OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng để giải cứu giá dầu
Thông qua hội nghị trực tuyến, OPEC đã đồng ý cắt giảm sản lượng khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 5 và tháng 6 tới.
Ả Rập Xê Út và Nga đã đồng ý thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu với nỗ lực phục hồi thị trường thoát khỏi sự suy thoái do Covid-19 gây ra.
Sự chú ý bây giờ chuyển sang cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng G20 vào hôm nay. Đóng góp từ các nhà sản xuất lớn bao gồm Mỹ và Canada có thể thúc đẩy nỗ lực hồi sinh giá sau khi thỏa thuận lịch sử OPEC đã thất bại trong việc đẩy giá dầu thô tăng cao hôm 9/4.
Sự sụt giảm kỷ lục của giá dầu trong năm nay đã đe dọa sự ổn định của các quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ, buộc các công ty lớn như Exxon Mobil Corp phải thắt chặt chi tiêu và đe dọa sự tồn tại của các quốc gia nhỏ. OPEC và các đồng minh đã phải chịu áp lực mạnh mẽ bởi Tổng thống Donald Trump và các nhà lập pháp Mỹ, những người đang lo sợ rằng hàng ngàn người lao động sẽ mất việc làm trong ngành khai thác đá phiến của Mỹ.
Thông qua hội nghị trực tuyến, OPEC đã đồng ý cắt giảm sản lượng khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 5 và tháng 6 tới, các đại biểu cho biết. Trong đó, Ả Rập Xê Út và Nga – các nhà sản xuất lớn nhất trong nhóm, mỗi nước sẽ giảm sản lượng xuống còn khoảng 8,5 triệu mỗi ngày, với tất cả các thành viên đồng ý cắt giảm nguồn cung 23%. Liên minh cũng đang tìm cách giảm tới 5 triệu thùng mỗi ngày từ nhóm G20, nhưng chắc chắn vẫn sẽ giảm sản lượng ngay cả khi các nước khác không tham gia.
Amrita Sen, nhà phân tích dầu mỏ tại Energy Aspects Ltd. cho biết, cả Ả Rập và Nga đều sẽ phải cắt giảm và việc cắt giảm này cũng cho phép họ giành được những quan điểm chính trị.
Mặc dù việc cắt giảm nêu trên tương đương với việc giảm khoảng 10% nguồn cung toàn cầu, nhưng nó chỉ chiếm một phần nhỏ trong sự sụt giảm mạnh về nhu cầu dầu mà một số thương nhân ước tính lên tới 35 triệu thùng mỗi ngày.
Video đang HOT
Giá dầu thô Brent giảm 2,5% ở mức 32,01 USD/thùng vào lúc 2 giờ sáng 10/4 theo giờ Việt Nam. Giá đã giảm một nửa trong năm nay khi sự lây lan của virus trùng với một cuộc chiến giá cả cay đắng khi chứng kiến các nhà sản xuất dầu tràn ngập thị trường.
“Covid-19 là một “con thú vô hình” dường như đang tác động đến mọi thứ trên đường đi của nó”, Mohammad Barkindo, tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cho biết trong một bài phát biểu tại buổi họp mặt trực tuyến. “Các yếu tố cơ bản về cung và cầu là rất khủng khiếp” và tình trạng dư cung dự kiến, đặc biệt là trong quý II, là “vượt xa mọi thứ chúng ta đã thấy trước đây”.
Barkindo kêu gọi hành động để giải quyết thặng dư ngày càng tăng, mà ông ước tính là 14,7 triệu thùng/ngày trong quý thứ hai. Và ông muốn hành động không chỉ từ các nhà sản xuất OPEC mà còn từ các quốc gia ngoài liên minh.
Nga đã nhấn mạnh rằng Mỹ nói riêng phải làm nhiều hơn là chỉ để các lực lượng thị trường giảm sản lượng kỷ lục. Trong khi đó, hôm 9/4, tổng thống Mỹ – Donald Trump đã nói rằng việc cắt giảm của Mỹ sẽ xảy ra “tự động” khi giá thấp khiến ngành công nghiệp đá phiến rơi vào tình trạng khó khăn.
Mỹ hoan nghênh việc cắt giảm sản lượng của OPEC , họ sẽ gửi thông báo rằng tất cả các quốc gia sản xuất dầu lớn sẽ phản ứng một cách có trật tự đối với thực tế thị trường do virus gây ra, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết.
Kế hoạch dự kiến của OPEC là sẽ cắt giảm sản lượng từ từ sau hai tháng, tùy thuộc vào sự lây lan của Covid-19. Việc cắt giảm 10 triệu thùng/ngày có thể giảm xuống còn 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 và sau đó là 6 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021, theo một nguồn tin nói với Bloomberg.
Ả Rập Xê Út sẽ áp dụng mức giảm tính theo mức sản xuất khoảng 11 triệu thùng mỗi ngày. Con số đó thấp hơn mức sản lượng gần đây – hơn 12 triệu thùng/ngày vào đầu tháng 4. Nga cũng sẽ hạn chế nguồn cung của mình ở mức tương tự.
