Ông Zelensky nêu 2 điều kiện trước khi đàm phán với Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr cho biết, Ukraine cần đảm bảo an ninh từ NATO và cần thêm vũ khí trước khi tham gia bất cứ cuộc đàm phán nào với Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelesky (Ảnh: Reuters).
Phát biểu hôm 1/12 sau cuộc gặp với Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas và Chủ tịch Hội đồng EU Antonio Costa, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: “Lời mời Ukraine gia nhập NATO là điều cần thiết cho sự sống còn của chúng tôi”.
Ông lập luận Ukraine cần ở “vị thế vững chắc” trước bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga. Ông kêu gọi NATO mời Ukraine gia nhập và cung cấp cho Kiev số lượng lớn vũ khí tầm xa để tự vệ.
“Chỉ khi chúng tôi có tất cả những thứ này và chúng tôi mạnh mẽ, thì sau đó, chúng tôi mới phải thực hiện một chương trình nghị sự rất quan trọng là gặp mặt họ (Nga)”, Tổng thống Zelensky nói và cho biết thêm rằng EU và NATO nên tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt xung đột Nga – Ukraine.
Video đang HOT
Trước đó, hôm 29/11, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Sky News, ông Zelensky bất ngờ tuyên bố, Ukraine có thể ký thỏa thuận ngừng bắn với Nga nếu các vùng lãnh thổ Ukraine hiện kiểm soát được đặt dưới sự bảo trợ của NATO, trong khi các vùng bị Nga kiểm soát sẽ khôi phục sau này thông qua con đường ngoại giao.
Đây là một trong những tín hiệu gần đây cho thấy sự điều chỉnh trong lập trường của Kiev về đàm phán với Moscow. Trước đây chính quyền của ông Zelensky khẳng định không nhượng bộ về lãnh thổ, và quyết theo đuổi chiến thắng trên chiến trường. Tuy nhiên, hiện giờ, Kiev phát tín hiệu ưu tiên các cam kết an ninh hơn để đảm bảo Nga không thể phát động một chiến dịch tấn công nào khác trong tương lai.
Tổng thống Zelensky nói, nếu Ukraine gia nhập NATO trong thời chiến, Điều 5 về phòng thủ tập thể của NATO, có thể không áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ của nước này.
“Chúng tôi hiểu rằng nếu chúng tôi trở thành thành viên NATO, Điều 5 có thể không áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ Ukraine bởi vì các nước thành viên phản đối nguy cơ bị kéo vào cuộc chiến”, ông nói.
Về phần mình, ông Costa cho biết EU sẽ dành cho Ukraine sự hỗ trợ kiên định. “Chúng tôi đã sát cánh cùng các bạn kể từ ngày đầu tiên của cuộc chiến và các bạn có thể tin tưởng rằng chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh”, ông nói.
Trong khi đó, bà Kallas nhấn mạnh, EU “không nên loại trừ bất cứ điều gì” liên quan đến kịch bản gửi quân đội châu Âu đến giúp thực thi bất kỳ lệnh ngừng bắn tiềm năng nào giữa Nga và Ukraine.
Bà Kallas cho biết, EU sẽ sử dụng “ngôn ngữ giao dịch” để cố gắng thuyết phục Tổng thống đắc cử Mỹ Trump rằng việc ủng hộ Kiev là vì lợi ích của Mỹ. “Viện trợ cho Ukraine không phải là từ thiện. Một chiến thắng dành cho Nga chắc chắn sẽ khuyến khích Trung Quốc, Iran, Triều Tiên”, bà phân tích.
Theo dữ liệu của Viện Kiel, châu Âu đã chi khoảng 125 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra đầu năm 2022, trong khi riêng Mỹ viện trợ hơn 90 tỷ USD.
EU cam kết duy trì viện trợ cho Ukraine
Ngày 9/11, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrel khẳng định khối này cam kết sẽ duy trì ủng hộ Ukraine.
Phát biểu được đưa ra trong chuyến thăm của ông Borrel đến Ukraine.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell phát biểu họp báo tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu trước báo giới, ông Borrel - người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng tới - nhấn mạnh mục đích rõ ràng chuyến thăm của ông là bày tỏ sự ủng hộ "không lay chuyển" của EU đối với Ukraine. Ông Borrel kêu gọi các nước trong EU đẩy nhanh và mạnh hơn các hỗ trợ tài chính, viện trợ quân sự và tăng cường huấn luyện cho lực lượng Ukraine. Ông cũng nói rõ chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Mỹ Joe Biden còn 2 tháng nữa để quyết định và hành động về Ukraine trước khi chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền.
Về phần mình, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cho biết Kiev đã thiết lập đối thoại giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo ngay sau khi ông Trump giành chiến thắng là minh chứng rõ nhất cho mối quan hệ đối thoại trực tiếp đang và sẽ tiếp tục phát triển. Cũng theo Ngoại trưởng Sybiha, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về khả năng tổ chức cuộc họp trong thời gian tới và nhất trí để các nhóm công tác bắt tay vào công tác chuẩn bị.
Đây là chuyến thăm Ukraine cuối cùng của ông Borrel trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao của EU. Trên mạng xã hội X, ông Borrell viết: "Đây là chuyến thăm Kiev lần thứ 5 của tôi. Hỗ trợ Ukraine luôn là ưu tiên cá nhân trong nhiệm kỳ của tôi và sẽ tiếp tục là một trong những chủ đề nghị sự hàng đầu của EU".
Theo số liệu của Viện Kiel (Đức), châu Âu đã chi khoảng 125 tỷ USD hỗ trợ Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây. Trong khi đó, một mình Mỹ chi hơn 90 tỷ USD.
Tuy nhiên, vấn đề tiếp tục viện trợ cho Kiev đang có những dấu hỏi lớn sau chiến thắng vừa qua của ông Trump. Giới chức EU và Ukraine lo ngại chính quyền mới dưới thời ông Trump có thể sẽ ngưng viện trợ cho Kiev. Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cũng từng đặt câu hỏi về việc có nên tiếp tục duy trì viện trợ quân sự và tài chính lớn cho Ukraine, đồng thời tuyên bố ông sẽ sớm đạt thỏa thuận để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.
Về phía Nga, các quan chức nước này nhiều lần cảnh báo việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đang cản trở tiến trình giải quyết xung đột và trực tiếp lôi kéo các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào cuộc xung đột này.
Ukraine 'chấp nhận số phận', Nga có chiến thắng? Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa gửi thông điệp sẵn sàng từ bỏ điều kiện mà Kyiv từng xem là "không thương thuyết" để tiến đến đàm phán với Nga. Trả lời phỏng vấn trên Đài Sky News ngày 29.11, Tổng thống Zelensky cho biết nếu có thể gia nhập NATO, để những vùng đất mà nước này còn kiểm soát được liên...