Ozil nhận lương cao nhất ở Arsenal dù không ra sân
Mesut Ozil không có đóng góp cho Arsenal về chuyên môn, nhưng vẫn là cầu thủ nhận lương cao nhất đội bóng với mức 350.000 bảng mỗi tuần.
Dani Ceballos (51.000 bảng/tuần): Tiền vệ người Tây Ban Nha có mùa giải thứ 2 khoác áo Arsenal theo bản hợp đồng cho mượn từ Real Madird. Từ đầu mùa 2020/21, Ceballos ra sân 10 trận trên mọi đấu trường và thể hiện khá ấn tượng.
Kieran Tierney (80.000 bảng/tuần): Hậu vệ Scotland gia nhập Arsenal từ hè 2019 với mức giá 25 triệu bảng. Tierney hiện là phương án số một của HLV Arteta cho vị trí trung vệ lệch trái.
Shkodran Mustafi (90.000 bảng/tuần): Bản hợp đồng hiện tại của Mustafi với Arsenal kết thúc vào hè 2021. “Pháo thủ” muốn đẩy Mustafi rời Emirates trong hè 2020, nhưng mức lương quá cao của trung vệ người Đức đang gây trở ngại.
Sokratis (92.000 bảng/tuần): Arsenal đã dùng bản hợp đồng hấp dẫn để thuyết phục Sokratis chuyển đến Emirates trong hè 2018. Sokratis từng là trung vệ số một của Arsenal, nhưng dần sa sút vì chấn thương. HLV Arteta đang sử dụng sơ đồ với 3 trung vệ Holding, Gabriel và Tierney.
Video đang HOT
Nicolas Pepe (100.000 bảng/tuần): Vào hè 2019, “Pháo thủ” chi mức giá kỷ lục CLB là 72 triệu bảng để sở Pepe từ Lille. Pepe nhận kỳ vọng cao từ Arsenal, và chính áp lực này khiến anh chật vật ở đội bóng mới. Sau hơn một năm, Pepe vẫn chưa có suất đá chính tại Arsenal. David Luiz, Bernd Leno, Saed Kolasinac và Granit Xhaka cũng đang nhận mức lương tương tự Pepe.
Hector Bellerin (110.000 bảng/tuần): Bốn năm trước, Bellerin ký hợp đồng có thời hạn 6,5 năm với Arsenal. Trước mùa giải 2020/21, Arsenal muốn gia hạn hợp đồng của Bellerin, nhưng đôi bên chưa tìm tiếng nói chung. Hậu vệ Tây Ban Nha đã vượt qua ám ảnh chấn thương để trở lại và lấy suất đá chính ở mùa giải năm nay.
Alexandre Lacazette (182.000 bảng/tuần): Dưới thời HLV Arteta, Lacazette được ra sân thường xuyên ở đội hình chính. Dù vậy, màn trình diễn của tiền đạo người Pháp chưa xuất sắc như kỳ vọng. Từ đầu mùa giải 2020/21, Lacazette ra sân 8 trận và ghi 3 bàn.
Willian (192.000 bảng/tuần): Vào hè 2020, Arsenal chiêu mộ Willian trên thị trường chuyển nhượng tự do. “Pháo thủ” trao cho Willian mức lương hậu hĩnh để thuyết phục anh ở lại London. Barcelona, Juventus và nhiều CLB tại MLS cũng ngỏ lời mời cho Willian, nhưng anh chọn Arsenal.
Pierre-Emerick Aubameyang, Thomas Partey (250.000 bảng/tuần): Trước sự chèo kéo của Barcelona và một loạt đội bóng lớn, Arsenal quyết định chi mức lương 250.000 bảng/tuần để giữ chân Aubameyang thêm ba năm. Sau đó, “Pháo thủ” trả mức lương tương tự sau khi chiêu mộ thành công Partey từ Atletico Madrid.
Mesut Ozil (350.000 bảng/tuần): Vào tháng 1/2018, Arsenal phá vỡ cấu trúc lương, trao cho Ozil mức lương khổng lồ để tránh mất trắng ngôi sao người Đức. Hiện tại, Ozil nằm trong top 3 cầu thủ nhận lương cao nhất Premier League. Sau gần 3 năm, tình thế xoay chiều, và Ozil trở thành gánh nặng của Arsenal. Ozil bị loại khỏi đội hình Arsenal dự Premier League 2020/21 và vòng bảng Champions League 2020/21. Tiền vệ người Đức chỉ tập luyện, không ra sân thi đấu, nhưng vẫn nhận lương đều đặn mỗi tuần.
Mesut Ozil - vì đâu nên nỗi?
Việc bị gạt khỏi mọi kế hoạch của Arsenal nửa đầu mùa này là hệ quả từ việc Mesut Ozil đánh mất phong độ và nhiều lần làm bẽ mặt CLB.