Cuộc chiến giá dầu, bắt đầu vào tháng 3 sau khi các cuộc đàm phán của OPEC trước đó sụp đổ, kéo dài đúng 31 ngày, ít hơn nhiều so với những bất đồng tương tự từng xảy ra vào các năm 1986, 1998 và 2016. Nhưng trong thời gian ngắn đó, nó đã buộc rất nhiều công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ phải cắt giảm chi tiêu, sa thải công nhân và hủy bỏ các dự án. Trong khi đó, các quốc gia giàu có từ dầu mỏ đã liên kết với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới để được giúp đỡ do gặp khó khăn về kinh tế khi giá dầu quá thấp.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào tối muộn hôm qua 9/4 đã làm mờ nhạt bất kỳ sự can thiệp nào của thị trường trước đây và rất cần thiết để thúc đẩy thị trường vật chất cho dầu thô – giao dịch hàng hóa thực tế thay vì hợp đồng tương lai – nhưng điều này vẫn sẽ đối chọi được với phần lỗ do sự sụt giảm mạnh mẽ trong tiêu dùng.
“Đối với các thị trường dầu mỏ, sự co thắt của nhu cầu dầu là lớn chưa từng có”, tổ chức OPEC cho biết trong một tài liệu nội bộ lưu hành cho các bộ trưởng. Triển vọng hiện tại vô cùng ảm đạm, với thị trường dầu mỏ được dự đoán sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt trên nhiều phương diện.
Tham khảo: Bloomberg
Thái Bích Phương
Giá dầu thế giới tăng sau khi Nga tuyên bố sẵn sàng cắt giảm sản lượng
Sau quyết định của Nga, giá dầu thế giới đã tăng trở lại, động thái làm gia tăng hy vọng các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt sẽ ký thỏa thuận để thúc đẩy thị trường năng lượng.
Một cơ sở khai thác dầu tại Al-Rawdhatain, Kuwait. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Hãng thông tấn TASS dẫn lời một đại diện Bộ Năng lượng Nga cho biết nước này đã đồng ý giảm 14% sản lượng khai thác dầu (khoảng 1/,6 triệu thùng/ngày) so với mức quý I theo thỏa thuận của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC ).
Sau quyết định của Nga, giá dầu thế giới đã tăng trở lại, động thái làm gia tăng hy vọng các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt sẽ ký thỏa thuận để thúc đẩy thị trường năng lượng vốn đang rất ảm đạm do tác động của đại dịch COVID-19.
Giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ đã tăng khoảng 3% lên 25,84 USD/thùng. Giá dầu Brent tại thị trường London tăng 0,7% lên 33,08 USD/thùng. Trong phiên giao dịch trước đó, giá dầu Brent cũng tăng khoảng 3%.
Giá dầu đã "lao dốc" trong thời gian qua do nhu cầu dầu giảm mạnh vì ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 và tình trạng dư thừa nguồn cung. Giá dầu Brent trong ngày 30/3 vừa qua đã giảm xuống còn 21,65 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2002.
Theo thỏa thuận của OPEC , các nước khác cũng sẽ giảm sản lượng theo tỷ lệ tương ứng. Tuy nhiên, hiện Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn từ chối đàm phán về vấn đề cắt giảm sản lượng dầu với các nước khác.
Trước đó, hôm 7/4, một nguồn tin của Nga đã đề cập đến việc Nga và Saudi Arabia không thể thống nhất về khối lượng dầu cắt giảm, dù hai bên thống nhất cần giảm bớt tổng cộng khoảng 10 triệu thùng dầu/ngày trên thị trường.
Thêm vào đó, hai nước khai thác dầu chủ chốt này đều yêu cầu đưa các nhà sản xuất của Mỹ vào thỏa thuận.
Cuộc họp OPEC sẽ diễn ra trong ngày 9/4. Ngoài Nga, 7 nước khai thác dầu lớn ngoài OPEC đã được mời tham dự.
Mỹ và Canada, những nước đóng vai trò then chốt trong việc tham gia vào thỏa thuận cắt giảm, đã không được mờ. Ngoài ra, Argentina, Brazil, Na Uy, Colombia, Ai Cập, Indonesia, Trinidad và Tobago có thể tham gia cuộc đàm phán theo hình thức trực tuyến này.
Theo kế hoạch, cuộc họp cấp bộ trưởng năng lượng của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra vào ngày 10/4. Các nhà đàm phán không loại trừ khả năng sau thỏa thuận sơ bộ của OPEC , họ sẽ có thể thuyết phục Mỹ tham gia giảm sản lượng khai thác./.
Phương Hoa
Giá dầu thế giới quay đầu giảm trong phiên giao dịch đầu tuần Giá dầu thế giới quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày 6/4, sau khi ghi nhận đà tăng trong tuần trước, giữa lúc Saudi Arabia và Nga tạm hoãn cuộc họp giữa các nhà sản xuất dầu thô chủ chốt ngằm giải quyết tình trạng dư cung đang ngày càng trầm trọng trên toàn cầu. Một trạm xăng ở Rzeszow, Ba Lan...