PCI-2019: Không gian cải cách thủ tục hành chính còn rất nhiều
Một số nhóm lĩnh vực được xem là ‘nhạy cảm’ vẫn tiếp tục bị nhũng nhiễu với những quy định mang nặng tính cục bộ của một số cơ quan công quyền và một bộ phận công chức, viên chức.
Trải qua chặng đường 15 năm, Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã rất “bền bỉ” truyền tải tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đến các cấp chính quyền địa phương về yêu cầu cải thiện chất lượng điều hành, cải cách thủ tục hành chính và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi.
Theo Báo cáo PCI-2019, cộng đồng doanh nghiệp đã cảm nhận được những tín hiệu tích cực về những nỗ lực cải cách của Chính phủ và các cấp chính quyền các địa phương.
Tuy nhiên trên thực tế, một số nhóm lĩnh vực được xem là “nhạy cảm” vẫn tiếp tục bị nhũng nhiễu với những quy định mang nặng tính cục bộ của một số cơ quan công quyền và một bộ phận cộng chức, viên chức. Cụ thể, tỷ lệ các doanh nghiệp phàn nàn sự phiền hà về thủ tục hành chính tại lĩnh vực đất đai lên tới 35%, thuế-phí là 25%, bảo hiểm xã hội là 23%. Riêng chi phí không chính thức mặc dù đã giảm trong 3 năm liên tiếp và là mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây, song thực tế vẫn còn tới 53,6% doanh nghiệp cho biết vẫn phải chi trả loại phí này. Trong số đó, 54,1% doanh nghiệp phản ánh về việc tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu của cán bộ Nhà nước tại địa phương khi giải quyết thủ tục hành chính.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để những tồn tại nêu trên được các chính quyền địa phương giải quyết triệt để hơn, cải cách hành chính đi vào thực chất hơn và đặc biệt là những khó khăn mang tính truyền thống này không còn “hoành hành” trong những thập kỷ tới.
Để làm rõ hơn vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc dự án PCI đã có cuộc trao đổi trên Báo điện tử VietnamPlus.
Tín hiệu đáng mừng
- Ông đánh giá những kết quả cải cách của các cấp chính quyền địa phương sau 15 thực hiện điều tra, nghiên cứu PCI?
Ông Đậu Anh Tuấn: Điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là báo cáo phản ánh trên nhiều lĩnh vực về môi trường kinh doanh tại các địa phương. Mỗi năm, PCI khảo sát trên 12.000 doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với phương pháp lấy mẫu so sánh chuyển động về mọi mặt trên môi trường kinh doanh.
Video đang HOT
Nhìn chung, điều tra PCI năm nay cho thấy sự lạc quan về cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, các chi phí đã được giảm trên nhiều lĩnh vực và doanh nghiệp cảm thấy hài lòng hơn.
Đặc biệt, môi trường kinh doanh có xu hướng minh bạch hơn trong ba, bốn năm qua. Đây là lĩnh vực rất quan trọng, bởi doanh nghiệp có thể tiếp cận những thông tin cần thiết cho hoạt động kinh doanh, như website của các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, thành phố.
Về chi phí không chính thức, PCI ghi nhận có chiều hướng giảm trong ba năm liên tục. Tôi muốn lưu ý rằng chỉ số chỉ tiêu không chính thức trong nhiều năm trước đây chỉ có tăng mà không có giảm, thậm chí đã từng “phổ biến” đến mức trên 66% doanh nghiệp phiền hà trên thực tế đã giảm.
Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực khác cũng có xu hướng lạc quan với đánh giá của doanh nghiệp về giải quyết tranh chấp, an ninh trật tự… Báo cáo cũng chỉ ra làn sóng cải cách của các chính quyền địa phương đang diễn ra sôi nổi với điểm trung vị [vị trí trung bình-pv] của các tỉnh bình quân đã đạt mức cao nhất trong 15 năm điều tra PCI. Không khí cải thiện môi trường kinh doanh của các tỉnh, thành phố đang rất “hòa quyện”. Với tín hiệu đáng mừng đó, nhóm nghiên cứu PCI-2019 đã quyết định chọn chọn chủ đề “Mẻ lưới đầy” trên trang bìa của báo cáo.
Không gian cải cách còn rất nhiều
- Với kết quả đạt được sau “15 mùa” PCI, ông có tin tưởng rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam có thể đạt như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ sẽ lọt vào top 4 trong khu vực Đông Nam Á trong thời gian tới?
