Pakistan cân nhắc lại khoản đầu tư 62 tỉ USD từ Trung Quốc
Pakistan dường như đang lên kế hoạch xem xét hoặc thương lượng lại các thỏa thuận nằm trong Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), siêu dự án trị giá 62 tỉ USD phát triển cơ sở hạ tầng thuộc sáng kiến “vành đai, con đường” (BRI) do Bắc Kinh đầu tư.
Cảng Gwadar (Ảnh: AFP)
Financial Times ngày 10/9 đưa tin, Pakistan được cho là đang lên kế hoạch cân nhắc và tái thương lượng các thỏa thuận đã đạt được với Trung Quốc trong khuôn khổ dự án CPEC. Theo các bộ trưởng và cố vấn của Islamabad, chính phủ mới của tân Thủ tướng Imran Khan dường như đang xem xét lại các dự án và điều khoản do quan ngại rằng các dự án này mang lại quá nhiều lợi ích cho các công ty Trung Quốc.
Siêu dự án CPEC nhằm mục đích liên kêt cảng Gwadar ở phia tây nam Pakistan vơi khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, thông qua mạng lưới đường cao tốc, đường sắt và đường ống vận chuyển dầu khí, cho tới thời điểm hiện tại là một trong những phần dự án có quy mô lớn nhất thuộc sáng kiến BRI của Trung Quốc. Dự kiến, Trung Quốc sẽ rót vốn để mở rộng cảng Gwadar, cũng như đầu tư 30 tỉ USD vào các dự án nhà máy điện.
“Chính phủ tiền nhiệm đã không thực hiện tốt nhiệm vụ thương lượng với Trung Quốc trong khuôn khổ CPEC. Họ đã cho đi quá nhiều”, ông Abdul Razak Dawood, quan chức nội các Pakistan phụ trách thương mại, dệt may, công nghiệp và đầu tư trả lời Financial Times.
“Các công ty Trung Quốc được hưởng chính sách miễn thuế cũng như các lợi ích khác và có quá nhiều ưu thế kinh doanh ở Pakistan. Điều này gây nên bất lợi rõ ràng cho các công ty Pakistan”, ông Dawood nói.
Thủ tướng Khan đã thành lập một ủy ban gồm 9 người có nhiệm vụ đánh giá các dự án nằm trong CPEC. Dự kiến, ủy ban này sẽ nhóm họp lần đầu trong tuần này và cân nhắc khía cạnh lợi ích cũng như các khoản nợ trọng việc triển khai CPEC, theo ông Dawood.
Quan chức này cho rằng: “Tôi nghĩ chúng ta nên dừng mọi thứ lại trong 1 năm để chúng ta có thể cân nhắc về mọi khía cạnh”.
Các quan chức và cố vấn của chính phủ ông Khan dường như đang nghiêng về phương án mở rộng các điều khoản trong khoản vay liên quan tới CPEC và kéo dài thời gian thực hiện các dự án, hơn là phương án hủy bỏ hoàn toàn.
Video đang HOT
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Islamabad hồi tuần trước nói rằng Bắc Kinh cởi mở trong việc thương lượng lại các thỏa thuận với Pakistan.
“CPEC sẽ không trở thành gánh nặng nợ nần cho Pakistan. Một khi các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, nó sẽ có những giá trị kinh tế to lớn”, ông Vương nhấn mạnh.
Ngoài Pakistan, nhiều quốc gia đang suy nghĩ lại về các khoản đầu tư của Bắc Kinh trong sáng kiến BRI nhằm nâng cao tầm ảnh hưởng toàn cầu như: Malaysia, Sri Lanka, Myanmar.
Đức Hoàng
Theo Dantri/ Straits Times
Phía sau khoản chi hào phóng của Trung Quốc vào thị trấn ven biển Pakistan
Việc Trung Quốc không ngần ngại rót hàng loạt khoản viện trợ khổng lồ cho một thị trấn nhỏ ven biển ở Pakistan đã đặt ra nhiều câu hỏi về mục đích thực sự của Bắc Kinh thông qua những dự án này.
Cảng Gwadar, Pakistan nhìn từ trên cao (Ảnh: Reuters)
Theo Reuters, Trung Quốc đã xây dựng một trường học, cử các bác sĩ và cam kết viện trợ 500 triệu USD cho Gwadar để thị trấn này phát triển sân bay, bệnh viện, trường đại học và cơ sở hạ tầng nguồn nước. Gwadar là nơi có cảng biển thông ra biển Ả-rập, nhìn ra những tuyến đường thủy vận chuyển dầu và khí đốt nhộn nhịp nhất thế giới hiện nay.
Theo các nhà nghiên cứu và giới chức Pakistan, các khoản viện trợ của Trung Quốc sẽ bao gồm 230 triệu USD xây dựng sân bay quốc tế mới và đây là một trong những khoản chi lớn nhất của Bắc Kinh ở nước ngoài. Ngoài sân bay, Trung Quốc cũng rót 100 triệu USD để nâng cấp một bệnh viện tại Gwadar lên thành bệnh viện 250 giường, 130 triệu USD để cải tạo hệ thống nguồn nước và 10 triệu USD để phát triển một trường dạy nghề và kỹ thuật.
Theo Brad Parks, giám đốc điều hành của AidData - một cơ sở nghiên cứu tại Đại học William và Mary (Mỹ) chuyên thu thập dữ liệu về các khoản viện trợ của Trung Quốc tại 140 quốc gia từ năm 2000-2014, quy mô viện trợ của Bắc Kinh tại Gwadar là rất lớn.
Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã cam kết đầu tư hơn 800 triệu USD và cung cấp các khoản vay ưu đãi cho Gwadar - nơi có chưa đầy 100.000 dân. Trong 15 năm trước đó, Bắc Kinh cũng đã chi tổng cộng 2,4 tỷ USD dưới dạng các khoản viện trợ và vay vốn cho Pakistan.
"Gwadar là trường hợp đặc biệt, ngay cả khi so sánh với các tiêu chuẩn viện trợ của Trung Quốc trước đây tại Pakistan", chuyên gia Parks nhận định.
Ngư dân Pakistan đánh bắt cá ở Gwadar (Ảnh: Reuters)
Cả Trung Quốc và Pakistan đều xem Gwadar như một "viên ngọc" đặt trên "chiếc vương miện" là Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC). CPEC được coi là lá cờ đầu trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh nhằm xây dựng một "con đường tơ lụa" trên đất liền và trên biển kết nối hơn 60 quốc gia ở khắp các châu lục Á, Âu và Phi.
Kế hoạch này sẽ biến Gwadar thành một trung tâm vận tải biển và hải cảng lớn được xây dựng theo mô hình của các đặc khu kinh tế. Từ đây, các ngành công nghiệp tập trung vào xuất khẩu sẽ vận chuyển hàng hóa đi khắp thế giới. Ngoài ra, mạng lưới đường ống dẫn năng lượng, các tuyến đường bộ và hệ thống đường sắt cũng sẽ được triển khai để nối Gwadar với các khu vực phía tây của Trung Quốc.
Giới chức Pakistan ước tính hàng hóa giao dịch qua cảng biển tại Gwadar dự kiến sẽ tăng từ 1,2 triệu tấn năm 2018 lên khoảng 13 triệu tấn năm 2022. Tại cảng biển này, hệ thống 3 cần trục mới đã được lắp đặt và công tác nạo vét cũng sẽ được tiến hành vào năm tới để khoét sâu cảng thêm 20 m.
Theo thỏa thuận giữa hai nước, sau khi đầu tư vào Gwadar, Trung Quốc sẽ nhận được 91% lợi nhuận cho đến khi cảng này được trả lại cho Pakistan trong thời hạn 40 năm. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Cảng nước ngoài Trung Quốc, doanh nghiệp vận hành cảng Gwadar, cũng sẽ được miễn các khoản thuế chính trong hơn 20 năm.
Mỹ - Ấn ngờ vực
Một góc cảng Gwadar tại Pakistan (Ảnh: Reuters)
Động thái của Trung Quốc không tránh khỏi sự ngờ vực của nhiều nước, trong đó có Mỹ và Ấn Độ. Việc Bắc Kinh hào phóng rót những khoản viện trợ khổng lồ vào một thị trấn chài lưới nhỏ ở Gwadar được cho là để "lấy lòng" người dân địa phương, và việc nước này xây dựng một cảng nước sâu thương mại tại đây có thể nhằm phục vụ cho Hải quân Trung Quốc.
Nghi ngờ những khoản đầu tư với quy mô lớn bất thường của Trung Quốc tại Pakistan, Mỹ và Ấn Độ cho rằng Gwadar là một phần trong kế hoạch địa chiến lược tương lai của Bắc Kinh nhằm thách thức sự thống trị của hải quân Mỹ.
Báo cáo của Lầu Năm Góc hồi tháng 6 dự đoán Gwadar có thể trở thành một căn cứ quân sự của Trung Quốc. Đây cũng là điều Ấn Độ quan ngại từ trước đến nay, song Bắc Kinh một mực phủ nhận. Trong khi đó, giới chức Pakistan khẳng định Trung Quốc không đề nghị sử dụng Gwadar vào mục đích hải quân.
"Cảng Gwadar phần lớn được sử dụng vào mục đích thương mại. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào tình hình trong 20 năm tới để xem thế giới sẽ đi về đâu", Bộ trưởng Hàng hải Pakistan Hasil Bizenjo cho biết.
Dự án đầu tư cảng biển của Trung Quốc tại Gwadar cũng được đem ra so sánh với dự án tương tự tại làng Hambantota ở Sri Lanka. Trung Quốc đã biến ngôi làng này một quần thể cảng biển đồ sộ, nhưng cũng đẩy Sri Lanka trở thành con nợ của Bắc Kinh.
Tuần trước, Sri Lanka đã chính thức trao cho Trung Quốc quyền sử dụng hợp đồng thuê cảng Hambantota trong thời hạn 99 năm để giảm bớt gánh nặng nợ nần. Động thái này đã khiến nhiều người dân Sri Lanka bất mãn vì xem đó như hành động đánh mất chủ quyền của chính phủ. Tuy nhiên, giới chức Pakistan nói rằng việc so sánh Hambantota với Gwadar là không hợp lý vì dự án cảng biển ở Gwadar có số nợ ít hơn.
Tương tự cảng Hambantota, cảng Gwadar cũng là một phần trong mạng lưới cảng biển mà Trung Quốc đang phát triển tại một loạt quốc gia châu Á và châu Phi. Điều này khiến Ấn Độ lo ngại rằng nước này đang bị bủa vây bởi sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc.
Thành Đạt
Theo Dantri
Trung Quốc gặp khó tại Nam Á Ấn Độ lo ngại các cơ chế tài chính trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) có thể khiến các quốc gia nhỏ, nghèo rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc Các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Nam Á liên tục gặp trục trặc gần đây, cho thấy thách thức không nhỏ đối với Bắc Kinh...