Ông tỷ phú “du mục” chăn đàn trâu hơn 200 con ở tỉnh Phú Yên
Anh Ngô Kim Long, một nông dân điển hình của xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa ( tỉnh Phú Yên) đã vượt khó, làm giàu bằng chăn nuôi trâu – con vật thân thuộc của người nông dân Việt Nam. Không chỉ nuôi trâu, anh Long còn nuôi rất nhiều trâu, số lượng trâu nuôi của anh Long lên đến 200 con.
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, đông con, không có điều kiện đi học, ngay từ nhỏ anh Long đã làm bạn với con trâu, cùng trâu suốt ngày rong ruổi trên những cánh đồng làng, để rồi từ đó anh có ước mơ làm giàu từ việc chăn nuôi trâu đàn.
Đàn trâu hơn 200 con của gia đình anh Long.
Dốc hết vốn của hai bên gia đình cho khi lập gia đình, cộng thêm tiền vay mượn anh quyết định mua 5 con trâu để lập nghiệp. Vừa chăn dắt, chăm sóc 5 con trâu từ tiền vốn mình bỏ ra, anh Long còn nhận nuôi rẽ – hình thức bỏ công chăm sóc trâu cho người khác rồi chia đôi và nhiều công việc khác.
Anh Long tích lũy thêm vốn, anh vay vốn ngân hàng và mở rộng ngành nghề kinh doanh của mình thông qua hình thức kinh doanh, mua bán trâu đàn. Sau 7 năm lập nghiệp với 5 con trâu, đàn trâu của gia đình anh đã lên đến 38 con. Nhiều trâu, anh nghĩ đến việc tìm những vùng đất có nguồn nước, cỏ tươi phong phú để chăn thả trâu.
Năm 2008, anh Long thuê đất của lòng hồ thủy điện Sông Hinh, vùng đất này thường có không khí mát mẻ, nguồn nước dồi dào, lượng cỏ tự nhiên phong phú…rất thích hợp cho việc chăn nuôi trâu, nhờ vậy trâu sinh sản và phát triển nhanh.
Là một trong những người chăn nuôi trâu với số lượng lớn ở địa phương, mới đầu trâu của gia đình anh chỉ bán tại địa phương, nhưng anh không dừng lại ở đó mà tiếp tục tìm hiểu, nắm bắt thị trường tiêu thụ. Hiện nay trâu của gia đình anh được tiêu thụ nhiều nhất ở thị trường miền Bắc và tỉnh Nghệ An,.
Video đang HOT
Có lúc lượng trâu không đáp ứng đủ nhu cầu, anh phải đi thu gom trâu các nơi về nuôi vỗ. Anh cho biết, một con trâu cái lớn có giá bán bình quân từ 20 – 30 triệu đồng, thường từ 3 – 5 ngày anh xuất bán khoảng 50 con, trong chuồng lúc nào cũng có đàn trâu gốc từ 170 – 200 con.
Nuôi trâu thường tốn rất ít chi phí, chủ yếu tìm được nguồn cỏ tươi, đồng rộng, ít tốn công chăm sóc,…Để phòng bệnh cho trâu, anh Long thường chích thuốc bổ, thuốc xổ giun, lở mồm long móng cho trâu. Ngoài ra, anh thường đi tìm, khảo sát những vùng đất ở địa phương, thậm chí ở các tỉnh lân cận có điều kiện phù hợp cho trâu sinh sống để di chuyển đàn trâu đến chăn dắt.
Đàn trâu đông đúc đủ các độ tuổi với số lượng hơn 200 con của gia đình anh Long.
Như hiện nay từ tháng 5 đến tháng 10, anh Long di cư đàn trâu đến tỉnh Gia Lai để chăn thả, sau đó anh lại chuyển trâu về lòng hồ thủy điện Sông Hinh, nhờ vậy đàn trâu của gia đình anh luôn phát triển ổn định, bình quân thu nhập từ chăn nuôi, mua bán trâu đạt từ 600 – 700 triệu đồng/năm sau khi đã trừ các khoản chi phí, công lao động.
Để vừa phục vụ cho việc chăn dắt, vận chuyển đàn trâu, vừa làm dịch vụ vận tải cho bà con nông dân tại địa phương, anh Long còn đầu tư thêm 2 chiếc xe vận tải. Ngoài thu nhập từ chăn nuôi, mua bán trâu, gia đình anh còn thu nhập thêm khoảng 100 triệu đồng/xe/năm và tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 12 công lao động tại địa phương.
Anh Long cho biết, xuất thân từ nghèo khó nên anh hiểu hoàn cảnh của người lao động, đối với lao động chăn nuôi trâu, anh thường cho họ nuôi rẽ trâu, lo chi phí ăn uống cho họ, anh còn giúp họ tách đàn, nuôi riêng để cùng nhau vượt khó, làm giàu.
Vốn là người có ý chí, chịu khó trong lao động, ham học hỏi, anh Ngô Kim Long còn muốn vươn xa hơn nữa trên con đường làm giàu đã chọn. Anh chia sẻ: Sắp tới, anh sẽ nâng số lượng đàn trâu và nuôi trâu bằng mô hình khép kín mà anh đã học hỏi được từ những chuyến mua bán trâu ở các tỉnh miền Bắc, miền Nam.
