Ông Trương Gia Bình: Trường dạy 1.000 trẻ mồ côi theo mô hình thiếu sinh quân
Chúng tôi cam kết nhận 1.000 em mất cha mẹ và đào tạo liên tục trong 20 năm tới. Trường học sẽ được xây dựng theo mô hình thiếu sinh quân, giúp các em hòa đồng với các bạn, rèn luyện kỷ luật…, ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Hệ thống trường học FPT tại Đà Nẵng – Ảnh: FPT
Chiều 17-9, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về ý tưởng FPT xây dựng trường nuôi dạy 1.000 trẻ mồ côi do COVID-19, ông Trương Gia Bình – chủ tịch HĐQT Công ty FPT – cho biết: “Chúng tôi thấy đây là việc nên làm và có thể làm. COVID-19 đang gây ra nhiều tang thương và xáo trộn cho hàng triệu người, hàng nghìn gia đình và cho cả đất nước. Và đau thương hơn nữa là hàng nghìn em nhỏ mất cha, mất mẹ”.
Ông Bình nói: “FPT mong muốn tạo ra một môi trường để các em được học tập, rèn luyện, giúp đỡ các em trưởng thành, biến đau thương thành sức mạnh trở thành người có ích cho xã hội và chinh phục những đỉnh cao.
Nhưng thực ra ở đây cũng có một chút lý do cá nhân. Hồi máy bay Mỹ ném bom miền Bắc trong chiến tranh, tôi mới 8 tuổi, rời gia đình về nông thôn. Tôi nhớ mãi đó là thời kỳ của đói rét, của những đêm không ngủ được vì nhớ cha mẹ. Nhưng đó lại là những năm giúp tôi trưởng thành nhanh chóng, rèn giũa tính tự lập, là nền móng để trưởng thành về sau”.
* Ý tưởng nuôi dạy 1.000 trẻ mồ côi vì COVID-19 khi nào sẽ được FPT bắt đầu triển khai thực hiện, thưa ông?
- Chúng tôi cam kết nhận 1.000 em mất cha mẹ và đào tạo liên tục trong 20 năm tới, chi phí mỗi năm dự kiến 80 tỉ đồng. Sau 24 giờ kể từ khi lên ý tưởng, chúng tôi đang cấp tập bàn thảo cách thức triển khai, vận hành, chương trình giảng dạy… để có thể sớm đi vào hoạt động. Chúng tôi cam kết giúp các em học tập theo chương trình phổ thông, đại học FPT và học lên cao hơn nếu có nguyện vọng.
Trong quá trình đào tạo đó, chúng tôi muốn giúp các em phát huy mọi khả năng của mình. Nếu các em giỏi công nghệ thì đi theo con đường công nghệ, giỏi nghệ thuật đi theo con đường nghệ thuật, giỏi khoa học thì làm khoa học.
May mắn FPT có những người bạn lớn, học giả hàng đầu về khoa học, nghệ thuật bên cạnh công nghệ. Chúng tôi sẽ mời họ chung tay đào tạo các em.
* Tại sao FPT chọn Đà Nẵng thực hiện ý tưởng này mà không chọn các tỉnh thành khác khi FPT đều có cơ sở đào tạo? Hiện tại cơ sở vật chất phục vụ cho việc nuôi dạy 1.000 trẻ ở Đà Nẵng ra sao, đã có những gì, cần đầu tư thêm những gì?
- Trước mắt tại FPT City Đà Nẵng là nơi chúng tôi đã có gần như đầy đủ cơ sở vật chất không chỉ học mà còn ăn ở để có thể hỗ trợ các em sớm nhất có thể.
Video đang HOT
Trường học sẽ được xây dựng theo mô hình thiếu sinh quân. Đây là mô hình rất thú vị, giúp các em hòa đồng với các bạn, rèn luyện kỷ luật, dành nhiều thời gian học hành, phát triển, trở thành những người tài quay lại phục vụ quê hương đất nước.
Về việc chăm sóc, dạy dỗ, tư vấn cho các em chắc chắn sẽ phải có nhiều người làm, nhiều người cùng chung tay. Cá nhân tôi chắc chắn cũng sẽ dành nhiều thời gian cho trường, cho các em. Trước hết về chương trình giảng dạy để các em phát triển thành người tài cho xã hội, tài năng về mọi lĩnh vực sẽ do tôi cùng đội ngũ thiết kế.