Ông Đậu Anh Tuấn: Nếu hỏi môi trường kinh doanh của Việt Nam đã hoàn hảo? Tôi chắc chắn là chưa, vì không gian cải cách còn rất nhiều.
Do đó, các bộ máy hành chính các cấp Nhà nước cần phải chú trọng hơn nữa khi các nhóm thủ tục liên quan đến xây dựng, đất đai, môi trường có tỷ lệ còn rất cao. Doanh nghiệp trả lời rất chi tiết về xu hướng này, thậm chí tỷ lệ doanh nghiệp than phiền xấp xỉ ngang bằng với nhóm vấn đề khó khăn nhất mà họ gặp phải trong hoạt động kinh doanh là tìm kiếm khách hàng.
Nghĩa là khó khăn trong thủ tục hành chính còn rất lớn và nếu được cải thiện thì chắc chắn kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ cải thiện, khi đó hiệu ứng đối với nền kinh tế là rất cao.
Qua chặng đường điều tra PCI, chúng tôi nhận thấy những khó khăn truyền thống trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp về thủ tục hành chính và gây phiền hà nhất thuộc nhóm lĩnh vực đất đai, thuế-phí, bảo hiểm xã hội…
Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam trong thời gian tới sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ. Bởi, quyết sách của Chính phủ cho thấy quyết tâm với khát vọng đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm bốn quốc gia đứng đầu khu vực ASEAN về môi trường kinh doanh thuận lợi.
Để đạt được mục tiêu này, mức độ gia tăng cải cách của các bộ, ngành, địa phương sẽ cần phải cần phải mạnh mẽ hơn nữa.
Một vấn đề mới nảy sinh, mặc dù môi trường kinh doanh trong năm 2019 cải thiện tương đối tích cực nhưng dịch bệnh COVID-19 đang tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi, điều tra PCI-2019 vẫn cho thấy nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tương đối bi quan về triển vọng kinh doanh. Cộng thêm “dư chấn” từ COVID-19, nhóm doanh nghiệp này sẽ gặp khó khăn hơn nhiều về bạn hàng hàng, nguồn vốn, thị trường… so với bối cảnh cùng kỳ năm 2019.
Một vấn đề khác, nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp những khó khăn rất lớn về rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu, không chỉ hạn hán ở miền Trung-Tây Nguyên hay xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mà thiên tại đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành thuộc vùng, miền khác nhau. Nó gây ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ban tổ chức trao xếp hạng PCI 2019 cao nhất cho đại diện tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Quốc Tuấn/TTXVN)
Chạm “trần” thể chế
- Vậy theo ông đâu là nguyên nhân “níu chân” cải cách tại các địa phương cũng như những yếu tố thúc đẩy cải cách trong thời gian tới?
Ông Đậu Anh Tuấn: Với chi phí không chính thức, cần có sự thay đổi trong tiếp cận các thông tin về mua sắm công. Ví dụ, như vụ việc tham nhũng trong hoạt động mua sắm các thiết bị y tế chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua là “hồi chuông” thúc giục Việt Nam phải mạnh mẽ hơn nữa trong cải cách, tạo ra các hoạt động công khai minh bạch trong đấu thầu mua sắm công.
Về “văn hóa” kinh doanh, sự thay đổi liên quan đến vấn đề chi phí không chính thức đối với các doanh nghiệp cũng không phải là dễ dàng. Qua hành trình điều tra PCI trong nhiều năm, chúng tôi nhận thấy khá nhiều doanh nghiệp cho rằng chi phí “bôi trơn” là việc làm bình thường.
Bên cạnh đó, điều tra PCI-2019 cũng cho thấy các tỉnh, thành phố ở top cuối có xu hướng bám sát nhóm top đầu với khoảng cách thu hẹp rất rõ, từ 60 điểm đến 73 điểm (trước đây các tỉnh phía cuối thường khoảng 36 điểm trên thang điểm 100). Điều này chỉ ra các tỉnh đứng cuối đã thay đổi rất mạnh mẽ so với chính mình với sự bứt phá, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư.
Song trái lại, các tỉnh dẫn đầu lại không có sự cải cách đột phá trong các năm qua. Nhiều chuyên gia cho rằng các tỉnh này đang bị vướng bởi “trần” thể chế. Bởi, những lãnh đạo đứng đầu nếu tỏ ra năng động, sáng tạo sẽ có thể chịu rủi ro cao do những bất cập chồng chéo từ các quy định pháp luật và không phải dễ gì để vượt qua.
