‘Ôtô tăng 12% mỗi năm, đất cho giao thông tĩnh giữ nguyên’
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, nước ngoài làm đường chỉ 2 năm thì mình làm 4 năm, họ làm 4 triệu một km, mình làm 8 triệu. Ôtô tăng 12% mỗi năm, trong khi đất cho giao thông tĩnh vẫn dưới 1% như 5 năm trước.
2012 được Bộ Giao thông Vận tải xác định là năm chất lượng công trình với hàng loạt biện pháp tăng cường chất lượng đầu tư, như: kiểm tra hiện trường, tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, hoàn thiện tiêu chuẩn trong xây dựng công trình… Nhờ vậy, nhiều dự án đạt và vượt tiến độ, như đường trên cao vành đai 3 Hà Nội, cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, cảng Cái Mép – Thị Vải, cầu Bến Thủy II, cầu Rạch Chiếc, cảng hàng không Phú Quốc… Bộ đã giải ngân 39.500 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với năm trước.
Lần đầu tiên trong 10 năm, số người chết vì tai nạn giao thông trong cả nước giảm dưới 10.000. Toàn quốc đã xảy ra hơn 36.300 vụ tai nạn, giảm 16%, làm chết hơn 9.800 người, giảm 14%, có 38.000 người bị thương, giảm 20%.
Tại các thành phố lớn, ùn tắc giao thông có chuyển biến rõ rệt nhờ các giải pháp, như: tăng vận tải khách công cộng, xây cầu vượt tại nút giao thông lớn… Hà Nội đã giảm từ 124 điểm ùn tắc hiện còn 67, TP HCM có 120 điểm ùn tắc, nay đã giảm còn 76.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: “Không thay đổi cách quản lý thì 10 năm sau quay lại chúng ta vẫn là yếu nhất”. Ảnh: ĐL.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2012, Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo nhiều địa phương đã kêu thiếu vốn cho hạ tầng giao thông. Ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho rằng, thiếu vốn khiến một số công trình hạ tầng của thành phố không thể triển khai, như 15 km vành đai 2 còn dang dở vì thiếu 15.000 tỷ đồng. Thành phố đã tìm kiếm nguồn vốn, song do doanh nghiệp khó khăn chung nên chưa có.
Ông Nguyễn Văn Thể, Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, phản ánh dự án đường Hồ Chí Minh đang thi công kéo dài tại Đồng Tháp đã khiến số tai nạn giao thông tăng cao, tỉnh mong kết thúc công trình này trong năm 2013. Nhiều tuyến quốc lộ có chất lượng kém hơn đường tỉnh lộ, song không được sửa chữa, tu bổ.
Giám đốc Sở Giao thông Đà Nẵng Đặng Việt Dũng nêu thực trạng nhiều doanh nghiệp vận tải lắp thiết bị hành trình để đối phó, không hiệu quả. Sở kiến nghị Tổng cục Đường bộ đồng bộ hóa thiết bị hành trình, xem xét xây dựng trung tâm điều hành vận tải để quản lý vận tải tuyến cố định tại mỗi địa phương.
Video đang HOT
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao nỗ lực của ngành giao thông trong việc kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, giảm được số người chết dưới 10.000. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra điểm yếu trong quản lý xây dựng, ít có tiêu chí đánh giá chủ đầu tư nào tốt. Khi kiểm tra có nhiều dự án hiệu quả không cao do chủ đầu tư và ban quản lý kém.
“Chúng ta đạt được nhiều kết quả, ra nhiều công trình song vẫn rất kém về chất lượng, hiệu quả, tiến độ. Cần nâng cao chất lượng quản lý xây dựng từ khâu quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, năng lực của tư vấn, ban quản lý dự án”, Phó thủ tướng yêu cầu.
Ông Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan lớn nhất về đầu tư xây dựng nên kinh nghiệm, cách quản lý phải hiệu quả. Trong bối cảnh vốn đầu tư cho năm 2013 chỉ bằng một nửa năm 2012 thì ngành giao thông cần có nhiều biện pháp kêu gọi vốn đầu tư xã hội bởi nguồn vốn trong xã hội còn rất lớn.