Tôi từng là nhà khoa học, dù sau chuyển sang làm doanh nhân nhưng niềm tin về sức mạnh giáo dục, khoa học giúp quốc gia hưng thịnh luôn xuyên suốt. Bên cạnh đó tôi cũng muốn là người bạn, rồi là người thầy chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho các em. Cuối cùng là người chăm lo cho các em.
Với cá nhân tôi, đây cũng là sự trả lại cho đời. Tôi đã nhận được nhiều yêu thương và muốn trả lại bằng hình thức yêu thương.
Ngành giáo dục Đà Nẵng sẵn sàng hỗ trợ
Bà Lê Thị Bích Thuận – giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng – cho biết hiện đối với học sinh mồ côi, hoàn cảnh khó khăn thì các trường, các quận, huyện đều có phương án hỗ trợ, giúp đỡ các em theo từng trường hợp.
Về ý tưởng của FPT sẽ xây trường nuôi dạy 1.000 em mồ côi do COVID-19, bà Thuận chia sẻ sở luôn sẵn sàng hỗ trợ các công việc liên quan đến chức năng của ngành, tuyển dụng giáo viên.
Tại Đà Nẵng, hệ thống giáo dục liên cấp từ tiểu học lên đến đại học của FPT được xây dựng tại khu đô thị nằm ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn). Trong đó Trường tiểu học và THCS FPT ( FPT Schools) tọa lạc ở Khu đô thị công nghệ FPT.
Cách đó không xa là trường THPT nằm trong khuôn viên Đại học FPT Đà Nẵng. Ngôi trường này cũng có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thân thiện cho học sinh. Các lớp học tại đây có diện tích 50m2/phòng, bố trí tối đa 30 học sinh/ lớp. Có đầy đủ hệ thống điều hòa, WiFi, thư viện… Có không gian nghệ thuật – học thuật phức hợp ở khu giảng đường.
Trường này cũng có khu ký túc xá. Đại học FPT Đà Nẵng cũng nằm trong quần thể các trường học tại khu vực này.
Ông Trương Gia Bình là ai? người mở trường nuôi dưỡng miễn phí cho 1.000 trẻ mồ côi cha mẹ bởi Covid-19
Ông Trương Gia Bình là người từng có đường học vấn vô cùng đáng nể trước khi cùng các anh em đặt nền móng, sáng lập nên FPT.
Mới đây, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình công bố thành lập trường và chu cấp toàn bộ việc nuôi dưỡng, đào tạo 1.000 em nhỏ mất cha, mẹ vì COVID-19.
Ông Trương Gia Bình là ai?
Theo ông Trương Gia Bình, dịch COVID-19 đang gây ra nhiều tang thương và xáo trộn cho đất nước. Hàng nghìn người chết, hàng chục nghìn doanh nghiệp đóng cửa, hàng triệu người lao động mất việc. Đau thương hơn nữa là hàng nghìn em nhỏ mất cha, mất mẹ.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch FPT - ông Trương Gia Bình đã quyết định mở trường nuôi dạy 1.000 trẻ nhỏ mất cha mẹ bởi dịch Covid-19 đến khi khôn lớn. Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT cam kết sẽ nhận 1.000 em mất cha mẹ và đào tạo liên tục trong 20 năm tới, chi phí mỗi năm 80 tỷ đồng.
Theo đó, trường học được xây dựng theo mô hình thiếu sinh quân. FPT City Đà Nẵng sẽ là nơi đào tạo từ lớp 1 đến 12 và cả Đại học. Trường sẽ chu cấp toàn bộ việc nuôi dưỡng, đào tạo các em cho đến khi khôn lớn. Nếu em nào có nguyện vọng học cao lên nữa, trường sẽ hỗ trợ.
Ông Trương Gia Bình nổi tiếng là một doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin
Ông Trương Gia Bình là ai?
Ông Trương Gia Bình sinh năm 1956 tại Nghệ An. Lên 2 tuổi, ông cùng gia đình chuyển vào Hà Nội sinh sống. Ông là cựu học sinh lớp chuyên Toán của ngôi trường Chu Văn An nổi tiếng. Sau đó, ông thi đỗ vào khoa Toán cơ, Đại học Tổng hợp Hà Nội và đã tốt nghiệp.