Theo đó, trâu được nuôi trong chuồng trại, không chăn dắt, cho ăn thức ăn công nghiệp, thời gian nuôi ngắn – sau 4 tháng là có thể xuất bán được, chi phí và công lao động ít – 1 công lao động có thể quản lý 100 con, trong khi chăn nuôi thả tự nhiên 100 con trâu phải mất 3 đến 4 công lao động.
Không những là gương điển hình trong sản xuất giỏi, vượt khó, làm giàu, anh Ngô Kim Long còn là tấm gương sáng trong việc tham gia các phong trào của xã, huyện; tích cực trong các chương trình đóng góp xây dựng nông thôn mới, ủng hộ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương./.
Theo Danviet
Vỗ béo trâu to bự ở nơi heo hút, cứ bán 1 con thu 40-50 triệu
Đó là mô hình nuôi vỗ béo trâu gắn với trồng cỏ của gia đình anh Lý Đức Hà ở thôn Tà Lượt, xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần (Hà Giang).
Qua nhiều năm phát triển chăn nuôi trâu, anh Hà nhận thấy nếu nuôi trâu vỗ béo theo hình thức bán chăn thả sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Với suy nghĩ đó, từ năm 2013, anh Hà đã đầu tư xây dựng 4 dãy chuồng trại kiên cố và bắt đầu mua 6 con trâu giống về nuôi.
Để chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho đàn trâu, anh Hà đã phát triển trồng gần 1,0 ha cỏ voi trên vùng đồi của gia đình. Sau hơn một năm anh Hà bán 6 con trâu và lãi được gần 120 triệu đồng. Từ tiền lãi do nuôi trâu mang lại, anh Hà tiếp tục mở rộng qui mô phát triển nuôi trâu vỗ béo. Từ năm 2016 đến nay, trong gia trại nuôi trâu vỗ béo của gia đình anh Hà thường nuôi duy trì từ 17 đến 20 con trâu.
Anh Lý Đức Hà bên một dãy chuồng nuôi trâu vỗ béo của gia đình
Anh Hà cho biết: Nếu biết chăn nuôi thì nghề nuôi trâu vỗ béo sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Muốn nuôi trâu vỗ béo thành công thì người chăn nuôi phải có hiểu biết nhất định về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc như vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ và tiêm phòng các loại vacxin....
Ngoài ra, để nuôi trâu vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao thì người nuôi nên tìm mua và vỗ béo các loại trâu đực có độ tuổi dưới 3 năm vì nếu nuôi vỗ béo trâu già sẽ cho hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, nghề nuôi trâu vỗ béo cũng cần phải biết con trâu nào có hiện tượng bị nhiễm giun sán để có biện pháp tẩy giun sán kịp thời thì trâu mới lớn nhanh và cho năng suất thịt cao.
Bên cạnh đó, trước khi bán ra ngoài thị trường từ 4 - 5 tháng, ngoài thức ăn thô xanh cần cho trâu ăn bổ sung thêm thức ăn tinh như bột ngô, cám gạo có pha thêm nước muối loãng...
Được biết, ngoài chăn nuôi trâu vỗ béo nhốt chuống, trong một tuần, anh Hà thường cho đàn trâu đi ra các vườn đồi của gia đình từ 3 đến 4 lần để tự kiếm ăn. Đây chính là kỹ thuật để cho trâu tự vận động nhằm giảm thiểu bệnh tật và tăng sức đề kháng với ngoại cảnh.
Với kỹ thuật nuôi trâu vỗ béo khoa học nên đàn trâu của anh Hà thường lớn nhanh, cho năng suất thịt cao và bán được giá cao, có con bán được trên 55 triệu đồng. Trong một năm, anh Hà thường bán trâu thành nhiều đợt và mua trâu đực gầy yếu về nuôi vỗ béo bổ sung.
Khi được hỏi về thu nhập, anh Hà cho biết: Trong một năm gia đình bán ra thị trường từ 8 đến 10 con trâu, bình quân mỗi con bán được từ 40 - 50 triệu đồng và tổng thu nhập đạt từ 400 - 450 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi trên 250 triệu đồng mỗi năm.
Với những thành tích đạt được trong làm kinh tế từ nghề nuôi vỗ béo trâu, gia đình anh Lý Đức Hà đã được Hội Nông dân và UBND huyện Xín Mần biểu dương và tặng nhiều giấy khen từ năm 2016 đến nay. Ngoài ra, mô hình nuôi trâu vỗ béo của gia đình anh Hà còn là điểm tham quan học tập của các đoàn nông dân, cựu chiến binh, các cấp hội phụ nữ... trong và ngoài tỉnh Hà Giang trong những năm qua.
Theo Danviet
Nuôi "nhân sâm nước" trên hồ thủy điện, bắt 1,8 tấn, bán 330 ngàn/ký Anh Nguyễn Thức Hoàng quyết định đưa loài cá chạch lấu ở miền Tây được ví như "nhân sâm nước" về nuôi trong lồng ở lòng hồ thủy điện Sông Hinh (Phú Yên). Sau 9 tháng nuôi, anh Hoàng kéo lưới bắt được 1,8 tấn cá chạch lấu bán với giá 330.000 đồng/ký, trừ chi phí còn lời 350 triệu đồng... Chạch lấu...