thiện đáng kể so với phần đầu. Tính chất phiêu lưu đậm nét hơn, tình tiết đa dạng hơn, ly kỳ, lôi cuốn hơn và mục đích câu chuyện cũng rõ ràng hơn.
Sau một thời gian sinh sống cùng với bạn bè đồng trang lứa tại trại Á thần, Percy Jackson (Logan Lerman) vẫn canh cánh trong lòng nhiều vấn đề. Cậu hoài nghi về bản thân: liệu nắm trong tay năng lực thần kỳ là điều may mắn hay chỉ tổ mang tới rắc rối? Ngoài ra, Percy Jackson luôn cảm thấy cô đơn vì không có cha - vốn là thần Poseidon - bên cạnh. Một ngày nọ, tai họa ập xuống trại Á thần khi bức màn chắn thần kỳ bị phá vỡ. Không còn cách nào khác, Percy cùng những người bạn phải lên đường tới vùng biển quái vật, nơi cất giấu bộ lông cừu vàng với hy vọng hồi phục cân thần Thalia.
Điểm hấp dẫn ở Percy Jackson: Sea of Monsters đó là tạo hình những quái vật trong phim khá đa dạng. Nào là thủy quái khổng lồ Andromeda tại vùng biển Bermuda, nào là quái vật một mắt Polyphemus trên hòn đảo bí ẩn và đặc biệt là người khổng lồ Kronos - cha của ba vị thần tối cao Zeus, Poseidon vàHades. Ngoài ra, trong phần 2 này còn có sự xuất hiện của hai nhân vật mới là Clarisse - con của thần chiến tranh Ares và Tyson - một cyclops (độc nhãn) cùng cha với Percy. Tất cả góp phần tạo nên tính ly kỳ, ganh đua cho cuộc phiêu lưu.
Tất nhiên, đối với một câu chuyện dành cho tuổi teen, các nhân vật còn rất trẻ nên thật khó đòi hỏi nhiều ở bộ phim. Cách xử lý tình huống, các cảnh hành động không thể chặt chẽ, mạnh mẽ, dữ dội như một số tác phẩm cùng đề tài, cùng thể loại khác. Tính chất bạo lực theo đó cũng phải giảm xuống để bộ phim phù hợp với mọi khán giả, từ thiếu nhi tới các bậc phụ huynh. Đây vốn là điểm đặc trưng riêng từ trước đến nay của những tác phẩm dành cho khán giả teen. Bù lại, Percy Jackson: Sea of Monsters có một số tình huống hài hước, "đá đểu" các vị thần như việc Hermes vốn là nhân viên của hãng UPS, chuyên chuyển phát nhanh giữa trái đất và đỉnh Olympus.
Các diễn viên tham gia trong Percy Jackson: Sea of Monsters đều còn rất trẻ, dĩ nhiên chưa đủ độ nổi tiếng để hút khách. Ngoại từ Logan Lerman, hầu hết mới chỉ xuất hiện qua các dự án phim truyền hình hoặc vài vai nhỏ trong phim điện ảnh.
Ra mắt vào thời điểm này, Percy Jackson: Sea of Monsters phải chịu nhiều thiệt thòi. Trong mọi suy nghĩ của người xem, ít nhiều cũng có sự so sánh với series Harry Potter. Tuy lấy đề tài về thần thoại nhưng hệ thống câu chuyện, mối quan hệ giữa các nhân vật trong Percy Jackson: Sea of Monsters cũng na ná, không khác gì nhiều.
Nhìn chung, Percy Jackson: Sea of Monsters là bước chuyển mình tích cực so với phần 1 cách đây 3 năm. Tuy chưa hoàn hảo (phần kỹ xảo còn giả tạo) nhưng vẫn phù hợp với khán giả trẻ.
Đạo diễn: Thor Freudenthal
Diễn viên: Logan Lerman, Alexandra Daddario, Laven Rambin
Thể loại: Phiêu lưu / Kỳ ảo
Theo Trí thức trẻ
Percy Jackson phiêu lưu kỳ thú cùng các Á thần Với dàn diễn viên trai xinh gái đẹp, hình ảnh lung linh, nội dung nhẹ nhàng, vui nhộn, bộ phim hút teen ngay từ phút đầu tiên. Cách đây 3 năm, phim giả tưởng dựa trên bộ tiểu thuyết Percy Jackson đã được ra mắt phần đầu với The Lightning Thief. Dù không được lòng giới phê bình nhưng bộ phim vẫn có...