“Không thay đổi cách quản lý thì 10 năm sau quay lại chúng ta vẫn là yếu nhất, trong khi người ta làm đường chỉ 2 năm thì mình làm 4 năm, người ta làm 4 triệu một km thì mình làm 8 triệu, rồi lại đổ hết cho khách quan như mưa gió, do dân không đồng tình…”, Phó thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng mục tiêu giảm tai nạn và ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn vẫn phải thực hiện. Đặc biệt, cần có biện pháp tăng diện tích đất dành cho giao thông.
“Ôtô tăng 12% mỗi năm, trong khi đất cho giao thông tĩnh vẫn dưới 1% như cách đây 5 năm. Chúng ta phải cương quyết, có tiêu chí cụ thể mỗi năm thêm bao nhiêu đất cho giao thông. Về sau, khi các hiệp định dỡ bỏ, thuế nhập khẩu ôtô bằng 0, đất cho giao thông không có thì chúng ta nỗ lực đến mấy thì đường vẫn ùn tắc”, Phó thủ tướng nhắc nhở.
Năm 2013, ngành giao thông phấn đấu tiếp tục giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, từ 5 đến 10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương so với năm 2012. Đây sẽ là năm “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện “Năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông”, hoàn thành giải ngân tất cả nguồn vốn được giao và xin ứng trước kế hoạch năm 2014 để đẩy nhanh tiến độ công trình đưa vào khai thác. Năm 2013, ngành giao thông được giao thực hiện đầu tư công trình bằng nguồn vốn ngân sách là hơn 6.200 tỷ đồng và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 13.000 tỷ đồng.
Theo VNE
Thủ tướng: Năm 2013 quyết giữ lạm phát 6 - 6,5%
"Kiềm chế được lạm phát như năm qua là mừng nhưng chưa vững chắc, chủ yếu do... được mùa. Sức ép cho năm 2013 còn rất lớn. Mục tiêu năm tới không chế lạm phát thấp hơn năm nay (6,78%), nghĩa là chỉ khoảng 6-6,5%" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Kết thúc Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao báo cáo kiểm điểm nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, thậm chí là khuyết điểm trong công tác điều hành đất nước năm 2012.
Thủ tướng phân tích, kết quả kiềm chế lạm phát đạt được đến thời điểm này (6,78%) là đáng mừng nhưng chưa vững chắc, như các chuyên gia tư vấn chỉ ra, chủ yếu do... được mùa. Sức ép lạm phát tăng cao trở lại trong năm 2013 còn rất lớn. Việc duy trì được mức tăng trưởng 5-5,2% là một nỗ lực lớn nhưng nếu làm tốt có thể đạt cao hơn. Việc tái cấu trúc nền kinh tế gắn với 3 khâu đột phá chiến lược (tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng) được triển khai nhưng còn chậm.
Thủ tướng: "Tôi đã nhận lỗi vì công tác điều hành còn nhiều hạn chế, khuyết điểm".
Thủ tướng chỉ rõ, việc tái cơ cấu đầu tư công phải làm sao chống được tình trạng dàn trải để nâng cao hiệu quả hơn. Thủ tướng nêu hiện tượng, dư luận, người dân đã phê bình nhiều về việc đầu tư dàn trải, không hiệu quả lâu nay nhưng không chuyển biến. Thủ tướng chỉ đạo tới đây nhất quyết phải khắc phục tình trạng này.
Tái cơ cấu ngân hàng có chuyển biến bước đầu nhưng so với yêu cầu gắn với xử lý nợ xấu, hàng tồn kho nhiều mặt còn lúng túng. Đề án tái cơ cấu ngân hàng sẽ được Chính phủ tiếp tục bàn bạc chiều nay để báo cáo Bộ Chính trị.