Ozil gia nhập Arsenal từ 2013, thi đấu 233 trận. Ảnh: AP
Ngay khi biết bản thân không được đăng ký thi đấu, Ozil đăng đàn và ám chỉ ban lãnh đạo "thiếu lòng thành" đối với anh. Theo Sports Mail, tiền vệ sinh năm 1988 tin đội bóng loại anh vì lợi ích thương mại tại Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, HLV Mikel Arteta khẳng định Ozil mất vị trí thuần tuý vì yếu tố chuyên môn. Ông hoàn toàn có cơ sở khi phong độ của ngôi sao người Đức đi xuống không phanh trong hơn hai mùa gần đây. Kênh Sky Sports thống kê rằng, sau khi thăng hoa với 19 đường kiến tạo ở mùa 2015-2016, Ozil chỉ chín lần "dọn cỗ" cho đồng đội ghi bàn ở mùa tiếp theo. Thông số này tiếp tục giảm xuống con số 8 ở mùa 2017-2018, rồi hai mùa tiếp theo chỉ hai lần mỗi mùa.
Với một chân chuyền như Ozil, các pha kiến tạo luôn là thước đo đánh giá phong độ. Thống kê trên nói lên sự sa sút rõ rệt của Ozil. Số cơ hội anh tạo ra mỗi trận cũng giảm, từ hơn bốn lần mỗi trận ở mùa 2015-2016 xuống hơn hai lần ở hai mùa gần nhất. Ngoài ra, ở mùa 2019-2020, Arsenal chỉ đạt tỷ lệ thắng 27,8% khi tiền vệ người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ góp mặt. Không có anh, "Pháo Thủ" đạt tỷ lệ thắng là 45%.
"So với mức lương tuần 445.000 USD, đóng góp của Ozil là quá ít ỏi và không tương xứng", Sky nhận xét.
Một nguyên nhân nữa khiến Ozil thất sủng là thái độ tập luyện. Xét về tài năng, anh vẫn là một trong những cầu thủ lớn nhất đội hình Arsenal lúc này. Một cầu thủ chói sáng khi Đức hạ Brazil 7-1 ở World Cup 2014 dĩ nhiên phải có đẳng cấp hơn những Joe Wilock, Mohamed Elneny hay Eddie Nketiah... Tuy nhiên, trên sân tập, Ozil thường thể hiện bộ mặt thiếu năng lượng. Hai HLV gần đây của Arsenal là Arteta và Unai Emery đều khó chịu trước tình cảnh này. 18 tháng qua, Ozil nhiều lần bị loại khỏi danh sách thi đấu của Arsenal vì sự thiếu quyết tâm trên sân tập, nơi các HLV có thể trực tiếp đánh giá học trò.
Ozil đã không được thi đấu cho Arsenal từ đầu tháng 3 - khi các giải đấu trở lại sau Covid-19. Ảnh: AP
Tuy vậy, chính những hành xử của Ozil đã đẩy anh vào tình cảnh hiện tại. Chỉ trích Trung Quốc, Ozil trực tiếp làm ảnh hưởng đến lợi ích tài chính của Arsenal. Là cầu thủ trụ cột, có ảnh hưởng lớn và được đãi ngộ tốt nhất, lẽ ra Ozil nên bảo vệ lợi ích của nơi đang trả lương cho anh, thay vì khiến nó bị tổn hại rồi nghi vấn lòng thành.
Mối quan hệ giữa Arsenal và Ozil tiếp tục xấu đi trong thời gian qua. Khi CLB đề nghị các cầu thủ giảm lương, Ozil không chấp nhận. Anh lấy lý do rằng không được CLB công khai kế hoạch sử dụng các khoản cắt giảm lương. Nhưng trong bối cảnh các đồng đội đều chấp nhận giảm lương, Ozil trở thành con "cừu đen" trong mắt giới chủ đội bóng.
Mới nhất, khi Arsenal sa thải nhân viên trong trang phục chú khủng long Gunnersaurus, Ozil lại đăng đàn tuyên bố sẽ trả lương cho người này. Hành động đó không khác một cái tát vào danh dự của "Pháo thủ", gián tiếp chê bôi các ông chủ là đồ keo kiệt. Cựu cầu thủ Paul Merson nói rằng Ozil "hoàn toàn khiến Arsenal trông thật đần độn", bằng một hành động nữa làm tổn hại hình ảnh đội bóng.
Tờ Telegraph khẳng định Ozil chẳng phải nạn nhân của bất cứ ai trong cuộc chiến với Arsenal. Ký giả của nhật báo uy tín này, Oliver Brown khẳng định Ozil muốn mọi người tin rằng anh là "người bị hại" trong vụ Trung Quốc - Arsenal, và luôn đóng "vai tốt", nhưng thực tế không phải vậy. Brown viết: "Về vụ hợp đồng, Ozil hoàn toàn có thể chấp nhận những lời đề nghị tới Qatar hay Saudi Arabia, nhưng anh vẫn cố bám lấy Arsenal. Nó khiến Ozil trở thành một người tôn trọng hợp đồng, rằng anh sẽ cống hiến đến ngày cuối cùng, nhưng thực chất mọi thứ chỉ xoay quanh chuyện tiền bạc mà thôi".
Arsenal giảm lương toàn đội, Mesut Ozil im ỉm từ chối Ngôi sao người Đức đã từ chối giảm lương trong bối cảnh Arsenal gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Mesut Ozil đặt mình vào thế đối đầu với Arsenal? Giống như nhiều CLB lớn khác ở Anh và châu Âu, Arsenal đã phải đàm phán, thuyết phục các cầu thủ giảm lương để tiết kiệm chi phí vận hành trong thời gian bóng...