Nhờ sự vượt trội của mình mà ông giành được học bổng du học tại Nga. Năm 1979, ông nhận được tấm bằng Cử nhân Toán của ĐH Tổng họp Lomonosov. Tiếp tục, năm 1982, ông nhận được bằng Tiến sĩ Toán Lý cũng của ngôi trường này. 1 năm sau, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ tại ĐH Tổng hợp Moscow.
Thời điểm năm 1982, ông Trương Gia Bình quyết định về nước và làm việc tại Viện Cơ học thuộc Viện khoa học Việt Nam. Ông có 2 năm sau đó làm nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện toán học Steclov, viện Hàn Lâm khoa học Xô Viết, Nga.
Năm 1989, ông trở thành nghiên cứu viên tại Viện Max-Plant tại Gottinggen, CHLB Đức. Ông Trương Gia Bình được nhà nước phong tặng danh hiệu Phó giáo sư năm 1991. Từ năm 1995, ông Bình giữ chức chủ nhiệm Khoa Quản trị kinh doanh-HSB, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Năm 1988, 6 năm sau ngày về nước, ông Trương Gia Bình cùng các cộng sự của mình sáng lập nên nền móng cho FPT ngày nay, đó là công ty Công nghệ Thực phẩm với số tiền vay mượn từ GS. Vũ Đình Cự.
Đến năm 1995, tin học ngày càng được chú ý, do đó, ông quyết định chuyển hướng để phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghệ. Năm 2002, công ty của ông chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT.
Dưới sự dẫn dắt của 65 tuổi người Quảng Nam, FPT đang ngày càng lớn mạnh với 7 công ty con và 2 công ty liên kết.
Ông Trương Gia Bình giàu cỡ nào?
Doanh nhân 65 tuổi người Quảng Nam đang nắm giữ hàng loạt vị trí quan trọng ở những doanh nghiệp hàng đầu cả nước bao gồm Chủ tịch HĐQT & Thành viên Hội đồng sáng lập CTCP FPT; Thành viên HĐQT CTCP Viễn thông FPT và Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Giáo dục FPT và Thành viên HĐQT Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
Về tài sản cá nhân, ông Trương Gia Bình cũng đang trực tiếp sở hữu gần 64 triệu cổ phiếu của tập đoàn FPT, tương đương khối tài sản trị giá hơn 6.000 tỷ đồng. Với khối tài sản này, ông Trương Gia Bình đứng trong Top 30 những người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán.
Dưới sự dẫn dắt của ông Trương Gia Bình, FPT cũng đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong 8 tháng đầu năm 2021.
Chỉ tính riêng trong tháng 8/2021, FPT có doanh thu đạt 2.840 tỷ đồng, tăng 20,2% và lợi nhuận sau thuế 480 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, FPT đạt doanh thu 21.842 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4.005 tỷ đồng, tăng 19,2% và 19,8% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 102% và 104% kế hoạch đề ra.
Theo số liệu được FPT công bố, trong 8 tháng đầu năm, doanh thu ký mới của mảng Công nghệ đạt 16.095 tỷ đồng, tăng trưởng 38,2%. Trong đó, doanh thu ký mới của thị trường nước ngoài đạt 11.930 tỷ đồng, tăng trưởng 38,5%.
Doanh thu và lợi nhuận trước thuế Dịch vụ công nghệ thông tin trong nước đạt 3.362 tỷ đồng và 335 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 41,9% và 118,2%. Doanh thu Dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài tăng 17,2%, trong đó doanh thu từ thị trường Mỹ tăng 49%.
Doanh thu Chuyển đổi số cũng tăng tốc đạt mức tăng trưởng 45,1% nhờ đà tăng từ các công nghệ AI/Phân tích dữ liệu, Điện toán đám mây và Low code.
Hơn 1.500 trẻ mồ côi vì dịch COVID-19 ở TP.HCM là vấn đề 'y tế khẩn cấp' Theo thống kê trong vài tháng trở lại đây tại TP.HCM, dịch COVID-19 đã khiến hơn 1.500 trẻ rơi vào cảnh mồ côi. Làm sao để giúp trẻ vượt qua cú sốc tâm lý, tránh tổn thương tinh thần cho trẻ? Anh Thạch Ủ (quận Tân Phú, TP.HCM), làm thợ hồ bị mất việc từ nhiều tháng qua, cùng các con đi nhận...