Palestine và các nước Arab lên án tuyên bố của Thủ tướng Israel
Tổng thống Palestine Abbas ngày 11/9 tuyên bố chấm dứt các thỏa thuận đã ký với Israel nếu Israel sáp nhập Thung lũng Jordan, Biển Chết.
Sau tuyên bố của Thủ tướng Israel Netanyahu về việc sẽ áp đặt “chủ quyền của Israel” lên Thung lũng Jordan và Biển Chết phía bắc nếu thắng cử vào ngày 17/9 tới, chính quyền Palestine, Saudi Arabia và Jordan đã lên án mạnh mẽ.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh: iuvmpress.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ngày 11/9 đã tuyên bố chấm dứt tất cả các thỏa thuận đã ký với Israel nếu phía Israel thực hiện việc áp đặt chủ quyền đối với Thung lũng Jordan, Biển Chết và bất kỳ phần nào của lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng vào năm 1967.
Video đang HOT
Tổng thống Abbas nhấn mạnh rằng người Palestine có quyền bảo vệ các quyền của họ và đạt được các mục tiêu bằng mọi cách dù kết quả ra sao. Ông Abbas nói rằng các quyết định của Thủ tướng Netanyahu mâu thuẫn với các quyết định về tính hợp pháp quốc tế và luật pháp quốc tế.
Trong phản ứng tương tự, Phong trào Hamas ở Gaza nói rằng các tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu áp đặt chủ quyền đối với các khu định cư ở Bờ Tây và Thung lũng Jordan là một chính sách xâm lược đối với người dân Palestine. Phong trào Hamas khẳng định sẽ kháng cự trước sự chiếm đóng và kế hoạch của Israel cũng như kêu gọi đoàn kết chống lại các chính sách này của Israel.
Cùng ngày, Saudi Arabia đã lên án và bác bỏ hoàn toàn thông báo của Thủ tướng Israel dự định sáp nhập vùng đất từ Bờ Tây nếu ông thắng trong cuộc bầu cử tới. Saudi Arabia khẳng định tuyên bố này là sự leo thang rất nguy hiểm đối với người dân Palestine và thể hiện sự vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và các quy tắc nhà nước, cũng như sẽ làm suy yếu mọi nỗ lực để đạt được một nền hòa bình chính đáng và lâu dài.
Saudi Arabia kêu gọi tất cả các quốc gia, tổ chức và cơ quan nhà nước lên án và bác bỏ tuyên bố này của Thủ tướng Israel và coi bất kỳ hành động nào liên quan của Israel là vô hiệu, không có hiệu lực pháp lý đối với các quyền lịch sử và bất khả xâm phạm của người dân Palestine. Saudi Arabia kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ở cấp Bộ trưởng ngoại giao để thảo luận về vấn đề này và xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp đưa ra các biện pháp cần thiết.
Phản ứng tương tự, Jordan đã lên án tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi coi tuyên bố của ông Netanyahu là một sự leo thang nguy hiểm làm suy yếu nền tảng của tiến trình hòa bình và đẩy toàn bộ khu vực theo hướng bạo lực, xung đột, cũng như vi phạm luật pháp quốc tế. Jordan kêu gọi cộng đồng quốc tế cũng có trách nhiệm từ chối tuyên bố của Israel và lên án tuyên bố này.
Ông Safadi nói rằng tuyên bố này và các bước đơn phương khác, bao gồm việc mở rộng các khu định cư bất hợp pháp của Israel là một mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình trong khu vực và thế giới./.
Theo Ngọc Thạch/VOV-Cairo
Palestine phản đối Mỹ loại Chính quyền Palestine khỏi danh sách các quốc gia
Ngày 25/8, nhà chức trách Palestine đã lên tiếng phản đối Bộ Ngoại giao Mỹ loại bỏ Chính quyền Palestine (PA) khỏi danh sách các quốc gia trên trang mạng chính thức của cơ quan này.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phát biểu tại cuộc họp ở thành phố Ramallah, Khu Bờ Tây ngày 25/7/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại thường trú tại khu vực Trung Đông, người phát ngôn của Tổng thống Palestine, ông Nabil Abu Rudaineh cho rằng việc loại PA khỏi danh sách các quốc gia là "tuân theo ý kiến của cánh hữu Israel và sự sa sút chưa có tiền lệ trong chính sách đối ngoại của Mỹ".
Ông Nabil khẳng định động thái này của Mỹ "diễn ra trong bối cảnh các nỗ lực tuyệt vọng nhằm loại bỏ sự nghiệp của nhân dân và dân tộc Palestine".
Theo ông Nabil, Palestine phản đối và lên án động thái của Mỹ, cho thấy "chính quyền Mỹ đang thực hiện các bước đi ủng hộ sự chiếm đóng của Israel", cho rằng hành động này "cũng phản ánh nội dung của cái được gọi là thỏa thuận thế kỷ của Mỹ", ngụ ý về kế hoạch hòa bình Trung Đông của Washington nhằm giải quyết xung đột Israel - Palestine.
Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), ông Saeb Erekat cũng chỉ trích động thái của Mỹ khi cho rằng "việc loại bỏ PA khỏi danh sách các quốc gia của Bộ Ngoại Mỹ không phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ".
Bộ Ngoại giao Chính quyền Palestine cáo buộc Chính quyền Mỹ "thực hiện tầm nhìn của Israel về phá hủy giải pháp hai nhà nước và hợp thức hóa việc chiếm đóng", đồng thời khẳng định động thái của Mỹ sẽ không thay đổi bất kỳ điều gì, một lần nữa cho thấy chính quyền Mỹ "hoàn toàn ủng hộ chiếm đóng và đang mất uy tín".
Theo Việt Thắng (TTXVN)
Người Palestine không cần sự đồng ý của Thủ tướng Israel để xây nhà Chính quyền Palestine ngày 31-7 tuyên bố, người dân nước này không cần phải có được sự đồng ý từ Thủ tướng Isarel Benjamin Netanyahu để xây nhà tại "Khu vực C" thuộc vùng lãnh thổ của Palestine bị chiếm đóng. Một người phụ nữ Palestine đứng giữa đống đổ nát của ngôi nhà - nằm ở vị trí được gọi là Khu...