Thời gian qua, VCCI đã gửi Chính phủ và Quốc hội 25 kiến nghị vướng mắc, xung đột chồng chéo giữa các luật hiện hành. Cụ thể, chúng tôi kiến nghị các địa phương cần có một khuôn khổ pháp lý phù hợp, an toàn và khuyến khích tính năng động, sáng tạo. Đây là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các địa phương.
Trong bối cảnh hậu COVID-19, Việt Nam đã rất thành công trong việc khắc phục chống dịch bệnh, qua đó khẳng định niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào các cấp chính quyền. Và, niềm tin đó là cơ sở rất quan trọng giúp các chính quyền địa phương điều hành kinh tế sau này. Việt Nam đang đi đúng hướng, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn kỳ vọng tốc độ cải cách phải nhanh hơn nữa.
Qua đại dịch, cách điều hành, cách kinh doanh, cách sinh hoạt trong xã hội đã có sự thay đổi. Ứng dụng công nghệ thông tin đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng hơn bao giờ hết ở mọi lĩnh vực, ngành nghề và địa phương. Người dân, doanh nghiệp thực hiện các tục hành chính thay vì phải gặp trực tiếp cơ quan quản lý sẽ chuyển sang môi trường mạng, cách điều hành này sẽ giảm được sự phiền hà, giảm chi phí không chính thức, tạo ra minh bạch, tiết kiệm thời gian… và người lãnh đạo tại các cấp chính quyền sẽ cần phải quen với tư duy này./.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc dự án PCI:
Chi phí bôi trơn vẫn cao, cần giảm nữa
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, điểm cần lưu ý trong Báo cáo PCI năm 2019 do VCCI công bố là số lượng doanh nghiệp (DN) phải bôi trơn dù giảm nhưng vẫn ở mức rất cao. TS Doanh cho rằng, có nhiều DN phải "bôi trơn" nhưng không dám nói.
Ngoài ra, con số 59% DN gặp khó khăn trong khi thực hiện thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và 53% số DN vướng mắc trong thủ tục liên quan đến xây dựng, quy hoạch cho thấy, cải cách hành chính, cải cách bộ máy của Việt Nam chậm chạp so với yêu cầu, so với đòi hỏi của cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật và phải thay đổi.
Cơ quan chức năng phải nhìn vào thực tế này để công khai minh bạch. Bộ máy nhà nước công khai cụ thể, các đơn vị nào làm gì? Các đề nghị, thủ tục của DN sẽ do đơn vị nào giải quyết và khi nào xong? Các bước này phải công bố rộng rãi trên mạng internet và chuyển mạnh mẽ sang kinh tế số, thể hiện rõ trách nhiệm giải trình của bộ ngành. Đây là cơ sở để có những cải thiện mạnh mẽ hơn. Tôi cho rằng, không thể hài lòng với chỉ số 50 % DN phải "bôi trơn" khi thực hiện các thủ tục hành chính và phải nỗ lực hơn nữa để con số này giảm nữa.
Trong báo cáo nêu lên thực trạng, việc cải cách bộ máy làm việc nhỏ, việc mang tính hình thức. Những cải cách cơ bản nhằm hỗ trợ doanh ngiệp nhiều hơn chưa tiến triển. Con số cải thiện, cắt giảm lớn nhưng kết quả đem lại không lớn như công bố. Chúng ta phải có bộ máy vào cuộc thực sự, hợp tác với các bộ để thay đổi.
Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, muốn khôi phục nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, việc đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính quan trọng hàng đầu. Công ty nước ngoài đang rút khỏi Trung Quốc, đây là cơ hội để Việt Nam đưa ra lời mời chào đến các DN này. Nếu không có hành động cụ thể, Việt Nam khó có thể thu hút các tập đoàn lớn ở các nước tiên tiến ở châu Âu, Mỹ.
Chuyên gia Nhật: Nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn coi Việt Nam là cơ sở sản xuất, nhưng thực tế đất nước này đang phát triển ở tầm cao hơn! Ông Hironobu Kitagawa, Phó Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) trong cuộc phỏng vấn của TTXVN tại Tokyo đã đánh giá cao nỗ lực cải thiện chính sách thương mại quốc tế của Việt Nam. Đánh giá về các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam sau 45 năm thống nhất đất nước, đặc...