Về vấn đề sắp xếp lại DNNN, Thủ tướng đề nghị rà soát lại nhân sự lãnh đạo cũng như phương án quản trị DN. Vai trò của người lãnh đạo, người đứng đầu, theo ông Dũng, có ý nghĩa quyết định thành công của các tập đoàn, TCty.
Thủ tướng dẫn chứng cụ thể, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đang bị các tổ chức, các nhà đầu tư trong nước, quốc tế lên tiếng "ca thán" về thủ tục, về nạn nhũng nhiễu, về chính sách kém ưu đãi.
Thủ tướng kể chuyện trao đổi với Đại sứ Nhật Bản, đối tác đầu tư lớn nhất hiện tại chỉ ra, thể chế chính sách tại Việt Nam kém hấp dẫn hơn nhiều nước khác; hạ tầng (sân bay, cảng biển, đường bộ...) không đầy đủ; nguồn nhân lực chất lượng cao quá thiếu.
Ngoài ra, nhiều vấn đề xã hội bức xúc trong năm vẫn chưa giải quyết được đáng kể. Thủ tướng cho rằng, năm tới cần tập giải quyết nhanh, bền vững chỉ tiêu giảm nghèo. Có những vùng, khu vực tỷ lệ hộ nghèo tới 40-50% là việc "không chấp nhận được", phải quyết tâm xử lý.
Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề nguy hiểm hiện nay là tội phạm lợi dụng Internet. "Vừa qua chúng ta gần như buông lỏng, không có phản ứng hiệu quả để đối phó với tình hình này. Nhất định không để nhen nhóm các hoạt động tổ chức chống chế độ ở bất cứ địa bàn nào" - Thủ tướng nói.
"Thay mặt Chính phủ, tôi đã nhận lỗi vì điều hành còn nhiều hạn chế khuyết điểm. Kiểm điểm công tác điều hành không phải để phê phán, khẳng định thành tích không phải để ca ngợi lẫn nhau mà để làm tốt hơn" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Qua 2 ngày thảo luận, các Bộ ngành, địa phương cơ bản đồng tình với những mục tiêu tổng quát Chính phủ đề ra trong năm 2013 với 9 nhóm giải pháp, 28 giải pháp cụ thể. Người đứng đầu Chính phủ nhắc, các mục tiêu đặt ra không hề dễ dàng, đòi hỏi cơ quan điều hành phải quán triệt, thực hiện quyết liệt.
Năm 2013 cần chú ý giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn 2012 (6,78%), nghĩa là ở khoảng 6-6,5%. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ giá của năm ngay trong quý I - thời điểm mức tiêu dùng tăng cao vì có tháng tết. Đồng thời cùng nhấn mạnh giải pháp bình ổn giá, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, chống đầu cơ, găm hàng gây sốt giá.
Về các cân đối lớn của vĩ mô, Thủ tướng nhắc Thống đốc NHNN phải chịu trách nhiệm điều hành cung ứng tiền, giữ cho được mức lãi suất phù hợp. Biểu dương NHNN đã điều hành tỷ giá tốt, giúp ổn định tỷ giá ngoại tệ trong 2 năm qua, Thủ tướng ghi nhận, nhờ việc này, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng từ 10 tỷ USD lên 23-24 tỷ USD chỉ trong 10 tháng.
Vấn đề tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, đóng băng BĐS, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục phiên thảo luận về đề án lập công ty xử lý nợ xấu, gắn với xử lý hàng tồn kho, bất động sản ế đọng... vào ngày mai.
Theo Dantri
Những công trình nổi bật của TP HCM năm 2012 Khởi công tuyến metro đầu tiên của cả nước, hoàn thành cải tạo dòng kênh bẩn nhất Sài Gòn, khởi công cầu Sài Gòn 2, thông xe cầu Rạch Chiếc... là những kết quả nổi bật của ngành giao thông TP HCM trong năm 2012. Khởi công tuyến metro đầu tiên của Việt Nam Với tổng vốn đầu tư lên đến 2,4 tỷ...